Những điều tưởng chừng như bình thường, hàng ngày chúng ta vẫn thường làm, như đi làm, đi học, nói chuyện, ăn uống, nghe rất giản đơn nhưng lại có thể làm niềm cảm hứng cho những “nghệ sĩ” tài ba. Và đối với mình, những nhà làm game chắc chắn là những nghệ sĩ không hơn không kém, đó là lý do mà họ có thể sử dụng những điều bình thường như trên, biến nó thành một cái hay ho để chúng ta trải nghiệm, và hôm nay, cái hay ho đó sẽ liên quan đến đề tài kinh dị anh em nhé.

RESIDENT EVIL – MỞ CỬA

Đi qua một cánh cửa là một trải nghiệm có thể nói là… chả có gì đặc biệt, dù là chơi game hay ngoài đời. Bằng chứng là đa phần những tựa game kinh dị ngoài kia thường sử dụng thang máy hay đường hầm để “mở ra” những chân trời mới đáng sợ hơn cho game thủ chứ ít khi là cánh cửa. Nhưng với Resident Evil thì khác, tựa game này biến “nghệ thuật” mở cửa lên một cái trình mới, kinh dị và ghê rợn hơn anh em ạ.

Mỗi khi đối mặt với những “cánh cửa” mấu chốt trong tựa game này, tất cả âm thanh dường như lặng đi, mọi thứ tối lại, cảm giác căng thẳng tăng lên, nó như một cái đặc trưng của RE luôn rồi. Anh em có tất cả thời gian để có thể ngắm nghía cánh cửa và chuẩn bị tinh thần, vì khi mở ra thì chắc chắn là một bầu trời kinh dị đang chờ đón.

Những cánh cửa trong RE góp phần khiến tựa game trở nên căng thẳng và đáng sợ hơn, điều vốn đã được làm rất tốt trong mọi tình huống khác. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chắc chắn anh em vẫn sẽ giật bắn người với những pha jumpscare cực kỳ sáng tạo của RE. Nhưng hơn hết, có lúc ổn áp thì không sao, chứ những lúc zombie nó đang đuổi sau lưng và phải mở cửa vội, thì nó còn kinh khủng gấp bội anh em ạ, mở cái cửa thôi mà khó khăn quá.

P.T – ĐI QUA CÁI HÀNH LANG QUEN THUỘC

Làm đi làm lại một động tác có thể khiến bất kỳ ai trở nên ức chế và bực mình, vậy nên khi tựa game P.T được phát hành với gameplay đi qua đi lại cái hành lang đến nổi thuộc làu thì nó lại càng ức chế hơn, mà còn kinh dị nữa chứ. Ở nhà đi hoài chả sao, tự nhiên trong P.T lại chả dám đi đâu, chỉ biết đứng nhìn. Tựa game đã chuẩn bị sẵn rất nhiều điều bất ngờ để chờ đón anh em ngay trên một khu vực đã quá quen thuộc. Nào là đang đi radio mở lên với âm thanh kỳ quái, hay cánh cửa đang mở tự dưng đóng rầm với giọng cười ma quái. 

Rồi dần dần, mọi thứ trở nên máu me, kinh dị hơn, cửa kính bắt đầu vỡ, trên tường bắt đầu có vệt máu hình bàn tay,.. Và anh em sẽ phải đón nhận tất cả bằng cách bắt buộc phải đi qua cái hành lang hàng nghìn lần. Đến khi Lisa xuất hiện, chắc anh em cũng bỏ game luôn chứ làm gì dám đi nữa. Mình đánh giá đây là một trong những trải nghiệm… đi qua hành lang khó khăn nhất mà mình phải thực hiện. 

DARK SOULS – MỞ MỘT CÁI RƯƠNG

Mở hòm là một trong những thao tác phổ biến nhất trong game, thậm chí trong những tựa game như Zelda, GoW hay Ninja Gaiden đều có những “phong cách” mở họp rất thú vị và độc đáo và khiến người chơi thích thú. Thế nhưng, nói về độc đáo thì Dark Souls nó phải ở cái tầm. 

Chỉ là mở cái hòm thôi, có gì mà tầm với cỡ? Trong thế giới bị nguyền rủa của Dark Souls, làm cái gì nó cũng có chuyện hết anh em ạ. Mặc dù một cái hòm đồ nhìn như một phần thưởng xứng đáng cho những lần chiến boss mệt nghỉ, tuy nhiên, không phải lúc nào bên trong cũng là thứ mà anh em đang mong đợi. 

Thường thì đúng là anh em sẽ nhận được giáp, vũ khí, phụ kiện hồi máu các thứ, nhưng đôi lúc, tự dưng sẽ có một đôi bàn tay to bản ôm lấy anh em, sau đó kéo vào và đóng cửa hòm lại để chặt đầu nhân vật. Pha tấn công chả ai muốn này sẽ đủ để đưa anh em về điểm hồi sinh một cách tức tưởi và cay cú. Anh em nào chưa biết mà lần đầu thử, đảm bảo là giật cả mình tim muốn bắn ra ngoài luôn. 

FIVE NIGHTS AT FREDDY’S – LÀM VIỆC CA ĐÊM

Nếu anh em có bạn bè làm bảo vệ ca đêm, hãy hỏi họ xem trải nghiệm làm việc sẽ như thế nào, mình chắc chắn là phần lớn anh em đó sẽ nói rằng “làm lẹ lắm, xem camera 8 tiếng đến sáng rồi về thôi”. Chắc chắn là chả có gì đặc biệt trừ khi có một băng cướp xuất hiện thôi. 

Thế nhưng trong tựa game kinh dị Five Nights at Freddy’s, anh em sẽ có một ca trực đêm phải nói là nhớ đời. Nếu anh em đã xem qua bộ phim Night at the Museum thì trải nghiệm trong tựa game này có thể nói là tương tự. Tuy nhiên những thứ sống lại trong FNAF nó không thật sự thân thiện như bộ phim kia. Đó là những con thú bông, máy móc, được sống lại với nhiệm vụ là trừ khử người chơi. 

Anh em sẽ phải quan sát camera một cách cẩn trọng, đồng thời cũng phải để ý xung quanh không là cũng lên đường luôn. Nguồn điện cũng là hạn chế, vậy nên anh em còn phải tự quản lý tài nguyên nếu không biết rơi vào bóng tối và không có cái gì để mà tự vệ. Một trải nghiệm mà mình tin rằng, có trả lương khủng cũng không dám quay lại. 

SONIC THE HEDGEHOG – BƠI

Thật ra thì mình thấy cảm giác bị đuối nước trong game nó mang lại cái trải nghiệm có thể nói là ức chế hơn so với kinh dị. Kiểu bởi gần tới bờ hay vừa nhảy xuống biết lên đường buông xuôi luôn nó cáu thật sự anh em ạ. 

Nhưng trong Sonic The Hedgehog thì tự nhiên cái cảnh bơi lội nó kỳ dị kinh khủng, từ âm thanh cho đến hình ảnh, lại còn cái cơ chế nó cũng rất là ghê rợn. Khi anh em đưa Sonic xuống nước, anh sẽ đi vào trạng thái bị làm chậm, nếu anh em ở dưới nước quá lâu thì tựa game sẽ thông báo một cách dữ dội, màn hình chớp đỏ báo động khiến anh em hoảng loạn vô cùng. 

Chơi xong cái cảnh này đảm bảo anh em sẽ bị ám ảnh cái cảnh báo động với âm thanh to một cách kỳ lạ này, thậm chí cảm giác như kiểu nhớ về những điều kinh hoàng trong quá khứ mà anh em hay thấy trên phim luôn đấy. 

SLENDER: THE EIGHT PAGES – ĐI LẤY THƯ

Những nhiệm vụ “lụm đồ” trong game thường là những nhiệm vụ có thể nói là nhàm chán nhất trong danh sách những loại nhiệm vụ. Đa phần những nhiệm vụ này sẽ là đi đến một địa điểm nào đó, hên xui thì đánh quái các kiểu, xong lấy món đồ cần lấy, rồi đi về chỗ cũ, nghe nó chả có gì là căng thẳng phải không nào. 

Thế nhưng, trong Slender thì lại khác, nhiệm vụ của anh em trong tựa game này vẫn là đi lấy đồ, nhưng lấy trong một khu rừng hoang vào buổi tối thì nó lại khác. Cái mà anh em đang tìm là 8 mảnh giấy nhỏ, cho nên để tìm được thì cũng không dễ. Cái cảm giác đi vòng vòng trong khu rừng, cứ có cảm giác có gì sau lưng nó thật sự là một cơn ác mộng. 

Tựa game được dẫn dắt theo cơ chế giới thiệu tính năng một cách từ từ, không phải cứ vừa vào game là anh em được chạy ngay mà phải đi bộ, hay càng kiếm được nhiều giấy thì âm thanh sẽ càng dồn dập, tức là có gì đó đang đến gần. Nếu anh em nghĩ nhiệm vụ loot đồ là đơn giản, là dễ? Hãy thử Slender: The Eight Pages.

DARKWOOD – TÌM KIẾM VÀ THU THẬP TÀI NGUYÊN

Phải nói trong những năm quá, đã có “hàng tấn” những tựa game sử dụng gameplay sinh tồn trong thế giới mở được phát hành. Nhiệm vụ của anh em là thu thập tài nguyên, tìm thức ăn, cố gắng sống sót. Mới đầu thì rất vui, nhưng dần nó cũng chán, nội cái lúc đi tìm tài nguyên thôi là cũng thấy lười lắm rồi. 

Làm đi làm lại cái quá trình sinh tồn này đủ lâu thì anh em có khả năng là sẽ có được vinh quang loé sáng, nhưng cái quá trình nó lại nhàm chán biết báo. Tuy nhiên, có một tựa game đã nâng tầm gameplay sinh tồn, và đưa anh em vào một trải nghiệm có thể nói là không thể nào quên, đó là Darkwood. Trong một thế giới mà anh em chỉ được phép ra khỏi nhà khi trời sáng, thì phải hiểu là ban đêm nó kinh dị như thế nào. 

Vậy nên việc anh em cần làm là khi trời sáng, phải thu thập làm sao cho đủ tài nguyên thì ban đêm mới có cơ hội sống sót qua ngày. Nhưng đâu phải dễ, trên đường đi anh em còn phải va chạm với những con quái vật kinh dị, và lúc mà anh em đang cố gắng chạy về nhà, đằng sau là đống quái vật đang đuổi theo, còn mặt trời thì đang dần tắt đi, đó là một cảm giác kinh hoàng khi trải nghiệm tựa game Darkwood. Thu tập tài nguyên tự nhiên nghe có vẻ không dễ ăn như thường đúng không anh em. 

CONDEMNED: CRIMINAL ORIGINS – ĐIỀU TRA MỘT CỬA HÀNG BÁCH HOÁ

Tựa game Condemned sẽ đưa anh em vào những khung cảnh u ám và tối tăm trong thành phố, với những tên tội phạm nguy hiểm đang chờ trực để có thể kết liễu anh em bất cứ lúc nào. Một trong những tên tội phạm đó là một kẻ giết người hàng loạt đang ẩn náu trong một cửa hàng bách hoá bỏ hoang. 

Cửa hàng bách hoá thì… anh em biết rồi đó, nó là một nơi mà anh em mình hay mặc quần đùi áo ba lỗ, tóc tai bù xù màng dép lê đi mua mì tôm. Nhưng trong con game này lại khác, nó bị bỏ hoang, nó tối, và có đầy ma-nơ-căn kinh dị, thề, sợ nhất mấy con ma-nơ-căn. Đây có thể nói là một trong những phân đoạn kinh dị nhất con game này, và để vượt qua nó thì anh em phải có lòng dũng cảm của đấng bề trên. 

Anh em cứ tưởng tượng cái cảm giác trên tay là cái đèn pin, bên trong là một tên tội phạm giết người điên loạn, và mọi thứ thì tối thui. Đang đi cứ thấy sột soạt đâu đó, quay qua quay lại thì thấy bóng người, muốn thòng tim luôn anh em ạ, cửa hàng bách hoá gì mà căng dữ vậy trời. 

DEAD SPACE 2 – PHẪU THUẬT

Phẫu thuật thì chắc chắn là không vui, tất nhiên nó không nhàm chán, nhưng nó là cho bác sĩ, cho y tá, chứ bệnh nhân nằm ngủ như chết có biết gì đâu. Nhưng mà không, Dead Space 2 nói không, phẫu thuật nó phải gắt, nó phải đau đớn, thì nó mới gọi là phẫu thuật thành công.

Một khi đã nằm lên bàn mổ trong Dead Space 2, thì chỉ đơn giản là chết không toàn thây thôi anh em ạ. Sẽ có những phân cảnh anh em sẽ thấy có những người đang nằm trên bàn mổ với bộ ngực vẫn chưa được khâu lại, hay thậm chí là được chứng kiến luôn khoảnh khắc những “bác sĩ” tài ba mổ xẻ, thậm chí là khoan vào mắt của bệnh nhân. 

Và cuối cùng, chính bản thân anh em sẽ phải nằm lên cái bàn mổ đó để tự phẫu thuật cho bản thân mình. Nếu thành công, thì đó vẫn là một trải nghiệm đau đớn, nhưng nếu thất bại, chiếc máy sẽ huỷ diệt nhân vật của chúng ta. 

DEATH STRANDING – ĐƯA THƯ

Đưa thư, điều mà có lẽ giới trẻ thời nay chả bao giờ được trải nghiệm, và cả mình cũng thế. Nhưng đối với bố mẹ chúng ta, cảm giác đang bắn bị xong bị bố mẹ bắt đi đưa thư chắc nó cũng lười như đang xem TV bị bắt đi mua đồ anh em ạ. Nhưng trong tựa game Death Stranding, đó lại là một nhiệm vụ sống còn chứ không đơn thuần là đưa thư nữa. Đúng là cái anh em đang ship trong tựa game vẫn có thể là thư từ bình thường, nhưng anh em còn phải cân bằng lượng đồ đang mang theo, cẩn thận trong cả một đoạn đường dài nếu không muốn làm rơi và thất lạc món hàng. 

Quan trọng nhất là trong quá trình đưa thư, anh em còn chạm trán với những con quái vật vô hình không thể đánh bại là B.T. Chưa hết, sẽ có những tên cướp nguy hiểm đang chờ để có thể phục kích và chiếm lấy những vật phẩm của anh em. Cái cảm giác không biết lúc nào bị ăn hành, mà còn phải cẩn thận chi chuyển sao cho nó không rơi hàng, nó thật sự là đau đầu anh em ạ.

Vừa rồi là top 10 những tựa game sẽ biến những điều nhàm chán, giản đơn trở thành những điều kinh dị, khó nhằn. Chắc chắn vẫn còn những tựa game hấp dẫn khác mà mình vẫn chưa thể liệt kê trong một danh sách, vậy nên anh em hãy bình luận bên dưới để chúng mình cùng tham khảo nhé.

Nguồn: What Culture