Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu vì sao ép xung lại làm mất bảo hành dù nó được các hãng quảng cáo rầm rộ nhé.

Ép xung là việc làm cho con chip chạy với xung nhịp nhanh hơn so với mức mà nó được quảng cáo. Với phần cứng và phần mềm ngày càng trở nên thân thiện với người dùng hơn, việc ép xung đã dễ dàng hơn trước rất nhiều, chỉ cần vài cú nhấp chuột là xong. AMD và Intel đều có những con CPU được mở khóa hệ số nhân để hỗ trợ ép xung, hoặc như card đồ họa Nvidia hay AMD thì hầu hết đều ép xung được tuốt. Thậm chí, họ còn dùng nó để quảng bá những sản phẩm này luôn. Vậy thì tại sao dù được chính nhà sản xuất quảng cáo tính năng ép xung, CPU hoặc GPU của bạn lại bị mất bảo hành nếu như nó không may bị “ngủm”? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.

Silicon Lottery và cách mỗi người ép xung

Một trong những lý do có thể kể đến là “silicon lottery”, hiểu nôm na là sự may rủi khi mua một con chip bán dẫn bất kỳ. Tuy cùng là một mẫu nhưng không có 2 con chip nào là giống nhau hoàn toàn cả. Ví dụ con chip Core i9-11900K của bạn sẽ khác với Core i9-11900K của người khác dù cả 2 đều là… Core i9-11900K.

Do tính chất của quy trình sản xuất, phần die của những con chip này sẽ có những khác biệt về mặt vật lý, không die nào là giống die nào cả. Mặc dù những khác biệt này là rất nhỏ, chúng lại ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ép xung của con chip. Có con chỉ ép thêm được vài MHz, nhưng cũng có con ép được tới gần 1 GHz hoặc có khi hơn, và điều này hoàn toàn là hên xui (hay nói cách là là do “nhân phẩm” của mỗi người).

Chính điều này đã khiến AMD, Intel, Nvidia không thể nào kiểm tra được hết từng con chip, cho nên họ chỉ bảo hành đến một mức xung nhịp nhất định mà thôi. Nói cách khác, họ chỉ đảm bảo con chip hoạt động ổn định khi chạy trong mức xung nhịp cho phép mà thôi, nếu bạn ép xung cho nó chạy nhanh hơn mức này thì… chúc bạn thật nhiều may mắn nhé (do vấn đề “silicon lottery” có đề cập ở trên). Lúc này thì họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu bạn đẩy con chip đi quá giới hạn của nó và khiến nó trở thành cục chặn giấy trị giá vài (chục) triệu.

Lý do khác nữa là mỗi người sẽ có một cách ép xung khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn bơm thêm nhiều điện cho con chip thì khả năng cao là nó sẽ dễ toang hơn những con chip chạy với mức điện áp thấp hơn. Hoặc có bạn thì ép xung bằng hệ số nhân của con chip, có bạn thì dùng Base Clock của bo mạch chủ để ép xung con chip, vân vân. Rồi có người xài tản khí, có người xài tản nước nữa. Bản thân mỗi con chip đã khác nhau rồi, giờ còn mỗi người ép xung mỗi kiểu nữa thì khó thể nào mà đỡ được lắm.

Đừng quá lo lắng nếu bạn có ý định ép xung

Nói đơn giản thì mặc dù bạn có thể ép xung con chip để nó đạt hiệu năng cao hơn, bản thân con chip lại không được thiết kế để tối ưu cho việc đó, và các hãng không hề muốn chịu trách nhiệm cho việc này. Trước đây thì Intel có gói bảo hành Performance Tuning Protection Plan giúp bạn an tâm hơn trong việc ép xung, nhưng hồi tháng 3/2021 thì họ đã khai tử chế độ bảo hành này cho CPU dòng K rồi.

Tuy nhiên, các bạn cũng không cần phải quá lo lắng nhé. Những con chip ngày nay đang dần trở nên xịn sò hơn, ổn định hơn, và khó hỏng hơn nhờ được tích hợp các tính năng an toàn. Vả lại, nếu bạn nắm vững kiến thức về việc ép xung thì cũng rất khó để xảy ra sự cố. Có một điều lưu ý là nếu các bạn quyết định ép xung thì nhớ để ý mức điện áp nhé: để ép lên được mức xung cao hơn thì bạn cần phải bơm thêm điện, nhưng điều này cũng sẽ khiến tuổi thọ con chip bị giảm đó nhe.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360