Vốn dĩ dân PC đã chai mặt với việc thanh Start Menu nằm ở cạnh đáy màn hình rồi, nhưng tại sao nó lại nằm ở đó nhỉ? Cùng GVN 360 tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Có thể nói từ thuở mới mày mò sử dụng PC Windows thì nhiều bạn đã dần quen luôn với việc thanh Taskbar và nút Start Menu mặc đĩnh nằm ở cạnh đáy của màn hình. Nhưng rốt cuộc thì tại sao nó lại nằm ở đó ngay từ đầu nhỉ? Đồng ý là các chúng ta có thể tùy ý di chuyển thanh Taskbar sang 3 cạnh còn lại của màn hình, nhưng hầu hết trường hợp thì người dùng Windows vẫn để nó nằm ở cạnh đáy như mặc định. Có lẽ nào do đặt thanh Taskbar ở cạnh đáy tốt hơn những cạnh còn lại không nhỉ? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nguyên nhân sâu xa nhé.

Nguồn gốc của thanh Start Menu

Hồi trước khi có Windows 95, những phiên bản Windows legacy có hỗ trợ thu nhỏ (minimize) ứng dụng thành các biểu tượng (icon) nằm trên một khu vực ở cạnh đáy màn hình giống như là thanh Taskbar. Dù vậy, ngay cả lúc phát triển Windows 95 (phiên bản Windows đầu tiên có thanh Taskbar mà chúng ta vẫn còn đang dùng hiện nay) thì các nhà phát triển tại Microsoft vẫn chưa thật sự “chốt kèo” là sẽ đặt thanh Taskbar ở cạnh đáy màn hình.

Start Menu

Thậm chí, một trong những nhóm phát triển lúc đó có đề xuất ý tưởng về thanh Taskbar nhìn khá là giống với các tab của trình duyệt web mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Thay vì có một thanh chứa các nút lệnh nằm ở cạnh đáy màn hình thì bạn sẽ có các tab nằm ở cạnh phía trên; mỗi tab sẽ cho phép bạn mở một cửa sổ đang chạy, hoặc là khởi động một chương trình nào đó.

Tính năng này tốt hơn rất nhiều so với hệ thống của các phiên bản Windows trước đó. Lúc đó, bạn không có cách để xem những cửa sổ nào đang mở một cách nhanh chóng. Do đó, nhiều người cứ liên tục mở nhiều cửa sổ của cùng 1 ứng dụng thay vì là mở lại cửa sổ đang chạy, từ đó khiến máy tính chạy chậm hay thậm chí là bị crash luôn.

Thanh Start Menu được dời từ cạnh trên xuống cạnh đáy màn hình

Tuy nhiên, có một số vấn đề lớn xảy ra khi đặt thanh Taskbar ở cạnh trên của màn hình. Đầu tiên là có kha khá phần mềm không tương thích tốt khi nằm ở cạnh trên của màn hình. Các pixel trên màn hình máy tính được sắp xếp bằng hệ thống tọa độ, với pixel đầu tiên nằm ở góc trái trên cùng và nó có tọa độ là (0,0).

Vấn đề xảy ra khi có rất nhiều phần mềm nghĩ rằng đó chính là nơi bắt đầu của phần diện tích trên màn hình mà nó có thể xài được. Thế là phần nội dung của ứng dụng sẽ hiện ngay từ chỗ tọa độ (0,0). Hậu quả là thanh taskbar ở cạnh trên sẽ nằm đè lên nó, che mất một phần nội dung. Các nhà phát triển không có cách sửa triệt để nên họ đã dời thanh Taskbar xuống cạnh đáy màn hình.

Sự ra đời của nút Start

Bây giờ đến phần vì sao nút Start lại xuất hiện trên thanh menu Taskbar nè. Không gian hiển thị là một trong những vấn đề quan trọng khi phát triển Windows 95. Lý do là vì nhiều màn hình máy tính lúc đó có độ phân giải khá thấp, đặc biệt phổ biến là 640×480. Điều này dẫn đến một số quyết định trong khâu thiết kế, chẳng hạn như biểu tượng nút nhỏ hơn so với các tab như trong thiết kế ban đầu, đặt nút Start trên thanh Taskbar để hợp nhất các chi tiết đồ họa và giúp tối ưu hóa không gian hiển thị của giao diện người dùng.

Start Menu

Việc đặt nút Start ở đó cũng khá là hợp lý vì một số lý do khác. Một trong những vấn đề mà đội ngũ phát triển phải đối mặt là giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thứ mà họ cần tìm, bất kể là phần mềm đang chạy hay là thứ khác. Ứng dụng quản lý phần mềm (program manager) hồi Windows 3.1 hay bị phàn nàn vì khó điều khiển, đến nỗi một trong những nhà phát triển chia sẻ rằng có một nhà khoa học tên lửa Boeing đã phải loay hoay suốt 20 phút đồng hồ chỉ để mở ứng dụng soạn thảo văn bản.

Thế nên Microsoft quyết định sẽ dùng 1 nút như là cánh cửa dẫn đến tất cả các thứ đang có trong hệ thống, bao gồm ứng dụng, tập tin và các thiết lập. Ban đầu, nút này có tên là “System”, nhưng theo Microsoft nghiên cứu thì không mấy ai thích bấm vào nút đó vì nghe nó “kỹ thuật” quá. Vậy là đội ngũ phát triển đã đổi tên nút đó thành “Start”, và còn phần còn lại là thuộc về lịch sử các bạn ạ. Chỉ hi vọng là Microsoft không chơi một cú như đợt hồi Windows 8 thôi.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360