Bên cạnh một chiếc GPU xịn sò thì anh em cũng cần đến một con CPU tương xứng để bắt cặp với nó. Xét về mặt chơi game thì tuy CPU không quan trọng bằng GPU, nhưng cũng đừng vì vậy mà đập hết tiền vào card màn hình rồi chọn một cái vi xử lý với số tiền ít ỏi còn lại. Lý do không nên làm vậy là vì một con CPU quá yếu đi với GPU quá mạnh sẽ xảy ra tình trạng nghẽn cổ chai, khiến GPU không phát huy được tối đa sức mạnh của nó. Ngoài ra thì khác với GPU là anh em thường sẽ lên đời mỗi khi có thế hệ mới ra mắt, một vi xử lý mạnh để chơi game có thể bám trụ được 2-3 đời là chuyện bình thường, giúp anh em tiết kiệm chi phí nâng cấp về mặt lâu dài. Sau đây là danh sách 8 CPU tốt nhất phục vụ cho công cuộc chiến game của anh em.
AMD Ryzen 5 3600X – CPU tốt nhất để chơi game
Nhân: 6 ● Luồng: 12 ● Xung nhịp cơ bản: 3,8GHz ● Xung nhịp boost: 4,4GHz ● Bộ nhớ đệm L3: 32MB ● TDP: 95W
AMD Ryzen 5 3600X là con CPU có tỷ lệ hiệu năng / giá thành (p/p) tốt nhất dành cho việc chơi game. Với giá thành cực kì cạnh tranh so với Intel Core i5-9400, anh em sẽ có cùng số nhân số luồng, và đồng thời có tốc độ cao hơn và số IPC (instructions per clock – Số chỉ thị mỗi nhịp) cũng vượt trội hơn hẳn. Ngoài ra thì nó còn hỗ trợ PCIe 4.0 để khai thác tối đa tiềm năng của SSD sử dụng chuẩn này. Nhờ sử dụng tiến trình 7nm tiên tiến với kiến trúc Zen 2 nên 3600X không chỉ mạnh hơn thế hệ tiền nhiệm mà nó còn tiết kiệm điện hơn và chạy mát hơn. Nếu cần thêm hiệu năng thì anh em có thể dễ dàng ép xung thông qua Ryzen Master, đẩy lên trên mức 4,0GHz toàn nhân. Một điểm cộng khác là 3600X được bán kèm tản nhiệt CPU với hiệu năng khá ổn, giúp anh em tiết kiệm chi phí cho khoản này.
Giá tham khảo: 5.600.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
AMD Ryzen 3 3200G – CPU giá bình dân tốt nhất để chơi game
Nhân: 4 ● Luồng: 4 ● Xung nhịp cơ bản: 3,6GHz ● Xung nhịp boost: 4GHz ● Đồ họa: Radeon Vega 8 ● Bộ nhớ đệm L3: 4MB ● TDP: 65W
Con CPU này không chỉ có mức giá cực kì mềm mà nó còn đi kèm với iGPU Vega 8, cho phép anh em chơi những game eSports mà không cần phải mua thêm card rời. Thậm chí, với tựa game như Overwatch chạy ở độ phân giải 4K với thiết lập đồ họa ở mức “Epic”, 3200G vẫn có khả năng kéo được 30fps – một con số khiêm tốn nhưng vẫn tạm chấp nhận được. Ngoài ra, anh em nào muốn ráp một bộ HTPC (home theater PC) hoặc PC kích thước nhỏ (SFF – Small Form Factor) thì đây là một sự lựa chọn cực kì lý tưởng luôn nhé.
Giá tham khảo: 2.490.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
Intel Core i9-10900X – CPU cao cấp tốt nhất để chơi game
Nhân: 10 ● Luồng: 20 ● Xung nhịp cơ bản: 3,7GHz ● Xung nhịp boost: 4,7GHz ● Intel Smart Cache: 19,25MB ● TDP: 165W
Giá bán của CPU Intel Core i9-10900X khá là đắt đỏ, nhưng đổi lại anh em sẽ có một con chip 10 nhân 20 luồng, xung nhịp cơ bản 3,7GHz và xung nhịp boost 4,7GHz (nếu nhiệt độ cho phép), hoặc nó có thể boost lên xung nhịp 4,3GHz toàn nhân để xử lý các tác vụ đa luồng hiệu quả hơn. Mức TDP 165W đúng là cần lưu tâm nên anh em cần trang bị cho nó một bộ tản nhiệt xịn sò nhé, nhất là với anh em nào có ý định ép xung con CPU này. Và vì thuộc dòng HEDT (High-end Desktop) nên nó hỗ trợ đến 48 làn PCIe và công nghệ Intel Optane Memory, cho phép anh em load game nhanh hơn mà không cần dùng đến SSD.
Giá tham khảo: 17.400.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
Intel Core i5-10600K – CPU tầm trung tốt nhất để chơi game
Nhân: 6 ● Luồng: 12 ● Xung nhịp cơ bản: 4,1GHz ● Xung nhịp boost: 4,8GHz ● Đồ họa: Intel UHD Graphics 630 ● Intel Smart Cache: 12MB ● TDP: 125W
Nếu ngân sách của anh em có hạn và đang tìm kiếm một con CPU tầm trung để chiến game thì Intel Core i5-10600K là một ứng cử viên sáng giá. Đây là phiên bản kế nhiệm của Core i5-9600K từng giữ vị trí tương tự, và nhờ có Hyper-Threading nên nó có tới 12 luồng, trong khi 9600K chỉ có 6 luồng mà thôi. Xung nhịp cơ bản của 10600K cũng được tăng thêm 400MHz và xung nhịp boost thì được tăng thêm 200MHz, giúp nó đạt xung nhịp lần lượt là 4,1GHz và 4,8GHz để anh em mặc sức san bằng các tựa game yêu thích của mình. Đó chỉ mới là xung nhịp mặc định khi xuất xưởng thôi, nếu anh em trang bị tản nhiệt xịn sò hơn để ép xung lên cao thì hiệu năng sẽ còn tăng thêm nữa. Lưu ý là nó có mức TDP cao hơn 9600K nên anh em hãy chọn tản nhiệt hiệu năng cao một chút nhé.
Giá tham khảo: 7.499.000 VNĐ
AMD Ryzen 9 3950X – CPU tốt nhất để chơi game và biên tập video
Nhân: 16 ● Luồng: 32 ● Xung nhịp cơ bản: 3,5GHz ● Xung nhịp boost: 4,7GHz ● Bộ nhớ đệm L3: 64MB ● TDP: 105W
Là một con CPU phổ thông nhưng nó lại có đến 16 nhân 32 luồng lận anh em ạ. Và vì có số nhân khủng như thế nên hiệu năng đa nhân của nó là không có gì cần phải bàn cãi nữa. Cứ có tác vụ nào khó xơi là cứ để 3950X lo, chẳng hạn như encode video hoặc xử lý hình ảnh 3D. Còn xét đến chuyện chơi game thì Ryzen 9 3950X cũng làm láng luôn nhé, chỉ lo là không có card màn hình đủ mạnh để tương xứng với nó thôi. Với mức giá khá là khó tiếp cận, con CPU này phù hợp nhất với những nhà sáng tạo chuyên nghiệp, cần một con CPU mạnh để chỉnh sửa video, stream, và chơi game trong cùng một lúc.
Giá tham khảo: 19.600.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
Intel Pentium Gold G6400 – CPU giá mềm nhất để chơi game
Nhân: 2 ● Luồng: 4 ● Xung nhịp cơ bản: 4,0GHz ● Đồ họa: Intel UHD Graphics 610 ● Intel Smart Cache: 4MB ● TDP: 58W
Vẫn có những con CPU giá mềm cho anh em thỏa đam mê chiến game chứ không phải là không có. Intel Pentium Gold G6400 tuy chỉ có 2 nhân 4 luồng, nhưng nhờ có xung nhịp 4,0GHz được xây dựng bằng kiến trúc Comet Lake mới ra mắt nên hiệu năng chơi game vẫn rất ổn. Ngoài ra thì mức TDP của nó cũng chỉ có 58W nên anh em không cần phải đầu tư quá nhiều cho tản nhiệt. Đây không phải là CPU phục vụ cho việc streaming, nhưng con chip này vẫn có đủ sức mạnh để chạy hầu hết game ở mức độ chấp nhận được khi đi kèm với GPU tầm trung.
Giá tham khảo: 1.590.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
AMD Ryzen Threadripper 3960X – CPU HEDT tốt nhất để chơi game
Nhân: 24 ● Luồng: 48 ● Xung nhịp cơ bản: 3,8GHz ● Xung nhịp boost: 4,5GHz ● Bộ nhớ đệm L3: 32MB ● TDP: 280W
Nếu anh em cảm thấy 8 nhân 16 luồng hay 64GB RAM vẫn chưa đủ thì dòng CPU HEDT chính là câu trả lời cho anh em. Trong đó AMD Ryzen Threadripper 3960X là cái tên sáng chói hơn hết với 24 nhân 48 luồng. Hơn nữa, nó hỗ trợ RAM quad-channel với số lượng khe RAM lên đến 8 khe, cùng với đó là 88 làn PCIe 4.0 cho phép anh em thiết lập đa card màn hình và gắn SSD NVMe PCIe 4.0 để tận dụng tối đa hiệu năng mà nó có thể mang lại. Về mặt hiệu năng chơi game thì tất nhiên là rất dư dả, và mức giá của nó cũng dễ tiếp cận hơn so với những con chip HEDT khác.
Giá tham khảo: 36.600.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
AMD Ryzen Threadripper 3990X – CPU tốt nhất để chơi game và stream
Nhân: 64 ● Luồng: 128 ● Xung nhịp cơ bản: 2,9GHz ● Xung nhịp boost: 4,3GHz ● Bộ nhớ đệm L3: 256MB ● TDP: 280W
Trong khi hầu hết các vi xử lý ngày nay chỉ có từ 6 đến 8 nhân là hết, AMD đã tạo ra con chip Ryzen Threadripper 3990X 64 nhân 128 luồng khiến không ít người vô cùng ngỡ ngàng tại thời điểm mà nó ra mắt. Với số lượng nhân/luồng khủng khiếp như thế thì rõ ràng nó được sinh ra là để xử lý và render video. Hoặc nếu anh em muốn vừa chơi game, vừa stream lên mạng cho mọi người cùng xem thì 3990X cũng đáp ứng ngon lành luôn nhé.
Giá tham khảo: 102.900.000 VNĐ (Xem thêm tại đây)
Nguồn: IGN