Trailer game thì thường phải hay, phải thật hoành tráng để thu hút càng nhiều game thủ càng tốt. Tuy nhiên, lịch sử làng game cũng đã có không ít trailer xem rất nhàm chán, tẻ nhạt, chẳng khơi gợi được một chút gì gọi là hứng thú cả; nhưng đến khi mở lên chơi thì mới biết hóa ra đây là cực phẩm với gameplay cực kỳ lôi cuốn, trái ngược hoàn toàn so với những gì mà trailer từng thể hiện. Sau đây là top 10 tựa game nhìn trailer tưởng không hay nhưng hoá ra lại hay không tưởng.

Borderlands

Nhiều người sẽ không nhớ rằng trước khi có những hình ảnh mang phong cách cel-shaded, những tên trùm ấn tượng, thì ban đầu mọi thứ nhìn rất là buồn chán. Xuyên suốt năm 2007 và 2008, chúng ta được chiêm ngưỡng trailer đầu tiên về tựa game Borderlands. Nội dung trong clip chỉ đơn giản là một giọng nói được lồng tiếng rất tẻ nhạt, ám chỉ về một nơi gọi là “Vault” mà bạn cần vào đó cướp đồ, và đồng thời hé lộ một vài yếu tố liên quan đến các băng nhóm trong game.

Tông màu của clip này rất ảm đạm với màu xám, nâu, đến nỗi Giám đốc Sáng tạo của nhà phát triển Gearbox còn phải thừa nhận là nó nhìn rất rẻ tiền. Tuy nhiên, đến “phút 89” thì mọi thứ trong game đều được thiết kế lại từ đầu. Phong cách đồ họa trong game lúc này đã phù hợp hơn, và những thứ còn lại thì đã trở thành lịch sử.

Killzone 2

Nếu các bạn còn nhớ thì đây là một trong những sự kiện tai tiếng nhất của PS3, vì Sony đã lấy trailer được dựng bằng phần mềm và quảng bá nó như là gameplay được lấy trực tiếp từ trong game. Lý do là vì nhà phát triển Guerrilla Games không biết rằng đoạn clip mà họ gửi cho Sony sẽ được hãng này lấy đi làm clip quảng cáo luôn, trong khi ban đầu Guerrilla Games chỉ định gửi clip này để demo cho Sony biết là thành phẩm dự kiến sẽ trông như thế nào thôi. Tất nhiên là sau vụ này thì Sony đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích.

Tuy nhiên, bản thân Killzone 2 là một trong những tựa game có chế độ chơi mạng (multiplayer) tuyệt vời nhất mọi thời đại. Bằng cách kết hợp 5 trong 1, bạn sẽ được xoay tua qua các nhiệm vụ cướp cờ, sinh tử, giết một kẻ địch được chỉ định, vân vân ngay trong trận đấu. Mục chơi đơn (singleplayer) cũng không phải dạng vừa đâu, nhưng mục chơi mạng mới chính là thứ giúp game này tỏa sáng.

Spec-Ops: The Line

Nhiều bạn đã biết đây là một tựa game rất đáng để chơi rồi, nhưng có lẽ là nhờ được bạn bè rủ rê hoặc xem review trên mạng, chứ ai mà xem những tư liệu marketing của game này thì chắc… bỏ qua Spec-Ops: The Line luôn vì nó quá chung chung. Bạn sẽ cảm giác như đây lại là một tựa game về lính Mỹ tại một vùng đất xa lạ, đi làm nhiệm vụ gì đó và tìm cách trở về an toàn; còn câu thoại thì cũng chẳng có gì đặc sắc, nói chung là không có điểm nhấn.

Tuy nhiên, đến khi game tung ra demo thì lúc đó mới bắt đầu thu hút được sự chú ý của game thủ. Spec-Ops: The Line không phải là một tựa game bắn súng như mọi người nghĩ. Và chỉ sau vài tiếng trong game là ta có thể thấy rõ sự quyết tâm của nhân vật chính Martin Walker khi anh ta ráo riết truy đuổi Konrad. Cuối cùng, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng từ đầu game đến giờ hóa ra chỉ là do Martin Walker bị ảo giác mà thôi, và anh ta là người đã gây ra cuộc thảm sát thường dân bằng phốtpho trắng – cảnh tượng ám ảnh biết bao nhiêu game thủ.

Mortal Kombat 11

Trailer hé lộ game này không hẳn là tệ, nhưng nó lại khiến fan MK11… gãi đầu vì thấy nó chẳng hề thân thuộc chút nào cả. Lý do là vì đoạn trailer này sử dụng nhạc nền là bài rap, thay vì là rock hay electronica như trước đây. Mortal Kombat thường gắn liền với những bài nhạc kinh điển Techno Syndrome của The Immortals, nhưng NetherRealm đã thay đổi điều này với MK11, làm nhiều game thủ cảm thấy xa lạ với con game mà mình đã gắn bó từ lâu.

May mắn là sau đó thì NetherRealm đã biết lắng nghe và sửa chữa sai lầm của mình với đoạn trailer ra mắt chính thức của MK11. Thậm chí, họ còn tung gói DLC cho phép bạn hóa thân thành những nhân vật trứ danh vốn gắn liền với tên tuổi của series Mortal Kombat. Có thể nói đây là một trong những tựa game đối kháng hay nhất mọi thời đại, và là phần xuất sắc nhất trong series Mortal Kombat.

Brütal Legend

Phải thừa nhận rằng đội ngũ marketing đã làm rất tốt nhiệm vụ của họ, thu hút hàng triệu game thủ hướng cặp mắt về Brütal Legend. Chỉ có điều là quảng cáo một đường, mà game lại… một nẻo mà thôi. Brütal Legend là một tựa game chiến thuật thời gian thực (RTS) vừa dễ chơi vừa chất lượng. Bạn sẽ phải huy động binh lính, canh thời gian tấn công sao cho thật chuẩn xác, và kiên trì bào mòn sức lực của phe địch cho đến khi thời cơ chín muồi. Tuy nhiên, đội ngũ marketing lại không quảng bá game này như thế.

EA là nhà phát hành nên họ có toàn quyền quảng bá tựa game này, và hãng này đã nhấn mạnh vào yếu tố thế giới mở cùng với những đoạn nhạc hùng hồn, nhưng lại chẳng hề đá động gì đến phần chiến thuật cốt lõi của tựa game này. Nói chung là chiến dịch marketing lần này chả giúp ích gì được cho Brütal Legend cả các bạn ạ.

No Man’s Sky

Cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn có game thủ nhất quyết không chơi game này, do họ vẫn chưa thể nào bỏ qua được chuyện Hello Games đã lừa dối mọi người trong chiến dịch marketing như thế nào, và lúc mới ra mắt thì game như một thảm họa. Nhưng cũng cần phải ghi nhận rằng nhà phát triển cũng đã thừa nhận lỗi lầm của mình và đã liên tục tung ra những bản cập nhật thú vị, giúp game trở nên hoàn hảo hơn qua thời gian và cũng như là một lời chuộc lỗi với game thủ. Có thể nói với chất lượng như hiện tại thì No Man’s Sky là một tựa game rất đáng để bạn thả mình vào đó và đắm chìm tại nơi hành tinh xa lạ.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần quan tâm ở đây là cách để quảng bá một tựa game đang được phát triển. Trong trường hợp của Hello Games thì nhà sáng lập đã cố gắng quảng bá những tính năng và tạo ra trailer sai sự thật để phô diễn những cơ chế mà đội ngũ làm game hi vọng là sẽ kịp bổ sung vào no Man’s Sky trước khi game lên kệ. Tiếc rằng đời không như là mơ, và khi ra mắt thì game thủ đã vô cùng bức xúc.

Brothers: A Tale Of Two Sons

Brothers: A Tale Of Two Sons là một trong những tựa game co-op mang đến gameplay độc nhất vô nhị, giúp cho bạn và người đồng hành có những trải nghiệm cực kì vui vẻ và đầy cung bậc cảm xúc. Với game này, 2 bạn sẽ được điều khiển 2 anh em trên 1 chiếc tay cầm, mỗi người xài 1 bên cần analog để cùng nhau vượt qua các thử thách, câu đố, và minigame. Tuy nhiên, những thứ này đều không hề được đề cập đến trong trailer.

Cơ chế điều khiển của game này có thể nói là cực kì độc đáo, chưa kể cốt truyện cũng rất xúc động. Đây là những lý do mà chúng ta nên chơi trò này, nhưng trong vô số trailer về Brothers: A Tale of Two Sons, kể cả đợt ra mắt trên console cũng không thể làm nổi bật lên những điểm ăn tiền đó. Và thế là trong mắt người xem thì đây chỉ là một trò co-op đi cảnh bình thường, chẳng có gì đặc sắc hay lôi cuốn cả.

Call of Duty: Infinite Warfare

Đây là một trong những tựa game có phần trailer bị dislike nhiều nhất mọi thời đại. Suốt 3 phút 24 giây, từng hành động của các nhân vật trong game đều bị người xem ghét cay ghét đắng.

Đầu tiên, việc Activision đột nhiên bẻ lái, chuyển hướng từ dòng game bắn súng thực tế sang thể loại bắn súng… khoa học viễn tưởng, khác hoàn toàn với so với những gì mà mọi người biết về cái tên Call of Duty. Nào là tàu vũ trụ, robot, vũ khí laser… tất cả chúng dường như chẳng liên quan gì đến dòng sự kiện chính của Call Of Duty cả. Và sau khi mọi chuyện dần lắng xuống với phần chơi Advanced Warfare thì Activision lại tiếp tục khiến game thủ phẫn nộ với Black Ops 3 vì lấy bối cảnh tương lai.

Với việc fan phản ứng cực kỳ gay gắt, từ đó đến nay Activision vẫn chưa dám cho những phần Call Of Duty tiếp theo… nhấc chân lên khỏi Trái Đất một lần nào nữa.

Earthbound

Vào thời điểm mà đội ngũ marketing ra mắt trailer cho tựa game này, chỉ có thể nói rằng nó thật “hài hước một cách bi thảm” hoặc “bi thảm một cách hài hước”. Trong trường hợp của Earthbound, Nintendo đã lấy những thú vui “tao nhã” của trẻ em thập niên 90 từ việc đánh rắm, ợ hơi và bàn tán xung quanh cơ thể của những người khác rồi lồng ghép vào một chiến dịch quảng cáo xung quanh tựa game này.

Trong khi game kể về một nhóm siêu anh hùng nhỏ tuổi đang bảo vệ trái đất khỏi các thế lực hắc ám liên thiên hà, chứa đựng những yếu tố nhập vai vô cùng tuyệt vời thì những chiến dịch truyền thông về game lại chứa đầy những nội dung vớ vẩn, xoay quanh mùi rắm thối, thức ăn mốc, và hàng loạt các loại mùi khó ngửi khác. Điều này đã làm cho danh tiếng của tựa game Earthbound bị chôn vùi vì hàng triệu người lúc bấy giờ đều nghĩ rằng tựa game này là một mớ hỗn độn kinh tởm được làm ra cho con nít chơi.

The Legend Of Zelda: Ocarina Of Time

Đây là phần Zelda được nhiều người xem là hay nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, trái ngược với sự hào nhoáng đó là một trong những trailer game tệ nhất ở các nước phương Tây, cho thấy sự hời hợt trong khâu quản lý và kiểm soát nội dung quảng cáo từ các đối tác của Nintendo ở đó.

Thành thật mà nói, với cái trailer kém chất lượng này, quả đáng ngạc nhiên khi Ocarina vẫn mang lại thành công như mong đợi. Ngoài phần nhạc nền kỳ quặc ra thì chuyện phân biệt giới tính cũng thấy rõ trong trailer quảng cáo của Ocarina Of Time, khi mà game ghi thẳng mặt rằng bạn có thể cứu lấy người con gái mà mình yêu thương, hoặc là chiến đấu như là… một đứa con gái.

Dù sao đi nữa, bất chấp việc có một trailer tệ hại, bản thân Ocarina Of Time vẫn rất xuất sắc nên nó vẫn bán cực kỳ chạy.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360