Top 10 khẩu pháo nổi tiếng và ấn tượng nhất lịch sử, bạn có biết khẩu pháo nào trong 10 khẩu pháo này không?

Pháo là thứ hỏa khí mạnh mẽ đã thay đổi bộ mặt chiến tranh kể từ khi chúng xuất hiện. Suốt gần 900 năm qua, pháo không ngừng được cải tiến để trở nên mạnh mẽ hơn, chính xác hơn và cũng nguy hiểm hơn. Và trong suốt chiều dài lịch sử đó, nhân loại đã tạo ra nhiều khẩu pháo cực kỳ ấn tượng, đặc biệt là 2 cuộc thế chiến, khi mà khoa học kỹ thuật đã đi vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và những xung đột vũ trang toàn cầu thúc đẩy cả thế giới chạy đua vũ trang. Sau đây mình sẽ cùng anh em điểm qua 10 trong số những khẩu pháo ấn tượng nhất, nổi tiếng nhất mà mình biết. Hy vọng có thể mang đến được cho anh em những thông tin thú vị.

Schwerer Gustav – Khẩu pháo mạnh nhất từng được chế tạo

Năm 1934, bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức (OKH) đã yêu cầu tập đoàn Krupp ở Essen phải thiết kế một khẩu pháo đủ mạnh để hủy diệt những pháo đài ở Maginot Line-Pháp. Đạn của những khẩu pháo này phải xuyên được 7m tường bê tông và 1000mm thép tiêu chuẩn. Tiến sĩ Erich Müller đã tính toán rằng để làm được điều đó thì khẩu pháo này phải bắn ra được viên đạn nặng 7 tấn và có đường kính 800mm.

5 năm sau, siêu pháo Schwerer Gustav ra đời. Khẩu pháo này nặng 1350 tấn, dài 47.3m, rộng 7,1m và cao 11,6m. Vì kích thước quá khổ nên khẩu pháo này phải được di chuyển trên 4 làn đường ray chạy song song với kíp chiến đấu lên đến vài ngàn người, tương đương với một chiếc thiết giáp hạm. Mặc dù tốn kém trong khâu vận hành nhưng Schwerer Gustav đã không phụ sự kỳ vọng của quân đội phát xít Đức. Khẩu pháo này có thể bắn được đạn HE (đạn nổ mạnh) nặng 4,8 tấn đi xa đến 48km và đạn AP (xuyên giáp) nặng 7,1 tấn đi 38km.

Trong những năm phục vụ, nó đã trở thành một thứ vũ khí hủy diệt thực sự, tham gia nhiều chiến dịch, tàn phá nhiều thành phố, pháo đài với những viên đạn khổng lồ từ khoảng cách mà quân đồng minh không thể nào đánh trả. Sau khi chiến tranh kết thúc, khẩu pháo đã bị quân đội Mỹ chiếm giữ và tháo dỡ để tránh rơi vào tay Liên Xô. Tuy hiện nay khẩu pháo đã không còn nhưng nó vẫn là một biểu tượng lịch sử trong giai đoạn thế chiến thứ 2 và là niềm tự hào của công công nghệ chế tạo vũ khí của người Đức.

Karl-Gerät – Khẩu pháo tự hành có cỡ nòng lớn nhất

Vẫn là một tác phẩm hay ho đến từ mấy ông kỹ sư thú vị người Đức. Khẩu pháo cối tự hành đáng sợ này được thiết kế và chế tạo bởi nhà thầu quân sự lâu đời khét tiếng Rheinmetall.

Nó không to như con quái vật Schwerer Gustav nhưng được cái là cơ động hơn nhiều. Karl có cỡ nòng 600mm, đủ to để mấy ông lính Đức to con chui vào dễ dàng. Loại đạn nặng nhất mà nó có thể bắn có khối lượng lên đến 2,170 kg. Do tỉ lệ nòng khá ngắn nên tầm bắn cũng không xa, loại đạn nhẹ nhất nặng 1250kg cũng chỉ bay được đến hơn 10km mà thôi. vận hành cũng rất phức tạp, để một khẩu Karl có thể hoạt động thì nó cần cả một ê kíp xe hậu cần tải đạn, cẩu đạn, bảo trì… hùng hậu. Nạp đạn cũng rất lâu, cứ mỗi 10 phút nó mới nhả đạn được 1 lần.

Tuy nhiên bất chấp những nhược điểm đó, nó vẫn là một thứ vũ khí mang tính răn đe, uy hiếp cực mạnh. Mỗi một viên đạn găm xuống đất đều để lại một cột khói hình nấm đầy ám ảnh. Khi di chuyển khoảng cách ngắn thì nó có thể lê lết với tốc độ 6-10km/h còn khi đi xa thì người ta bắt buộc phải tháo nó ra, ném lên xe lửa rồi mới chở đi.

GAU-8 Avenger – Khẩu pháo hàng không mạnh nhất mọi thời đại

Thông thường thì pháo hàng không sẽ không được quá to để đảm bảo không cản trở đáng kể đến tính cơ động của máy bay. Cho anh em dễ hình dung thì những mẫu pháo hàng không tiêu biểu khác như GSh-30-1 của Liên xô trang bị trên các mẫu tiêm kích hạng nặng như Su-27, Su-30, MiG-29, MiG-35 chỉ nặng có 46 kg. Người Mỹ thì thích chơi súng nòng xoay cồng kềnh hơn, tiêu biểu là khẩu GAU-12/U trên F35 hoặc M61 mà họ gắn cho F4 và F22 cũng chỉ nặng trên 100kg (nặng hơn nếu tính cả hệ thống pháo). Thế thì anh em nghĩ một khẩu pháo hàng không có thể khủng đến mức nào?

GAU-8 Avenger là vũ khí làm nên thương hiệu của cường kích A-10 Thunderbolt. Nó là một khẩu pháo 7 nòng xoay, cỡ đạn 30mm và có thể khạc ra 65 viên đạn mỗi giây, nhắc lại là mỗi giây nhé. Và những viên đạn này có sơ tốc đầu nòng (vận tốc đạn tính từ đầu nòng) là 1010 m trên giây, nhanh gấp rưỡi đạn của AK-47. Những viên đạn này có thể xuyên lớp thép đồng nhất dày 76mm tại khoảng cách 300m.

Với sức mạnh khủng khiếp như vậy, cũng không lạ gì khi nó cũng có kích cỡ hoành tráng tương xứng. Bản thân khẩu pháo nặng 280 kg nhưng chỉ là cái xác pháo thôi. Để tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh thì nó cần phải có thùng đạn, hệ thống nạp đạn các kiểu nữa. Tổng khối lượng lên đến con số khủng khiếp 1.828 kg, bằng cả một chiếc máy bay tiêm kích trong thế chiến thứ 2 hoặc một chiếc ôtô bán tải hiện đại. Kích thước hệ thống pháo cũng rất đáng sợ, lên đến gần 6m. Nó to đến nỗi càng đáp trước của A10 phải được đặt lệch sang 1 bên để nhường chỗ cho nòng pháo.

Sở dĩ mấy ông kỹ sư tìm cách mang một thứ kinh dị như vậy lên trên bầu trời là vì bộ quốc phòng Mỹ khi đó yêu cầu một mẫu cường kích có thể tấn công mặt đất với vũ khí rẻ và hiệu quả. Thế là mẫu cường kích huyền thoại A-10 Thunderbolt đã ra đời, và nó được thiết kế để trang bị GAU-8 Avenger – Khẩu pháo hàng không có thể bắn vỡ đầu cả xe tăng. A-10 đã được thực tế chứng minh là một trong những mẫu cường kích thành công nhất lịch sử và GAU-8 Avenger chính là thứ vũ khí quan trọng giúp nó trở nên thành công như thế.

Bofors 40 mm L/60 – Khẩu pháo phòng không thành công nhất mọi thời đại

Bofors 40 mm được thiết kế và chế tạo thời gian đầu bởi nhà thầu quân sự Thụy Điển Bofors thiết kế từ năm 1930 cho đến nay. Trong thế chiến thứ 2, nó được sử dụng bởi hầu hết các nước phe Đồng Minh lẫn một số nước phe Trục. Bofors 40 mm là một dòng pháo phòng không nạp đạn tự động bằng lực giật, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với mọi mẫu pháo cùng loại lúc bấy giờ. Đáng chú ý là độ tin cậy cực cao và khả năng bắn được loại đạn nặng hơn, mạnh hơn đáng kể so với nhiều mẫu pháo cùng cỡ nòng.

Sau Thế chiến, nó còn xuất hiện trong nhiều cuộc xung đột vũ trang khác như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Nam Tư, chiến tranh Iraq… Ban đầu thì Bofors 40 mm chỉ được thiết kế riêng cho nhiệm vụ phòng không, sau đó do tỏ ra hiệu quả trong nhiều mục đích sử dụng khác nhau mà khẩu pháo này đã được lắp đặt trên gần như mọi phương tiện có thể mang được nó, từ xe chiến đấu hỗ trợ bộ binh cho đến cung cấp hỏa lực đa dụng cho tàu ngầm. Thậm chí người Mỹ còn mang nó lên máy bay AC-130 để cung cấp hỏa lực chi viện mặt đất nữa.

Riêng về nhiệm vụ phòng không Bofors 40 mm đã bắn hạ nhiều máy bay hơn mọi mẫu pháo phòng không khác cộng lại. Nếu như súng trường tấn công có AK-47 thì pháo phòng không có Bofors 40 mm. Sau khi được cải tiến lên model L/70, khẩu pháo huyền thoại này được tăng sức mạnh lên đáng kể và đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của chiến tranh hiện đại nên nó vẫn phục vụ rộng rãi trong biên chế quân đội nhiều nước hiện nay.

Flak 8.8 cm – Khẩu pháo đa dụng kinh hoàng của Đức Quốc Xã

Nói đến Bofors 40 mm làm mình nhớ đến Flak 8.8 cm, dòng pháo có thể xem là thành công nhất nhì của nền công nghiệp quốc phòng Đức Quốc Xã. Nó xuất hiện ở hầu như tất cả các mặt trận của Đức Quốc xã và Đồng Minh. Ban đầu thì khẩu pháo này được thiết kế cho nhiệm vụ bắn đạn nổ phòng không.

Nhưng mà sau đó thì do những ưu điểm như độ chính xác, sơ tốc đạn lớn và độ chính xác cao, nó được phân nhánh ra nhiều biến thể, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là phòng không và chống tăng. Đây cũng được xem là loại vũ khí hiệu quả của Đức trong việc chống lại mấy con “khủng long thiết giáp” dòng KV của Liên Xô như KV và KV-2.

Các biến thể của Flak 8.8 cm được trang bị rộng rãi trên nhiều phương tiện cơ giới, điển hình có thể kể đến như xe tăng hạng nặng Tiger và Tiger II, Jagdpanther, Elefant, Nashorn, thậm chí trên cả tàu và xe lửa vũ trang nữa. Mặc dù Flak 8.8 cm hiện nay không còn được sản xuất nữa nhưng nó vẫn là một dòng pháo xuất sắc trong thời đại của nó, để lại những trang sử vàng son như một minh chứng cho sức mạnh công nghệ của người Đức.

40cm/45 Type 94 – Khẩu pháo hải quân khủng nhất mọi thời đại

Thật ra bản thân tên gọi của mẫu pháo này không phải là quá nổi tiếng, kể cả là với dân ghiền lịch sử và vũ khí. Thứ thực sự nổi tiếng là những chiếc thiết giáp hạm lớp Yamato được trang bị mẫu siêu hải pháo, gồm Yamato và Musashi. Đây là những chiếc thiết giáp hạm được đánh giá là mạnh nhất mọi thời đại.  

40cm/45 Type 94 sở dĩ có tên gọi như vậy là để che dấu cỡ nòng thật của khẩu pháo. Cỡ nòng thật lên đến 460mm, mỗi khẩu pháo có khối lượng lên đến 147,3 tấn (tính riêng 1 khẩu pháo), dài 21,13m và có thể bắn viên đạn AP (xuyên giáp) nặng 1,460 kg đi xa đến 42km. Tốc độ bắn của khẩu pháo rất cao vào thời điểm nó được chế tạo, lên đến 1,5 đến 2 viên mỗi phút do có hệ thống nạp đạn hiện đại, tự động hóa cao. Cho anh em dễ hình dung thì chúng ta sẽ có một phép so sánh. Pháo tự hành 2B1 Oka cỡ nòng 410 mm của Liên Xô có cơ chế nạp đạn thủ công phải mất đến 5 phút cho mỗi phát bắn.

Chỉ tiếc là những khẩu pháo này không có nhiều cơ hội thể hiện mình trong thực chiến do người Mỹ chẳng dại gì mà đem thiết giáp hạm nhà mình đi đấm nhau với 2 con boss của Thái Bình Dương. Thay vào đó thì họ cho tàu sân bay thả máy bay để gõ vỡ đầu chúng từ khoảng cách mà chúng không thể bắn trả. 9 khẩu 40cm/45 Type 94 trên mỗi chiếc thiết giáp hạm lớp Yamato đem lại sức mạnh hỏa lực kinh khủng nhất mà một chiếc thiết giáp hạm từng có trong lịch sử, trước khi những khẩu hải pháo to đùng được thay thế bởi tên lửa, mới hơn, hiệu quả hơn và cũng chính xác hơn.

Paris Gun – Khẩu pháo thần thánh trong thế chiến thứ nhất

Lại là mấy ông người Đức, lần thứ 4 trong danh sách rồi đấy!

Khẩu pháo được thiết kế bởi tiến sĩ Fritz Rausenberger. Đúng như tên gọi của nó Paris Gun (tiếng Đức là Paris-Geschütz hoặc Pariser Kanone) là một khẩu siêu pháo được thiết kế để tấn công thủ kinh đô ánh sáng, chiếc vương miện của nước Pháp. Nó có cỡ nòng ban đầu là 211mm, sau đó được “xoáy nòng” lên đến 238mm. Nòng của nó dài đến 34m, cho sơ tốc đạn cực kì khủng khiếp, lên đến 1.640 m/s (5.924 km/h), tương đương với đạn của pháo nòng trơn trên xe tăng hiện đại. Những viên đạn nặng hơn một tạ có thể bay cao 42,3 km và xa đến 130km, xa hơn mọi loại pháo mà chúng ta có ngày nay.

Đã có từ 320 đến 367 quả đạn pháo đã được bắn, tối đa khoảng 20 mỗi ngày trong giai đoạn cuối thế chiến thứ nhất nhằm vào Paris. Chúng giết chết 250 người và làm bị thương 620 người khác nhưng khẩu pháo chưa bao giờ bị phát hiện trong suốt thời gian đó. Tuy không thể xem là thành công khi mà nó có sức sát thương không quá lớn, bắn rất chậm và nòng súng phải được thay thế thường xuyên nhưng Paris Gun cũng đã đạt được mục đích của nó, đó là gieo rắc kinh hoàng cho Paris

Tsar Cannon – Khẩu đại bác khủng nhất thời trung cổ

Đây là thứ vũ khí thời trung cổ duy nhất mà mình xếp vào danh sách này. Nó cũng là khẩu pháo có cỡ nòng lớn nhất, đến 890 mm. Khẩu pháo này được chế tạo vào năm 1586 tại Moscow bởi nhà chế tạo đại bác bậc thầy người Nga – Andrey Chokhov.

Khẩu pháo được đúc bằng đồng, dài 5,34 m và nặng đến 39.312 tấn. Khẩu pháo này mang tính biểu tượng là chủ yếu. Khẩu pháo này không chỉ là một thành tựu khoa học kỹ thuật quân sự thời đó mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị bởi những hoa văn cầu kỳ tinh xảo, tạo cho nó một diện mạo cực kỳ sang chảnh. Không có tài liệu lịch sử nào cho thấy nó từng tham gia một cuộc chiến.

Tuy nhiên theo những dấu vết để lại trong nòng pháo thì người ta ước tính nó đã khai hỏa ít nhất một lần, và đó là phát pháo có cỡ nòng lớn nhất trong lịch sử loài người. Đến cả quái vật Gustav vốn nặng hơn hàng chục lần cũng chỉ có cỡ nòng 800mm mà thôi.

ISU-152 – Thợ săn quái thú

Thật ra con này cũng không hẳn là một khẩu pháo nữa. ISU-152 chính xác là một mẫu thiết giáp được xếp vào loại pháo tự hành diệt tăng (tank destroyer). Tuy nhiên nếu không nhắc đến danh tiếng của nó ở đây thì thật sự rất thiếu sót. Sở dĩ mình gọi nó là “thợ săn quái thú” là vì danh tiếng mà nó có được khi gieo rắc kinh hoàng cho lực lượng tăng thiết giáp Đức Quốc Xã, vốn thường đặt tên tank theo tên động vật (Tiger, Panther, Elephant…).

ISU-152 tùy theo phiên bản có thể được trang bị nhiều loại pháo khác nhau như ML-20S, ML-20SM, BL-8, BL-10 nhưng nhìn chung thì những khẩu pháo này đều có cỡ nòng 152.4 mm và có sức hủy diệt kinh hoàng. Mỗi viên đạn HE (đạn nổ mạnh hay đạn trái phá) của nó nặng tầm 45kg, đủ sức để thổi bay màu bất kỳ xe tăng nào của Đức Quốc Xã tại mọi khoảng cách. Đôi khi viên đạn không cần bắn trúng, áp lực và mảnh văng từ vụ nổ của viên đạn sẽ làm việc của nó, gần trúng là đủ chết rồi.

ISU 152 còn được sử dụng hiệu quả với vai trò phương tiện công phá hầm, boongke và các loại công sự. Lính Đức cũng đã đặt cho con quái vật này một cái tên thân thương là “Dosenöffner” nghĩa là “dụng cụ khui đồ hộp” vì chiếc xe tăng nào ăn đạn của nó thì coi như xác định toang như cái hộp bị khui luôn.

Katyusha – Đàn Organ của Stalin

Thật ra nó cũng không hẳn là “pháo” nhưng nếu nhắc đến pháo mà không nói đến Katyusha thì hẳn sẽ là một thiếu sót rất lớn.

Katyusha, người Việt Nam mình thường gọi là Ca-chiu-sa. Đây không chỉ là tên của bài hát được chế nhiều nhất lịch sử nền âm nhạc Việt Nam mà còn là tên của một huyền thoại đã làm nên thương hiệu của pháo binh Hồng Quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của họ, chống lại sự xâm lược của liên quân phe Trục từ phương Tây.

Katyusha không là mẫu “pháo” đặc biệt nhất trong danh sách này do nó không có nòng pháo mà là một dạng bệ phóng rocket. Do không phải nạp đạn từng viên rồi khóa nòng mới bắn như súng hay pháo thông thường nên Katyusha có tốc độ bắn rất cao. Một dàn phóng Katyusha BM-13 chỉ mất từ 7 đến 10 giây để xả hết cơ số đạn của nó, mang 4,35 tấn thuốc tới khu vực chỉ định và nướng sạch mọi thứ không bọc thép (mà cho dù có bọc thép hạng nặng đi nữa thì ăn một trái vào mặt cũng tàn phế), tương đương với hỏa lực của 70 khẩu pháo hạng nặng cùng bắn. Tuy không có độ chính xác cao nhưng Katyusha lại có mật độ hỏa lực rất khủng khiếp, rẻ tiền và dễ sản xuất. Liên Xô đã mang pháo phản lực Katyusha ra dùng từ những ngày đầu khi chiến tranh vệ quốc nổ ra.

Đến đây thì mình xin phép được trích một đoạn miêu tả hỏa lực của Katyusha trên Wiki luôn:

Sức mạnh của Katyusha không chỉ ở khả năng sát thương lớn mà còn gây ra một sức ép tâm lý cực lớn với âm thanh rất ghê gớm của mình. Khi bay tới mục tiêu, hàng trăm quả rocket sẽ tạo nên những tiếng rít rất chói tai, khi phát nổ chúng sẽ tạo ra hàng trăm tiếng nổ khủng khiếp gần như cùng lúc ở khắp xung quanh mục tiêu. Điều này tạo hiệu ứng gây sốc tâm lý rất khủng khiếp cho bộ binh đối phương. Ông Ivan Dmitrievich Dunaev, người chỉ huy một đơn vị Kachiusa đã nói “Phải thú thật là sau loạt bắn đầu tiên tôi ướt hết cả quần vì sợ. Gần một tuần chúng tôi mới quen được với tiếng hú của đạn và tiếng rầm rầm như nuốt hết tất cả”. Những binh sĩ Đức còn sống sót sau khi chịu đựng loạt đạn của “Kachiusa” hầu như không còn tinh thần để chiến đấu nữa vì bị sát thương, bị điếc hoặc bị sốc vì hoảng sợ. Một tù binh Đức nói sau khi bị Hồng quân bắt giữ vào năm 1941 nói rằng “Có nhiều tình huống con người ta sợ phát điên bởi hoả lực rocket của Liên Xô”.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360