Thị trường game là một thị trường… kỳ lạ, người dùng sau khi xài đồ xịn xong thì muốn món đồ đó ra bản mới, xong lúc ra bản mới thì lại khóc thét chê bai. Tất nhiên trong game thì ai cũng muốn nhân vật yêu thích, cốt truyện, hay những tính năng hay ho được phát triển hoặc tiếp tục ở một phiên bản mới, nhưng kết quả thì lại không như mong đợi. Chưa kể có vài con game làm xong dân tình kêu gọi đừng làm tiếp, nhưng nhà phát triển thì lại không nghĩ thế, và hậu quả là họ đã cho ra những tựa game đáng lẽ không nên xuất hiện thêm phần hậu bản nào. 

CRACKDOWN

Hậu bản: Crackdown 2

Crackdown là một tựa game có thể nói là đỉnh cao một cách thầm lặng trên hệ máy Xbox 360, xoay quanh hội Đặc Vụ (The Agents), bao gồm những đặc vụ có sức mạnh siêu nhiên, trên con đường bảo vệ thành phố Pacific khỏi những tên tội phạm nguy hiểm. Các nhà phê bình game đánh giá con game này rất cao bởi cách mà nhà phát triển xây dựng thế giới mở, cũng như một bộ gameplay hành độc cực kỳ ấn tượng và hoành tráng. 

Thế nhưng, phần 2 của tựa game lại mang đến một trải nghiệm có thể nói là vô cùng… tù túng. Biết là bản đồ ở phần 1 rất hay, nhưng việc “tái chế” lại bộ bản đồ này và bê nó lên phần 2 thì nó phải nói là thiếu sáng tạo, lại còn chơi bối cảnh zombie hậu tận thế, điều tưởng đơn giản nhưng không nhiều game làm tốt. Muối mặt hơn là ngay trong năm tiếp theo, Saints Row 3 ra mắt và dạy cho Crackdown 2 biết thế nào là thế giới mở. 

Hồi năm ngoái thì Sumo Digital cũng thử sức làm tiếp Crackdown 3 xem như nào, một hãng game có thể nói là được game thủ đánh giá cao. Ấy vậy Crackdown 3 vẫn không mang lại điều gì mới mẻ sau hơn 9 năm kể từ bản thứ 2, một tựa game mà đáng ra chỉ nên dừng lại ở đỉnh vinh quang anh em ạ. 

METAL GEAR SOLID V: THE PHANTOM PAIN 

Hậu bản: Metal Gear Survive

Series Metal Gear vốn là series con cưng của Hideo Kojima, ông là người đã dẫn dắt Snake qua biết bao nhiêu khó khăn trong những câu chuyện đầy drama và thử thách, tất cả đều khiến fan cực kỳ hài lòng. 

Ờ thì đó là lúc Kojima chưa rời Konami thôi, cũng vì Konami phủi quá, bác bỏ hết công sức của ông, thậm chí còn xóa logo của Kojima ra khỏi tựa game Silent Hill nữa. Việc ra đi của Kojima đã khiến cho series này chao đao và lạc lối, thế nhưng Konami thì lại muốn vắt sữa và quyết định làm ra một hậu bản xoay quay bối cảnh zombie hậu tận thế anh em ạ.

Metal Gear Survive phải nói là chết từ trong trứng luôn, cơ chế sinh tồn thì kém, gameplay thì chậm, và tất nhiên là thiếu đi cái sự sáng tạo vốn có mà chỉ Kojima mới có thể mang lại. Kiểu này mà Konami ra thêm bản phần VI thì chắc nát luôn cái thương hiệu, thôi thì anh em mình cứ hy vọng Kojima và Konami tái hợp, hoặc Sony bung tiền mua lại thương hiệu cũng ôkê. 

DUKE NUKEM 3D

Hậu bản: Duke Nukem Forever

Duke Nukem Forever là hậu quả của một tựa game đã tốn hơn 15 năm để phát triển, không phải vì tỉ mỉ, mà vì con game này mắc phải những vụ kiện, những lần đổi engine, những lần công ty phá sản, nói chung là có rất nhiều drama, khiến một trong những tựa game được kỳ vọng nhất trở thành tai họa. 

Tất nhiên, với tư tưởng 15 năm trước thì game đã trở nên lỗi thời từ trước khi nó được phát hành, gameplay thì cũ, đồ họa nhìn mờ mờ chuối chuối, thậm chí là thời gian load game thôi cũng lâu như chơi game trên Windows XP vậy. Với phong cách bắn súng hoành tráng với sự hài hước trong câu thoại và cốt truyện, Duke Nukem 3D đã từng phá đảo game bắn súng thời thập niên 90. Thế nhưng khi một tựa game bị tụt hậu quá lâu thì những đối thủ như Doom hay Wolfenstein cũng từng là huyền thoại một thời chắc chắn là vươn lên cái tầm mới rồi. Đến thế kỷ 21 thì thật sự là không có đất cho Duke Nukem Forever diễn anh em ạ. 

Trong khi tin đồn về tựa game đang được phát triển vào năm 2015 lộ ra, thì một nhân viên Gearbox lại phát biểu rằng hiện tại không ai có đang có ý định hồi sinh tựa game này cả, và thế là hết. 

STAR WARS: THE FORCE UNLEASHED

Hậu bản: Star Wars: The Force Unleashed 2

The Force Unleashed là một tựa game lấy chủ đề Star Wars có chất lượng, anh em sẽ vào vai Galen, một tay sai của Darth Vader có một chút Thần Lực trong người. Anh em sẽ được Vader giao cho một đội quân và lên đường tham chiến, thực hiện những ý đồ xấu xa cho hắn. 

Gameplay của con game này là cực kỳ gây nghiện, cảm giác sử dụng Thần Lực, điều khiển vật thể, kẻ địch, nó phê cực kỳ anh em ạ. Khả năng tùy biến cũng cao, bên cạnh đó là cốt truyện rất lôi cuốn với nhiều cái kết khác nhau. 

Phần 2 của tựa game mặc dù được mong đợi rất nhiều nhưng lại vô cùng đáng thất vọng, gần như là bê nguyên con game cũ lên rồi thêm thắt cho nó khác một chút nhưng tất nhiên là không qua mắt được fan rồi. Tất nhiên con game cũ rất hay, nhưng vì hay quá nên kiểu người ta chơi đủ rồi, giờ chỉ mong nó lên tầm hoặc một cái gì đó mới mẻ hay ho thôi. 

The Force Unleashed 2 cảm giác như một bản DLC mà nhà phát triển… quên ra mắt ở phần một vậy. Nếu anh em muốn phần hai của tựa game này, thử con Star Wars Jedi: Fallen Order, đều có gameplay dạng khám phá hành tinh này đến hành tinh khác, chặt chém kẻ địch với nhiều combo khác nhau, cũng khá đấy anh em ạ.

PAC-MAN 

Hậu bản: Pac-man 2: The New Adventures 

Làm sao để tái hiện một tựa game huyền thoại với gameplay đơn giản nhưng lại gây nghiện và là tượng đại của gaming qua biết theo thế hệ? Đơn giản là không thể anh em ạ. Thiệt ra thì những con game thời xưa cũng có những thành công nhất định khi được tái hiện ở thời hiện đại, như trò Tetris 99 ấy. Nhưng bên cạnh đó cũng có những thất bại ê chề có thể kể đến như Bomberman, Act Zero hay… Pac-man. 

Pac-man 2: The New Adventures là một tựa game thể loại click chuột giải đố, xây dựng lại nhân vật Pac-man và thêm vào những người hàng xóm không biết từ đâu ra. Ý tưởng có thể nói là khác xa so với bản gốc, chả có cách nào để điều khiển Pac-man một cách thật sự thoải mái cả, đều mà không một fan Pac-man nào có thể chấp nhận. So với gameplay chạy trốn trong mê cung thì gameplay giải đố này phải nói là thất bại thảm hại. 

THE MASS EFFECT TRILOGY

Hậu bản: Mass Effect Andromeda

Thật ra thì 3 bản của Mass Effect cũng không phải là hoàn hảo, phần một thì cũng không quá hay còn cái kết ở Phần 3 lại bị fan phản đối kịch liệt. Dù vậy, nhìn chung series này vẫn là một series hay với nhân vật Shepard mà có lẽ anh em cũng cực kỳ yêu thích. 

Đó là lý do khiến dân tình cũng khá là háo hức khi nghe tin một phiên bản mới với nhân vật và cốt truyện mới sẽ được phát triển. Ai cũng cho rằng đây là cơ hội để BioWare sửa sai vì những lỗi lầm nhỏ ở bản trước và tạo ra một siêu phẩm hoàn hảo để mang đến cảm giác trọn vẹn cho người hâm mộ. Thế nhưng… 

Andromeda lại thất bại thảm hại với một đống lỗi, gameplay thì chán, tạo hình từ đồ họa đến animation đều cùi bắp. Phiên bản này đi từ tựa game được mong chờ nhất (do Golden Joystick đánh giá) thành một trong những tựa game thất bại trong năm nó được phát hành.

KNACK 

Hậu bản: Knack II 

Nếu anh em đã chơi qua Knack thì sẽ hiểu vì sao tựa game này lại không nên tiếp tục làm bản tiếp theo. Knack là minh chứng cho thấy PS4 không chỉ có game FPS mà còn nhiều cái hay ho hơn, thế nhưng cái hay ho này mặc dù là mới mẻ nhưng lại không thật sự đáng chú ý. Nó thể hiện những hạn chế của chiếc PS4 với đồ họa mắc khá nhiều lỗi, bên cạnh đó tựa game cũng hướng đến đối tượng người chơi không rõ ràng, thật sự thì nhiều thông tin cho rằng chả ai trong đội ngũ phát triển biết lý do tồn tài thật sự của tựa game này là gì nữa. 

Knack II mặc dù có những tiến bộ, nhưng nó cũng không chứng minh được sự tồn tại của Knack là có ích cho đời. Trong buổi ra mắt tại Nhật Bản, Knack II chỉ bán được hơn 2000 bản. Đó là cái kết có thể nói là dự đoán được cho một tựa game mà… chả ai quan tâm. 

THE LAST OF US 

Hậu bản: The Last of Us 2

Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng cũng như độ đỉnh của tựa game The Last of Us, và phần 2 tất nhiên là được rất nhiều fan lót dép hóng nhiều năm trời cho đến khi được tại nguyện. Thế nhưng khi tựa game chính thức được phát hành, nó lại kéo theo một làn sóng dư luận với những ý kiến trái chiều không có hồi kết. 

Về cơ bản là tựa game đã đánh mất đi cái cảm giác hồi hộp và căng thẳng, điều mà game thủ rất thích ở phần một và thay vào đó là những đoạn cutscene buồn thảm, đầy nội tâm mà có lẽ không phải ai cũng thích. Quan trọng là xuyên suốt tựa game anh em sẽ phải hứng chịu cái cảm giác nặng nề này liên tục, nên về tổng thể nó khiến chơi The Last of Us 2 như vừa xem một bộ phim buồn xong vậy. 

Đạo đức quản lý là điều mà các hãng game đang bị xã hội lên án, việc thúc ép nhân viên làm việc quá sức để đưa ra sản phẩm sớm nhất có thể vừa không hiệu quả mà còn tạo nên môi trường làm việc không lành mạnh. Vậy nên có thể nói, The Last of Us đáng ra chỉ nên dừng lại ở phần một, mặc dù cái kết không thật sự là kết thúc đóng, chứ làm thêm phần 2 thì lại khiến series này thụt lùi. 

FINAL FANTASY XIII 

Hậu bản: Final Fantasy XIII-2

FF XIII thật ra cũng không phải là một tựa game xuất sắc trong series FF, cả nhân vật và cốt truyện cũng không thật sự nổi bật trong tựa game này. Tuy nhiên, FF là một series dài, nên tất nhiên phải có một vài thất bại trong đống thành công đúng không anh em? Rõ ràng là Square Enix chỉ cần rút ra bài học rồi tiếp tục làm bản mới thôi.

Ngặt nỗi bản XIV không thấy đâu, chỉ thấy ông Square Enix chày cối làm phần 2 cho XIII, một nước đi mà có lẽ bây giờ ngay cả Square Enix cũng không thể hiểu. 

Bản gốc đã dở bản 2 còn dở hơn, đã thế cái kết FF XIII vốn đã khó hiểu nay lại càng “rối não” và rắc rối hơn với bản hậu truyện. Nhiều người cho rằng FF XIII-2 là một trong những hậu bản đáng ra không nên xuất hiện trong cả làng gaming. 

STAR WARS BATTLEFRONT

Hậu bản: Star Wars Battlefront 2

Sau một khoảng thời gian ngẫm nghĩ, EA quyết định sẽ tái hiện một tựa game cực kỳ nổi tiếng mà họ đã từng làm, đó là Star Wars Battlefront. Bản Battlefront đầu tiên có lẽ đã quá quen thuộc, thời đó con game này có đồ họa phải nói là đỉnh, gameplay chơi cực ghiền, đặc biệt là âm thanh bùm chíu đặc trưng của Star Wars thì chắc chắn là kinh điển rồi.

Như mọi khi, EA thấy được cơ hội kiếm tiền với siêu phẩm này và bắt đầu tạo ra một phiên bản mới với nhiều tính năng “hút máu” hơn. Chẳng hạn, để vào vai Vader thì anh em sẽ tốn khoảng 80 đô, nghe thôi là thấy chả ai mua rồi. Thậm chí Battlefront 2 còn vấp phải những đơn kiện cho rằng có vài yếu tố cờ bạc trong game, đáng ra chỉ cần một bản DLC là đủ để EA hút máu rồi, nhưng không, người ta chơi là phải chơi lớn. 

Vừa rồi là top 10 những tựa game mà đáng ra không nên có hậu bản, chắc chắn vẫn còn những con game sống dở chết dở mà mình vẫn chưa thể nhắc đến trong một danh sách, vậy nên anh em hãy bình luận bên dưới để chúng mình cùng tham khảo nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

·       Top 10 tựa game hacker cho bạn làm “pháp sư” không gian số

·       Top 10 tựa game được chơi nhiều nhất trên Steam đầu năm 2022

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360