Khi anh em lần đầu build một dàn PC mới thì một trong thứ gây lú nhất chính là đống dây cáp điện của bộ nguồn. Đa phần anh em sẽ thấy nhiều dây, nhiều đầu cắm quá và không biết cắm dây vào đâu cho đúng. Trong bài biết này, mình sẽ tổng hợp lại kiến thức cơ bản về các loại cổng cắm có trên bộ nguồn, công dụng và vị trí cắm dây cho anh em.
Cổng 24 pin
Đây là cổng cấp điện cho mainboard và thường được cắm vào phần cạnh của mainboard. Nếu anh em để ý kỹ thì sẽ nhận ra thấy các lỗ cắm đều có hình dạng và được sắp xếp theo thứ tự riêng biệt nên chỉ có thể cắm theo một hướng thôi chứ không cắm ngược lại được nhé. Ngày xưa thì cổng 24 pin chỉ có 20 pin thôi, sau này thì người ta thêm 4 pin tách rời vào để cấp điện cho các loại mainboard cần nhiều điện hơn.
Bốn pin bổ sung thường sẽ được làm theo kiểu tách rời, khi anh em cắm vào mainboard thì nhớ nhìn xem hai cổng đã khớp nhau chưa thì mới cắm vào mainboard nhé. Nguyên nhân người ta thường tách 4 chân này ra là để các bộ nguồn mới tương thích với các mainboard dùng cổng nguồn 20 pin. Nếu mainboard của anh em dùng cổng 20 pin nhưng cổng 24 pin không làm theo dạng tách rời thì có thể tìm mua một cổng chuyển đổi 24 pin sang 20 pin.
Cổng SATA 15 pin
Đây là cổng cấp nguồn cho các nhiều loại thiết bị ngoại vi như ổ cứng, ổ đĩa quang (nếu anh em còn dùng), hub USB, hub đèn LED, quạt, bơm nước của tản AIO, … Cổng này có lỗ cắm dạng chữ L và cũng chỉ có một chiều để cắm thôi nhé.
Ngày xưa, các bộ nguồn dùng cổng PATA để cấp nguồn cho các thiết bị ngoại vi nhưng vì nó khá nhiều khuyết điểm nên người ta mới làm cổng SATA thay thế. Nếu bộ nguồn của bạn không đủ cổng SATA thì có thể tìm mua cổng chuyển Molex sang SATA để dùng thêm. Tuy nhiên, đa phần các bộ nguồn ngày nay đều có sẵn khá nhiều cổng SATA nên em anh không cần phải quá lo lắng việc thiếu cổng.
Cổng Molex 4 pin
Đây cũng là một trong những cổng cấp nguồn cho các thiết bị ngoại vi của PC giống như cổng SATA. Dù hiện nay cổng này không còn được dùng phổ biến lắm nhưng anh em vẫn thấy một số loại thiết bị ngoại vi không dùng cổng SATA mà dùng cổng Molex 4 pin này.
Cổng 4 pin dành cho đầu đọc đĩa mềm
Chắc hẳn hầu hét anh em sẽ không cần dùng đến cổng này nữa vì đầu đọc và cả đĩa mềm gần như đã tuyệt chủng rồi. Nếu anh em chưa biết đĩa mềm trông ra sao thì nó ở ngay bên dưới nhé. Cổng kết nối này còn có một số tên gọi khác như cổng Berg hoặc cổng Mini Molex.
Cổng 4 pin
Đây là cổng cấp nguồn cho CPU, vị trí cắm thì thường cũng nằm gần CPU luôn nhé anh em. Cổng này được tách ra thành kiểu 2×2, cũng như cổng 24 pin ở trên thì hình dạng và thứ tự của lỗ cắm cũng là duy nhất, chỉ có thể cắm theo một chiều và lúc cắm thì anh em chú ý phần khớp nối có đúng vị trí chưa.
Cổng 6 pin
Đây là cổng dùng để cấp nguồn cho các loại card cắm vào khe PCIe vì một số loại card cần nhiều điện hơn khả năng mà khe PCIe có thể cấp nên phải cắm thêm cổng này. Hiện nay, đa phần anh em sẽ sử dụng cổng 6 pin để cấp nguồn cho các dòng card màn hình rời. Với đa số bộ nguồn hiện nay thì anh em sẽ thấy cổng 6 pin sẽ đi chung với 2 pin tách rời để đảm bảo tương thích với các loại card màn hình dùng nguồn phụ dạng 6 + 2 pin.
Khi cắm cổng 6 pin vào card thì anh em nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cắm số pin cho đúng. Ngoài ra, các lỗ cắm trên cổng 6 + 2 pin này cũng có hình dáng khác nhau nên anh em cũng chỉ có thể cắm theo một chiều và lưu ý lúc cắm thì chú ý phần khớp nối có đúng vị trí hay chưa nhé.
Nói chung thì nhìn lần đầu danh em sẽ thấy hơi choáng vì số lượng dây cáp và cổng cắm trên bộ nguồn. Tuy nhiên, chỉ cần để ý kỹ một chút là anh em sẽ thấy sự khác biệt và một số bộ nguồn xịn còn có đánh in tên hoặc công dụng của cổng đó luôn cho chúng ta dễ phân biệt. Hy vọng bài viết đã phần nào giúp anh em xác định được các loại cổng cắm nguồn xuất hiện trên các dòng PSU.