Cách đây tầm 10 năm thì hầu như cái case nào cũng để nguồn trên nóc cả anh em ạ. Tuy nhiên đến nay thì khác, đa số các mẫu case gaming hiện nay đều đặt nguồn dưới đáy. Thật ra thì không phải các kỹ sư chỉ làm vậy cho đẹp đâu, còn nhiều lý do khác nữa đấy. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
*Anh em cũng cần lưu ý là trong bài viết này, mình chỉ xét đến các mẫu case phổ thông điển hình thôi nhé. Vì chúng có quá nhiều mẫu mã nên sẽ không thể nào nói bao quát hết được
Thẩm mỹ
Nguồn thường không được đầu tư về ngoại hình như các linh kiện khác. Ngày xưa thì đa số các mẫu case phổ thông đều có nguồn đặt bên trên. Chúng không có mặt kính và cho dù đặt nguồn ở đâu đi nữa thì người dùng cũng sẽ không nhìn trực tiếp vào đó. Một cái bộ case đẹp hay không chỉ yếu chỉ do thiết kế của vỏ case thôi. Bộ nguồn vốn dĩ không cần phải dấu đi.
Tuy nhiên thì càng về sau, các linh kiện hướng đến đối tượng game thủ ngày càng bắt mắt hơn cũng xuất. Thế là các mẫu case có mặt kính cũng xuất hiện. Case có mặt kính sẽ giúp phô ra vẻ đẹp của dàn linh kiện bên trong. Lúc này thì cục nguồn to đùng thô kệch sẽ trở nên thực sự chướng mắt nên cần phải được dấu đi. Việc để bộ nguồn xuống đáy case sẽ mang nó tách hẳn ra khỏi các linh kiện khác giúp dàn linh kiện trông thoáng hơn rất nhiều, đồng thời cũng không còn khiến nguồn gây cản trở tầm nhìn nữa.
Tản nhiệt
Cái này quá rõ ràng, nhìn vào là thấy. Mỗi bộ nguồn đều có quạt tản nhiệt để làm mát chủ động cho dàn linh kiện của nó (trừ một số bộ nguồn dị). Trước đây khi nguồn được đặt ngay dưới nóc case, quạt của nguồn sẽ được đặt rất gần với tản tháp của CPU. Thế là 2 cái quạt này sẽ luôn tranh giành khí mát với nhau. Ảnh hưởng thực tế thì có thể không nhiều nhưng chắc chắn là nó có ảnh hưởng.
Khi nguồn được đặt dưới đáy thì quạt của nguồn sẽ hút khí xuyên qua đáy case, tức là nó sẽ có luồng khí riêng và không cần tranh giành khí với tản của CPU hay card đồ họa nữa. Nhiều nguồn không khí mát hơn cũng đồng nghĩa với việc tản nhiệt tốt hơn. Đối với những dàn máy gaming luôn hướng đến hiệu năng thì hơn chỗ nào là đáng giá chỗ đó.
Nhiều mẫu case hiện nay cũng có hỗ trợ gắn quạt thông khí trên nóc case. Việc đặt nguồn ngay dưới nóc case cũng sẽ làm cho diện tích mặt thông khí của nóc case giảm đi rất nhiều. Cách giải quyết rất đơn giản, chỉ cần chúng ta ném cục nguồn xuống đáy là xong, tha hồ mà thông khí. Tha hồ gắn quạt RGB, tha hồ mát và tha hồ đẹp.
Cấu trúc đỡ nguồn
Đối với mấy cái case văn phòng cũ có nguồn đặt gần nóc case thì thường sẽ có một cái gờ để đỡ khối lượng nguồn. Một số case tệ hơn thì không có cái gờ này luôn, thứ đỡ toàn bộ khối lượng của cục nguồn là 4 con ốc ở đít nguồn, làm cục nguồn rất dễ bị sa xuống, đặc biệt là những cục nguồn xịn có “bộ lòng” đặc và nặng.
Đặt một thứ gì đó dưới đất luôn dễ dàng hơn là treo nó lên. Rõ ràng việc đặt nguồn xuống sàn case luôn tiện hơn việc làm một cái gờ để giữ nó bên trên. Thế nên việc cục nguồn được người ta chuyển từ nóc xuống sàn case cũng là chuyện dễ hiểu, “thuận theo” tự nhiên thôi.
Dây nguồn
Khi nguồn nằm trên nóc case thì dây nguồn cũng sẽ nằm cao hơn các cổng I/O. Khi thao tác ít nhiều cũng sẽ gây vướng víu khó chịu. Trường hợp mấy cọng dây nguồn dùng lâu bị lỏng, lỡ tay quơ trúng nó rút ra một phát tắt máy luôn thì cay cực kỳ anh em ạ. Còn nếu nguồn nằm dưới sàn case thì dễ. Anh em sẽ không cần động đến cái dây nguồn trừ khi cố tình rút nó.
Nhược điểm cần lưu ý
Qua những điểm mà chúng ta đã nói đến nãy giờ chắc chắn việc đặt nguồn dưới sàn case luôn mang lại ưu thế lớn hơn nhiều so với việc đặt nó trên nóc case. Tuy nhiên nó cũng có một nhược điểm mà anh em cần lưu ý. Đó là khi nguồn được đặt dưới sàn case thì không khí nó hút sẽ là khí dưới gầm case. Thế nên anh em nhớ là quét nhà thì đừng có tấp bụi vào gầm case, mất công nguồn nó lại ăn đủ. Mấy miếng lưới lọc cũng chỉ lọc được tóc, bông gòn, mảnh giấy hay lông chó mèo các kiểu thôi, bụi mịn mà vào cũng bó tay hết nhé.