Keo tản nhiệt kim loại lỏng (liquid metal) chính là loại keo tản nhiệt cho hiệu suất dẫn nhiệt đỉnh nhất ở nhiệt độ thường, cái này thì ai cũng biết cả. Trong khi các loại keo tản nhiệt gốm, carbon, silicon… không hơn nhau quá đáng kể về mặt hiệu suất (đương nhiên là không tính loại 1 tuýp 10k nhé) thì liquid metal có thể mang lại mức chênh lệch đến vài độ C, nhiệt lượng phần cứng tỏa ra càng lớn thì mức chênh lệch lại càng nhiều. Lý do duy nhất khiến người ta không sử dụng loại keo tản nhiệt này là do nó khó sử dụng và quá đắt tiền mà thôi.
Thế nhưng mà mấy đấng trong giới overclocker khi “ép xung đua top” thì lại chẳng bao giờ dùng loại keo này cả. Sao vậy nhỉ?
Chỉ có một cách giải thích duy nhất là nó chỉ tốt trong điều kiện hoạt động thông thường, còn khi ép xung hạng nặng và xuống đến độ âm (sub-zero) thì nó lại không được tốt như thế. Và muốn hiểu lý do của việc này thì anh em sẽ cần tìm hiểu sơ qua tính chất vật lý của thành phần chính trong keo liquid metal – Gallium.
Gallium là một nguyên tố kim loại có nhiệt độ tan chảy rất thấp, chỉ khoảng 30 độ C. Tức là nếu quăng một cục gallium nhỏ lên lòng bàn tay của anh em thì nó sẽ bị tan chảy vì thân nhiệt của anh em đấy, ghê chưa. Khi được làm mát xuống còn khoảng 25 độ C thì gallium sẽ bắt đầu hóa rắn và nở ra 3,1%. Ở thể rắn thì gallium khá giòn và dễ vỡ, kiểu kiểu như thủy tinh vậy đó. Thường thì người ta sẽ tránh đựng gallium trong bình kim loại hoặc thủy tinh do khi trời trở lạnh, gallium đông lại thì nó sẽ nở ra và làm vỡ luôn cái bình.
Đối với các loại keo liquid metal thì người ta sẽ thêm các phụ gia khác vào nữa để tăng hiệu suất dẫn nhiệt, tăng hiệu suất thấm ướt, giảm nhiệt độ đông đặc… các kiểu con đà điểu nhưng chắc chắn sẽ không thể giải quyết được những vấn đề cốt lõi gallium. Đối với các bộ tản nhiệt thoát nhiệt ra khí môi trường như tản nước custom, tản AIO, tản khí thì nhiệt độ của liquid metal sẽ luôn cao hơn nhiệt độ không khí môi trường và anh em sẽ không sợ nó đông lại.
Tuy nhiên đối với mấy ông overclocker quẩy CPU bằng bình nitơ lỏng thì nó lại là một câu chuyện khác. Nhiệt độ của keo tản nhiệt có thể xuống đến mức rất thấp, thậm chí là độ âm luôn. Lúc này thì liquid metal sẽ bị đông cứng lại, giãn nở ra và gãy vỡ, làm mất hiệu quả tiếp xúc giữa tản nhiệt và lưng CPU, tương tự như một cục keo tản nhiệt thông thường mà bị khô. Các mảnh vỡ của liquid metal cũng sẽ cào xước bề mặt tản nhiệt và lưng CPU giống như bàn chân anh em đạp vào đống miểng chai vậy đó.
Đối với nhiều loại tản nhiệt thông thường thì lại không xảy ra tình trạng như vậy. Chúng vẫn có thể giữ được cái dạng nhão nhão kể cả khi xuống dưới độ âm, và những loại keo như thế này sẽ phù hợp cho việc ép xung bằng nitơ lỏng, heli lỏng… hơn nhiều so với liquid metal. Lý do liquid metal dẫn nhiệt đỉnh nhất nhưng không ai dùng để “ép xung đua top” là vì nó chỉ tốt ở điều kiện bình thường mà thôi.
Hy vọng qua bài viết này anh em sẽ có thêm được một số thông tin hữu ích và thú vị.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- 13 cách xử lý lỗi máy tính không nhận đủ RAM
- Hướng dẫn sửa lỗi rò rỉ dung lượng RAM giúp máy chạy mượt mà hơn
- Máy tính sử dụng nhiều RAM có hại không, đây là câu trả lời cho bạn
- Desktop Window Manager ngốn nhiều RAM làm máy chạy chậm, đây là cách bạn xử lý
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!