Tiêu chuẩn 80 Plus đối với nguồn máy tính (PSU) hiểu đơn giản nó giống như bảng rank đối với anh em chơi Liên Minh Huyền Thoại vậy, rank càng cao thì càng xịn. Khác chăng là thay vì phải tự cày leo rank, GearVN News trong bài này sẽ giúp anh em tìm hiểu và hướng dẫn lựa chọn chuẩn 80 Plus phù hợp với nhu cầu.
Vì sao 80 Plus trở thành tiêu chuẩn xếp hạng nguồn máy tính?
Giờ mà nói ba cái chuyện phân tích lịch sử và những biến động của thị trường PSU hay gì đó thì chắc là anh em chẳng muốn đọc đâu, mà mình cũng lười viết lắm, mất công sai thì mấy “senpai” lại bẻ cho gãy mồm. Thế nên mình sẽ áp dụng công thức cũ là kể chuyện “sự tích chuẩn 80 Plus” cho anh em dễ hiểu.
Ngày xửa ngày xưa mấy cục nguồn chưa có chuẩn 80 Plus như bây giờ đâu. Mấy ông hãng thì cứ ra sức quảng cáo cho gắt vào nguồn tui tốt lắm, ngon lắm, ổn định lắm, bền lắm… thế này thế nọ, đủ kiểu. Nhưng mà người dùng thì nhìn xong mù màu luôn, dù sao thì dân dùng PC được mấy ông rành điện tử đâu mà biết nguồn có ngon hay không. Trong khi ông hãng nào thì cũng quảng cáo nguồn của mình ngon cả.
Rắc rối ở chỗ là cục nguồn nó không như GPU, CPU hay các linh kiện phần cứng khác, một cục nguồn có ngon hay không thì phải cắm vào máy xài một thời gian hoạ may mới biết. Thậm chí anh em muốn test thì phải dùng thiết bị chuyên dụng nữa cơ, chứ xài phầm mềm thì chả chính xác đâu. Vậy nên nếu chỉ nhìn vào thông số bên ngoài của cục nguồn thì sẽ chẳng có ai biết được là nó thực sự ngon hay dở cả. Bi kịch này kéo dài hằng hà sa số năm cho đến tận 2004, mấy hãng sản xuất nguồn mới tụ lại với nhau để đặt ra một tiêu chuẩn chung để quy chuẩn hóa chất lượng của những bộ nguồn, đồng thời cũng khẳng định chất lượng đó với người dùng luôn. Và cái tiêu chuẩn đó gọi là 80 Plus. Chuyện là vậy đó!
Để đạt chứng nhận chuẩn 80 Plus thì bộ nguồn sẽ phải trải qua quá trình test này test nọ đủ thứ linh tinh, để rồi quy về kết quả chung là hiệu suất chuyển đổi điện xoay chiều (AC) từ lưới điện gia đình thành điện 1 chiều (DC) để cấp cho hệ thống máy tính. Một cục nguồn đạt chuẩn 80 Plus hạng bét nhất cũng phải chuyển được 80% công suất của dòng điện AC thành điện DC. Và nó phải giữ được mức hiệu suất đó tại các mức tải 20%, 50% và 100% công suất tối đa. Chuẩn 80 Plus càng cao cấp thì hiệu suất chuyển đổi sẽ càng cao, nguồn sẽ càng xịn.
Muốn biết nguồn bình dân hay cao cấp, anh em cứ nhìn vào chuẩn 80 Plus
Chuẩn 80 Plus theo mình thì nó là một cuộc cách mạng thật sự trong lịch sử thị trường nguồn anh em ạ. Nó vừa cho các hãng một đường đua để cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa trao huy chương cho những bộ nguồn chất lượng, khẳng định uy tín của mấy hãng làm nguồn cũng như xếp loại cho người dùng dễ lựa.
Đối với người dùng phổ thông như mấy anh em mình thì việc nhìn chuẩn 80 Plus cũng là cách đơn giản nhất để biết nguồn xịn đến đâu, khỏi cần test hay nghiên cứu đống linh kiện bên trong làm chi cho nhức đầu. Giờ mà nguồn tử tế thì tối thiểu phải đạt chuẩn 80 Plus; anh em nào nhu cầu cao hơn thì lên Silver, Gold hay Platinum. Thật ra Titaninum là chuẩn đỉnh nhất của 80 Plus, nhưng tụi nguồn này thường là hàng siêu cao cấp dành cho những dàn PC chuyên dụng nên giá cực đắt mà không có nhiều trò vui.
Hiện tại thì các hãng nguồn lớn và uy tín như FSP, Cosair hay Cooler Master đều có dải sản phẩm rất đa dạng, đạt tiêu chuẩn từ 80 Plus đến 80 Plus Titanium để anh em lựa chọn. Nếu không có nhiều kinh nghiệm thì anh em cứ nhắm vào mấy ông này mà chọn, không trật đâu được cả. Dĩ nhiên trong từng hạng thì cũng có nguồn này nguồn kia chênh lệch ít nhiều, nhưng đẳng cấp vẫn là mãi mãi anh em ạ. Nói nôm na như kiểu game thủ Liên Minh Huyền Thoại hạng Bạc hàng Vàng đôi lúc có những pha xử lý xuất thần thật, nhưng đụng Bạch Kim thì vẫn ở cửa dưới thôi.
Chuẩn 80 Plus càng cao cấp thì cục nguồn sẽ càng xịn hơn. Mà từ cái độ “xịn” này anh em sẽ nhận được những lợi ích như sau:
Cục nguồn giống như trái tim của cả cái case PC vậy, nguồn tốt có thể cung cấp dòng điện ổn định với điện áp hợp lý cho toàn bộ hệ thống PC của anh em. Chuẩn 80 Plus càng cao thì nguồn sẽ cho dòng điện đầu ra càng ổn định, ít nhiễu, làm cơ sở để các linh kiện hoạt động bền bỉ trong thời gian dài cũng như hoạt động mạnh mẽ hơn.
Chuẩn 80 Plus có tiêu chí cơ bản nhất là hiệu suất nguồn, với tỉ lệ chuyển đổi ở full tải tối thiểu 80% đối với 80 Plus và cao nhất là tối thiểu 90% đối với 80 Plus Titanium. Con số này càng cao thì điện năng càng ít bị hao phí, giúp anh em tiết kiệm tiền điện khi sử dụng. Điều này cũng gián tiếp cho anh em biết được chất lượng linh kiện bên trong của bộ nguồn luôn. Vì nếu linh kiện tào lao mía lao thì làm sao cho ra chất lượng dòng điện tốt, hiệu suất lý tưởng, ít tỏa nhiệt mà đạt chuẩn cao được.
Chuẩn 80 Plus càng cao thì nguồn sẽ càng đắt, nhưng mà nó đáng anh em ạ. Như mình đã nói trước đây rất nhiều lần rồi. Nguồn không có die bán dẫn như cái bọn CPU, GPU, RAM, SSD… nên không phải chịu sự chi phối của định luật Moore, nó sẽ rất khó bị lỗi thời. Một cục nguồn thường có thể theo anh em suốt nhiều dàn PC khác nhau cho đến khi nó hỏng hoặc anh em quyết định thay thế nó bằng một cục nguồn ngon hơn. Bởi vậy nên mình mới thường nói rằng tiền mua nguồn không bao giờ sợ lỗ.
Hướng dẫn chọn nguồn chuẩn 80 Plus theo nhu cầu
Nguồn xịn là một chuyện, nhưng quan trọng là nó phải phù hợp với nữa. Dồn hết tiền vào bộ nguồn đạt chuẩn 80 Plus Platinum mà linh kiện không cân xứng thì nó cũng sai trái không kém chuyện dùng linh kiện khủng mà xài nguồn chất lượng không xứng tầm. Nhưng không sao, cái gì khó thì để đó cho GearVN News. Lưu ý là công suất nguồn sẽ phụ thuộc vào linh kiện của anh em nhé, dưới đây bọn mình chỉ gợi ý chọn theo chuẩn 80 Plus thôi:
PC văn phòng và PC Gaming phổ thông – 80 Plus và 80 Plus Bronze
Nói chung phân khúc này thì linh kiện thuộc hàng cơ bản không đòi hỏi nhiều, vậy nên anh em chỉ cần chọn bộ nguồn đạt tối thiểu chuẩn 80 Plus là đẹp. Chuẩn 80 Plus Bronze là dành cho anh em ráp PC Gaming phổ thông, muốn đảm bảo sự ổn định để chiến game mượt mà. Cấu hình thì tầm Intel Core i3 hay AMD Ryzen 3 kết hợp với GTX 1660 Super trở xuống.
PC Gaming Trung cấp – 80 Plus Sliver
Một dàn PC Gaming gọi là tầm trung thời điểm hiện tại thì GPU đâu đó cỡ RTX 2060 hoặc RX 5600 XT, CPU thì AMD Ryzen 5 hoặc Intel Core i5. Với cấu hình này, mình khuyên anh em nên ưu tiên các bộ nguồn đạt chuẩn 80 Plus Silver để đảm bảo sự ổn định cho hệ thống. Tầm này dàn PC bắt đầu nặng tiền rồi, đầu tư nguồn xịn tí sẽ giúp anh em tránh được bi kịch về sau.
PC cao cấp – 80 Plus Gold
Nếu anh em đang định build một dàn PC cao cấp có GPU từ RTX 2070 Super, RX 5700 XT trở lên, kèm theo CPU Ryzen 7, Core i7 gì đó thì mình nghĩ một bộ nguồn có chuẩn 80 Plus Gold là hợp lý.
Ngoài lề tí là hiện tại GearVN News cũng chọn 80 Plus Gold, cụ thể là dòng FSP Hydro G Pro 750 W, cho một trong các dàn test bench thử nghiệm linh kiện mới. Hiệu năng và độ ổn định thực tế thì về cơ bản là bọn mình hài lòng. Nói chung thì 80 Plus Gold sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đa số anh em game thủ, vừa ổn định vừa có thể ép xung thoải mái (nhưng không đua top nha).
PC siêu cao cấp – 80 Plus Platinum hoặc 80 Plus Titanium
Anh em chơi PC đến tầm này thì chắc cũng không cần mình phải giới thiệu cấu hình nữa rồi. Ở phân khúc siêu cao cấp thì “đủ” có nghĩa là “chưa đủ”, đã chơi là phải sướng, phải tới nóc cơ. Đó là lúc những con nguồn khủng chuẩn 80 Plus Platinum sẽ phù hợp với anh em, đám này thường không chỉ xịn về hiệu năng mà còn có nhiều tính năng độc lạ nữa. Chẳng hạn như anh em nào thích màn hình LED thì có thể cân nhắc nguồn ASUS ROG Thor, hay chơi tản nhiệt nước custom thì dòng FSP Hydro PTM+ tích hợp sẵn block nước BitPower là chuẩn bài.
Riêng chuẩn 80 Plus Titanium thì như mình đã chia sẻ từ đầu, các bộ nguồn này hướng tới mấy dàn chuyên dụng nên thường có công suất cực lớn (tầm 1500W) và giá khá cao. Dĩ nhiên là tầm này thì anh em thích thì cứ nhích thôi, chất lượng đỉnh cao thì khỏi phải bàn chỉ là mình thấy tụi này không có mấy tính năng vui vẻ như đám nguồn 80 Plus Platinum thôi.
Chúc anh em chọn được bộ nguồn phù hợp với nhu cầu của mình!