Của bền tại người, bàn phím dù bền đến cỡ nào thì nó cũng sẽ có lúc bị hư. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mình làm bài viết này để liệt kê ra những sự cố kinh điển trên bàn phím cơ và chia sẻ cách phòng tránh chúng. Hy vọng sẽ giúp ích được cho anh em.

Chập mạch

Chập mạch trước nay vẫn luôn là vấn đề chung của đồ điện tử, bàn phím cũng vậy. Nếu một ngày cái bàn phím yêu dấu của anh em bị ngáo ngáo kiểu như liệt cả hàng phím, không gõ mà chữ tự ra, gõ không ăn… thì khả năng cao là nó “chập cheng” mất rồi. Nguyên nhân của sự cố này theo mình thì chủ yếu là do nước hoặc độ ẩm.

pcb-circuits-electronics-computer-technology-Wallpapers.jpg

Nếu là độ ẩm trong không khí thì muốn tránh chỉ có nước anh em mua một con phím thật tốt ngay từ đầu thì có khi mạch nó sẽ bền hơn. Hoặc nếu chịu đầu tư thì anh em có thể nghĩ đến chuyện trang bị sẵn máy hút ẩm để bảo vệ toàn bộ thiết bị điện tử trong phòng. Tuy nhiên đối với nước dạng giọt bắn thì chúng ta có thể phòng tránh được. Mình biết nhiều anh em rất thích ăn trên bàn máy tính, vừa ăn vừa lướt Facebook, Instagram, YouTube hoặc cày phim. Cái đó thì mình cũng thích, nhưng mà anh em nhớ để ý cái bàn phím, đừng để giọt nước nào rơi vào nhé. Có thể nó không hỏng liền đâu nhưng nếu anh em có tâm lý “một vài giọt chắc không sao đâu” thì từ từ nó cũng sẽ có chuyện.

Như mình mà ăn uống trên bàn máy tính thì mình sẽ để cái bàn phím ra thật xa rồi mới triển. Còn nếu anh em thắc mắc là để vậy làm sao chơi game thì mình đã có một bài viết về việc vì sao không nên vừa ăn vừa chơi game rồi nhé.

Hỏng switch

Chúng ta thường nghe các hãng switch công bố độ bền cực kỳ khủng khiếp cho những chiếc switch của họ, thường là từ 50 triệu lượt nhấn (như Cherry) trở lên. Nhưng mà đây chỉ là con số ước lượng thôi, nếu nó là thật thì đồng nghĩa với việc anh em phải gõ một phím 10000 lần mỗi ngày trong vòng 13 năm rưỡi thì nó mới hỏng switch được.

Switch về cơ bản cũng chỉ là cái công tắc mà thôi. Nó sống hay chết đều tùy thuộc vào tình trạng của mấy lá đồng, tiếp xúc kém hay bị oxy hóa là toang ngay. Keycap không thể kín hoàn toàn, vì thế nên bụi bặm sẽ luôn có cơ hội lọt vào bên trong và ảnh hưởng đến sự tiếp xúc của các lá đồng. Vì thế theo mình thì anh em nên kiếm một cái khăn để phủ lên bàn phím khi không dùng đến. Rồi nhớ vệ sinh bàn phím định kỳ, tùy theo mức độ dơ của nó nữa nhé.

Mất chữ

Keycap thì gõ nó phải mòn, mà nếu chữ trên keycap là một lớp được in lên thì đến một thời điểm nào đó nó cũng sẽ mòn hết mà thôi. Cái này còn tùy vào chất lượng in và cường độ sử dụng của anh em. Phòng chống thì chắc chắn là không có cách đâu vì nó là nguyên tắc vật lý rồi.

Nếu không muốn bị mất chữ hoặc mờ chữ theo thời gian thì anh em có thể cân nhắc việc mua một con phím có keycap doubleshot, hoặc mua hẳn một bộ keycap doubleshot. Chất liệu thì nhựa ABS hay PBT gì cũng được, miễn doubleshot là khỏi có chuyện bay chữ luôn. Hoặc keycap in theo kiểu dye sub cũng được, không đến nỗi quá trâu bò như doubleshot, chữ có thể bị nhòe đi đôi chút nhưng muốn mất thì cũng khó lắm.

Lỏng keycap

Keycap mà anh em tháo ra tháo vào nhiều quá thì nó cũng sẽ bị lỏng chân thôi. Rồi đến một mức độ nào đó thì anh em sẽ thấy chỉ cần gảy vài cái nhẹ là cái keycap nó sẽ tự văng lên bởi sức bật của switch luôn.

Để hạn chế vấn đề này thì anh em nên càng ít tháo ra càng tốt, chỉ nên tháo ra những lúc bắt buộc như khi vệ sinh định kỳ và thay keycap mới mà thôi. Anh em cũng nên chọn một con phím có keycap khít ngay từ đầu để trừ hao cho những lúc tháo ra lắp vào làm nó lỏng đi. Theo kinh nghiệm của mình thì thường những con phím keycap PBT của các hãng lớn sẽ đáp ứng được chuyện này.

Bung feet

Cái bàn phím nó phải nằm yên, dính trên mặt bàn thì trải nghiệm mới tốt được. Và thứ giúp bàn phím làm được điều đó chính là mấy miếng cao su bé bé xinh xinh mà chúng ta thường gọi là feet bàn phím đấy. Mà không phải bàn phím nào cũng có một bộ feet chắc chắn. Nếu nó bung một bên feet thì bàn phím sẽ không vững, nếu lột hết feet ra thì nó lại trơn.

Để phòng tránh thì mình lại một lần nữa khuyên anh em mua bàn phím chất lượng tốt để xài. Còn nếu nó có bung ra thật thì anh em có thể dán lại bằng keo 2 mặt siêu dính, loại trong suốt ấy. Nhưng mà nhớ là loại keo này cũng có một độ dày nhất định nên nếu anh em đã bị bung một chân, dán vào mà bị bên thấp bên cao thì cứ lột mấy chân còn lại rồi dán luôn cho nó cân nhé. Nếu không dùng keo này thì anh em chơi keo con chó cũng được, dán tương đối tốt. Nhưng mà nhớ là tuyệt đối không chơi keo dán sắt nhé, nó sẽ làm chất cao su của feet khô cứng lại, làm giảm tác dụng chống trượt và nếu sau này nó bung ra tiếp thì anh em cũng rất khó để dán lại hơn.

Toác (tét) chân keycap và gãy chân stem

Đây là 2 sự cố khác nhau nhưng vì nó thường cùng chung một nguyên nhân nên mình sẽ gộp thành chung một đầu mục luôn. Nếu như keycap được giật ra theo phương thẳng đứng thì gần như sẽ chẳng bao giờ có sự cố gì xảy ra cả. Cả 2 sự cố toác chân keycap và gãy chân stem thường có cùng một nguyên nhân là anh em rút keycap theo phương lệch, lực phân tán không đều và kết quả là 1 trong 2 thứ là chân stem hoặc chân keycap sẽ “toang”. Mà lúc đó thì anh em chỉ có nước đi thay switch hoặc mua luôn một bộ keycap mới thôi.

Cách phòng tránh thì anh em nên hạn chế nhổ keycap bằng tay, và nếu có nhổ thì nhổ thật cẩn thận bằng dụng cụ key puller nhé. Keycap và stem được thiết kế để nhổ thẳng, chỉ cần anh em đừng bắt chúng nó làm gì ngoài mục đích thiết kế thì chúng nó sẽ không hư hỏng sảng đâu.

Trên đây là những sự cố kinh điển trên bàn phím cơ và cách phòng tránh chúng. Chúc cho những chiếc bàn phím yêu dấu có thể ở lại lâu dài cùng chúng ta!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360