Do công nghệ hay là do cảm giác?

Chuyện tai nghe chống ồn gây khó chịu khi đeo cũng không phải là trường hợp hiếm gặp. Cái cảm giác đó tựa tựa như có “sức ép” bên trong tai tạo cảm giác đau đầu cho người đeo. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là bộ não đang đánh lừa chúng ta mà thôi, và trước khi lý giải tại sao thì các bạn hãy cùng mình đi tìm hiểu nguyên lý hoạt động của tai nghe chống ồn chủ động trước nhé.

Tai nghe chống ồn chủ động “lắng nghe” tạp âm và loại bỏ chúng

Giống như ánh sáng, âm thanh cũng được truyền đi trong không khí dưới dạng sóng (wave). Chỉ có điều âm thanh là một dạng “sóng tạo áp lực” (pressure wave) và có thể đi xuyên qua bức tường, nước hoặc một chiếc tai nghe bằng nhựa. Đặc biệt là các âm thanh tần số thấp như tiếng bass của trống lại càng rất dễ đi qua các vật thể rắn này, nhưng đối với âm thanh tần số cao như tiếng rè rè của TV CRT thì ngược lại.

Cũng chính vì âm thanh tần số thấp rất dễ đi xuyên qua vật thể nên các tai nghe chống ồn chủ động sẽ có nhiệm vụ là loại bỏ những âm thanh này đi bằng cách theo dõi âm thanh trong môi trường xung quanh bằng một chiếc micro tích hợp. Tiếp theo là xác định tần số của những âm thanh như đã đề cập ở trên, sau đó phát ra một sóng âm thanh khác để triệt hạ tạp âm đi. 

Nói đơn giản thì tai nghe chống ồn sẽ phát ra một sóng âm thanh đối nghịch với âm thanh mà nó đang muốn loại bỏ. Sóng âm thanh đối nghịch sẽ có cùng tần số với tạp âm nhưng sẽ trái cực (reversed polarity). Khi hai âm thanh có cực trái ngược gặp nhau thì chúng sẽ loại bỏ lẫn nhau, vậy là xong.

Tại sao tai của chúng ta lại cảm thấy có “áp lực” khi đi lên máy bay?

Một số người diễn tả cảm giác mà tai nghe chống ồn gây ra tựa như có một lực gì đó đang áp vào tai, giống như khi áp suất không khí thay đổi trên máy bay hoặc khi chúng ta lặn sâu xuống biển.

Cái cảm giác “áp lực” này được tạo từ sự chênh lệch giữa áp suất không khí bên trong tai với áp suất không khí bên ngoài môi trường. Khi bạn đang đứng ở một nơi cao, không khí sẽ muốn thoát ra khỏi tai của bạn, còn khi đứng ở nơi thấp thì không khí sẽ đi ngược vào tai. Và khi bạn bít mũi lại rồi thở mạnh ra bằng mũi sẽ giúp cân bằng lại áp suất không khí trong tai với áp suất không khí ngoài môi trường, từ đó xua tan cảm giác bị “áp lực”.

Tai nghe chống ồn không tạo áp lực cho tai của bạn!

Não của bạn không chỉ dựa vào các cơn đau tai hay đau đầu bình thường để nhận biết áp suất không khí bị thay đổi mà nó còn dựa vào sự rung động của tai giữa. 

Khi bạn mới bước lên máy bay thì tai của bạn sẽ có mật độ không khí nhiều hơn so với môi trường xung quanh và kết quả là phần bên trong tai của bạn giống như một quả bong bóng vậy, nó phải chịu nhiều áp lực và tai giữa sẽ không rung nhiều. Điều này dẫn tới việc giảm thính lực tần số thấp (low-frequency hearing) nên não của bạn sẽ có xu hướng hoạt động theo kiểu giả định rằng việc mất thính giác tần số thấp này là do sự thay đổi áp suất không khí. Đây cũng chính là lý do mà khi bạn bịt mũi và thở mạnh ra sẽ giúp bạn nghe rõ hơn khi đang ở trên máy bay.

Bạn còn nhớ vụ tai nghe chống ồn có nhiệm vụ loại bỏ các âm thanh có tần số số thấp xung quanh bạn chứ? Việc này đôi khi khiến cho bộ não của một số người cảm nhận rằng đang có sự thay đổi áp suất không khí xảy ra. Đương nhiên là não của những người đó không cảm thấy khó chịu hay đau đầu gì cả cho nên não mới bắt đầu tự mô phỏng những cảm giác đó để thúc đẩy họ mau mau bịt mũi lại thở mạnh ra để cân bằng áp suất không khí trong tai. Bởi vì việc bóp mũi thở không giúp giải quyết được vấn đề thiếu âm thanh tần số thấp xung quanh bạn nên cảm giác khó chịu vẫn tiếp tục cho tới khi họ tháo tai nghe ra.

Nguồn: howtogeek

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360