Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync không những sở hữu thiết kế tinh giản mà còn mang đến hiệu năng tản nhiệt rất ổn trong tầm giá đó nha.
Trong vòng vài năm trở lại đây, có thể thấy Thermaltake đã có những nước đi quyết liệt nhằm mang đến sản phẩm đột phá với chất lượng tốt cho game thủ, cùng với đó là mức giá dễ tiếp cận hơn so với đại đa số đối thủ của mình.
Đơn cử là với xu hướng tản nhiệt nước all-in-one (AIO) đang ngày càng thu hút người dùng nhờ thiết kế bắt mắt cộng với hiệu năng đã được chứng minh, Thermaltake đã tung ra Toughliquid 360 ARGB Sync – một chiếc tản nhiệt AIO sở hữu hiệu năng tốt trong tầm giá với thiết kế tuy không cầu kì nhưng sẽ hợp khẩu vị của phần lớn game thủ. Sẵn dịp GVN 360 bọn mình đang có sẵn em này trong tay, mời mọi người cùng xem xem chiếc tản này có những điểm nào đáng chú ý nhé.
Thiết kế tinh tế của Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync
Khi mới khui hộp, bạn sẽ thấy Toughliquid 360 ARGB Sync được bao phủ bởi 1 màu đen tuyền, cùng với đó là đoạn ống dẫn giữa block CPU và két tản nhiệt (radiator) tương đối dài, giúp tương thích với phần lớn thùng PC trên thị trường hiện nay.
Phần bề mặt của block CPU được làm bóng loáng, và đây cũng chính là nơi sáng đèn ARGB lấp lánh với logo TT cùng vòng tròn nhìn khá là tối giản. Mình sẽ đi chi tiết hơn về vụ đèn đóm này ở phần dưới nhé.
Phía bên hông của block là 2 cổng cắm được làm chìm vào phía bên trong, khi cắm vào thì chỉ lòi phần dây ra ngoài, vừa giúp tăng tính thẩm mỹ vừa hạn chế được tình trạng cấn RAM. Một cổng sẽ dùng để nối dây với đầu 5V ARGB trên bo mạch chủ để đồng bộ với các linh kiện khác thông qua phần mềm ASUS Aura Sync, Gigabyte RGB Fusion, MSI Mystic Light Sync, hoặc ASRock Polychrome RGB.
Trong trường hợp bo mạch chủ của bạn không có đầu cắm tương thích, bạn có thể dùng cổng còn lại trên block để nối với dây nguồn SATA nhằm cấp điện cho hệ thống LED RGB. Thermaltake cũng tích hợp 3 nút bấm ngay phía bên hông block CPU cho bạn chỉnh hiệu ứng, màu sắc, tốc độ đèn RGB mà không cần cài thêm phần mềm. Tuy ít thấy hãng nào làm theo kiểu này (thường sẽ có một bộ điều khiển nằm riêng để chỉnh LED RGB), nhưng theo mình thì cách thiết kế của Thermaltake nhìn gọn gàng và hợp lý hơn. Mặc dù mỗi khi muốn chỉnh đèn thì bạn phải tháo nắp hông ra, theo kinh nghiệm chơi đồ RGB của mình thì hầu hết sẽ lựa 1 kiểu rồi để vậy luôn chứ cũng hiếm khi nào chỉnh lại, cho nên “nỗi phiền muộn” này cũng không đáng để phiền muộn cho lắm.
Tấm tản nhiệt (coldplate) bằng đồng của Toughliquid 360 ARGB Sync có hình vuông và diện tích tương đối lớn. Nghĩa là nếu bạn dùng CPU Intel thế hệ 12 hay 13 (thiết kế hình chữ nhật) thì an tâm là nó vẫn được bao phủ những chỗ cần thiết nhé.
Ba chiếc quạt đi kèm là loại Toughfan 120mm hoạt động êm ái. Mặc dù không có đèn RGB lung linh như những sản phẩm khác, tông màu đen xám của nó vẫn cực kỳ thu hút, tạo cảm giác vừa tối giản vừa sang trọng cho bộ tản nhiệt.
Quay lại vụ RGB hồi nãy thì hệ thống ánh sáng trên block CPU phải nói là quá tuyệt vời các bạn ạ. Đèn sáng rực, màu đậm, hiệu ứng mượt mà và sống động, mình nhìn một phát là thích luôn. Đặc biệt, phần nắp phía trên block CPU có thể dùng tay xoay 360o dễ dàng. Cho nên dù bạn có lắp block theo chiều nào đi chăng nữa thì cũng có thể xoay logo TT lại cho đúng chiều, nhìn thẩm mỹ hơn hẳn.
Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync tương thích với CPU thế hệ mới nhất
Về tính tương thích thì ban đầu, bộ tản này tương thích với socket AMD AM4 trở về trước, và socket Intel LGA 2066 trở về trước (đối với CPU Intel dòng X) hoặc 1200 trở về trước (đối với CPU Intel dòng phổ thông). Tuy nhiên, cùng với đợt ra mắt socket Intel LGA1700 (Core i thế hệ 12 & 13) và AMD AM5 (Ryzen 7000 series), Thermaltake cũng đã nhanh chóng bổ sung cho lô hàng mới thêm 2 bộ gông tương thích với 2 socket này.
Nếu trong hộp bạn mua không có 2 bộ gông dành cho socket thế hệ mới thì bạn có thể liên hệ với nơi bán hoặc Thermaltake để được gửi thêm bộ gông nhé. Nói chung, Toughliquid 360 ARGB Sync gắn được cho tất cả các socket hiện nay nhé.
Hiệu năng làm mát của Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync
Tương tự như dòng nguồn Toughpower trứ danh chuyên trị những bộ PC gaming cấu hình khủng, dòng Toughliquid nói chung và Toughliquid 360 ARGB Sync nói riêng là một bộ tản nhiệt AIO được thiết kế để cân các con chip xịn sò trên trường hiện nay. Để có một cái nhìn rõ ràng hơn về hiệu năng của bộ tản này, mời các bạn tham khảo bài test Prime95 (Small FFTs) với 4 con chip Intel Core i5-13600K, Core i9-13900K và AMD Ryzen 5 7600X, Ryzen 9 7900X ngay dưới đây nhé.
*Tất cả các bài test đều được thực hiện với dàn benchtable và thiết lập 3 quạt push chạy hết công suất, keo tản nhiệt được sử dụng là Arctic MX-4, và nhiệt độ phòng là 23 độ C.
Đối với Core i5-13600K – con CPU gaming có mức hiệu năng trên giá thành tốt nhất hiện nay – Toughliquid 360 ARGB Sync vẫn dư sức kéo các bạn ạ. Sau 40 phút chạy stress test thì con chip này vẫn không có dấu hiệu bị giảm xung, CPU Package Power khoảng 190W, và nhiệt độ vẫn loanh quanh tầm 75-80 độ C. Nói chung là không phải lo nghĩ gì hết nha.
Đến Core i9-13900K – con chip gaming đầu bảng hiện nay – thì câu chuyện đã khác đi một chút. Lúc mới chạy Prime95, xung nhịp của P-core là 5,2 GHz và của E-core là 4,2 GHz; tuy nhiên, nhiệt độ của P-core lúc này đã chạm ngưỡng 100 độ C, còn E-core thì gần 90 độ C. Cũng đúng thôi, vì lúc này CPU ngốn tới hơn 300W điện lận. Vả lại, lên đến tầm này thì đây không còn là sân chơi của Toughliquid 360 ARGB Sync nữa rồi, cho nên chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào con tản này khi cân một con chip đỉnh của đỉnh như Core i9-13900K.
Sau khi chạy được 30 phút thì xung nhịp và nhiệt độ lúc này đã trở nên ổn định hơn. Do quá nóng nên con chip đã tự giảm xung nhịp P-core 5,1 GHz và E-core còn 4 GHz, CPU Package Power lúc này giảm còn 254W. Vì thế cho nên nhiệt độ của các nhân cũng trở nên mát hơn hẳn, trung bình chỉ còn 85 độ C mà thôi.
Đến với đội đỏ, đầu tiên là Ryzen 5 7600X, sau khi chạy 30 phút thì CPU vẫn giữ ở mức 5,2 GHz, ngốn 145,5W đều đều, và nhiệt độ trung bình rơi vào khoảng 85 độ C. Cơ bản thì 7600X vẫn chưa thể nào làm khó được Toughliquid 360 ARGB Sync các bạn ạ.
Tiếp đến là Ryzen 9 7900X. Nhiều nhân hơn tất nhiên là sẽ nóng hơn rồi, vì thế cho nên bạn thấy nhiệt độ CPU lúc này lên tới hơn 90 độ C là vì vậy. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là xung nhịp CPU về cơ bản vẫn ổ định ở mức 5 GHz sau 30 phút chạy Prime95, do nó chỉ nóng thôi chứ vẫn chưa chạm ngưỡng phải tự hạ xung nhịp để “bảo toàn tính mạng”. CPU Package Power từ lúc mới chạy cho đến 30 phút sau vẫn loanh quanh tầm 230W.
Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync dành cho ai?
Với mức giá tầm 3,5 triệu đồng thì Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync sẽ là một trong những bộ tản nhiệt AIO rất đáng để cân nhắc trong tầm giá. Không chỉ có thiết kế tinh giản, hệ thống đèn ARGB rực rỡ ở khu vực cụm bơm, bộ tản này còn có hiệu năng rất ổn trong phân khúc tản AIO 360mm tầm trung. Có thể thấy Toughliquid 360 ARGB Sync vẫn “dư sức qua cầu” để cân những con chip có mức tiêu thụ điện dưới 200W như Intel Core i5 hoặc AMD Ryzen 5, hay thậm chí là cân được luôn cả Ryzen 9 với mức tiêu thụ điện lên đến 230W, mặc dù lúc này nó sẽ khá là nóng.
Tổng kết lại, nếu bạn không quá cầu kỳ về khoản đèn đóm RGB và ưu tiên hiệu năng tản nhiệt nhiều hơn, thì Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync sẽ là 1 sự lựa chọn vô cùng phù hợp với mức giá dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với đại đa số những bộ tản AIO khác trên thị trường hiện nay.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Intel Core i5-13600K – Xứng danh CPU tốt nhất dành cho game thủ PC
- Intel Core i9-13900K – Sức mạnh càng lớn, nhiệt độ càng cao
- AMD Ryzen 9 7900X và câu chuyện tối ưu chi phí cho tương lai
- Đặt chân lên AM5 – nền tảng của tương lai – với AMD Ryzen 5 7600X giá chỉ 7.990.000 VNĐ
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!