Sau một ván game lội ngược dòng đầy căng thẳng, đưa tay lên bẻ cái rắc, vặn cổ cái rụp nữa thì đúng là chẳng còn gì phê bằng. Vậy có bao giờ mấy bạn có bao giờ tự hỏi rằng cái tiếng rắc đó từ đâu ra không? Sau đây mời các bạn cùng tìm hiểu nguồn gốc của âm thanh vui tai khi bẻ khớp cũng như việc bẻ nhiều có hại hay không nhé.

Tiếng bẻ khớp được tạo thành từ khí hòa tan thoát khỏi hoạt dịch trong khớp

Cơ thể con người có nhiều loại khớp, nhưng riêng khớp động (diarthrodial joint) là dễ bẻ ra tiếng nhất, điển hình là các khớp ngón tay của chúng ta. Loại khớp này được tạo thành từ 2 đầu xương bọc sụn. Các bề mặt sụn này được bao quanh bởi bao khớp. Bên trong bao khớp có chứa hoạt dịch khớp. Đây là một chất nhầy, nó vừa bôi trơn khớp, vừa cung cấp dinh dưỡng để các tế bào duy trì lớp sụn của khớp. Hoạt dịch trong khớp có chứa các khí hòa tan, bao gồm oxy (O2), nitơ (N2) và carbon dioxide (CO2).

Vì sao khi bẻ khớp chúng ta lại nghe tiếng “rắc”? Bẻ hoài có hại không?

Khi bạn đưa khớp đến giới hạn chuyển động bằng cách kéo nó ra hay bẻ gập nó hết cỡ thì bao khớp cũng bị kéo dãn đến mức cực đại và áp suất trong bao khớp sẽ rất thấp. Khi bạn kéo hoặc bẻ khớp đến một mức độ nào đó – hay nói cách khác là là áp suất trong bao khớp thấp đến một mức độ nào đó – thì các khí hòa tan sẽ thoát ra khỏi dịch khớp và tạo thành tiếng “rắc” mà chúng ta vẫn thường nghe khi bẻ khớp. Nếu sau khi bẻ khớp mà đem bàn tay đi chụp X quang thì bạn sẽ thấy bên trong khớp có những bong bóng nhỏ li ti.

Vì sao khi bẻ khớp chúng ta lại nghe tiếng “rắc”? Bẻ hoài có hại không?

Những bong bóng này độn vào trong dịch khớp có thể tăng thể tích bao khớp lên 15-20%, giúp khớp linh hoạt hơn một chút. Khí trong các bóng khí này chủ yếu là CO2, chiếm khoảng 80%. Sau khoảng 20 phút thì những bong bóng khí này lại hòa tan vào dịch khớp và nếu bạn bẻ tiếp thì nó sẽ lại phát ra tiếng rắc.

Bẻ khớp không hại miễn là bạn không đau

Bẻ khớp không có gây hại đâu nhé. Đó là câu trả lời của Tiến sĩ Robert Klapper, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và giám đốc của Joint Replacement Program.

Việc bẻ khớp không gây đau, sưng hay thay đổi hình dạng của khớp. Tiếng rắc của khớp không hề có hại, cho dù là khi bạn cố tình bẻ khớp cho vui hay vô tình bẻ trong sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên nếu bạn thấy đau đớn, khó chịu khi khớp phát ra tiếng “rắc” thì tốt nhất bạn nên đi tìm bác sĩ, đó có thể là dấu hiệu của chấn thương hoặc bệnh gút đấy.

Tất nhiên bạn cũng nên bẻ một cách có chừng mực, vì nếu bẻ quá mạnh hoặc quá nhiều thì bạn cũng có thể gây tổn thương cho bao khớp, dây chằng cũng như các mô mềm xung quanh. Thế nên nếu thích thì cứ bẻ thoải mái, miễn bạn không thấy đau thì mọi chuyện đều ổn cả.

Trên đây là nguyên lý của tiếng “rắc” khi chúng ta bẻ khớp và việc bẻ khớp có gây hại hay không. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những kiến thức thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc xương khớp các bạn luôn khỏe mạnh nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360