CPU, GPU có nguy cơ tăng giá do nhà máy gia công bóng bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC dự định tăng chi phí sản xuất.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) được cho là vừa mới thông báo với các khách hàng về việc chuẩn bị tăng chi phí sản xuất chip một cách đáng kể. TSMC là hãng gia công bóng bán dẫn lớn nhất thế giới, và họ sẽ tăng chi phí sản xuất đối với hầu hết tiến trình tiên tiến và phổ biến hiện nay nhằm cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp (gross margin). Kéo theo đó là giá thành của những con chip như CPU, GPU, SoC, bộ xử lý (controller) sẽ tăng cao.

Theo nhiều nguồn tin, TSMC dự định tăng chi phí sản xuất tấm wafer 7 nm và những tiến trình xịn hơn lên đến 10%. Còn những tấm wafer tiến trình 16 nm hoặc cũ hơn thì sẽ tăng giá 20% đối với những đơn hàng từ tháng 12/2021. Như những nhà máy khác, TSMC không công khai bảng báo giá của họ, nhưng có nguồn tin cho biết TSMC đang lên kế hoạch tăng giá 1 tấm wafer 28 nm lên đến gần 3000 USD bắt đầu từ tháng 1.

CPU tăng giá

Tiến trình N5 và N7 của TSMC chiếm 49% trong doanh thu 13,29 tỷ USD của công ty hồi Quý II/2021. Vì thế cho nên nếu tăng chi phí của những tiến trình này thêm 10% thì TSMC có thể thu về thêm 600 triệu USD tiền doanh thu trong Quý I/2022. Tiến trình N16 và N28 của TSMC cũng chiếm đến 25% doanh thu của công ty trong Quý II/2021, cho nên tăng chi phí của những tiến trình này cũng sẽ giúp công ty thu về thêm kha khá. Tổng lại, TSMC có thể tăng doanh thu đến hơn 1 tỷ USD.

Vần đề còn lại ở đây là chúng ta chưa biết chi phí tăng thì sẽ ảnh hưởng đến giá thành của phần cứng như thế nào. Apple bán những mặt hàng xa xỉ nên tăng chi phí sản xuất chip thêm 10% sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến bảng cân đối kế toán của công ty. Trong khi đó, các hãng như AMD, Qualcomm đều bán chip và con số 10% kia sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả tài chính, hoặc là họ buộc phải tăng giá sản phẩm.

CPU tăng giá

Nhu cầu mua chip đang tăng cao đạt mức kỷ lục trong những Quý vừa qua, buộc các hãng gia công bóng bán dẫn phải tăng sản lượng để kịp hoàn tất đơn hàng cho các đối tác. Điều này có nghĩa là sản xuất nhiều hơn, ít bảo trì lại, làm tăng rủi ro và giảm tuổi thọ của máy móc. Thế nên các nhà sản xuất chip phải tăng giá để bù lại cho những nguy cơ hỏng hóc đó. Còn đối với những công ty đầu tư mạnh vào việc tăng sản lượng như TSMC thì việc tăng giá sẽ giúp cải thiện lợi nhuận.

TSMC cũng không phải là bên duy nhất tăng chi phí sản xuất chip trong thời gian gần đây. GlobalFoundries, Powerchip Semiconductor Manufacturing (PSMC), Semiconductor Manufacturing International (SMIC), United Microelectronics (UMC) đều đã tăng giá thành do nhu cầu thị trường quá lớn.

Tóm tắt ý chính:

  • TSMC được cho là sắp tăng chi phí sản xuất của hầu hết tiến trình hiện nay nhằm cải thiện lợi nhuận
  • Điều này có thể khiến giá thành của CPU, GPU, SoC, bộ xử lý tăng cao
  • TSMC dự định tăng chi phí sản xuất tấm wafer 7 nm và những tiến trình xịn hơn lên đến 10%
  • Những tấm wafer tiến trình 16 nm hoặc cũ hơn thì sẽ tăng giá 20%
  • Tổng lại, TSMC có thể tăng doanh thu đến hơn 1 tỷ USD
  • Ngoài TSMC, các nhà máy như GlobalFoundries, PSMC, SMIC, UMC cũng đã tăng giá do nhu cầu thị trường quá cao

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: tom’s HARDWARE


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360