Khi anh em mua nguồn cho PC thì chắc chắn sẽ xem qua một các thông số như công suất, đạt chuẩn 80Plus nào, dùng tụ Nhật xịn sò hay không. Bên cạnh đó, một thông số cũng không kém phần quan trọng là dùng kiểu modular nào. Nếu anh em chưa biết khái niệm modular là gì thì đây là kiểu thiết kế cách gắn dây cáp vào bộ nguồn. Hiện nay có 3 kiểu là Full Modular, Semi Modular và Non Modular nhé. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích về ưu và nhược điểm của các kiểu modular trên các dòng nguồn hiện nay.
Full Modular
Những bộ nguồn Full Modular sẽ cho phép tháo toàn bộ dây dẫn ra khỏi bộ nguồn và không có bất kỳ dây cáp nào bị hàn cứng với bộ phận bên trong. Bởi vì có thể gắn hoặc tháo dây tùy thích nên những bộ nguồn này sẽ có khả năng tùy biến rất cao và dễ dàng đi dây hơn. Khi sử dụng thì anh em chỉ cắm những loại cáp cần dùng như cáp nguồn cho mainboard, cáp nguồn cho CPU, cho card màn hình, còn những sợi dư thừa hoặc không cần dùng đến thì có thể cất vào hộp cho gọn.
Ngoài ra, nếu anh em không thích dùng những sợi cáp đen xấu xí đi kém với bộ nguồn thì có thể dùng các loại cáp custom bọc dù có nhiều màu sắc hoặc có thể dùng cáp có led RGB để dàn PC thêm phần lấp lánh. Lỡ chẳng may bộ nguồn bị lỗi, hư hỏng các thứ thì anh em rút dây nguồn custom ra cắm sang bộ nguồn mới luôn cũng được.
Bên cạnh đó, nếu anh em đang muốn build một dàn máy kích thước Mini ITX thì có thể mua các bộ dây nguồn có kích thước dài ngắn khác nhau để phù hợp với không gian hạn chế. Đây cũng là một giải pháp giúp hạn chế tính trạng dây cáp chắn luồng khí di chuyển bên trong case trên các dòng PC kích thước nhỏ. Những ưu điểm này cũng có thể áp dụng lên các dàn PC có kích thước lớn hơn luôn nhé anh em.
Tuy nhiên, vì có thể tùy biến, custom dây cáp nên có thể có chi phí tổng đắt hơn hai loại nguồn kia vì thế nào anh em cũng “ngứa tay” dùng dây cáp xịn hơn thôi. Ngoài ra, các bộ nguồn Full Modular cũng thường được các nhà sản xuất ưu ái dùng linh kiện tốt hơn, có hiệu suất cũng tốt nên đắt hơn hai loại còn lại cũng là điều dễ hiểu.
Semi Modular
Những bộ nguồn Semi Modular thì sẽ có một số sợi cáp không thể tháo rời kết hợp với một số cáp có thể tháo rời. Những sợ không thể tháo rời thường là sợi 24 pin cấp nguồn cho mainboard, còn sợi 6 pin cho các loại card cắm khe PCIe và sợi 4 pin cấp nguồn CPU thì tùy hãng có làm hay không nhé. Ngoài mấy sợi này thì toàn bộ các loại cáp khác sẽ được thiết kế dạng tháo rời giống như nguồn Full Modular.
Đây là dạng nguồn kết hợp tính tùy biến nhưng vẫn có giá cả phải chăng. Dù không thể tùy biến toàn bộ dây nhưng anh em vẫn có khả năng tùy biến các loại dây còn lại và số dây mua mới sẽ ít hơn nên cũng đỡ đau ví hơn. Đánh đổi lại thì anh em sẽ không thể custom các dây đã bị hàn cứng vào bên trong.
Nói chung thì các bộ nguồn Semi Modular vẫn có giữ lại phần nào khả năng đi dây gọn gàng và cũng phần nào giúp quản lý luồng khí bên trong case như nguồn Full Modular anh em ạ. Chỉ là anh em không được tùy biến thoải mái mà thôi.
Non Modular
Những bộ nguồn Non Modular thì sẽ không cho phép tháo dây cáp ra mà sẽ hàn cứng tất cả các loại dây vào bộ nguồn luôn. Đây là kiểu thiết kế thường thấy nhất và anh em thường sẽ phải có kỹ năng đi đây tốt một chút. Nếu anh em đi đây xong mà còn không giấu các sợi còn dư thì chắc chắn là sẽ làm vẻ đẹp của dàn PC xuống kha khá. Bên cạnh đó, vì không thể dùng các sợi dây nguồn quá dài sẽ hơi “lòng thòng”, có thể ảnh hưởng đến luồng khí làm mất bên trong case.
Đó là trên lý thuyết thôi nhé anh em, còn thực tế nếu anh em dùng các loại case có kích thước lớn thì sẽ có nhiều không gian để sắp xếp mớ dây nhợ sao cho đẹp mắt và hợp lý. Vì vậy, nếu không định build PC kích thước nhỏ thì các bộ nguồn Non Modular là một sự lựa chọn hợp lý hơn cả.
Ngoài ra, nếu anh em mới bước chân vào con đường này thì cũng nên dùng nguồn Non Modular cho dễ vì hãng sản xuất đã cắm cây vào nguồn cho chúng ta rồi, việc còn lại là tìm nơi thích hợp để cắm dây còn lại thôi. Trên thực tế các kiểu cắm dây này không ảnh hưởng đến chất lượng của dòng điện, nguồn Non Modular thường có giá rẻ hơn hai loại nguồn kia nên cũng sẽ giúp anh em tiết kiệm chi phí trong khi chất lượng thì không thua kém.
Full Modular | Semi Modular | Non Modular | |
Ưu điểm | Khả năng tùy biến cao, custom dây. Dễ đi dây, đảm bảo thẩm mỹ. Chiếm ít không gian nên giúp thoát khí cho case. | Khả năng tùy biến cao, custom dây. Dễ đi dây, đảm bảo thẩm mỹ. Chiếm ít không gian nên giúp thoát khí cho case. | Rẻ tiền Chất lượng điện như hai loại đắt hơn |
Nhược điểm | Rất đắt tiền | Khả năng tùy biến, đi dây, … không bằng Full Modular vì một số dây gắn cố định Đắt tiền | Chiếm nhiều không gian trong case. Cần có kỹ năng đi đây tốt. |
Tóm lại thì mỗi kiểu modular đều có ưu nhược điểm riêng nên sẽ phù hợp với từng trường hợp và nhu cầu khác nhau. Hầu hết anh em chỉ dùng nguồn Non Modular hoặc Semi Modular là hợp lý rồi. Kiểu như dàn PC nào cũng phải cắm dây 24 pin nên không ai cần tháo sợi dây này ra làm gì cả. Còn nếu anh em build PC theo phong cách hardcore, muốn dùng những linh kiện tốt nhất, xịn nhất và phải đẹp lấp lánh thì dùng nguồn Full Modular cũng là lựa chọn hợp lý.