Tính đến thời điểm bài viết thì đã có rất nhiều bom tấn game trong năm 2020, và vì nhiều game thủ phải ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội nhằm chống dịch COVID-19 lây lan nên đã có rất nhiều con số kỷ lục được thiết lập trong lịch sử gaming. Đồng thời, cũng vì thế hệ console Xbox One và PlayStation 4 đã đi đến những tháng ngày cuối cùng trong vòng đời của nó, nhiều nhà phát triển đã tung ra những tựa game vô cùng hoành tráng, xem như là lời chào tạm biệt trước khi bước sang một chương mới vào cuối năm 2020. Sau đây là danh sách 10 tựa game xuất sắc nhất nửa đầu năm 2020.

Call Of Duty: Warzone

Trong khi chế độ Blackout trong Call of Duty: Black Ops 4 chỉ đơn giản là ăn theo xu hướng thì tựa game Call of Duty: Warzone (hoặc là chế độ Warzone đối với anh em nào đã mua Call of Duty: Modern Warfare) lại là một màn “comeback” vô cùng ngoạn mục. Đầu tiên thì đây là một game miễn phí – một điểm cộng rất to tướng – và nó chỉ có càng ngày càng hoàn thiện hơn mà thôi. Bản đồ trong game được ghép lại từ nhiều khu vực khác nhau trong mục chơi mạng ở các phần Call of Duty, và vì chiến trường quá rộng lớn nên Infinity Ward đã cho tới 150 anh em cùng nhảy dù xuống bản đồ tham chiến, biến Warzone trở thành một “vùng chiến tranh” thực sự.

Nói đơn giản thì Warzone giống như là một trận đấu deathmatch vậy, nhưng khác cái là nó căng thẳng tột độ vì giờ đây nó có thêm các luật lệ của một game battle royale. Đặc biệt, khi anh em bị giết, anh em vẫn có cơ hội thứ hai để được hồi sinh thông qua cơ chế solo trong nhà tù Gulag, còn nếu bỏ lỡ cơ hội này thì đồng đội còn sống vẫn có thể bỏ tiền ra để hồi sinh bạn thêm lần nữa. Nó không chỉ thừa hưởng gameplay bắn súng tuyệt vời của series Call of Duty trứ danh mà còn tạo được tiếng vang trong thể loại battle royale tưởng chừng như đã bão hòa.

Dreams

Đây vừa là một tựa phần mềm mang tính giáo dục, hướng dẫn cho anh em biết được game được tạo ra như thế nào; vừa là một tựa game cho phép anh em xây dựng mọi thứ từ một tờ giấy trắng. Quả thật Dreams là một tựa game đầy tham vọng, và may mắn là nó đã đạt được kì vọng của người chơi. Mục chơi theo cốt truyện (story mode) đã hội tụ đủ yếu tố để “bật nắp” sáng tạo của anh em, thôi thúc người chơi khám phá cơ chế tùy biến trong game.

Ngoài ra thì anh em cũng có thể tiêu tốn hàng chục giờ để xem xem những người chơi khác đã sáng tạo đến mức nào trong tựa game này. Các tác phẩm trong game đều có thể được rã ra để anh em phân tích chi tiết, nhờ đó mà sẽ có nhiều khoảnh khắc người chơi cảm thấy ngỡ ngàng và đồng thời thán phục trước sự sáng tạo vô biên mà Dreams có thể mang lại cho họ.

Darksiders Genesis

Vì đây là một phần lẻ trong series Darksiders nên không nhiều game thủ nghĩ rằng nó sẽ là một tựa game hay. Nhưng họ đã sai vì với góc nhìn từ trên xuống và nâng cấp hệ thống gameplay theo kiểu ngục tối (dungeon-crawler), thay vì là theo kiểu góc nhìn thứ ba chặt chém như trước, thì Darksiders Genesis đã đem đến một luồng gió mới cho những fan của dòng game này lẫn người chơi mới; đó là chưa kể game còn có thêm chế độ co-op để bạn bè cùng tham chiến là đằng khác.

Airship Syndicate là nhà phát triển được thành lập từ đống tro tàn của THQ sau khi bị phá sản, và họa sĩ Joe Madureira một lần nữa đã chứng minh tài nghệ của mình khi thổi hồn vào tựa game này với các nhân vật cơ bắp cuồn cuộn và thiết kế môi trường trong game cực kì hoành tráng. Nói về chế độ co-op thì nó thực sự rất cuốn hút với những pha combo phối hợp 2 người với nhau, chưa kể bên cạnh nhân vật War trứ danh trong phần 1 thì game còn có nhân vật mới là Strife, và bộ đôi này quả thực là rất ấn tượng. Người thì chuyên cận chiến, người thì đứng xa rỉa máu quân địch, phối hợp hài hòa với nhau là quá đủ để phá đảo thế giới ảo rồi. Chơi solo thì anh em chọn War hay Strife đều được, nhưng game chỉ thực sự tỏa sáng khi chơi 2 người mà thôi.

Nioh 2

Nếu anh em đã chơi qua Sekiro và muốn tăng độ khó lên thêm nữa thì Nioh 2 chính là câu trả lời đó. Trong phần đầu tiên, Nioh đã đòi hỏi game thủ phải có kỹ năng, sự thuần thục nhất định đối với cơ chế gameplay thì mới đi tiếp ở những màn sau được. Nhân vật chính trong game cũng rất là thông thạo, có thể chuyển thế tấn công bất kì lúc nào, loot đồ từ những người đi trước đã bỏ mạng, và mở khóa nhiều chiêu thức đặc biệt để sử dụng trong các tình huống khác nhau.

Đến Nioh 2 thì nó lại càng nhấn mạnh vào yếu tố này thêm nữa, đòi hỏi rất nhiều từ game thủ để có thể “master” được trò này. Tất nhiên, thành quả của nó cũng cực kì ngọt ngào và xứng đáng với công sức cày cuốc mà anh em đã bỏ ra. Bên cạnh những món vật phẩm xịn sò thì anh em còn được mở khóa các chiêu thức hiểm hóc, có thể xoay chuyển cục diện trong những lúc nguy cấp. Trừ khi anh em đập quá nhiều tay cầm trong quá trình chơi game thì Nioh 2 xứng đáng để trở thành tựa game có trong bộ sưu tập của anh em.

Animal Crossing: New Horizons

Animal Crossing: New Horizons có rất nhiều yếu tố thu hút game thủ, và điểm chung của những yếu tố này là nó cực kì đơn giản. Anh em có thể dành thời gian cho game này nhiều hay ít tùy thích, chơi vào giờ nào cũng được, và nó hay ở chỗ là cứ mỗi khi anh em cầm nó lên trên tay là đều cảm thấy hứng thú chứ không hề nhàm chán. Trong game, anh em có thể đi câu cá, chế tạo một món đồ vật gì đó, và trò chuyện với những cư dân trong thị trấn. Chưa hết, anh em còn được soạn nhạc, viếng thăm những nhân vật chỉ xuất hiện 1 lần trong tuần, thiết kế áo thun, tán gẫu cùng bạn bè, trao đổi những vật phẩm quý hiếm, xây dựng cầu đường, hoặc chỉ đơn thuần là ngồi ngắm sao băng cùng nhau. Tất cả đều được gói gọn trong tựa game này.

Những hành động, cử chỉ của nhân vật NPC cũng rất đáng yêu, tạo một cảm giác thân thuộc, yên bình trong game. Cho nên mở Animal Crossing: New Horizons lên là chỉ có thư giãn thôi chứ nhiều khi chẳng cần chơi gì cả.

Ori & The Will Of The Wisps

Tiếp nối phần trước là Ori and the Blind Forest, Ori and the Will of the Wisps đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “hớp hồn” người chơi. Game không chỉ có đồ họa cực kì chi tiết, mang phong cách vẽ tay vô cùng ấn tượng mà gameplay của nó còn phối hợp hài hòa giữa yếu tố đi cảnh 2D và combat rất đã tay đã mắt. Ngoài ra, cốt truyện trong game cũng có kết thúc mở, xoay quanh việc Ori đi tìm những người bạn bị mất tích trong một thế giới đầy những mối nguy hiểm tiềm tàng. Đặc biệt, các bản nhạc nền trong game cũng cực kì phù hợp, giúp tạo bầu không khí tươi mới cho tựa game.

Rút kinh nghiệm từ phần trước, game tập trung nhiều vào yếu tố combat hơn, làm nó nổi bật hơn so với phần Blind Forest. Mặc dù game có thời lượng khoảng 10 tiếng, không thực sự quá dài, nhưng một khi anh em đã bật lên thì kiểu gì cũng sẽ bị “dính” từ đầu tới cuối cho mà xem.

Half-Life: Alyx

Đây chính là kết tinh của tất cả những gì mà Valve đã thử nghiệm với nền tảng VR, nhằm đem đến cho game thủ một trải nghiệm có một không hai mà trước đây hầu như chưa có tựa game VR nào có thể làm được. Anh em sẽ cần phải tương tác với môi trường trong game rất nhiều, và tùy cơ ứng biến trong các tình huống combat y như ngoài đời thực.

Nhưng điều đáng nói ở đây là Valve đã phần nào làm thỏa mãn sự mong đợi của fan sau hơn 10 năm chờ đợi mòn mỏi. Mặc dù nó không phải là Half-life 3 như game thủ đã mong đợi, Half-life: Alyx vẫn đủ sức để vực dậy niềm tin trong lòng game thủ rằng họ không hề bị Valve bỏ rơi trong suốt những năm qua. Mặc dù doanh số của game không mấy ấn tượng nhưng đây sẽ là tiền đề để Valve tạo ra những tuyệt tác tiếp theo cho fan gạo cội của dòng game này.

Final Fantasy VII Remake

Đối với nhiều người thì đây là một trong những game phải thử nếu đã là game thủ. Nó không chỉ là chiếc vé giúp anh em quay về tuổi thơ với khung cảnh giờ đây được nâng cấp thành 4K nét căng đét, mà còn là một tựa game hết sức ấn tượng dành cho những fan gạo cội lẫn những người chưa chơi phiên bản gốc lần nào. Game không chỉ ăn điểm ở phần đồ họa mà model của nhân vật cũng được đầu tư vô cùng tỉ mỉ, kết hợp với nhạc nền được biên soạn bởi Nobuo Uematsu tài ba, bảo đảm sẽ đem lại cảm giác hưng phấn tột cùng cho game thủ.

Đáng nói hơn hết là game có giá trị chơi lại rất cao. Khi chơi xong 1 lần là anh em sẽ muốn chơi lại lần 2 với độ khó cao hơn, và khi chơi ở chế độ Hard thì anh em không những phải dùng tay mà còn cần phải dùng não nữa đấy. Anh em phải biết cách cân bằng đội hình, phân bố phù hợp trong mỗi chương. Còn những con trùm thì phải canh thời gian cho thật chuẩn xác để tấn công vào điểm yếu của nó. Có thể nói đây là tựa game Final Fantasy với mục chơi đơn hay nhất mà Square Enix có thể tạo ra trong gần 20 năm trở lại đây. Đoạn kết thúc game có thể khiến nhiều anh em cảm thấy lố bịch, nhưng càng lố bịch bao nhiêu thì lại càng muốn được “trên tay” phần tiếp theo bấy nhiêu.

The Last Of Us Part II

The Last of Us Part II có màu sắc u ám, đen tối, bi thảm nên không phải ai cũng thích nó. Game xoáy mạnh vào yếu tố bạo lực giữa con người với con người, cho nên đến cuối game anh em sẽ phải suy nghĩ rất nhiều về mọi thứ. Mấu chốt ở đây là để giải quyết cái vòng lẩn quẩn về bạo lực, cho phép anh em “ăn miếng trả miếng” và hiểu được tác động của nó lên cuộc đời của mình.

Naughty Dog đã dành hẳn 6 năm trời để tạo ra một nước Mỹ mà trong đó có đầy rẫy sự tranh chấp của những nhóm người khác nhau – nơi mà lòng thù hận được sinh ra từ quân đội, tôn giáo, hoặc cá nhân. Chơi xong game, ắt hẳn nhiều anh em sẽ có câu hỏi của riêng mình về thế giới xung quanh, và lúc này thì có thể xem như Naughty Dog đã thành công rồi đó.

DOOM Eternal

Doom Eternal là một trong những cái tên sáng giá nhất tính đến thời điểm bài viết. Khâu thiết kế màn chơi thì khỏi cần phải bàn luôn rồi. Id Software đã chắt lọc những gì tinh hoa nhất của dòng game bắn súng FPS Doom trứ danh và phát triển nó lên thành một tầm cao mới trong phiên bản này. Với cơ chế combat đặc biệt trong game, người chơi buộc phải liên tục di chuyển, tấn công, và né cơn mưa đạn đang bay về phía mình; chứ kiểu di chuyển chậm chạp là thế nào cũng bị quân địch bủa vây cho xem. Độ khó càng cao, anh em phải di chuyển càng nhiều nếu không muốn bị mấy con quái vật cho ăn hành.

Chơi game này anh em không cần thiết phải suy nghĩ quá nhiều. Đi đến đâu là bắn đến đó, thấy cái gì di chuyển là bắn, mọi thứ còn lại sẽ tự động kết nối liền lạc với nhau. Anh em ngày xưa yêu thích Doom như thế nào thì bây giờ cũng sẽ thích Doom Eternal như thế nấy.

Các game xứng đáng chơi thử

Snowrunner

Nói một cách đơn giản thì đây là game Death Stranding phiên bản có thêm xe tải lớn. Tương tự như trong game mới nhất của Hideo Kojima, môi trường chính là kẻ thù lớn nhất của người chơi. Bạn sẽ cần phải sử dụng dây móc để giải thoát cho bản thân, áp dụng vật lý vào trong game để xe không bị ngã, xây dựng cầu đường để tiết kiệm thời gian đi giao hàng. Nhìn bề ngoài thì game này có vẻ kén người chơi, nhưng thật ra thì nó đã thu hút được kha khá fan trung thành đó anh em ạ.

John Wick Hex

Đây là một tựa game chiến thuật theo lượt với các cảnh combat buộc người chơi phải tính toán kỹ lưỡng khi nào nên bắn, đấm, hoặc hạ gục đối phương. Cơ bản mà nói thì anh em sẽ lên kế hoạch “dọn dẹp” các căn phòng đầy ắp quân địch y như cách mà nhân vật John Wick đã làm trong phim. Đôi lúc, chỉ cần trong tích tắc thôi là cũng đủ để thay đổi cục diện rồi nhé. Tiếc một điều là animation trong game không được chăm chút cho lắm, nhưng nhìn chung thì anh em nào yêu thích nhân vật John Wick thì đây là một tựa game rất đáng để chơi.

Street of Rage 4

Đây là một trong những dòng game đi cảnh trứ danh. Với phần 4 này, series đã có màn “hồi sinh” vô cùng ngoạn mục. Cũng với phần nhạc nền đầy kịch tính đó, nhưng lần này được bổ sung thêm cơ chế combat mới giúp Street of Rage 4 không chỉ hấp dẫn đối với fan gạo cội mà những ai mới biết đến tựa game này cũng cảm thấy thích thú khi được điều khiển một trong những nhân vật chính đập tơi bời lũ du côn. Tuy nhiên, A.I. trong game khá là khó chịu và checkpoint không thực sự “thông minh” cho lắm, cho nên anh em chơi thì cũng nên để ý một chút nhé.

Golf on Mars

Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng phần tiếp nối của Desert Golfing (2014) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng series này lên một tầm cao mới, chính xác là nâng tới… sao Hỏa luôn. Anh em sẽ được thực hiện những cú đánh xoáy trong một môi trường có ít trọng lực, và một khi đã mở game này lên chơi thì kiểu gì anh em cũng sẽ bị cuốn theo nó hàng giờ đồng hồ mà không cảm thấy chán.

Resident Evil 3 Remake

Mặc dù Capcom có thể làm tốt hơn thế, Resident Evil 3 Remake vẫn có cơ chế bắn súng và nhịp độ gameplay rất cuốn hút. Bạn sẽ phải chạm trán với Nemesis rất nhiều lần, tìm những vũ khí bí mật, và giải những câu đố để hoàn thành nhiệm vụ. Những yếu tố này đã giúp bản remake thú vị hơn nhiều so với bản gốc, nhưng nếu Capcom chịu đầu tư thêm nữa thì bản remake này sẽ đáng giá hơn rất nhiều.