Mua hàng cũ rất hời – Đúng, nhưng đó là với dân chuyên, còn đối đa số người dùng cuối như chúng ta thì…

Thực tế thì nếu có đủ kinh nghiệm cộng thêm một chút may mắn thì bạn cũng có thể mua được những linh kiện tốt với mức giá rẻ bất ngờ. Tuy nhiên hàng cũ nào cũng có lắm rủi ro, đặc biệt là hàng điện tử. Bài viết không khuyên bạn đọc không nên mua hàng cũ mà chỉ điểm mặt những rủi ro dễ gặp phải khi mua hàng cũ mà thôi.

Hời, nhưng…

Linh kiện điện tử là một trong những thứ mất giá nhiều nhất khi được bán lại. Chính vì thế mà nếu có đủ kiến thức và kinh nghiệm để lựa chọn PC cũ, cộng với việc siêng đi săn hàng, bạn sẽ có nhiều cơ hội mua được những món hàng tốt với mức giá cực hời, có khi chỉ bằng một nửa so với hàng mới có hiệu năng tương đương. Tuy nhiên nếu cố mua hàng cũ để tiết kiệm chi phí trong khi khi kiến thức không đủ thì bạn sẽ rất dễ dàng mua phải những món hàng kém chất lượng, và đôi khi cái giá phải trả còn lớn hơn nhiều so với số tiền mà bạn tiết kiệm được.

Một vài ví dụ

VGA: Vào khoảng quý 3 và quý 4 năm ngoái (2018), khi các trang trại đào tiền ảo đua nhau “xả thịt trâu” để thoát khỏi sự thoái trào của các loại tiền ảo, nếu biết xem hàng thì bạn có thể dễ dàng mua được những chiếc RX580 vẫn còn tốt với mức giá chỉ khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng. Tức là chưa bằng một phần ba so với giá mua mới. Tuy nhiên nếu người mua không đủ kiến thức và kinh nghiệm khi mua linh kiện cũ thì họ sẽ rất dễ mua phải những chiếc VGA “trâu cày”, đã phải hoạt động hết công suất trong cả chục nghìn giờ liên tục đến khi độ bền của nó đạt đến mức báo động. Một khi những chiếc VGA như thế này gặp lỗi thì không chỉ bản thân nó gặp nguy hiểm, đôi khi mainboard của bạn và các linh kiện xung quanh cũng sẽ gặp nguy hiểm theo.

Ổ Cứng: Một ví dụ khác nữa về linh kiện PC cũ nữa nếu mua một chiếc ổ cứng cũ, cả SSD và HDD thì bạn có thể dễ dàng tìm mua được những chiếc ổ cứng với mức giá khoảng hai phần ba so với những chiếc ổ cứng mới có cùng thông số kỹ thuật. Những chiếc ổ cứng cũ nếu có xảy ra sự cố cũng sẽ ít gây nguy hiểm cho dàn PC hơn những linh kiện có công suất lớn như VGA. Tuy nhiên ổ cứng lại là nơi lưu trữ dữ liệu của bạn, chẳng ai có thể biết trước được chiếc ổ cứng của bạn đã được sử dụng trước đó trong điều kiện như thế nào và còn bao nhiêu thời gian cho đến khi nó bắt đầu dở chứng. Một khi ổ cứng đã xảy ra vấn đề thì cho dù có được bảo hành hay đổi mới thì dữ liệu của bạn cũng đã bay theo mây khói rồi.

Nguồn: Nguy hiểm nhất khi mua linh kiện cũ chắc chắn phải kể đến nguồn (PSU). Đây là bộ phận đơn giản và dễ bị “động tay” nhất trong các linh kiện PC. Với cấu trúc không quá phức tạp như mainboard, VGA, RAM… Việc chỉnh sửa và thay thế các bộ phận trong một chiếc nguồn dễ hơn nhiều. Ngoài kia không thiếu những bộ nguồn đã bị cháy, hỏng bị xem như phế liệu, được thợ mang về sửa một cách chắp vá để bán lại với mức giá cao hơn. Bản thân người viết đã từng cố mua nguồn cũ để dùng tạm, tuy nhiên cái giá phải trả là một chiếc main đã bị cháy theo khi bộ nguồn phát hỏa, chỉ vài ngày kể từ khi bắt đầu sử dụng.

Và đó là một vài dạng rủi ro rất điển hình khi mua linh kiện PC cũ mà bạn nên biết để lường trước, tránh vì ham rẻ mà mua vội.

Vấn đề bảo hành và sự hỗ trợ của các hãng

Vấn đề bảo hành:

Ngoài những rủi ro có thể phát sinh khi mua linh kiện PC cũ thì vấn đề bảo hành cũng là một trong những điểm mà bạn nên quan tâm. Với linh kiện mới, bạn sẽ luôn có chế độ bảo hành và hỗ trợ từ hãng, nhà phân phối và đơn vị bán lẻ trong một thời gian nhất định để đảm bảo bạn quyền lợi cho bạn trong thời gian đó. Tuy nhiên, với linh kiện cũ thì khác. Dù ít hay nhiều thì linh kiện cũ cũng đã trải qua quá trình sử dụng và có sự hao mòn nhất định và việc bảo hành thì thường rất ngắn. Trong khi các linh kiện mới thường được hãng cam kết bảo hành từ vài năm thì các linh kiện cũ nếu có cũng chỉ được bảo hành vài tháng bởi bên bán mà thôi. Những linh kiện được người dùng cuối trực tiếp bán lại cho nhau và vẫn còn bảo hành hãng thì thường khá hiếm và khó tìm.

Vấn đề hỗ trợ của các hãng:

Công nghệ luôn phát triển với tốc độ khủng khiếp, chúng ngày một mạnh hơn, rẻ hơn và được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến hơn. Vì thế mà các linh kiện PC thường bị lỗi thời rất nhanh. Nếu bạn muốn có một dàn PC được hỗ trợ những công nghệ mới nhất từ các hãng thì linh kiện PC cũ chắc chắn không phải là một ý kiến hay, chưa tính đến việc các hãng thường sẽ chỉ ưu tiên hỗ trợ về phần mềm cho những linh kiện mới nhất của họ mà thôi. Đây cũng là vấn đề muôn thuở của linh kiện cũ, hàng cũ sẽ chỉ được bán ra khi hàng mới xuất hiện với tính năng vượt trội hơn mà thôi. Có mấy ai lại muốn bán đi thứ linh kiện thế hệ mới mà họ chỉ vừa mua cách đó không lâu chứ?

Dân chuyên cũng không dám chắc

Việc vàng thau lẫn lộn trong đống linh kiện cũ từ lâu đã không còn lạ gì với dân mê PC. Kỹ nghệ “xào nấu” linh kiện cũ hiện nay đã đạt trình độ cực kỳ tinh vi, đến mức mà đôi khi cả dân chuyên cũng khó nhìn ra cái nào là ngon, cái nào là dở. Những linh kiện đã từng bị từ chối bảo hành do cháy nổ và hư tổn vật lý có thể dễ dàng được các thợ có tay nghề cao “tút” lại để có thể vận hành bình thường với một diện mạo đẹp lung linh.

Những chiếc tụ, con trở từng bị hư hỏng, cháy nổ trên các linh kiện có thể dễ dàng được thay thế, sửa chữa để mang những linh kiện đó từ đống phế liệu trở về các cửa hàng. Và sự khác biệt của những linh kiện đã qua tay thợ “xịn” và linh kiện còn nguyên “zin” thì gần như chẳng thể nào có thể phân biệt được, kể cả với con mắt của người trong nghề chứ đừng nói đến dân không chuyên như người dùng phổ thông. Một khi thợ đã cố tình thì lừa được cả thợ khác cũng là chuyện rất bình thường.

Vấn nạn “chăn gà”

Nếu bạn đã từng sinh hoạt một thời gian trong những hội nhóm chuyên mua bán linh kiện PC cũ như GEARVN – Chợ PC & Gaming Gear… Sẽ thấy từ lóng “chăn gà” được sử dụng khá nhiều để chỉ việc các đối tượng có chút hiểu biết hoặc dân chuyên nghiệp lợi dụng sự “gà mờ” của người mới để bán cho họ những linh kiện cũ với giá cao.

PC là một lĩnh vực cực kỳ rộng lớn và để nắm được những kiến thức cơ bản thì cũng cần phải có thời gian. Đối với những người nhẹ dạ cả tin và chưa nắm kiến thức căn bản thì chỉ cần một vài câu nói suông như “card chuyên đồ họa”, “VGA này bao max setting game xxx luôn” hay “Máy chạy CPU i3/i5/i7″… Là đủ để họ bỏ ra số tiền lớn hơn giá trị của linh kiện/bộ máy cũ đó rất nhiều. Những đối tượng này thường bán ráp linh kiện cũ thành cả bộ PC hoàn chỉnh để khiến người mới chủ quan và thường tiếp cận “con mồi” bằng cách thức không công khai để tránh sự phát giác của cộng đồng.

Kết

Tiền luôn chảy từ túi của đa số mọi người sang túi của số ít người giỏi hơn, linh kiện PC ngon cũng vậy. Vẫn có những linh kiện PC được bảo quản rất tốt và cho hiệu năng rất mạnh. Tuy nhiên những món hời như vậy thường sẽ chỉ rơi vào tay những người có đủ kinh nghiệm, sự nhạy bén mà thôi, và để đạt được đến trình độ đó thì gần như ai cũng đã từng phải trả giá cho sự “gà mờ” lúc mới “nhập môn” của mình.

Mua linh kiện PC cũ có thể mang về những lợi ích lớn với cái giá phải chăng. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự thích hợp với những người biết rõ mình mua gì và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.