Cuộc sống luôn có những thanh niên lêu lổng, quậy phá, hung hãn và thích đi cà khịa mà người ta gọi chung là “bất hảo”. Thế giới tự nhiên cũng vậy, nếu có những loài động vật hiền lành thân thiện sống chan hòa với các loài khác thì cũng có những loài hoàn toàn ngược lại, chúng gieo rắc kinh hoàng cho các sinh vật xung quanh chúng, kể cả con người.

*Lưu ý: Bài viết mang tính chất chia sẻ nội dung vui vẻ, tuy thông tin chính xác nhưng không mang tính học thuật nên các bạn đừng hỏi dựa vào đâu mà mình điểm mặt mấy con này nhé.

OK, chúng ta bắt đầu nào!

Ong bắp cày khổng lồ châu Á

Ong bắp cày khổng lồ châu Á hay con gọi là ong bắp cày Nhật Bản là một trong những loài côn trùng nguy hiểm nhất thế giới. Về cơ bản thì chúng vẫn chỉ là ong thôi nhưng to lớn hơn, hung hãn hơn, nhanh hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Nhưng con ong này có chiều dài cơ thể trung bình khoảng 45mm, sải cánh 75mm, to nhất các loài ong bắp cày. Chúng có thể bay với tốc độ 40km/s, nọc của chúng chưa chất độc thần kinh cực mạnh và sẵn sàng tấn công cả con người.

Loài ong này thường cướp phá tổ ong mật, chúng giết ong thợ, ăn thịt ấu trùng và nhộng trong khi ngòi đốt của ong mật không thể xuyên qua được lớp giáp của chúng. Điều này không chỉ biến chúng thành một loài xâm lấn nguy hiểm trong tự nhiên mà còn đe dọa các trang trại ong mật của con người. Chẳng những chuyên gây sự với ong mật, chúng còn chủ động tấn công cả con người nếu chẳng may bước vào địa bàn của chúng.

Theo thống kê của các tổ chức ý tế trên thế giới thì mỗi năm sẽ có trung bình 40 ca tử vong với thủ phạm là ong bắp cày khổng lồ châu Á. Chúng còn có tập tính đào bới, đục lỗ trong rễ cây khiến cây bị thối gốc, phá hoại mùa màng nữa. Chính phủ Trung Quốc đôi khi còn phải điều động đến cả quân đội và súng phun lửa để kiểm soát sự sinh sôi và xâm lấn của loài ong cực kỳ nguy hiểm này.

Cá voi sát thủ

Cá voi sát thủ hay còn được biết đến với cái tên cá hổ kình là một loài ăn thịt cơ hội. Đa số chúng ta thường biết đến chúng thông qua hình ảnh một loài sinh vật thông minh, hiền lành và thân thiện với con người. Tuy nhiên có thể bạn không biết ở ngoài kia, chúng thực sự là những hung thần của biển cả. Cá voi sát thủ là thành viên lớn nhất trong họ cá heo, một con đực trưởng thành có thể dài 6 – 8 m, nặng hơn 6 tấn. Cá voi sát thủ sống theo bầy đàn, kỹ năng săn mồi thượng thừa, có khả năng giao tiếp hiệu quả, phức tạp và có tổ chức xã hội phát triển.

Kích thước to lớn cùng với việc thường đi săn theo bầy khiến chúng trở nên bất khả chiến bại và có thể cho bất kỳ loài nào vào thực đơn của chúng. Nhiều bạn có thể đã biết về việc người ta ghi nhận chúng đánh “hội đồng” và ăn thịt cả những con cá mập trắng nặng cả tấn. Nhưng mà chưa đâu, chúng còn làm được nhiều chuyện kinh khủng hơn thế nữa.

Ví dụ như chúng có thể tấn công các loài to lớn hơn nhiều như cá voi xám, cá nhà táng, cá voi lưng gù hay thậm chí là cá voi xanh bằng cách húc vào chúng, cắn xé để chúng mất máu rồi yếu dần hoặc dìm con mồi cho đến chết. Với khả năng hạ sát cả những loài động vật to lớn nhất ngoài kia, chẳng lạ gì khi mà cá voi sát thủ xứng đáng được nhắc đến đầu tiên trong danh sách này.

Mòng biển

Đây là thành viên duy nhất thuộc họ nhà chim có mặt trong danh sách bất hảo này. Cho bạn nào chưa biết thì bọn này còn có cái tên dễ nghe hơn là hải âu, tuy nhiên mình sẽ dùng tên gọi mòng biển để nói lên sự hổ báo cáo chồn của chúng. Mòng biển là một loài chim ăn thịt lớn, rất thông minh, có các phương thức liên lạc phức tạp và có cấu trúc xã hội phát triển cao. Một số loài còn biết sử dụng công cụ nữa cơ.

Nghe thì có vẻ đáng yêu đấy, nhưng mà không đâu các bạn ạ. Bọn này chính là minh chứng hùng hồn cho cái gọi là “có tài mà không có đức” đấy. Mòng biển có bản chất rất hung hãn, táu tợn, ăn cực kỳ tạp và là những kẻ cướp đúng nghĩa. Trong tự nhiên, chúng cướp mồi của loài khác, bắt cóc chim non, săn các loài chim và động vật có vú trong đất liền hay thậm chí là liên kết lại để tấn công có tổ chức những loài lớn hơn.

Với bản chất bất hảo của mình, bọn này còn gây ra không biết bao nhiêu rắc rối cho con người nữa. Chúng lẻn vào nhà, tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi để trộm cắp thức ăn. Tranh cướp thức ăn ngay trên tay con người. Cà khịa nhau với vật nuôi như chó mèo và xả những bãi chất thải có mùi cực kỳ kinh khủng khiếp khi đang bay.

Linh cẩu

Điệu cười ngả ngớn nham nhở của mấy con mặt ngáo này từ lâu đã đi vào huyền thoại. Linh cẩu là một loài động vật ăn thịt có kích thước tương đối lớn, hai chi trước dài và khỏe hơn hai chi sau, lực cắn rất mạnh và sống theo bầy đàn. Linh cẩu có tỉ lệ thành công khi săn mồi thành công cao và có khả năng săn được những con mồi lớn như ngựa vằn và linh dương đầu bò, tuy nhiên chúng lại thích ăn đồ chùa hơn.

Do cơ thể không mấy hoàn hảo cho việc đi săn nên mấy con linh cẩu này thường nhòm ngó con mồi của loài khác, như sư tử và báo săn chẳng hạn. Chúng sẽ mò theo sau mấy tay thợ săn chân chính này, chờ người ta bắt được mồi rồi dùng số lượng áp đảo để cướp mồi đi luôn. Bọn nó tuy không yếu chút nào nhưng được cái đông. Thậm chí linh cẩu đôi khi còn tấn công và làm thịt luôn cả những con sư tử già yếu, bị thương hoặc lẻ bầy nữa.

Với bản tính liều lĩnh và tham lam, linh cẩu có thể gây sự với bất cứ loài nào và bất cứ khi nào chúng muốn trên khắp lục địa châu phi và tiểu lục địa Ấn Độ. Đã có một số trường hợp ghi nhận chúng còn tấn công cả con người và bắt cóc trẻ em nữa. Quả thật bọn này mà nhận ác thứ nhì thì chắc chẳng có loài nào dám nhận ác nhất.

Lửng mật

Con lùn ngổ ngáo họ nhà chồn này thì chắc ai cũng biết rồi, chúng nổi bật với bộ lông 2 màu đen trắng cực kỳ chất chơi người dơi. Mặc dù chúng không hề to lớn, cũng chẳng mấy nguy hiểm nhưng chúng vẫn có thể làm nên tên tuổi của mình với khả năng phòng vệ cực kỳ bá đạo và bản tính hung tợn liều lĩnh không loài nào sánh kịp.

Lửng mật có khả năng kháng độc cực mạnh cho phép chúng vật nhau với rắn độc, đánh cắp mật ong, nhai đầu bọ cạp mà không phải trả giá cho hành vi của mình. Lớp da và lông dày rất khó bị móng vuốt xuyên thủng chính là bộ giáp tự nhiên của tên “chí phèo” này, tạo tiền đề hoàn hảo để chúng càng lì lợm hơn. Một con lửng mật đơn độc vẫn có thể đi cà khịa với cả bầy sư tử, linh cẩu, sói đồng cỏ vì miếng ăn hay thậm chí là tình cờ chạm trán.

Chúng thậm chí còn săn cả nhím, bất chấp đau đớn khi những chiếc lông cứng nhọn cắm đầy trên người. Đôi khi chúng có thể chết vì hành động “ngu người” của mình, tuy nhiên đó chỉ là đôi khi thôi, còn trong đa số các trường hợp thì mấy con lửng này vẫn sẽ là nỗi ám ảnh cho các loài động vật sống cùng với chúng, kể cả những loài mạnh hơn. Lửng mật có thể là loài duy nhất sống đơn độc trong danh sách này, tuy nhiên nếu xét về thành tích và danh tiếng của sự “bất hảo” thì chúng xứng đáng được xếp hạng đầu tiên.