Trước khi loài người biết đến nguyên lý phản lực thì loài mực đã ứng dụng nó thành công để tung hoành trên khắp các đại dương từ hàng trăm triệu năm trước rồi. Chúng hoàn toàn có thể xem là những “động cơ phản lực” của thế giới tự nhiên. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách thức di chuyển đặc biệt của loài mực. Hy vọng ràng các bạn sẽ thấy thích.

Cơ thể con mực cấu tạo như một khối động cơ phản lực

Các loài mực đều có 2 cái vây, chúng giúp mực di chuyển linh hoạt, tiến lùi và xoay trở. Tuy nhiên 2 cái vây này chỉ có thể giúp mực di chuyển chậm, điển hình như lúc tìm hiểu môi trường sống và lượn lờ tìm mồi xơi thôi. Lúc cần di chuyển đường dài hay bứt tốc để trốn thoát khỏi kẻ thù thì chúng sẽ cần đến sự hỗ trợ của cơ chế phản lực để phóng nhanh hơn.

Mỗi bên đầu của mực có 1 khe hút nước, bên dưới đầu của nó thì có một cái ống nhỏ, gọi là ống siphon, đóng vai trò như cái loa phụt của động cơ phản lực. Mực sẽ hút nước vào thông qua 2 khe hút nước và xả nước qua ống siphon này.

Ống siphon

Phần thân của con mực ngoại trừ mớ cơ quan nội tạng ra thì toàn là cơ bắp cả. Khi đống cơ bắp này dãn ra, nước sẽ được hút vào cơ thể con mực thông qua 2 khe hút nước. Khi đống cơ bóp lại thì con mực sẽ tống một luồng nước ra ngoài với tốc độ cao thông qua ống siphon. Luồng nước đi về phía sau và cơ thể con mực tiến lên phía trước, như một cái bong bóng xì hơi vậy. Đây chính là cách bơi bằng cơ chế phản lực của con mực.

Hút nước
Bóp mạnh
Xả nước

Bạn nào từng vớt con mực còn sống lên sẽ thấy nó có thể phun nước đi khá xa, phun hết nước rồi thì nó sẽ kêu “phẹt phẹt” như bong bóng xì hơi vậy. Về bản chất thì cả cơ thể chúng có cấu tạo như một khối động cơ phản lực vậy, cơ bắp toàn thân chúng, ngoại trừ phần đầu và vây đều là một phần của “động cơ”.

Loài mực thường di chuyển không quá nhanh, khoảng 10km/h tuy nhiên bù lại thì chúng có thể bứt tốc rất nhanh với cơ chế phản lực này. Nếu không có lực cản của nước, một con mực ống trưởng thành có để tăng tốc từ 0 lên 100km/h chỉ trong 1 giây. Thậm chí có nhiều trường hợp ghi nhận một số loài mực có thể phóng lên trên mặt nước ở độ cao vài mét.

Cách di chuyển bằng cơ chế phản lực còn giúp mực thở nữa

Mực không chỉ co bóp cơ thể để di chuyển. Chúng còn co bóp để lùa nước qua mang nữa. Khi chúng lướt càng nhanh thì nước được bơm qua mang cũng càng nhiều, cung cấp oxy cho cơ bắp tiếp tục hoạt động với cường độ cao. Kết hợp bơi và thở, đúng là một công đôi chuyện đúng không mấy bạn?


Trên đây là bài viết ngắn về các thức di chuyển bằng nguyên lý phản lực vô cùng độc đáo của loài mực. Mong đây là thông tin lý thú với các bạn.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Tham khảo: TED-ed, Wikipedia – 3 định luật về chuyển động của Newton, Wikipedia – Pulsejet


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360