Ngày nay, cho dù có được chăm chút đến mấy thì game cũng khó thể nào tránh được chuyện dính phải những lỗi lớn nhỏ, khiến trải nghiệm của game thủ không được trọn vẹn. Nhà phát triển có thể vá lỗi đó để game thủ chơi trong yên lành, nhưng đôi lúc cũng có những pha mà họ không muốn sửa, thay vào đó là biến tấu nó để trở thành một tính năng hài hước hơn. Sau đây là danh sách 10 lỗi ngớ ngẩn trong game nhưng sau đó lại trở thành một tính năng.

Sabin chơi chiêu đô vật với con trùm Phantom Train – Final Fantasy VI

Final Fantasy VI nhận được nhiều lời khen ngợi khi nó ra mắt vào năm 1994. Sau đó thì nó còn được chuyển hệ lên các nền tảng khác nhau như Gameboy Advance, PS1, và Wii. Và cho dù được chuyển hệ, ra mắt hết lần này đến lần khác, phần 6 này vẫn còn tồn đọng một lỗi vô cùng ngớ ngẩn liên quan đến con trùm Phantom Train và thành viên Sabin trong đội.

Nhân vật này có một cái chiêu gọi là Suplex (bên Nhật thì gọi là Meteor Strike). Khi xài chiêu này thì Sabin sẽ bay đến toa tàu, nhấc nó lên, lộn ngược lại rồi đập toa tàu xuống mặt đất. Có một vài kẻ địch mà Sabin không thể chơi chiêu này vì quá bự hoặc quá mạnh; nhưng vì một lý do nào đó mà Sabin lại có thể Suplex con trùm Phantom Train này – một toa tàu chạy bằng hơi hơi nước – một cách dễ dàng. Và có lẽ vì fan quá thích “lỗi” này nên nó đã được giữ lại trong các phiên bản được chuyển hệ sau này.

Con chim cánh cụt tàn bạo – Zoo Tycoon

Trong bản Zoo Tycoon (2001) ra mắt trên PC, có một lỗi khó hiểu liên quan đến… chim cánh cụt. Vì một lý do nào đó mà khi anh em đặt một con chim cánh cụt vào trong bất kì cái chuồng nào không phải dành cho chim cánh cụt thì nó sẽ nổi trận lôi đình và giết bất kì con thú nào đang ở chung chỗ đó. Rõ ràng đây là một lỗi trong game, nhưng nhà phát triển Blue Fang Games đã quyết định là sẽ biến tấu lỗi này cho nó hài hước một chút trong Zoo Tycoon 2.

Phần 2 này có bản mở rộng tên là Extinct Animals, cho phép anh em nhận nuôi các con vật như voi ma mút, hổ răng kiếm, và… chim cánh cụt hung dữ. Con chim cánh cụt này y như phiên bản tiền nhiệm của nó trong phần 1, sẵn sàng giết bất kì con thú nào mà nó gặp phải. Trong phần 2 còn có khủng long bạo chúa (T-rex), nhưng trước mặt con chim cánh cụt này thì bạo chúa cũng chỉ là muỗi mà thôi. Đến nỗi những người tham quan khi nhìn thấy nó cũng phải khiếp sợ là hiểu rồi đó.

Câu nói “Penguin Yay” – Crash Team Racing

Trong bản Crash Team Racing đầu tiên thì Penta Penguin là một nhân vật có thể chơi được sau khi mở khóa. Theo lý thuyết thì bạn có thể dùng mã cheat để mở khóa Penta, nhưng khi dùng con này rồi thì bạn sẽ biết một sự thật là nó vẫn chưa được hoàn thiện. Penta Penguin có rất nhiều điều kì quặc mà không có nhân vật nào giống với nó. Chẳng hạn, khi bạn lấy vật phẩm (power-up) mặt nạ thì Penta sẽ có 50% cơ hội để triệu hồi Aku Aku hoặc Uka Uka. Mỗi nhân vật trong game đều được chia thành 2 nhóm, tốt và xấu, và sẽ có cái mặt nạ tương ứng; nhưng riêng Penta thì lại đi 2 hàng, có cả 2 mặt nạ của 2 nhóm luôn.

Tuy nhiên, lỗi ngớ ngẩn nhất của tay đua cánh cụt này là câu nói “Penguin Yay”. Thay vì có giọng nói như là một chú chim cánh cụt thì Penta lại có giọng như là một người đàn ông trưởng thành đọc câu “Penguin Yay 1” và “Penguin Yay 2”. Trong bản Crash Team Racing remake thì những dòng này được thu âm với mục đích hẳn hoi chứ không còn là lỗi nữa. Bạn sẽ được nghe nhân vật này thốt lên “Penguin Yay 1” với giọng chim cánh cụt trong một số trường hợp nhất định, và nó vẫn có khả năng triệu hồi Aku Aku hoặc Uka Uka như bản gốc.

Conrad vu khống Shepard – Mass Effect 1, 2 ,3

Conrad Verner có một nhiệm vụ trong cả 3 phần Mass Effect, và thậm chí người chị em của Conrad là Cassandra cũng có nhiệm vụ riêng trong phần Mass Effect: Andromeda. Theo một cựu nhân viên của BioWare thì Conrad là một trong những nhân vật được yêu thích của đội ngũ làm game. Khi bạn gặp Conrad lần đầu, bạn có thể chọn phương án đuổi anh ta đi và không làm nhiệm vụ của nhân vật này; bạn có thể cho anh ta chữ ký và khuyến khích anh ta đi về nhà; hoặc là móc súng ra chĩa thẳng vào mặt Conrad để đe dọa luôn.

Tuy nhiên, khi xuất tập tin savegame từ phần 1 sang phần 2 thì đã xảy ra một lỗi nhỏ, và bất kể anh em xử lý tình huống Conrad trong phần 1 như thế nào thì trong phần 2 Conrad vẫn quả quyết nói rằng bạn đã chĩa súng vào mặt anh ta và đồng thời tuyên bố không xem bạn là anh hùng nữa. Đến phần 3 thì Conrad sẽ xin lỗi vì hành động vu khống của mình nếu thật sự trong phần 1 bạn không hề làm điều đó. Conrad đổ lỗi cho việc trí nhớ kém do bị stress và rối trí vào lúc đó.

Link tay không – Legend of Zelda: Ocarina of Time

Khi chuyển hệ phần Ocarina of Time lên máy 3DS, đội ngũ phát triển đã phải đối mặt với một vấn đề khá là hóc búa. Có rất nhiều fan đã phát hiện và chỉ ra những lỗi có trong game. Vì thế nên khi chuyển hệ, đội ngũ phát triển đã cố tình để lại một số lỗi nhằm tăng tính hoài cổ cho game. Có rất nhiều lỗi nổi cộm trong Ocarina of Time, nhưng có lẽ 2 trong số những lỗi đáng nhớ nhất là Swordless Link và Epona Items. Lỗi đầu tiên thì khá là hài hước và vô hại, cho phép anh em điều khiển Link mà không có một tấc sắt để phòng thân.

Ngoài ra lỗi này còn cho phép anh em dùng vật phẩm với con ngựa Epona, tạo ra một số hiệu ứng kỳ lạ. Chẳng hạn, nếu anh em dùng cây sáo ocarina lên Epona khi lỗi Swordless Link đang hoạt động thì góc quay camera sẽ thay đổi, cho phép anh em điều khiển Epona chạy lòng vòng như là một con ngựa robot vậy.

Chiêu thức Wavedashing – Super Smash Bros. Melee

Wavedashing là một chiêu thức nâng cao được nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp sử dụng trong Super Smash Bros Melee. Chiêu này cho phép 1 vài nhân vật trượt một đoạn dài, xịn hơn hẳn so với chiêu dashing vì nó cho phép người chơi chuyển hóa wavedash thành một hành động dưới đất mà vẫn tiếp tục di chuyển theo chiều ngang. Trong một lần phỏng vấn với Nintendo Power, đạo diễn của series là Masahiro Sakurai có nói rằng ông biết chiêu này đang được các tuyển thủ chuyên nghiệp sử dụng nhiều. Đây là một cơ chế phát sinh không mong muốn và bản thân Sakurai không thích nó một chút nào vì nó khiến khoảng cách về kỹ năng giữa game thủ lão làng và gà mờ càng xa hơn hơn. Kết quả là chiêu này đã không còn xuất hiện trong tất cả các phần Super Smash Bros sau phần Melee.

Tuy nhiên, Wavedashing có “tái xuất” trong bản Super Smash Bros mới nhất là Super Smash Bros Ultimate. Tuy nhiên, cơ chế của chiêu này đã bị thay đổi hoàn toàn. Vì chiêu nhảy trong game đã bị thay đổi ít nhiều nên wavedash cần thời gian lâu hơn để bắt đầu thi triển. Ngoài ra thì nhân vật cũng không trượt xa bằng phiên bản Melee, nếu không muốn nói là chẳng khác gì đứng im tại chỗ. Nhưng dù sao đi nữa thì việc bổ sung chiêu này cũng đã khiến một số game thủ bớt phàn nàn.

Chiếc vali dí theo kẻ địch – Hitman 2

Nhà phát triển IO Interactive nổi tiếng với series Hitman đã không còn quá lạ lẫm gì với việc chèn thêm lỗi vào game và xem nó như là một tính năng. Trong đó có một lỗi nổi bật từng xuất hiện trong series này nằm ở phần Hitman 2 (2018). Vì những vũ khí có thể ném được (thrown weapons) được lập trình theo kiểu riêng nên có rất nhiều vật dụng có khả năng bám theo kẻ địch trong một khoảng thời gian cực kì lâu, có khi còn dí từ đầu này sang đầu kia bản đồ luôn.

Trong đó, món vũ khí bị dính lỗi này mà người chơi yêu thích nhất chính là cái vali đựng hồ sơ (briefcase). Khi ném, nó sẽ bám theo kẻ địch với tốc độ rùa bò, bất kể kẻ địch có đứng xa cỡ nào và có chạy xa đến đâu. Mặc dù lỗi này sau đó đã được sửa, nhà phát triển vì quá thích thú với ý tưởng này nên đã bổ sung vào trong game một vũ khí tên là “Homing Briefcase” trong một bản cập nhật sau đó với hiệu ứng tương tự: bám sát mục tiêu bằng bất cứ giá nào, đến khi mục tiêu bị tiêu diệt mới thôi.

Krem đứng lên trên ghế – Dragon Age: Inquistion

Trong game, bạn có thể gặp gỡ nhân vật được yêu thích Krem tại quán rượu Skyhold. Nhiều người chơi để ý rằng khi trò chuyện với Krem trong quán bar, thay vì ngồi như một người bình thường, anh ta lại đứng trên ghế của mình, dẫn đến tình huống đôi lúc sẽ bị trượt xuống ghế ngồi theo cách rất thú vị và cũng rất… lỗi. Fan trêu đùa rằng đây là do Kream có thân hình quá thấp bé, phải đứng lên ghế cho bằng với mọi người.

Nhận thấy rằng lỗi này khá là hài hước, BioWare quyết định biên tấu nó trong bản mở rộng Trespasser. Maryden, một thi sĩ tại quán Skyhold, sẽ gặp gỡ Inquisitor trong bản mở rộng này. Nếu người chơi đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong cuộc hội thoại thì sau khi nói chuyện với Maryden, cô ta sẽ đụng vô người Krem. Khi Maryden hỏi Krem vì sao cứ xuất hiện ở quán bar hoài, Krem trả lời rằng “À vâng, tôi rất thích các bài hát của cô. Đôi lúc tôi còn ngồi lên trên ghế để nghe bài hát của cô rõ hơn”. Sau đoạn hội thoại dễ thương này thì Krem và Maryden đã đến với nhau, chứng minh rằng bạn có thể tìm thấy tình yêu ngay cả ở những nơi kì quặc nhất… chẳng hạn như ở trên một chiếc ghế trong một quán rượu.

Từ game đua xe lỗi khai sinh ra huyền thoại RPG – Grand Theft Auto

Cảm giác lái xe trong GTA series luôn là một thứ gì đó rất kích thích các bạn ạ, và cái đó không phải tự nhiên đâu, vì ban đầu nó là game đua xe mà. GTA có tiền là Race and Chase, đây là một tựa game đua xe “2,5D”, bạn có thể vào vai cảnh sát hoặc tội phạm để rượt đổi nhau trong một thành phố lớn. Dave Jones, cha đẻ của dự án luôn muốn đem đến cho người chơi những công cụ để người chơi có thể làm bất cứ thứ gì họ muốn. 7 lập trình viên trong đội của ông đã làm đến từng hiệu ứng nhỏ trong game, bao gồm cả việc xe có thể… ủi chết người xem. Trớ trêu thay khát vọng của Jones lại làm cho dự án Race and Chase trở nên lộn xộn, game càng chi tiết thì sẽ càng nhiều rắc rối để khắc phục, mà nhân lực của dự án còn rất hạn chế. Kết quả là nó lỗi lung tung beng hết cả lên. Thậm chí game còn trở nên quá nặng cho bộ nhớ của nền tảng Console lúc đó.

Thế nên đội ngũ thực hiện dự án đã có một quyết định đúng đắn là đổi tên Race and Chase sang Grand Theft Auto và cho nó thành game cướp luôn. Kết quả thì các bạn biết rồi đấy, GTA sau này trở thành một trong những dòng game top đầu trên thế giới và nhiều tựa game GTA đã trở thành huyền thoại. Sự chi tiết của game và cảm giác lái xe trong thế giới đó chính là được thừa hưởng từ con game lỗi Race and Chase ban đầu đấy.

Chém quái kiểu “tung hứng” – Devil May Cry

Anh em biết kiểu chém quái “tung hứng” trong Devil May Cry chứ? Thật ra ban đầu nó là lỗi nhé. Khi phát triển tựa game chặt chém phiêu lưu hành động Onimusha: Warlords thì Capcom đã nhận ra một thứ khá là ngớ ngẩn trong cơ chế vật lý của gameplay. Đó là kẻ địch có thể bị hất lên không trung và bạn có thể giữ chúng ở đó bằng cách tấn công liên tục.

Về bản chất thì nó là lỗi, tuy nhiên Capcom đã nhận ra được cái hay của nó. Thế là họ quyết định kệ cụ định luật vạn vật hấp dẫn và cho phép người chơi “tung hứng kẻ địch trong Devil May Cry. và Capcom đã đúng, việc “tung hứng” trong DMC khiến người chơi cực kỳ thích thú và đồng ý luôn với quan điểm “game mà, vật lý quái gì ở đây” của họ. Thế là “tung hứng” đã từ một cái bug ngớ ngẩn trở thành một trong những điểm sáng, điểm đặc trưng trong cơ chế gameplay của DMC cho đến tận ngày nay, giống như vụ nhảy 2 lần trong nhiều tựa game di chuyển ngang vậy.

Nguồn: What Culture