Top 10 tựa game nổi danh với những màn đấu trùm hoành tráng!

Theo công thức bình thường thì cứ tạo một kẻ địch vừa dai vừa bự, xuất chiêu cực kì hiểm hóc là có ngay một con trùm để hành game thủ lên bờ xuống ruộng. Tuy nhiên, một số nhà phát triển đã không chấp nhận chuyện này, quyết định dồn nguồn lực để thiết kế những màn đấu trùm hoành tráng cho game thủ. Họ đầu tư vào hình ảnh, âm thanh, và cả cảm xúc mà nó mang lại chứ không chỉ cứ chăm chăm vào con trùm rồi thôi. Thậm chí, có một số tựa game được nhiều game thủ biết đến nhờ những màn đấu trùm thuộc hàng đỉnh của đỉnh. Sau đây là danh sách 10 tựa game nổi danh với những màn đấu trùm hoành tráng.

No More Heroes

Hai phần No More Heroes đầu tiên quả thực có màn đấu trùm cực kì ấn tượng. Các nhiệm vụ phụ trong game hơi gây buồn ngủ một chút, nhưng đến khi đấu trùm thì cực kì kịch tính và căng thẳng luôn nhé. Trong phần 1, anh em sẽ được solo với một bà lão cầm cây súng dài cả trăm thước, một người phụ nữ cầm gậy bóng chày nhìn đúng chuẩn “gái hư”, và một siêu anh hùng nhưng hóa ra lại là tiểu nhân, chuyên sử dụng mấy chiêu dơ bẩn để giành phần thắng. Đấu với những người này cực kì thú vị và buồn cười anh em ạ, và đây là một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho công cuộc cày game hàng tiếng đồng hồ chỉ để được đấu với con trùm này.

Monster Hunter World

Cộng đồng Monster Hunter World vẫn đang phát triển ổn định và sở dĩ nó thu hút được game thủ cho đến tận bây giờ là nhờ có các màn chiến đấu với những con quái vật khổng lồ, đủ mọi hình thù kì quái. Đây cũng là yếu tố cốt lõi của dòng game Monster Hunter suốt bấy lâu nay. Riêng với phần mới nhất thì mức độ hoành tráng của nó đã được đẩy lên thành một đẳng cấp mới. Bên cạnh chất lượng đồ họa đỉnh cao và độ khó cũng được đẩy lên đỉnh điểm thì cộng đồng Monster Hunter World cũng cực kì đông đảo, sẵn sàng trợ giúp những “tân binh” chân ướt chân ráo mới đi săn thú lần đầu. Có những con quái vật tốn gần nửa giờ đồng hồ để tiêu diệt, và chỉ cần sơ sẩy một phát là mọi công sức đều đổ sông đổ biển hết.

Tuy nhiên, Capcom hay ở chỗ là khi thua, anh em sẽ không có cảm giác ức chế mà ngược lại còn muốn tìm đến lời khuyên từ các bậc tiền bối để nâng cao kỹ năng của mình, quyết tâm hạ gục con quái vật đó cho bằng được mới thôi. Có rất nhiều cách để đồ sát mấy con quái thú trong game, và Monster Hunter World cũng cung cấp cho anh em kho khí giới vô cùng đa dạng, muốn chơi kiểu nào là có kiểu đó. Lần đầu tiên chiến thắng một con rồng nó sướng lắm anh em ạ, và đến khi anh em chém đến con rồng thứ mấy chục cùng với đám bạn thì lại càng phê nữa.

Dark Souls 3

Dòng game Dark Souls đều có các màn đấu trùm vô cùng xuất sắc, nhưng có lẽ phần 3 là hoàn hảo hơn cả vì đây là phần mới nhất và cũng là tinh túy nhất của FromSoftware. Các con trùm trong game này không chỉ được thiết kế vô cùng công phu mà bầu không khí lúc đấu tay đôi với nó cũng được nhà phát triển chăm chút từng li từng tí. Vì là phần cuối nên các con trùm trong game đều mang một màu sắc u tối, dần tàn lụi và khi đánh nhau với nó, anh em sẽ cảm nhận được sự tuyệt vọng trong từng đòn tấn công.

Ừ thì vẫn có những con trùm không đáng xuất hiện trong một tuyệt tác như thế này, nhưng quả thực là đại đa số những con trùm khác như The Old Dragonslayer Armour, The Nameless King, và The Soul Of Cinder đều khiến anh em nhớ mãi không quên; đến nỗi chỉ cần nhắc đến thôi cũng đủ phải sởn da gà. Đặc biệt, màn đấu trùm cuối được đầu tư rất kĩ lưỡng, và một khi anh em đã vượt qua được “kiếp nạn” này rồi thì nó sướng đến mức không thể tả được.

Cuphead

Phần lớn các màn chơi trong Cuphead đều là đấu trùm, cứ chọn màn xong là bay vô đấu trùm ngay và luôn. Vì thế, StudioMDHR đã tập trung tổng lực để thiết kế những màn này sao cho nó vừa hấp dẫn, vừa sáng tạo, mà cũng không kém phần “khoai”. Game có đồ họa theo kiểu phim hoạt hình ngày xưa, nhưng đừng để bị lừa vì game không dành cho con nít đâu nhé. Mấy con trùm trong game này cực kì khó xơi nhé. Khúc đầu thì tụi nó nhìn khá là dễ thương, dí dỏm, nhưng đến đoạn sau thì chúng sẽ chuyển sang một hình hài (hoặc trạng thái) khác, và lúc này thì bạn biết là bạn sắp tiêu đời rồi đó. Các màn chơi cũng cực kì đa dạng, lúc thì anh em được chiến đấu trong vườn bông, lúc thì bắn nhau với rồng trên 9 tầng mây, xong rồi lại lao xuống địa ngục để chiến đấu với quỷ dữ.

Cái hay của những màn đấu trùm này là nếu anh em biết cách đánh, không hấp tấp thì chỉ cần tầm vài phút là xong rồi. Tuy nhiên, đây sẽ là những phút căng thẳng nhất trong cuộc đời của anh em. Lý do là vì những con trùm có các đòn tấn công vô cùng quái dị, hiểm hóc; nếu mà không có phản xạ nhanh nhạy là game over như cơm bữa luôn nhé.

The Legend Of Zelda: Twilight Princess

The Legend Of Zelda có rất nhiều phần, mỗi phần đều có màn đấu trùm rất hoành tráng. Nhưng đối với phần lớn game thủ thì Twilight Princess là phiên bản có màn đấu trùm ấn tượng nhất. Những con trùm trong phần này thực sự không quá khó, nhưng chúng đều được thiết kế rất tỉ mỉ và đấu với nó cực kì vui. Chẳng hạn như màn đấu với Ganon, khi anh em phải cưỡi ngựa phi nước đại rượt theo nó và cuối cùng solo với nó trong một trận đấu thuộc hàng kinh điển; hoặc khi Zant tiết lộ bản chất thật của mình, trận đấu đã xoay chuyển theo một chiều hướng hoàn toàn khác biệt. Nhất là khúc đấu với Morpheels giai đoạn 2 khi còn ở dưới nước, đã chơi qua Twilight Princess thì không thể nào quên được màn này. Series Zelda nổi tiếng với các màn đấu trùm, và Twilight Princess chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Super Punch Out!

Super Punch Out nổi bật nhờ có gameplay đa dạng và được đầu tư đúng mực. Mỗi trận đấu là một cuộc thử thách với người chơi, và đến khi anh em đấu tay đôi với Nick và Rick Bruiser thì anh em cũng sắp trở thành võ sĩ quyền anh luôn rồi. Cơ chế combat trong game cực kì đơn giản, nhờ đó anh em có thể giữ bình tĩnh tốt hơn, tập trung quan sát nhất cử nhất động của kẻ địch để đỡ những combo mà đối thủ sắp sửa tung ra. Anh em sẽ bị đo ván không ít lần, nhưng một khi mọi thứ đã “ăn rơ” với nhau rồi thì game cực kì cuốn hút luôn nhé.

Resident Evil 4

Dòng game Resident Evil luôn tự hào nhờ có những màn đấu trùm đặc sắc. Trong đó, Resident Evil 4 là hoàn hảo hơn cả vì nó sử dụng góc nhìn qua vai thay vì gắn chết camera theo một góc nhất định như những phần trước. Nhờ vậy, các màn đấu trùm đã trở nên căng thẳng tột cùng và đồng thời khiến người chơi sợ khiếp vía khi thấy nó xông thẳng vào mình. Đã chơi qua phần này thì không thể nào quên được những cái tên như Krauser, Del Lago, hay Mendez. Phần này tập trung nhiều vào yếu tố hành động hơn, nhưng nhờ có những màn đấu trùm này mà Resident Evil 4 vẫn giữ được yếu tố kinh dị đặc trưng của dòng game này.

Furi

Hình ảnh phong cách tối giản kết hợp với âm thanh synthwave đã biến Furi thành một tựa game vô cùng đặc sắc. Những pha combat trong game tuy đơn giản nhưng chẳng hề dễ xơi một chút nào, né xong cơn mưa đạn là anh em phải nhào vô đọ sức với kẻ địch liền. Đơn thuần đây chỉ là một bài test toàn bộ kĩ năng combat của anh em. Và nhờ có nhạc nền nghe rất kích thích nên mỗi khi thua là anh em chỉ muốn bật dậy, tiếp tục chiến đấu thêm lần nữa. Thậm chí, ngay cả khi anh em nghĩ rằng mình đã master được hết mọi thứ trong game thì vẫn còn đó con trùm mang tên Bernard, và nó sẵn sàng cho anh em biết thế nào là lễ độ. Những con trùm trước đó là để anh em hoàn thiện kỹ năng của mình, để rồi đến trận Bernard thì chuẩn bị nhừ đòn với nó nhé.

Shadow Of The Colossus

16 con Colossi là 16 thử thách mà anh em phải vượt qua để hồi sinh người yêu của mình. Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Khi nhìn thấy con Colossi đầu tiên thì bảo đảm anh em sẽ phải há hốc vì nó quá khổng lồ, trong khi nhân vật chính chỉ là một người bình thường. Để hạ những pho tượng này, anh em sẽ phải di chuyển lén lút, lừa nó sang chỗ khác để tìm cách đu lên người nó; thậm chí có khi phải đối đầu với cái chết chỉ để bám víu lên chân của con Colossi. Và cú twist khúc cuối game sẽ khiến anh em cảm thấy rằng mình chính là kẻ ác chứ không ai khác, giáng một đòn tâm lý cực kì mạnh đối với anh em nào đủ kiên trì để đi đến cuối game.

Metal Gear Solid 3: Snake Eater

Các màn đấu trùm trong Metal Gear Solid 3 đều cực kì chất lượng, khiến anh em “phá đảo” rồi vẫn luôn suy nghĩ về nó. Hideo Kojima đã dồn toàn bộ chất xám vào trong phần này, vì thế nên mỗi con trùm đều mang một màu sắc riêng biệt, không giống với những con trùm rập khuôn trong các game khác. The End không chỉ là một trong những màn bắn tỉa “khoai” nhất trong lịch sử gaming, mà nó còn là màn đấu trùm độc nhất vô nhị vì để thắng con trùm này, anh em phải tua nhanh thời gian đến tương lai và lúc này tên trùm sẽ lăn ra chết vì… già yếu. Còn The Sorrow thì sẽ khiến anh em phải đấu tranh nội tâm vì những cái chết mà mình đã gây ra. Tuy nhiên, đỉnh cao của các con trùm là The Boss. Anh em không chỉ phải tập trung cao độ mà còn phải biết cách kiềm chế cảm xúc trong trận đấu này, nhất là khung cảnh và bản nhạc cuối game sẽ ám ảnh người chơi mãi tận về sau.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

·         Top 10 tựa game đáng mua nhất nhân dịp Steam Autumn Sale 2021

·         Top 10 tựa game anime miễn phí hay nhất trên Steam

·         Top 10 tựa game indie thành công nhất trên Steam, giá rẻ mà lại cực hay

·         Top 10 tựa game chiến thuật theo lượt hay nhất trên Steam 2021

·         Top 10 tựa game 2D siêu cuốn trên Steam 2021 mà máy yếu vẫn chiến ngon lành

·         Top 10 tựa game bắn súng FPS ấn tượng nhất trên Steam 2021

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360