Nếu một hôm nào đó, trước hoặc sau một giấc ngủ mà bạn tự nhiên thấy không thể cử động hay nói chuyện trong một khoảng thời gian ngắn (thường kéo dài khoảng từ vài giây đến dưới 2 phút) thì bạn đã gặp hiện tượng bóng đè rồi đấy. Nhiều người ở các nền văn hóa phương Đông lẫn phương Tây xem nó như một hiện tượng tâm linh do các linh hồn, ma quỷ quấy phá. Tuy nhiên với những tiến bộ khoa học hiện nay thì người ta đã chứng minh được bóng đè thực chất chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường. Mặc dù nó có thể gây hoảng loạn cho một số người nhưng không cần can thiệp y tế.

Bạn bị bóng đè khi nhận thức “mất kết nối” với cơ thể chứ không có ma cỏ nào đè bạn cả

Về cơ bản thì bóng đè là một hiện tượng sinh lý khá là phổ biến. Theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ thì người ta thường gặp hiện tượng bóng đè lần đầu trong khoảng 14 đến 17 tuổi và có khoảng 5 đến 40% dân số thế giới từng gặp phải tình trạng này (số liệu này có thể khác nhau tùy vào những nghiên cứu khác nhau). Đôi khi trong lúc bị bóng đè bạn có thể gặp phải những cảm giác như nghi ngờ có ai đó ở trong phòng bạn, cảm thấy như ai đó đang đè bạn xuống, sợ hãi và ảo giác. Ngoài ra thì bạn cũng có thể gặp các tình trạng như khó thở, đổ mồ hôi, đau cơ, đau đầu, ảo giác hay thậm chí là cảm thấy như mình sắp chết đến nơi nữa. Những cơn bóng đè cũng thường kết thúc ngay lập tức khi có ai đó động vào người bạn.

Thực chất “bóng đè” không phải hiện tượng tâm linh, sau đây là cách lý giải theo khoa học

Đối với mấy bạn nào sợ ma mà còn bị bóng đè nữa thì mình nghĩ là cảm giác ám ảnh lắm luôn. Tuy nhiên nếu bạn biết rõ được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì mình tin rằng bạn sẽ không sợ nó nữa hay ít nhất là cũng đỡ sợ đi nhiều.

Cơ thể chúng ta có một cơ chế dùng để “tắt” hoạt động của cơ thể khi ngủ để tránh trường hợp chúng ta có thể làm hại chính mình trong giấc mơ. Tuy nhiên thường thì chỉ khi bạn chìm vào giấc ngủ thì cơ chế này mới được kích hoạt lên mà thôi nên bạn không hề hay biết. Tuy nhiên đôi khi vì một lý do gì đó mà ý thức của bạn đã bắt đầu tỉnh táo nhưng cơ thể của bạn thì vẫn chưa “khởi động” thì bạn sẽ được trải nghiệm hiện tượng bóng đè. Nó thường xảy ra nhất lúc gần thức dậy hoặc gần chìm vào giấc ngủ.

Muốn đỡ bị bóng đè thì bạn cần có một cuộc sống lành mạnh

Hiện tượng bóng đè có thể được xem là một loại vấn đề về giấc ngủ, thế nên muốn xử lý hay ít nhất là hạn chế được nó thì bạn phải có một lịch trình giấc ngủ lành mạnh. Sau đây là một vài gợi ý:

  • Duy trì một lịch ngủ nghỉ đều đặn, cố gắng duy trì cho cơ thể quen và có giấc ngủ ổn định
  • Tập thể dục thường xuyên nhưng không được gần với giờ đi ngủ
  • Ngủ nghiêng người và tránh nằm ngửa để tránh ngáy, ngừng thở khi ngủ đánh thức não bộ
  • Chuẩn bị chỗ ngủ thật thoải mái (chăn ấm nệm êm, ngăn ánh sáng, ngăn tiếng ồn và điều chỉnh nhiệt độ phòng lý tưởng) để có giấc ngủ chất lượng
  • Hạn chế nạp đồ uống có cồn và cafein, đặc biệt là vào buổi tối để dễ ngủ hơn
Thực chất “bóng đè” không phải hiện tượng tâm linh, sau đây là cách lý giải theo khoa học

Trên đây là một số gợi ý để bạn có những giấc ngủ chất lượng hơn, từ đó giảm tình trạng bóng đè. Bạn cũng có thể tham khảo thêm từ các nguồn uy tín trên mạng hoặc áp dụng những phương pháp bạn đã biết từ trước nhé.

Mình cũng bị bóng đè vài lần rồi, và mình thấy nó cũng bình thường

Lần đầu tiên mình bị bóng đè là khoảng 15-16 tuổi. Đó là lúc trời gần sáng và mình tỉnh dậy, người thì cứ nặng nặng và mình thì chẳng thể nào cử động hay nói năng gì cả, hình như là không thể liếc mắt được luôn thì phải. Tuy nhiên lúc đó mình chẳng có cảm giác sợ hãi gì cả, vì mình có đọc về hiện tượng này từ lâu rồi. Lúc đó mình kiểu “à, thì ra bóng đè là thế này đây”. Mình cứ cố cử động và sau khoảng vài chục giây thì đột nhiên có một cảm giác kiểu như cả cơ thể được “mở khóa”. Ngoài chuyện thấy người cứ mệt mệt ra thì cũng chẳng có gì đặc biệt cả, và mình vẫn OK.

Sau đó thì mình có bị bóng đè thêm vài lần nữa. Khi gặp phải thì mình cố tập trung cử động bộ phận mà mình quen thuộc nhất trên cơ thể là bàn tay phải, chỉ cần ngón tay nhúc nhích được vài mm thôi là cơ thể mình cử động lại được ngay. Cảm giác như có thể tự thoát ra khỏi tình trạng bóng đè vậy. Mình cũng không biết cảm giác đó là đúng hay mình chỉ thấy như vậy, tuy nhiên đây vẫn là trải nghiệm mà mình cảm thấy thú vị và muốn kể cho mấy bạn nghe.

Trên đây là một số thông tin lý để giải hiện tượng bóng đè theo góc nhìn khoa học, cùng với đó là những trải nghiệm cá nhân của mình. Hy vọng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng bóng đè và không sợ nó nữa. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh và ngủ thật ngon.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn tham khảo:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360