Việc game thủ ngóng trông, mong đợi một tựa game nào đó ra mắt là con dao hai lưỡi. Nó có thể giúp cho tựa game thành công vang dội hơn cả dự kiến của mọi người, hoặc nó cũng có thể khiến cho game thủ vỡ mộng vì đã hi vọng quá nhiều. Những tựa game thành công thường sẽ được ghi vào lịch sử, ca tụng hàng chục năm sau; còn những game kia thì sẽ bị chê thậm tệ, chấm điểm thấp lè tè và nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có những game mà game thủ đã kì vọng, tung hô nó quá mức, đến nỗi khiến cho những reviewer đành chấp nhận nâng điểm cho tựa game đó cao cao một chút, mặc dù nói trắng ra là nó còn tồn đọng rất nhiều lỗi lớn nhỏ đầy rẫy bên trong. Chúng không hẳn là game dở, nhưng lại có số điểm cao hơn mức mà đáng lẽ ra nó được nhận. Sau đây là danh sách 10 tựa game có điểm cao chỉ vì được tung hô quá mức.

Halo 4

Khi bộ ba (trilogy) Halo khép lại vào năm 2007, Microsoft vẫn chưa có ý định cho Master Chief “về hưu” mà lại tiếp tục tìm kiếm một đội ngũ mới để làm phần tiếp theo. Tại thời điểm đó thì Halo 4 là dự án game cho Xbox tốn nhiều chi phí sản xuất nhất và đồng thời game thủ cũng cực kì phấn khích khi biết sẽ có phần 4. Kết quả là Halo 4 cũng không tệ chút nào, nhưng so với 3 phần trước thì thật sự nó chưa đạt được tới cái tầm đó. Mục chơi chiến dịch thì cực kì tuyến tính, mặc dù đã có lồng ghép khá nhiều yếu tố tình cảm trong cốt truyện; còn mục chơi mạng thì vướng phải khá nhiều ý kiến trái chiều vì nó chuyển sang một hướng mới… chẳng khác gì so với Call of Duty cả. Mục chơi co-op Spartan Ops thì cũng chơi xong rồi thôi, chẳng đa dạng hay có giá trị chơi lại một chút nào cả.

Mất 3 năm để phát triển, Halo 4 có thể không phải là phần dở nhất trong series, nhưng nó lại được các nhà phê bình khen ngợi quá mức, chẳng hạn như trang IGN cho điểm số lên đến 9,8/10. Nhìn chung thì Halo 4 là một bước thụt lùi của dòng game huyền thoại này, và đến Halo 5 (2015) thì nó lại càng tuột dốc không phanh.

The Legend Of Zelda: Skyward Sword

Mỗi khi có tin tức về phần Legend of Zelda mới là y như rằng, cộng đồng game thủ ai nấy cũng rất phấn khích. Không giống như phần Twilight Princess trước đó, Skyward Sword được phát triển dành riêng cho Nintendo Wii, cho phép game thủ dùng tay cầm để chém kiếm và sử dụng một số công cụ trong game. Nó có nhiều yếu tố hấp dẫn, chẳng hạn như là thế giới Skyloft và mối quan hệ giữa Link và Zelda đã khắng khít hơn, nhưng không phải yếu tố nào cũng hay ho như thế.

Cũng giống như các phần trước, Skyward Sword vẫn nhận được đánh giá tích cực khi ra mắt nhưng không thể phủ nhận là nó vẫn bị dính khá nhiều lỗi, làm giảm chất lượng game một cách rõ rệt. Đã có rất nhiều trang phê bình bỏ qua vấn đề về cơ chế điều khiển bằng cử động (motion control) và các nhiệm vụ thì khá là cồng kềnh, khiến nhịp độ game bị chậm đi đáng kể. Hiện tại thì phần này đã không còn được đánh giá cao như lúc trước, nhưng xét lúc mà nó ra mắt năm 2011 thì đọc review anh em sẽ không biết được những mặt hạn chế kia đâu.

Evolve

Có thể nói đây là một trong những quả bom xịt lớn nhất trong ngành gaming. Được sản xuất bởi nhà phát triển từng làm ra Left 4 Dead, trên giấy tờ thì ý tưởng của Evolve rất là tuyệt vời, và nó còn mở ra lối đi mới trong việc chơi mạng (multiplayer) mà 2 đội không cân bằng với nhau: 4 thợ săn trong cùng một đội sẽ đi săn lùng và tiêu diệt 1 con quái thú được điều khiển bởi người chơi khác. Game thủ ai nấy cũng đều rất háo hức, mong chờ vì nó giành được nhiều giải thưởng tại sự kiện E3 và các sự kiện khác. Tuy nhiên, mọi người lại quên mất rằng gameplay cốt lõi của Evolve khá là tẻ nhạt, chơi một thời gian là thấy chán ngay. Và game thủ đã được sáng mắt ra khi Evolve được phát hành vào tháng 2/2015.

Tại các buổi họp báo thì Evolve vẫn được tung hô rất nhiều, nhưng đến khi game thủ cầm trên tay rồi thì mới thấy nó “thiếu muối” đến mức nào. Gameplay cứ lặp đi lặp lại đến mức phát ngán, còn các nội dung tải về thêm thì cũng bị game thủ chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên, có nhiều trang đánh giá lại ngoảnh mặt làm ngơ với vấn đề này và cho nó số điểm trên mức trung bình. Sau đó tựa game này có cố gắng níu kéo game thủ, chuyển sang thể loại free-to-play đủ kiểu nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình. Và cho đến thời điểm hiện tại thì Turtle Rock Studios vẫn chưa có thêm tựa game nào thực sự mang tầm vĩ mô.

Metal Gear Solid 5: The Phantom Pain

Đây là phần thứ 5 và cũng là phần cuối cùng trong series Metal Gear Solid, và nó đã được rất nhiều game thủ lẫn fan gạo cội mong chờ. Ngoài ra thì gameplay cũng có sự chuyển mình rõ rệt kể từ phần Portable Ops (2006), càng khiến fan mong chờ. Qua các trailer thì The Phantom Pain có vẻ như vẫn thuận buồm xuôi gió, vì thế nên ai ai cũng đón chờ xem Hideo Kojima sẽ biến hóa phần này như thế nào. Tuy nhiên, khi game ra mắt thì trong cộng đồng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

Ngoài yếu tố gameplay hành động lén lút tuyệt vời thì những yếu tố còn lại đều đi thụt lùi so với những phiên bản tiền nhiệm. Thế giới mở trong game có thể giúp game thủ tìm được lối chơi đa dạng hơn, nhưng vì không có các căn cứ địch như phần trước nên nó rất là tẻ nhạt. Và đặc biệt cốt truyện trong phần này là vô cùng hời hợt, không có điểm nhấn và phụ thuộc quá nhiều vào các đoạn audio (audio log). Ngoài ra thì game này cũng chưa thật sự gọi là hoàn thành do Konami gặp phải một số vấn đề trong khâu quản lý. Và tất nhiên, những lỗi này đều được các reviewer bỏ qua cả.

Bioshock Infinite

BioShock là một trong những series đã quá nổi tiếng với anh em luôn rồi. Sau khi ra mắt BioShock 2 vào năm 2010 thì phần thứ 3 tất nhiên cũng sẽ được game thủ kì vọng rất nhiều. Khi công bố bản demo tại sự kiện E3 thì quả thực là nó rất ấn tượng, không gian rộng mở với nhiều lối chơi combat khác nhau. Đến khi nó ra mắt vào năm 2013 thì vẫn rất đáng để chơi, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số lỗi khá là hướng tai gai mắt.

Bioshock Infinite đã xây dựng được một bối cảnh, môi trường rất tuyệt vời và nhân vật Elizabeth được đầu tư rất kỹ lưỡng; nhưng đồng thời nó cũng bị mất đi một số thứ đã đem đến thành công vang dội cho 2 phần BioShock trước đây. Nhân vật chính Booker chỉ được sử dụng 2 vũ khí và sức mạnh tại 1 thời điểm đã khiến người chơi bị giới hạn trong một khuôn khổ, và cốt truyện về việc du hành thời gian và các nghịch lý trong game cũng có vấn đề của riêng nó chứ không phải là không. Infinite không phải là một tựa game tệ, nhưng nó đã thay đổi một số yếu tố liên quan đến gameplay khiến nó mất đi cái hồn của BioShock. Có lẽ vì reviewer lúc đó cảm thấy bị choáng ngợp bởi khung cảnh trong game nên mới cho điểm cao như thế.

LittleBigPlanet

Đây là tựa game đầu tay của Media Molecule dành cho hệ máy PS3, và đồng thời nó cũng là một trong những tựa game độc quyền đã thôi thúc anh em chạy ra tiệm tậu ngay một chiếc PS3 để chơi bằng được trò này. Nhìn sơ qua thì nó cũng giống như những tựa game đi cảnh 2D khác, nhưng nó nổi tiếng là nhờ việc cho phép game thủ tự tạo màn chơi cho riêng mình. Từ đó, một cộng đồng LittleBigPlanet được hình thành, và những người chơi bắt đầu chia sẻ tác phẩm của mình cho mọi người, giúp game sống cực kì “thọ”. Việc cho game thủ tự do tạo ra màn chơi của riêng mình rất hiếm khi thấy trên console, chứ trên PC thì rất nhiều.

LittleBigPlanet là một tựa game dễ thương, dễ mến, và có rất nhiều công cụ cho game thủ sáng tạo. Tuy nhiên, đây chưa thực sự xứng đáng để được gọi là một trong những tựa game hay nhất mọi thời đại. Nó có vấn đề với camera, góc quay, và cơ chế nhảy trong game đã khiến không ít game thủ cảm thấy ức chế; ngoài ra thì khi chới với bạn bè, game lại gặp phải vấn đề khi camera dịch chuyển ra xa để lấy góc rộng nhưng lại không thể lấy nét chính xác được. Tuy nhiên, những lỗi này vẫn không đủ để khiến các nhà phê bình phải trừ bớt điểm ra, ngược lại đây là một trong những game được đánh giá cao nhất trên PS3 là đằng khác.

Resistance 2

Bởi vì phần đầu tiên của series Resistance là Resistance: Fall of Man đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ game thủ, nên việc phần 2 được hóng hớt cũng là điều hiển nhiên. Và thế là Resistance 2 được phát hành vào năm 2008 với rất nhiều hứa hẹn: nội dung phong phú hơn, chất lượng tốt hơn, môi trường rộng lớn hơn, và nhất là có chế độ chơi mạng lên đến 60 người chơi. Lúc mới ra mắt, game nhận được rất nhiều lời tán dương, phần lớn là nhờ có quy mô rộng lớn trong mục chơi đơn và chơi mạng.

Bởi vì dòng game FPS trên console chỉ mới thực sự khởi sắc với tựa game Call of Duty 4: Modern Warfare ra mắt 1 năm trước đó, nên kết quả là nó vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm. Do đó, nhiều reviewer đã bỏ qua những lỗi trong Resistance 2 như gameplay không có chiều sâu, cốt truyện thì quá tuyến tính. Insomniac Games sau đó có xác nhận là họ đã lầm đường lạc lối với Resistance 2, nhưng giới phê bình vẫn cứ thích khen phần này mãi thôi.

Fallout 3

Với cách tiếp cận giống với The Elder Scrolls IV: Oblivion, Bethesda Game Studios đã khiến cho game thủ vô cùng phấn khích vì cuối cùng tựa game nhập vai đình đám cũng đã chuyển sang thể loại 3D. Khi ra mắt thì game được đánh giá rất cao, giành được nhiều giải thưởng Game of The Year danh giá và giúp Bethesda phát triển được như ngày hôm nay. Game có nhiều yếu tố rất là độc đáo, chẳng hạn như hệ thống VATS và khung cảnh buồn rầu của vùng Capital Wasteland.

Nhưng cũng vì quá thành công nên nhiều lời phàn nàn của game thủ đã bị bỏ ngoài tai. Nhiều năm sau đó, khi mọi thứ đã lắng xuống rồi thì game thủ mới nhận thấy game có cốt truyện khá yếu ớt, mờ nhạt; nhiệm vụ phụ thì không được phong phú cho lắm, và các đoạn đối thoại cũng không gây ấn tượng cho lắm. Mặc dù những năm sau này Fallout cũng tuột dốc dần dần, phải mất một thời gian khá lâu thì game thủ mới biết được phần 3 chính là lúc mà series này bắt đầu đi thụt lùi.

Fable 3

Là một trong những game độc quyền trên nền tảng Xbox, đây còn là series nhập vai đình đám thu hút rất nhiều fan. Đến năm 2010 thì phần 3 ra đời, mang theo rất nhiều lời hứa hẹn về một cốt truyện hoành tráng nhất trong series. Quả thực đây là một trong những tựa game độc quyền đình đám trên Xbox 360 trong năm đó, bên cạnh Halo Reach và thiết bị Kinect. Tuy nhiên, Fable 3 nói riêng và series Fable nói chung đều có những rắc rối nhất định, khi mà Peter Molyneux – cha đẻ của series này – thường xuyên hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều.

Đỉnh điểm là với phần 3 này, khi mà nhà phát triển Lionhead Studios bổ sung các tính năng khiến nhịp độ game bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sanctuary thì load mãi chẳng biết khi nào mới xong, các tính năng cosmetic thì vô dụng, độ khó thì chẳng hề tạo ra thử thách nào, và còn nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, những điều này có vẻ như chẳng hề hấn gì với reviewer vì nhìn chung Fable 3 nhận được điểm khá cao tên các mặt báo.

Final Fantasy VII: Remake

Final Fantasy VII là tựa game thuộc hàng kinh điển luôn rồi, và lượng fan cũng cực kì hùng hậu anh em ạ. Vì thế nên khi Final Fantasy VII: Remake được hé lộ tại E3 2015 thì đã có vô số game thủ khắp nơi trên thế giới vỡ òa trong cảm xúc. Mọi thứ sau đó vẫn phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng khi bản remake này ra mắt và nó chẳng giống gì so với phiên bản gốc, nhiều game thủ đã tỏ ra không mấy vui vẻ.

Final Fantasy VII Remake có nhiều nhiệm vụ hơn và các nhân vật phụ cũng có nhiều đất diễn hơn. Mặc dù game thủ rất hoan nghênh vụ thứ nhì, họ lại tỏ ra bất bình với vụ thứ nhất vì các nhiệm vụ này được thêm vào cho có, kiểu như “bắt cóc bỏ dĩa” chứ chẳng có đóng góp gì cho cốt truyện chính cả. Tuy nhiên, Final Fantasy VII: Remake vẫn được đánh giá cao bởi nhiều trang game uy tín, còn game thủ thì vẫn tỏ ra hoài nghi, không biết liệu Square Enix có đang đi đúng hướng với Final Fantasy VII Remake nói riêng và series Final Fantasy nói chung hay không.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360