Khi đi mua một chiếc màn hình hoặc một chiếc điện thoại mới, bạn sẽ thấy cụm từ mật độ điểm ảnh hay “pixel density” xuất hiện rất nhiều trong danh sách các thống số của thiết bị, cũng như là được các nhân viên tư vấn mang ra để giới thiệu về sản phẩm của họ. Vậy rốt cuộc mật độ điểm ảnh là gì, và mối liên quan của nó đối chất lượng hình ảnh ra sao? Tất cả sẽ được giải thích trong bài viết này để các bạn có được 1 cái nhìn khái quát, từ đó có thể đưa ra những lựa chọn mua hàng phù hợp với nhu cầu bản thân hơn.

Mật độ điểm ảnh là gì?

mật độ điểm ảnh

Mật độ điểm ảnh được dùng để chỉ số lượng điểm ảnh (pixel) nằm trong một khu vực nhất định trên màn hình (inch). Mật độ điểm ảnh thường được đo bằng đơn vị pixel-per-inch (viết tắt là PPI) do kích thước màn hình thường được đo bằng inch, tuy nhiên đơn vị pixel-per-centimeter đôi khi cũng được sử dụng để đo mật độ của điểm ảnh.

mật độ điểm ảnh

Mật độ điểm ảnh càng cao thì hình ảnh sẽ càng chi tiết và màn hình sẽ có nhiều không gian hiển thị hơn. Ngược lại, mật độ điểm ảnh càng ít thì hình ảnh sẽ càng bị rỗ, mờ và không gian hiển thị cũng sẽ ít đi. 

mật độ điểm ảnh

Mật độ điểm ảnh không phải là độ phân giải màn hình, mà nó là tỷ lệ giữa kích thước màn hình và độ phân giải của màn hình đó. Ví dụ như độ phân giải FullHD 1920×1080 sẽ có mật độ điểm ảnh khác hoàn toàn khi ở trên màn hình kích thước 24-inch (cụ thể là 92 ppi) và ở trên màn hình 27-inch (cụ thể là 82 ppi).

Công thức tính mật độ điểm ảnh là căn bậc 2 của bình phương số điểm ảnh trên chiều dọc màn hình cộng với bình phương số điểm ảnh trên chiều ngang màn hình, sau đó tất cả chia cho kích thước màn hình (đơn vị inch).

Ví dụ như mật độ điểm ảnh trên một chiếc màn hình 24-inch, FullHD 1920×1080 sẽ là 92 ppi.

Mật độ điểm ảnh càng cao có phải lúc nào cũng tốt?

Một chiếc màn hình có mật độ điểm ảnh càng cao không phải lúc nào cũng tốt. Nếu một chiếc màn hình có mật độ điểm ảnh quá cao thì độ phân giải cũng sẽ cao theo, từ đó đòi hỏi phần cứng phải hoạt động nhiều hơn. 

Bên cạnh đó, trong trường hợp có quá nhiều pixel trong mỗi inch (trên 110 ppi ở màn hình máy tính để bàn), mọi thứ trên màn hình sẽ hiển thị nhỏ xíu. Lúc này, các bạn sẽ cần phải tăng kích thước (scale) mọi thứ cho nó to ra để dễ nhìn hơn. Tuy nhiên, không phải ứng dụng nào cũng hỗ trợ scale tốt. 

Ví dụ như bạn đang có một chiếc màn hình 4K, 27-inch (163 ppi), bạn sẽ thấy rằng scale kích thước các icon ra thành 150% sẽ dễ nhìn nhất, thế nhưng có một vài ứng dụng chỉ có thể scale lên 100% hoặc là 200% thôi. Điều này sẽ khiến bạn một phải nhìn một icon ứng dụng quá to hoặc quá nhỏ. 

Với lại như mình có đề cập ở trên, cùng một độ phân giải nhưng khi ở trên 2 màn hình có kích thước khác nhau thì mật độ điểm ảnh sẽ khác nhau. Do đó, khi bạn đang quen dùng màn hình laptop 14-inch FullHD mà chuyển sang dùng màn hình để bàn 27-inch FullHD thì sẽ nhận thấy rằng hình ảnh đôi khi không đẹp bằng. Tuy nhiên, sau khi hiểu được mối tương quan giữa độ phân giải, kích thước màn hình, và mật độ điểm ảnh thì bạn sẽ không cảm thấy thất vọng khi chuyển lên dùng những chiếc màn hình to hơn.

Một thông tin thêm đó là mật độ điểm ảnh càng cao thì chúng ta sẽ càng khó phân biệt từng điểm ảnh một bằng mắt thường. Ví dụ như đối với iPhone 12, chiếc điện thoại này có mật độ là 460 ppi, tức là mỗi một inch hình vuông trên màn hình của iPhone 12 sẽ có tới 460 pixel. Chúng ta sẽ khó có thể phân biệt được từng pixel riêng lẻ kể cả khi có dí sát mặt vào điện thoại.

Tuy nhiên, khi đem so với màn hình TV 4K 55-inch thì lại khác. Chiếc màn hình TV này chỉ có số lượng điểm ảnh là 80,11 ppi, tức là chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy và phân biệt từng pixel riêng lẻ khi đứng nhìn sát vào màn hình.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: howtogeek, displayninja


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360