Đến nay thì switch cơ học vẫn là tiêu chuẩn của những chiếc bàn phím máy tính, nhưng vấn đề là nó sẽ còn tồn tại được trong bao lâu trước khi bị thay thế bởi các công nghệ switch mới tiên tiến hơn?
Đã quá lâu rồi, chắc phải vài chục năm kể từ khi switch cơ học trở thành tiêu chuẩn cho những chiếc bàn phím máy tính chất lượng cao. Tuy nhiên, kể từ lúc đó đến nay, chúng gần như không hề có sự cải tiến, mà nếu có thì cũng chỉ là những sự biến tấu của các hãng khác nhau để cho ra đời những loại switch cho cảm giác nhấn khác đi đôi chút mà thôi. Tuy nhiên về cơ bản, tất cả các loại switch này đều chỉ dùng chung một cơ cấu tạo tín hiệu là sự tiếp xúc giữa 2 lá đồng trong switch, thay đổi điện trở để tạo ra tín hiệu. Theo thời gian thì cơ cấu này gần như đã đạt đến giới hạn của nó và việc cải tiến switch cơ cũng sẽ ngày một khó khăn hơn.
Các loại switch cơ hiện nay cũng giống như những “hóa thạch sống” vậy, thiết kế của chúng đã tồn tại từ hàng chục năm trước, và chúng ta cũng đã mắc kẹt với chúng quá lâu rồi. Đã đến lúc chúng ta phải tìm ra những loại switch mới ưu việt hơn nữa để phá vỡ những giới hạn của những chiếc switch cơ.
Zowie Celaritas II và Aorus K9 sử dụng switch quang học do Flaretech phát triển, Huntsman của Razer thì sử dụng switch quang “nhà trồng”, mới đây nhất là Apex Pro nhà Steelseries cũng đã ứng dụng switch từ mà họ dày công nghiên cứu… Tất cả những dòng bàn phím này đều thuộc hàng flagship, là niềm tự hào của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, và toàn bộ trong số chúng đều… không sử dụng switch cơ học.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận xem switch cơ học có còn là tiêu chuẩn của bàn phím máy tính hay không, đã đến lúc mà chúng ta nên công nhận là thời đại của các loại switch mới và ưu việt hơn đang đến. Tuy nhiên, mình – người viết bài này – vẫn biết các bạn sẽ hoài nghi về những loại switch mới. Vì thế nên trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn về những loại switch mới nhưng với tư cách là một người dùng cuối chứ không phải như những lời quảng cáo từ hãng.
Các loại switch mới ưu việt như thế nào?
Độ bền
Đầu tiên nếu nhìn vào thông số kỹ thuật được công bố từ hãng của các loại switch mới này thì bạn sẽ thấy rằng nó bền dã man, du là switch từ hay switch quang cũng đều được các hãng công bố sẽ cho độ bền rất lớn so với switch cơ truyền thống tiêu chuẩn của Cherry. Có thể bạn sẽ hoài nghi các thông số này nhưng nếu xét về mặt logic thì những thông số đó là hoàn toàn có cơ sở.
Thường thì một chiếc switch cơ sẽ bị xem là “chết” khi các lá đồng của nó bị biến dạng, bị Oxy hóa… điểm tiếp xúc của 2 lá đồng sẽ không còn tốt nữa và bắt đầu tạo ra những tín hiệu sai lệch hoặc chết hẳn (trường hợp gãy chân stem hay vỡ housing là lỗi người dùng nên mình sẽ không bàn tới). Trong suốt vòng đời của mình, các lá đồng sẽ liên tục chịu lực tác động và sự ma sát từ stem khi bạn nhấn và sự Oxy hóa trong quá trình sử dụng, có thể nói lá đồng có quyết định phần lớn độ bền của một chiếc switch cơ.
Tuy nhiên, đối với các loại switch mới, thành phần lá đồng đều đã được loại bỏ. Cơ cấu nhận tín hiệu giờ đây đã không còn phụ thuộc vào sự tiếp xúc cơ học nữa. Trong khi switch từ nhận tín hiệu thông qua sự biến thiên của từ thông thì switch quang lại nhận tín hiệu bằng sự thay đổi cường độ ánh sáng. Không hệ có sự tiếp xúc nào ở đây cả, và nếu không có sự tiếp xúc thì bạn sẽ không sợ nó bị hư. Độ bền của switch lúc này sẽ không bị giới hạn bởi độ bền lá đồng nữa mà sẽ nằm chủ yếu ở độ bền của stem và housing.
Độ nhạy
Như đã nói bên trên, switch cơ nhận tín hiệu bằng sự tiếp xúc giữa 2 lá đồng. Từ 2 là đồng này tiếp xúc với nhau cho đến khi có dòng điện chạy qua và tạo ra được tín hiệu sẽ mất một khoảng thời gian nhất định. Đối với thông tin chính thức từ Cherry thì độ trễ trên switch của họ sẽ nằm vào khoảng 5ms. Còn đối với các loại switch không sử dụng cơ chế phi tiếp xúc thì khác, theo như công bố của Flaretech thì switch của họ có độ trễ chỉ 0.03ms, thấp hơn rất nhiều so với switch cơ học truyền thống. Razer tuy chưa công bố chính thức thông số kỹ thuật của Opto-mechanical switch nhưng họ cũng khẳng định switch của mình có độ trễ cực thấp.
Khả năng tùy biến
Omnipoint switch được sử dụng trên Apex Pro là loại switch trên bàn phím đầu tiên cho phép tùy chỉnh điểm nhận phím. Với phần mềm Steelseries Engine 3, bạn có thể tùy chỉnh điểm nhận phím riêng biệt cho từng phím để tối ưu cho từng tác vụ khác nhau.
Switch quang học của Flaretech cũng có khả năng cho phép thay đổi điểm nhận phím, tuy nhiên thì hiện tại vẫn chưa có nhà sản xuất nào có thể tận dụng được khả năng này do tính năng này yêu cầu phát triển cả phần mềm và phần cứng đặc biệt mới có thể hỗ trợ. Tuy nhiên việc tận dụng được ưu thế của nó cũng chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Nhìn chung thì tiềm năng phát triển của các loại switch này vẫn còn rất lớn, theo mình thì trong tương lai, tính năng tùy chỉnh điểm nhận phím sẽ là một tiêu chuẩn cho bàn phím cao cấp.
Không phải switch cơ thì gõ có “ngon” không?
Hiện nay có nhiều người cho rằng chỉ có switch cơ học mới cho lại cảm giác gõ tốt nhất và những loại switch mới chưa thể đạt được điều đó. Đối với mình thì quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Mặc dù đúng là các loại switch mới tuy không cho cảm giác y hệt switch cơ, nên có lẽ sẽ còn lạ lẫm với nhiều anh em sử dụng phím cơ lâu năm nhưng mình dám khẳng định là một khi đã quen thì bạn sẽ cực kỳ thích các loại switch mới này.
Đầu tiên, hay nói về Opto-Mechanical của Razer, đây là một loại switch clicky, nó có lực nhấn nhẹ hơn 10 gram so với blue switch tiêu chuẩn của Cherry, cảm giác nảy cực tốt và không hề phát ra âm thanh “sạn sạn” đặc trưng như của blue switch, rất đanh và sạch. Switch Omnipoint thì cho cảm giác gõ cực mượt mà mình dám khẳng định vượt trội hơn tất cả các loại switch cơ linear hiện nay, không chỉ loại bỏ được sự ma sát giữa stem và lá đồng mà nó còn có rất ít ma sát giữa stem và housing, ma sát là vẫn có chứ không phải là không nhưng bạn sẽ gần như không thể cảm thấy nó đâu.
Vẫn tồn tại nhược điểm
Như lẽ thường thì cái gì có công nghệ càng cao thì sẽ càng phức tạp, switch cũng vậy. Các loại switch mới sẽ yêu cầu một bảng mạch đặc biệt có các cảm biến để nhận tín hiệu chứ không chỉ là một bảng mạch thông thường như với switch cơ. Đối với người dùng phổ thông mà nói thì việc này không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, đối với dân chơi phím custom thì khác.
Với cấu tạo đơn giản, switch cơ rất dễ độ chế, người dùng có thể thoải mái thay lò xo, dán phim, lube switch và làm nhiều trò khác một cách đơn giản và dễ dàng. Chính vì sự đơn giản mà switch mang đến khả năng tùy biến cao hơn cho người dùng. Đó là điều mà những loại switch mới như switch từ và switch quang chưa thể đáp ứng được.
Còn một điểm mà mình muốn nói đến nữa là riêng đối với switch quang học của Razer và Flaretech thì chúng có phần housing không trong suốt. Không phải là nhà sản xuất không làm được mà đơn giản là họ không thể làm, vì nếu làm housing trong suốt, ánh sáng từ môi trường có thể chiếu vào gây nhiễu cảm biến ánh sáng và tạo ra tín hiệu sai lệch, vì thế nên tốt nhất là nên chặn hoàn toàn ánh sáng từ bên ngoài.
Tương lai nào cho switch cơ truyền thống
Các loại switch mới tuy rất ưu việt so với switch cơ truyền thống nhưng nó vẫn chưa thể thay thế được hoàn toàn switch cơ học truyền thống, ít nhất là đối với dân chơi phím custom. Cùng với đó, sau hàng chục năm trở thành tiêu chuẩn, switch cơ học đã trở nên cực kỳ phổ biến, ăn sâu vào tiềm thức của người dùng và trở thành một tiêu chuẩn trên bàn phím PC.
Theo người viết thì khả năng cao là switch cơ học sẽ không bị thay thế một cách hoàn toàn, nó vẫn ở lại và tồn tại cùng các loại switch mới để mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Rõ ràng là switch cơ tuy không thể xem là xịn nhất nữa nhưng ít ra nó vẫn đủ tốt để không bị đào thải khi các loại switch tiên tiến hơn xuất hiện.
*Bài viết có sử dụng hình ảnh từ nhiều nguồn.
Axium Fox