Chắc hẳn các bạn cũng từng nghe loang thoáng về việc kết nối với các mạng công cộng không thật sự an toàn như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, do mạng công cộng thường miễn phí, chúng ta không cần phải bỏ ra một đồng nào nhưng vẫn có thể vô mạng một cách thoải mái nên dù biết là nó có nguy hiểm tiềm tàng đi nữa thì chúng ta vẫn sử dụng (hoặc sử dụng trong lo sợ :)). 

Vậy mạng công cộng là gì và tại sao nó lại không an toàn? Trong bài viết này mình sẽ giải thích một cách căn bản nhất có thể về vấn đề này, đồng thời hướng dẫn cách phòng chống cho các bạn tham khảo nhé.

Mạng công cộng (Public Network) là gì?

Nói đơn giản, mạng công cộng (kể cả có dây hay không dây) là một loại mạng mà rất nhiều máy tính và thiết bị khác nhau mà bạn không tin tưởng kết nối vào. Thật ra, thuật ngữ này đã tồn tại rất lâu rồi và người dùng Windows, đặc biệt là từ Windows 7 trở đi sẽ khá là quen thuộc với vấn đề này. Cụ thể là khi bạn kết nối với một mạng bất kỳ, máy tính sẽ hỏi bạn rằng đây là mạng công cộng hay mạng nội bộ (Private Network). Bởi vì theo như hệ điều hành của bạn phân biệt thì giữa 2 loại mạng này, bạn không nên tin tất cả các thiết bị được kết nối với mạng công cộng.

Từ định nghĩa trên thì việc kết nối với Wifi (cũng thuộc một dạng mạng không dây công cộng) không hề an toàn như bạn nghĩ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mạng LAN mà bạn sử dụng tại các trường đại học cũng không an toàn mặc dù nó đã được hạn chế để sử dụng trong khuôn viên trường học. Tương tự đối với các wifi miễn phí tại sân bay và bến xe buýt hay tại quán cà phê yêu thích mà bạn thường ngồi nhâm nhi ly capuchino của mình. 

Ngược lại, đối với mạng nội bộ hay mọi người thường gọi là Home Network là loại mạng mà bạn nắm rõ được tất cả các máy tính và thiết bị nào đang kết nối vào chính loại mạng đó. Hay nói cách khác, Wifi tại nhà của bạn sẽ tạo nên một mạng nội bộ và an toàn. Tương tự như vậy đối với các mạng Wifi hoặc mạng LAN tại các công ty cũng tạo nên một mạng nội bộ an toàn.

Chia sẻ file thông qua mạng công cộng

Nói chung, cả Windows lẫn MacOS đều không cho phép hệ thống chia sẻ file thông qua mạng công cộng. Về phần MacOS thì hệ điều hành này có một tính năng tên là AirDrop, tính năng này sẽ cho phép bạn chia sẻ file trên máy tính của bạn cho mọi người cho dù là bạn có đang sử dụng mạng công cộng hay nội bộ đi chăng nữa. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải kích hoạt một số chế độ chia sẻ cụ thể bởi AirDrop theo mặc định sẽ hạn chế và chỉ cho phép bạn chia sẻ file tới các máy tính và thiết bị mà bạn tin tưởng.

Về phần Windows 10 thì có một tính năng tên là Discovery và File Sharing. Tính năng này sẽ cho phép bạn chia sẻ file với tất cả mọi người trên cùng một mạng wifi. Ngoài ra thì bạn cũng có thể bật password protected sharing để những người có tên username và mật khẩu máy tính của bạn mới có thể truy cập vào các file mà bạn chia sẻ.

Chia sẻ file thông qua mạng công cộng thường sẽ bị coi là tiềm tàng những mối nguy hiểm, bởi không chỉ vì những file đó có thể là file virus hay phần mềm độc hại mà còn bởi vì máy tính của bạn sẽ dễ dàng bị truy cập hơn do nó hiển thị trên mạng nơi mà tất cả mọi người đều có thể thấy. Nếu như bạn muốn chia sẻ file thông qua mạng công cộng, tốt nhất bạn nên dùng lưu trữ đám mây (cloud drive) thay vì chia sẻ bằng chính mạng công cộng đó. Hoặc không thì bạn cũng có thể sử dụng AirDrop nếu đang dùng MacOS.

Hãy tự đảm bảo an toàn cho chính mình

Dưới đây là một số cách căn bản mà các bạn có thể tham khảo để đảm bảo máy tính của mình an toàn khi kết nối với mạng công cộng.

Tắt tính năng Discovery và File Sharing 

  • Đối với Windows 10:

Bước 1: Mở Control Panel > Network and Internet > Network and Sharing Center > Change advanced sharing settings (ở góc bên trái).

Bước 2: Chọn Turn off network discovery Turn off file and printer sharing (nếu chưa chọn). Cuối cùng chọn Save changes.

  • Đối với MacOS: 

Bạn có thể tắt Sharing and discovery trong System Preferences dưới phần Sharing. Tiếp theo, hạn chế AirDrop hoặc tắt nó đi cho tới khi bạn cần.

Bật Firewall (tường lửa)

Tất cả hệ điều hành đều có tường lửa đi kèm theo để bảo vệ hệ thống khỏi các mối nguy hiểm trên mạng. Đối với Windows 10, tường lửa chính là Windows Defender, ứng dụng mà mọi người thường có xu hướng tắt nhiều nhất. Tóm lại, nếu bạn kết nối máy tính với mạng công cộng thì bạn nên bật tính năng tường lửa lên nhé.

VPN (mạng riêng ảo)

Có thể nói VPN hay mạng riêng ảo là một cách khá là tốt để giúp bạn bảo vệ máy tính của mình khỏi các lưu lượng mạng (network traffic) độc hại. Một VPN tốt sẽ mã hóa yêu cầu duyệt web của bạn, từ đó cung cấp cho bạn một khả năng bảo mật tốt hơn. Nếu có ai đó cố tình truy cập hệ thống của bạn thì họ sẽ phải vượt qua một lớp bảo mật bổ sung.

Cập nhật trình duyệt web

Một mối nguy hiểm trên mạng thường đến từ các hệ thống hoặc thiết bị khác, tuy nhiên nó cũng có thể đến từ việc truy cập vào một trang web không an toàn hoặc do bạn đang sử dụng một trình duyệt web “lạc hậu”. Hãy luôn đảm bảo rằng trình duyệt web của bạn luôn được cập nhật các bản mới nhất để nó có thể cung cấp các biện pháp bảo mật căn bản, ngoài ra thì bạn cũng chỉ nên truy cập vào các trang web sử dụng HTTPS.

Đọc thêm: HTTP là gì mà địa chỉ trang web nào cũng có?

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Nguồn: addictivetips