Nếu không có HID, chỉ riêng việc cắm một con chuột thôi cũng trở nên cực kỳ phiền phức!

Là người dùng công nghệ, hẳn đôi lúc bạn sẽ bắt gặp một số thuật ngữ khá là khó hiểu, và có thể trong số đó là HID (Human Interface Device), tạm dịch là “Thiết bị Giao diện Con người”. Nghe tuy lạ lẫm, nhưng thực tế bạn đã tiếp xúc với nó rất nhiều đấy. Nói một cách đơn giản, HID là một chuẩn dành cho các thiết bị máy tính được vận hành bởi con người và cho phép các thiết bị này dễ dàng hoạt động mà không cần phần mềm phụ hay driver nào.

HID là một chuẩn để đơn giản hóa các linh kiện máy tính

Chuẩn này giúp quá trình cài đặt và kết nối của các thiết bị đầu vào diễn ra đơn giản và nhanh chóng. Trước khi có HID, thì mỗi thiết bị chỉ phù hợp với một giao thức dành riêng cho nó. Ví dụ như chuột, bàn phím, đều sẽ có một giao thức riêng. Và vì thế nên chúng ta cần phải thực hiện nhiều thao tác khi tháo/lắp một thiết bị, linh kiện nào đó.

Ngược lại, các thiết bị sử dụng chuẩn HID sẽ bao gồm các “gói dữ liệu” chứa tất cả các chức năng của thiết bị đó. Chẳng hạn, khi bấm một phím nào đó thì “bộ mô tả HID” sẽ cho máy tính biết là chức năng đó nằm ở đâu trong “gói dữ liệu”, và sau đó thì lệnh sẽ được thực thi. Nhờ đó mà các hãng linh kiện có thể tạo ra các thiết bị có tính tương thích cao.

Tất cả hệ điều hành hiện tại đều hỗ trợ giao thức HID. Bạn có thể cắm một chiếc bàn phím USB vào PC, Mac, Chromebook hoặc thậm chí là máy tính bảng Android, và nó vẫn hoạt động ngay lập tức nhờ vào chuẩn HID.

HID và các ứng dụng liên quan

Ưu điểm lớn nhất của HID là làm cho các thiết bị ngoại vi hoạt động ngay khi cắm vào máy, nhưng liệu nó có hoạt động hiệu quả khi bạn sử dụng nó với ứng dụng không?

Câu trả lời là có nhé. Bạn có thể cắm một chiếc tay cầm vào máy tính và nó vẫn có thể hoạt động, thậm chí kể cả khi tay cầm này được tạo ra sau tựa game đó; miễn là game có hỗ trợ tay cầm thì nó vẫn sẽ hoạt động bình thường.

Khi bạn kết nối một thiết bị HID, nó sẽ thông báo các tính năng cho hệ điều hành. Sau đó hệ điều hành sẽ “thông dịch” các dữ liệu và phân loại thiết bị đó, cho phép các ứng dụng và game xác định loại thiết bị, thay vì là mẫu mã cụ thể của thiết bị đó.

Các loại HID

Các thiết bị USB-HID thì đã quá phổ biến rồi, ví dụ như bàn phím, chuột, webcam, tay cầm, và các thiết bị điện tử khác như thiết bị âm thanh, y tế, điện thoại, máy tập thể dục,… Tuy nhiên, có một loại kết nối khác cũng thông dụng không kém mà có lẽ bạn không ngờ tới, đó chính là Bluetooth-HID. Nó cũng hoạt động tương tự USB, chỉ khác cái là kết nối qua Bluetooth mà thôi. Chẳng hạn chuột Bluetooth vẫn hoạt động tốt khi được kết nối với Windows PC, Mac, Chromebook.

HID không chỉ có nhiệm vụ giúp đơn giản hóa các quá trình sử dụng và cài đặt các thiết bị ngoại vi, mà nó còn là mảnh ghép quan trọng trong lịch sử phát triển công nghệ. Rõ ràng, đây là một thành công mang tính đột phá, có đóng góp rất lớn trong mảng phụ kiện, giúp nó tương thích tốt hơn máy tính.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: How to Geek


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360