Câu chuyện về CPU mạnh nhất thế giới Intel Core i9-13900K và sức nóng của nó.

Với việc ra mắt CPU thế hệ 13 “Raptor Lake”, Intel cũng đã quang minh chính đại giành lấy ngôi vị chip gaming mạnh nhất với vi xử lý đầu bảng Core i9-13900K. Câu chuyện về con chip này bá đạo đến mức nào hẳn các bạn cũng đã thấy qua nhiều bài test trên mạng rồi. Cơ bản thì đây là con chip đỉnh của đỉnh trên thị trường hiện nay, dành cho những bạn nào muốn theo đuổi hiệu năng cao nhất, cả về mặt gaming lẫn xử lý các tác vụ công việc.

 i9-13900K Intel

Trong bài viết này, mình sẽ không chia sẻ nhiều về sức mạnh của Core i9-13900K nữa, mà thay vào đó là mình sẽ chia sẻ góc nhìn về việc đi kèm với sức mạnh của con CPU này là mức ăn điện cũng nhiều không kém, kéo theo đó là nhiệt độ cũng cao nốt. Sẵn đây, mình cũng có test thử hiệu năng của con chip này sẽ ra sao khi kẹp nó với 1 bộ tản nhiệt AIO 360mm và kẹp với 1 cái máy làm lạnh nước. Mời các bạn cùng mình khám phá trong phần bên dưới nhé.

Kiến trúc “Raptor Lake” về bản chất là “Alder Lake” phiên bản hoàn thiện hơn

Trước khi đi vào chi tiết, mình sẽ nói lại một chút về kiến trúc “Raptor Lake” nói chung, và cấu hình của con Core i9-13900K nói riêng nhé; vì đây sẽ là cơ sở để lát nữa chúng ta hiểu được một phần nguyên nhân vì sao con chip này lại nóng như Trương Phi.

 i9-13900K Intel
 i9-13900K Intel

Cơ bản mà nói, do Intel không tinh chỉnh quá nhiều về phần kiến trúc của “Raptor Lake” nên hiểu đơn giản thì đây chính là phiên bản hoàn thiện hơn của “Alder Lake”. Cụ thể, với CPU thế hệ 13, Intel đã tăng xung nhịp của các nhân, nhất là của nhân hiệu năng cao “Raptor Cove”, nhờ tối ưu kiến trúc và tinh chỉnh lại tiến trình Intel 7 (10nm) với bóng bán dẫn SuperFin thế hệ thứ 3; tăng gấp đôi số nhân tiết kiệm điện “Gracemont”; và tăng bộ nhớ đệm L2 lẫn L3 cho các nhân.

 i9-13900K Intel
 i9-13900K Intel

Trong trường hợp của Core i9-13900K, Intel đã tăng từ 8 P-core và 8 E-core của chip “Alder Lake” Core i9-12900K lên thành 8 P-core và 16 E-core. Tiếp đến, xung nhịp nhân cũng được cải thiện đáng kể, với P-core của Core i9-13900K có thể boost lên tới 5,8GHz, tức nhanh hơn 600MHz so với P-core của Core i9-12900K, và E-core của Core i9-13900K có thể boost lên tới 4,3GHz, cao hơn 400MHz so với E-core của Core i9-12900K. Thêm vào đó, Core i9-13900K còn có bộ nhớ đệm L3 36MB và bộ nhớ đệm L2 32MB; trong khi đó, bộ nhớ đệm L3 và L2 của Core i9-12900K lần lượt là 30MB và 14MB. Thế nên mới thấy chip “Raptor Lake” mạnh hơn “Alder Lake” không phải là nhờ sử dụng kiến trúc mới hoàn toàn, mà phần lớn chỉ là nhờ nó có thể chạy với xung nhịp nhanh hơn và có số nhân lẫn dung lượng bộ nhớ đệm nhiều hơn.

Thế nhưng đi cùng với số nhân nhiều như thế, xung nhịp cao như thế là mức tiêu thụ điện cũng tăng đáng kể, bằng chứng là mức PL2 (maximum turbo power) của Core i9-13900K đã tăng từ 241W lên 253W, từ đó khiến nó chạy nóng hơn đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm.

Thử nghiệm thực tế với Intel Core i9-13900K

Cấu hình dàn máy test:

  • CPU: Intel Core i9-13900K
  • Bo mạch chủ: ASUS PRIME Z790-A WIFI
  • RAM: 32 GB (2 x 16 GB) Trident Z5 Neo DDR5-6000 (CL30-38-38-96)
  • SSD: Plextor M9P Plus 512 GB
  • Tản nhiệt: Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync (AIO); Huber Unistat Tango Nuevo (chiller)
  • Nguồn: FSP Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe 5.0) 1000W
  • Hệ điều hành: Windows 11 Professional 64-bit 22H2
  • Driver: NVIDIA GeForce 522.25 WHQL
 i9-13900K Intel
 i9-13900K Intel
 i9-13900K Intel
 i9-13900K Intel

Trăm nghe không bằng một thấy, trong đợt test con chip Core i9-13900K, GVN 360 bọn mình đã gắn nó lên bo mạch chủ ASUS PRIME Z790-A WIFI và làm mát bằng tản nhiệt nước Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync. Đây là bộ tản nhiệt all-in-one 360mm thuộc phân khúc “nhập môn” có giá tầm 3,5 triệu đồng, để xem trước mắt câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào nhé.

 i9-13900K Intel

Corona

 i9-13900K Intel

Blender

 i9-13900K Intel

Cinebench R23

Với thiết lập mặc định (chỉ bật XMP trong BIOS), khi chạy Cinebench R23, con chip này đạt được xung nhip P-core là 5,3GHz và E-core là 4,2GHz. Tuy nhiên, đây là mức xung sau khi CPU tự điều chỉnh lại vì đã chạm ngưỡng 100 độ C, dẫn đến tình trạng thermal throttle. Lúc này, nhiệt độ trung bình của P-core là tầm 85 độ C, còn E-core là tầm 75 độ C. CPU Package Power mà mình ghi nhận được là 250W.

 i9-13900K Intel

Tất nhiên, nếu bạn chơi game với con chip này thì nó sẽ không ngốn điện nhiều đến như vậy, và nhiệt độ cũng sẽ mát hơn kha khá. Sở dĩ ở trên bọn mình test Cinebench R23 là để xem xem trong trường hợp chạy một phần mềm benchmark phổ biến để đánh giá hiệu năng CPU, Core i9-13900K sẽ có biểu hiện ra sao, và một bộ tản nhiệt AIO 360mm bình dân có chịu nổi nhiệt hay không.

Adaptive Boost Technology – tính năng “auto” ép xung chỉ dành cho Intel Core i9

Theo mình tìm hiểu thì biểu hiện CPU nóng tới 100 độ C đến từ tính năng Adaptive Boost Technology của Intel. Tính năng này được thiết kế để đẩy các nhân lên tới ngưỡng 100 độ C nhằm khai thác triệt để hiệu năng của con chip trong khoảng nhiệt độ cho phép. Mà có điều Adaptive Boost Technology chỉ xuất hiện trên Core i9-13900K/F thôi, cho nên những con chip “Raptor Lake” khác sẽ không có biểu hiện giống vậy.

Adaptive Boost Technology sẽ cho phép những con Core i9 có thể boost lên xung nhịp toàn nhân cao hơn, miễn là nhiệt độ còn cho phép và dàn VRM của bo mạch chủ còn đủ khả năng đáp ứng, cho nên mức xung nhịp cao nhất của mỗi con chip và mỗi hệ thống có thể sẽ khác nhau. Nôm na thì có thể xem như đây là tính năng tự động ép xung vậy, và vì nó vẫn nằm dưới mức nhiệt độ cho phép nên vẫn được bảo hành bình thường, khác với trường hợp ép xung thủ công.

Nhiệt độ có thể là kẻ thù đối với hiệu năng của Core i9-13900K, cho nên nếu bạn mua con chip này thì hãy trang bị cho nó tản nhiệt hiệu năng cao để khai thác tối đa tiềm năng của nó nhé. Adaptive Boost Technology của mỗi chip sẽ khác nhau, vì xung nhịp tăng nhiều hay ít phần lớn sẽ phụ thuộc vào chất lượng của con chip đó. Cho nên lúc này, câu chuyện về “nhân phẩm” (silicon lottery) sẽ hiện diện song song với hiệu suất tản nhiệt và khả năng cấp điện của bo mạch chủ.

Kinh nghiệm rút ra từ bài test Intel Core i9-13900K với tản nhiệt AIO Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync

Quay lại với con Core i9-13900K trên tay, sau khi chạy bài benchmark Cinebench R23 với tản nhiệt AIO Thermaltake Toughliquid 360 ARGB Sync, GVN 360 bọn mình khuyến khích là những bạn nào đã mua CPU Core i9-13900K đầu bảng rồi thì hãy đầu tư hẳn một bộ tản nhiệt nước AIO thật xịn sò luôn nhé.

Thứ nhất, bộ tản nhiệt AIO cao cấp sẽ cho phép bạn khai thác tối đa hiệu năng của Core i9-13900K, hạn chế tình trạng bị quá nhiệt và thermal throttle. Đã mua CPU mạnh về mà không cho nó “bung lụa” thì có lỗi với nó lắm. Những bộ tản nhiệt AIO 360mm hiện nay cũng khá là đa dạng với nhiều mẫu mã cao cấp đến từ các thương hiệu nổi tiếng.

 i9-13900K Intel

Chẳng hạn, nếu bạn muốn chơi tới nóc luôn thì có ASUS ROG RYUJIN II 360 ARGB, Corsair H150i ELITE CAPELLIX LCD, NZXT Kraken Z73 RGB. Đã lên tới đây thì hiệu năng tản nhiệt khỏi cần phải bàn cãi nữa rồi, chuyện còn lại chỉ là bạn ưng thiết kế của hãng nào hơn và có cần đồng bộ LED RGB với các linh kiện khác trong dàn PC của mình hay không mà thôi. Các bạn có thể tham khảo giá bán và chương trình khuyến mãi của những bộ AIO ở trên, cũng như là xem thêm một số mẫu AIO 360mm xịn sò khác tại cửa hàng GearVN nhé.

Tất nhiên, những bộ AIO ở trên sẽ giúp bản khai thác tối đa hiệu năng của Core i9-13900K ở thiết lập mặc định; còn nếu bạn có ý định ép xung vọc vạch thì nên chuyển sang hệ tản nước custom cho đảm bảo nhé, chứ tản AIO 360mm thì mình không nghĩ là nó chịu nổi nhiệt đâu. Ở một số cửa hàng máy tính lớn như GearVN sẽ có dịch vụ tư vấn đi tản nhiệt nước custom, cho nên bạn cứ mang máy tới, phần còn lại cứ để cửa hàng họ lo.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, GVN 360 bọn mình xài luôn máy làm lạnh để tản nhiệt cho Intel Core i9-13900K

Để test xem con Core i9-13900K trong bài xịn đến đâu, bọn mình đã thay hệ thống AIO bằng hệ thống chiller (máy làm lạnh) để đưa nước tản nhiệt xuống nhiệt độ khoảng 15 độ C. Với thiết lập mặc định như ban đầu, trong bài benchmark Cinebench R23, con Core i9-13900K lúc này đã đạt mức xung P-core tới 5,5GHz và E-core là 4,3GHz; CPU Package Power lúc này đã tăng lên 280W. Điều này chứng tỏ là trong trường hợp tản nhiệt không còn là vấn đề nữa, tính năng Adaptive Boost Technology sẽ tiếp tục tận dụng thermal headroom còn trống để tự bơm điện nhiều hơn và đẩy xung của con Core i9-13900K lên cao hơn để nó chạy nhanh hơn.

Với chút ít kinh nghiệm trong việc ép xung, sẵn có cái máy chiller ở đây, bọn mình tiếp tục thử ép xung “sương sương” con CPU này xem nó lên được tới đâu. Tất nhiên, trong quá trình ép xung, mình có can thiệp đến phần điện đóm theo cách thủ công chứ không để bo mạch chủ tự bơm điện theo thiết lập của hãng. Sau quá trình vọc vạch, bọn mình đã đạt được mức xung là 5,7GHz cho 2 nhân P-core, các nhân P-core còn lại là 5,5GHz; nhân E-core thì bọn mình vẫn để toàn bộ ở mức 4,3GHz. Vì thời gian GVN 360 được trên tay con chip này có hạn nên bọn mình chưa thể tìm được “nóc nhà” của con Core i9-13900K này cao tới đâu, nhưng chí ít thì mức xung kia có thể chạy ổn định Cinebench R23. Nhiệt độ P-core lúc chạy bài benchmark là tầm 75 độ C, E-Core là gần 70 độ C, và nó ngốn 275W do mình đã có tối ưu phần điện đóm.

Đôi điều về Intel Core i9-13900K và nó sẽ phù hợp với những ai

Core i9-13900K hiện đang là con chip phổ thông mạnh nhất mà bạn có thể mua được tại thời điểm bài viết. Vì thế cho nên đây sẽ là vi xử lý dành cho những bạn nào muốn sở hữu hiệu năng đỉnh cao để chiến game AAA max setting khỏi phải nghĩ, hoặc là muốn nâng cao hiệu suất công việc để xử lý các tác vụ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian để còn đi làm những thứ khác. Tuy nhiên, riêng với Core i9-13900K đợt này thì mình có thêm một lưu ý cho các bạn nữa nha.

 i9-13900K Intel

Đó là để tận dụng sức mạnh mà con chip này có thể mang lại, bạn nên bắt cặp nó với một bộ tản nhiệt nước AIO cao cấp nhé. Đơn giản là vì Core i9-13900K được tăng gấp đôi nhân E-core so với thế hệ trước, cho nên nó sẽ nóng hơn rõ rệt luôn đó. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có sẵn cái máy làm lạnh trị giá cả chục triệu đồng để làm mát cho con CPU 17 triệu đồng này. Nhưng thử nghiệm vừa rồi đã cho thấy ở thiết lập mặc định, chừng nào nhiệt độ còn cho phép thì chừng đó Adaptive Boost Technology sẽ tiếp tục đẩy hiệu năng của con Core i9-13900K lên thêm nữa. Do đó, hệ thống tản nhiệt sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với hiệu năng của những con chip cao cấp như thế này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360