Tật cận thị đang tăng một cách nhanh chóng, và nguyên nhân thì có tới tận 2 cái.

Hẳn các bạn để ý cũng thấy bây giờ có rất nhiều người đeo kính thuốc, không chỉ người già đeo kính lão mà rất nhiều bạn trẻ bây giờ cũng đeo kính cận. Thực chất, trong nhiều năm qua, tỷ lệ cận thị đã tăng rất nhanh. Năm 2014, tỷ lệ cận thị ở Việt Nam là 20,5%, đến năm 2017 thì con số này đã tăng thành 24,6%. Trong đó, cận thị chiếm tới 96,5%.

Tật cận thị tiến triển nhanh ở tuổi từ 5 đến 15 tuổi, trung bình cứ mỗi năm là tăng từ -0,75 D đến -1,00 D. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì theo ước tính đến năm 2050, phân nửa dân số thế giới (tầm 4,8 tỷ người) sẽ bị cận thị. Nguyên do vì sao chúng ta lại bị cận thị nhiều như thế này? Mời các bạn cùng GVN 360 đi tìm câu trả lời nhé.

Cận thị có thể là do di truyền, nhưng đó chưa phải là tất cả

Hồi trước, các nhà nghiên cứu cho rằng chuyện bạn cần đeo kính hay không chỉ là do yếu tố di truyền mà thôi. Thật ra thì nó cũng đúng chứ không sai: nếu bạn có cha hoặc mẹ bị cận thị thì xác suất bạn bị cận thị sẽ tăng gấp đôi, còn nếu cả cha lẫn mẹ đều bị thì xác suất bạn bị cận thị lúc này lên đến 5 lần. Tuy nhiên, gen di truyền của con người không thay đổi nhanh đến như vậy. Việc tỷ lệ cận thị tăng nhanh một cách chóng mặt cho thấy nguyên nhân bắt nguồn từ môi trường xung quanh, hay chính xác hơn là thói quen sinh hoạt hằng ngày đã khiến chúng ta càng ngày càng khó nhìn những thứ ở xa.

Hầu hết chúng ta đều được sinh ra với con mắt có đường kính rất ngắn. Với hình thù này, mắt chúng ta sẽ bị viễn thị. Nhưng khi chúng ta lớn lên, con mắt cũng phát triển theo, dần dần trở thành hình cầu tròn trĩnh. Điều này giúp chúng ta nhìn thế giới xung quanh một cách nét căng đét. Tuy nhiên, đôi lúc con mắt cứ tiếp tục phát triển khiến nó dài ra thành hình bầu dục, gây ra tật cận thị. Tật cận thị sẽ kéo dài suốt đời, cho nên nếu bạn bị cận thị thì mắt của bạn sẽ không thể nào tự giảm độ cận được. Vậy thì điều gì đã khiến cặp mắt của chúng ta phát triển dài hơn bình thường?

Hai nguyên nhân khiến chúng ta bị cận thị

Theo nghiên cứu, nguyên nhân bắt nguồn từ cách chúng ta sinh hoạt hồi còn nhỏ và khi bắt đầu trưởng thành. Đó là lúc đôi mắt phát triển nhanh nhất, và cũng là lúc tật cận thị bắt đầu xuất hiện cho đến khi nó ổn định. Dù vậy, nếu bạn bắt đôi mắt làm việc quá sức thì nó cũng có thể xuất hiện ở độ tuổi sau này.

cận thị

Có 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm thời gian mà chúng ta dùng đôi mắt để nhìn những thứ ở gần, và thời gian mà chúng ta ở trong nhà. Đối với một đôi mắt khỏe mạnh, các bó cơ sẽ phải ép lại để hình ảnh ở gần hội tụ đúng ngay trên võng mạc. Vì thế cho nên các chuyên gia đã cho rằng nếu bạn nhìn gần quá nhiều, khiến mắt bị mỏi, thì nó sẽ phát triển dài ra để bớt mỏi.

cận thị

Nguyên nhân thứ nhì là thời gian ở trong nhà. Việc con mắt tiếp xúc với ánh sáng mạnh ngoài trời sẽ kích thích sự sản sinh ra dopamine trong võng mạc. Dopamine là chất điều tiết sự phát triển của mắt, và nếu không có đủ dopamine (ở trong nhà quá nhiều) thì con mắt sẽ không biết khi nào nên ngừng phát triển. Ánh sáng của mặt trời có thể lên tới 100.000 lux vào ngày nắng rực, còn trong nhà thì ánh sáng chỉ tầm 200-300 lux mà thôi.

cận thị

Nhưng do sự phổ biến của các thiết bị điện tử, cộng với việc trẻ em phải đi học nhiều, các chuyên gia cho rằng mấy bạn trẻ ngày nay vừa ít ra ngoài trời, vừa phải nhìn những thứ ở gần trong thời gian dài. Hệ quả rõ nhất mà chúng ta có thể thấy đó là tỷ lệ cận thị đặc biệt cao và tăng nhanh tại các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc.

Tật cận thị có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng sau này

cận thị

Việc phải đeo kính để nhìn rõ những vật xung quanh đúng là rất bất tiện đó, nhưng cái con mắt hình bầu dục kia còn có thể gây ra hệ quả lâu dài đó. Theo Mark Bullimore – Giáo sư tại Đại học Houston, khi sinh ra, chúng ra sẽ có 1 số lượng mô (tissue) nhất định dùng để tạo ra các lớp bao bọc lấy con mắt. Khi nó bị kéo dài quá mức thì cấu trúc này sẽ phải chịu thêm áp lực, khiến nó có nguy cơ bị vỡ rồi bong ra, kiểu như là lớp sơn cũ vậy. Mắt càng bị kéo dài thì nguy cơ bị những bệnh như thoái hóa điểm vàng, bong võng mạc, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể càng cao.

Cách phòng ngừa và chữa trị tật cận thị

Trẻ em bị cận thị càng sớm thì càng dễ dẫn đến những trường hợp nghiêm trọng sau này. Chính vì thế nên chúng ta cần can thiệp càng sớm càng tốt. Để phòng ngừa, cách đơn giản nhất và hữu hiệu nhất đó chính là để trẻ em vui chơi ngoài trời nhiều hơn. Còn đối với những ai mới bị cận thị thì có vài cách để chữa trị:

  • Mắt kính đa tròng: nó khiến tầm nhìn ngoại vi (peripheral vision) trở nền mờ nhòe một cách có chủ đích nhằm làm chậm quá trình cận thị
  • Kính áp tròng Ortho-K (Orthokeratology): bạn sẽ đeo kính áp tròng cứng được thiết kế đặc biệt nhằm tạm thời định hình lại giác mạc (chỉ đeo vào ban đêm, khi đi ngủ) giúp cải thiện thị lực để nhìn xa vào ban ngày
  • Thuốc nhỏ mắt Atropin: với liều lượng ít, nó sẽ tạm thời làm tê liệt các bó cơ để tật cận thị phát triển chậm dần

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về tật cận thị, cũng như là cách chữa trị. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Vox


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360