Khi anh em mua màn hình thì sẽ đi lên mạng tìm xem thông số hoặc xem các bài review đúng không nào, thế nào cũng sẽ có vài câu nói kiểu như “màn hình này độ phân giải 2K, 144Hz, G-Sync, FreeSync các thứ nhìn vào mượt lắm”. Đối với những bạn đã có kiến thức cơ bản hoặc dùng nhiều loại màn hình khác nhau thì chỉ cần xem những thông số này sẽ phần nào hình dung và biết được những thông số nào thích hợp cho việc chơi game. Còn đối với các bạn chưa biết thì gần như sẽ rất khó chọn giữa một rừng thông số và các thuật ngữ khó hiểu. Trong bài viết này, mình sẽ nêu và giải thích vì sao những thông số màn hình này quan trọng khi anh em chơi game.
Tần số quét
Về cơ bản, tần số quét là tốc độ hiện một khung hình mới lên màn hình, và được đo bằng Hz (Hertz) nhé. Nếu anh em chưa biết sự khác biệt giữa tần số quét khác nhau thì có thể xem lại bài viết Hướng dẫn test sự khác biệt giữa các tần số quét khác nhau này nhé. Quay trở lại vấn đề kỹ thuật, nếu màn hình của của anh em có tần số quét là 120Hz thì có nghĩa là nó có khả năng hiện 120 khung hình trong một giây, còn màn hình 144Hz thì có khả năng hiện 144 khung hình mỗi giây.
Hầu hết các loại màn hình thông thường đều có tần số quét tiêu chuẩn 60Hz thôi. Tuy nhiên, nếu anh em chơi game thì nên dùng các loại màn có tần số quét từ 120Hz hoặc 144Hz trở lên. Tần số quét càng cao thì càng hình ảnh trong game càng mượt nhé (lưu ý là bạn cần phải kiểm tra xem card màn hình có đủ mạnh để xuất hình ở tần số quét cao hay không).
G-Sync và FreeSync
Nếu đã nhắc đến tần số quét thì chắc chắn không thể bỏ qua các công nghệ đồng bộ tần số quét G-Sync của Nvidia và FreeSync của AMD các bạn ạ. Những công nghệ này sẽ mang đến cho người dùng những những khung hình hoàn hảo và trọn vẹn hơn bằng cách hạn chế hiện tượng xé hình khi card đồ họa xuất nhiều hình ảnh lên màn hình (xuất hình ở tần số quét cao). Nếu các bạn chưa biết về những công nghệ này thì có thể xem lại bài viết Phân biệt G-Sync và FreeSync này nhé.
Nói chung, nếu các bạn đang cùng card màn hình của Nvidia thì hãy chọn màn hình có G-Sync, nếu đang dùng card màn hình AMD thì hãy chọn màn hình có FreeSync nhé. Tuy nhiên, vẫn có màn hình FreeSync có hỗ trợ luôn cả tính năng G-Sync Compatible giúp bạn cắm loại màn hình này vào card AMD hay Nvidia đều có thể đồng bộ tần số quét. Hiện nay thì cũng có khá nhiều loại màn hình hỗ trợ G-Sync Compatible rồi và thường thì sẽ có giá rẻ hơn màn hình G-Sync “chính hãng” để cho anh em có thêm một lựa chọn. Nếu phân vân không biết G-Sync Compatible của màn hình có tốt không thì các bạn có thể tham khảo các review trước khi mua nhé.
Input Lag
Input lag hay dịch nôm na có nghĩa là “độ trễ đầu vào” và được mọi người hiểu theo hai cách. Cách đầu tiên là thời gian từ lúc anh em nhấn một nút trên bàn phím hoặc click chuột đến khi màn hình có phản ứng. Nếu màn hình của bạn không bị lag theo dạng này thì mọi lần bạn nhân bàn phím hay click chuột sẽ hiện lên màn hình ngay lập tức. Nếu màn hình của bạn bị lag thì bạn sẽ cảm nhận được độ trễ, ví dụ khi click chuột mà 2, 3 giây sau súng mới bắn.
Còn loại input lag còn lại là thời gian từ khi hình ảnh được truyền vào màn hình đến khi nó xuất hiện trên màn hình. Nguyên nhân của loại input lag này thì các bạn có thể tìm hiểu sau hơn qua bài viết Chế độ Game Mode trên màn hình và TV có thật sự hữu dụng cho game thủ nhé. Và dù là màn hình có bị input lag loại nào thì cũng đều ảnh hưởng đến việc chơi game khá nhiều. Đặc biệt mà với những game dạng đối kháng, có nhịp độ cao như CS:GO chẳng hạn. Vì vậy, anh em hãy tìm và chọn những màn hình có input lag càng thấp càng tốt.
Response Time
Về cơ bản thì Response Time (thời gian đáp ứng) là thời gian một điểm ảnh chuyển từ màu này sang màu khác và thường đo bằng ms (mili giây). Thường thì người ra sẽ dùng thời gian một điểm ảnh chuyển từ màu đen thành trắng rồi chuyển lại thành đen, hoặc nếu các bạn thấy thông số màn hình ghi là 4ms GTG (gray-to-gray) thì đó là thời gian để điểm ảnh chuyển hết tất cả các sắc thái của màu xám.
Nói chung, màn hình có response time càng thấp thì càng tốt vì các điểm ảnh của màn hình có thể chuyển sang màu của khung hình tiếp theo nhanh hơn. Đây là một thông số liên quan khá mật thiết với tần số quét vì nếu màn hình có tần số cao (chuyển nhiều khung hình trong một giây) thì các điểm ảnh của màn hình cũng phải có tốc độ chuyển màu đủ nhanh thì mới hiện hình ảnh mới kịp.
Nếu các điểm ảnh chuyển màu không đủ nhanh thì màn hình sẽ có hiện tượng bóng mờ. Khi đó, các bạn sẽ thấy những vật thể chuyển động trên màn hình sẽ có một “phân thân” lờ mờ theo sau. Các bạn có thể lên Youtube để tìm xem các ví dụ về hiện tượng bóng mờ hoặc dễ hình dung nhất chính là hiệu ứng tạo bóng cho con trỏ chuột nhưng mấy cái bóng thì mờ hơn rất nhiều nhé.
Dù response time cũng là một thông số quan trọng nhưng lại không có một tiêu chuẩn nào cho biết tần số quét bao nhiêu thì cần có response time bao nhiêu là hợp lý. Vì vậy, các bạn có thể tìm xem các bài review trên mạng xem màn hình đó có hay bị bóng mờ không hoặc ra thẳng cửa hàng để xem tận mắt.
Tấm nền TN hay IPS
Hiện nay, nếu anh em tìm mua màn hình mới thì chắc sẽ gặp hai loại tấm nền TN và IPS nhiều nhất. Để giải thích các hoạt động của hai loại tấm nền này thì dài và khó hiểu lắm nên mình sẽ nêu ưu, nhược điểm thôi nhé. Đối với tấm nền TN thì các bạn phải ngồi đúng vị trí thì mới nhìn rõ màu sắc và chi tiết của hình ảnh hiện trên màn hình. Tuy nhiên, các loại nền TN có response time rất thấp, có loại chỉ 1ms hoặc 0,5 ms thôi, khá phù hợp cho các bạn muốn try hard cũng game có tiết tấu nhanh.
Còn tấm nền IPS thì có góc nhìn rộng hơn và màu sắc thường là đẹp hơn TN rất nhiều. Bên cạnh đó, response time của tấm nền IPS thường chỉ ở mức 4 đến 6ms thôi chứ không anh được như TN sẽ phù hợp cho các bạn có sở thích chơi game kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hơn. Nói chung cũng tùy vào nhu cầu mà bạn có thể lựa chọn đánh đổi giữa màu sắc đẹp và response time. Các bạn cũng nên lưu ý là cả TN và IPS đều có loại này, loại kia, để chắc màn hình đó có đẹp như mong muốn hay không thì các bạn nên ra cửa hàng xem cho chắc nhé.
Có HDR
HDR (high dynamic range) là một tính năng “xịn sò” của các dòng màn hình cao cấp ngày nay. Đây là tính năng giúp màu sắc hiển thị trên màn hình sống động và đẹp mắt hơn bình thường rất nhiều. Thường thì bạn sẽ thấy các màn hình 4K UHD sẽ đi kèm thêm HDR, nhưng thực tế thì độ phân giải nào cũng có thể áp dụng tính năng HDR nhé, chỉ là nhà sản xuất có muốn đưa vào màn hình hay không thôi.
Nói chung thì HDR thì là một tính năng rất xịn, nếu anh em muốn mua màn hình mới thì nên ưu tiên những loại màn có tính năng này. Tất nhiên HDR cũng có loại này, loại khác, khi nhắm được một em màn hình có HDR nhưng giá rẻ thì các bạn cũng nên kiểm tra và xem các bài review nhé.
Có công nghệ Quantum Dot
Để giải thích công nghệ Quantum Dot một cách ngắn gọn thì hơi khó anh em ạ, chủ yếu là các bạn cần biết mà màn hình Quantum dot có màu sắc rực rỡ và hiển thị được dãy màu rộng hơn màn hình LCD rất nhiều. Vì vậy, nếu anh em có điều kiện thì cũng có thể suy nghĩ tìm một màn hình dùng công nghệ này để có trải nghiệm chơi game tuyệt vời hơn.
Dãy màu
Các bạn có thể hiểu dãy màu đơn giản là số lượng màu sắc màn hình có thể hiển thị. Khi xem thông số kỹ thuật thì anh em thường sẽ gặp các tiêu chuẩn màu sRGB, Adobe RGB hoặc NTSC. Các tiêu chuẩn này sẽ có cách riêng để xác định số lượng màu sắc mà màn hình có thể hiển thị chính xác. Các hãng sản xuất thường sẽ để thông số phần trăm của một loại dãy màu kiểu như 99% sRGB hoặc 99% Adobe RGB. Điều này có nghĩa là màn hình đó hiện được 99% số lượng màu của tiêu chuẩn sRGB hoặc Adobe RGB.
Thường thì những bạn cần phải làm các công việc cần độ chính xác về màu sắc thì mới quan tâm thông số này có ý nghĩa gì. Còn anh em game thủ chúng ta không cần phải quan tâm chúng có nghĩa gì đâu, các bạn cứ chọn màn hình nào có số phần trăm cao là càng tốt nhé.
Độ sáng cao nhất
Độ sáng màn hình được đo bằng nit hoặc cd/m2, nếu các bạn chưa biết về hai đơn vị này thì có thể xem lại bài giải thích về đơn vị đo độ sáng màn hình nhé. Thông thường, các loại màn hình có độ sáng 250 nit là phù hợp với đa số người dùng vì độ sáng vừa phải và ít làm chói mắt. Bên cạnh đó, một số loại màn hình cao cấp hơn sẽ có độ sáng trong khoảng 300 đến 400 nit. Ngoài ra, anh em còn có thể lựa chọn các loại màn hình dùng chuẩn HDR 400, 500, 600, hoặc “xịn sò” nhất là 1000.
Chọn độ sáng màn hình cũng là một yếu tố quan trọng khi anh em chơi game, nếu màn hình quá sáng hoặc quá tối thì có thể gây mỏi mắt, ảnh hưởng đến thị lực vì anh em phải liên tục điều tiết. Và để có sự lựa chọn phù hợp nhất thì các bạn cũng phải ra cửa hàng tăng, giảm độ sáng thử xem độ sáng bao nhiêu là phù hợp với bản thân.
Tỷ lệ màn hình
Hiện nay thì có rất nhiều tỷ lệ màn hình khác nhau, từ phổ thông nhất là 16:9, 21:9 cho đến những màn hình siêu dài với tỷ lệ 32:9 hoặc 32:10. Nếu các bạn là người thích và thường xem phim điện ảnh thì các loại màn hình dài sẽ phù hợp với hơn. Ngoài ra, có rất nhiều tựa game có hỗ trợ các loại màn hình dài và nhiều trường hợp có thể tận dụng để “hack map” nữa. Tuy nhiên nếu anh em chỉ thường xem Youtube hoặc tựa game yêu thích chỉ hỗ trợ các tỷ lệ màn hình phổ biến như 16”9 và 21:9 thì cũng không cần màn hình quá dài đâu vì khi chơi game sẽ có hai khoảng màu đen khá lớn ở hai bên.
Còn nếu các bạn chưa biết màn hình dài trong ra sao thì cũng nên ra cửa hàng để dùng thử, mở các chương trình và game anh em hay chơi để có cảm nhận chính xác nhất nhé.
Nguồn: How To Geek