Màn hình OLED rất đẹp và đắt tiền, nhưng bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng một chiếc màn hình như vậy lại dễ dính hiện tượng “burn-in” hoặc lưu ảnh vĩnh viễn. 

Trước đây, khi nhắc tới các thiết bị được trang bị màn hình OLED thì chúng ta sẽ thường nghĩ ngay tới điện thoại và TV, bởi vì những cụm từ như điện thoại màn hình OLED hay TV OLED vốn đã quá phổ biến đối với người dùng hiện nay. Dù vậy, đối với laptop thì màn hình OLED vẫn còn là một yếu tố mới mẻ, chưa được khai thác nhiều. Một trong những nguyên nhân chính đó là vì độ bền, và thủ phạm đứng sau chính là hiện tượng “burn-in”.

Tuy nhiên, dạo gần đây đã có rất nhiều các sản phẩm laptop từ tầm trung cho tới cao cấp được trang bị màn hình OLED, đơn cử là các mẫu laptop ZenBook OLED đến từ ASUS. Vậy rốt cuộc thì độ bền của màn OLED đã được cải thiện như thế nào mà các hãng có thể tự tin trang bị chúng lên các mẫu laptop của mình như vậy? Các bạn hãy cùng mình đi tìm hiểu nhé.

Đầu tiên thì hiện tượng “burn-in” là gì?

OLED là từ viết tắt của Organic Light Emitting Diode, đây là một tấm nền được tạo nên từ những vật liệu hữu cơ. Chính vì lý do đó mà tấm nền này sẽ xuống cấp theo thời gian. 

OLED là tấm nền tự phát sáng, hay nói cách khác là nó không cần đèn nền như các màn hình LCD. Mỗi pixel sẽ tự tạo ra ánh sáng riêng, và ánh sáng này sẽ bị mờ dần đi trong quá trình sử dụng.

Hiện tượng “burn-in” hay lưu ảnh vĩnh viễn của màn hình OLED là hiện tượng lão hóa dần dần của các pixel. “Burn-in” không chỉ xảy ra trên màn hình OLED, mà màn hình CRT và LCD cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này ở một mức độ nào đó.

Lưu ảnh vĩnh viễn trên màn hình OLED được tạo ra do sự lão hóa không đồng đều của các pixel. Cụ thể hơn thì hiện tượng này xảy ra khi một tập hợp các pixel cụ thể bị suy giảm tuổi thọ ở một tốc độ khác so với những pixel nằm xung quanh tập hợp pixel đó.

Các hình ảnh tĩnh là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng lưu ảnh vĩnh viễn. Một vài ví dụ điển hình cho hình ảnh tĩnh mà chúng ta có thể kể đến như logo của video, thanh taskbar của Windows, hoặc bảng tỷ số trận đấu của các kênh truyền hình về thể thao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn xem một video về thể thao trong 3-4 tiếng đồng hồ liên tiếp là màn hình OLED của bạn bị dính chưởng. Nó chỉ xảy ra khi bạn xem video đó trong một thời gian rất dài mà thôi.

Màn hình OLED hiện nay đã bền hơn rất nhiều

Đúng là hiện tượng “burn-in” rất đáng sợ, nhưng đối với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì đây không còn là vấn đề gì quá nhức nhối. Một số công nghệ nổi bật có thể kể đến như công nghệ chống “burn-in” trên các tấm nền OLED của Samsung. 

Sau một thời gian dài sử dụng, một số pixel nhất định sẽ bị lão hóa và gây ra hiện tượng sai màu. Với thuật toán điều chỉnh dòng điện, màn hình OLED của Samsung sẽ tìm và phát hiện ra các pixel nào bị lão hóa và tăng cường dòng điện đi qua các pixel này. Tính năng này sẽ ép các pixel bị lão hóa hiển thị màu sắc sáng hơn, từ đó khiến cho màu sắc được hiển thị chính xác hơn.

Một số sản phẩm laptop được trang bị màn hình OLED của Samsung có thể kể đến như dòng ZenBook OLED của ASUS, hay đơn cử ở đây chính là laptop ASUS ZenBook UX325EA. Chiếc laptop này dù chỉ có mức giá gần 22 triệu nhưng lại được trang bị công nghệ tấm nền OLED của Samsung. Vừa giúp mang lại trải nghiệm màu sắc bắt mắt và đẹp đẽ hơn, vừa hạn chế được hiện tượng “burn-in” xuất hiện, đảm bảo được tuổi thọ bền bỉ hơn trong quá trình sử dụng lâu dài.

Một số phương pháp để hạn chế bớt hiện tượng “burn-in” trên màn hình OLED

Của bền tại người. Nhận được sự “bảo hộ” từ công nghệ xịn sò là một chuyện, nhưng nếu các bạn biết cách nâng niu nữa thì tuổi thọ của các sản phẩm công nghệ nói chung, và các laptop sử dụng màn hình OLED nói riêng sẽ càng được kéo dài hơn nữa.  

Bên cạnh công nghệ hạn chế “burn-in” trên các màn hình OLED, các bạn vẫn còn một số cách khác để phòng chống hiện tượng này. Ví dụ như:

  • Thay đổi nội dung đang hiển thị trên màn hình: Đừng để một nội dung tĩnh hiển thị rất lâu trên màn hình. Các bạn có thể lâu lâu đổi sang kênh khác để thay đổi nội dung trình chiếu.
  • Thay đổi độ sáng màn hình: Hiện tượng lưu ảnh rất dễ xảy ra trên các màn hình sáng. Vì thế các bạn nên đôi lúc giảm độ sáng của thiết bị, cũng như là bật chế độ tự động giảm độ sáng, hoặc Sleep máy khi không dùng tới.
  • Sử dụng chế độ Dark Mode: Bật chế độ này trên các màn hình OLED sẽ khiến cho các pixel hiển thị màu mờ đi khi bạn trình chiếu các nội dung có màu tối, hoặc thậm chí là các pixel sẽ tắt hẳn luôn để hiển thị màu đen hoàn toàn.
  • Bật chế độ tự ẩn taskbar trên Windows: Thanh taskbar có thể được coi là một hình ảnh tĩnh, bởi vì nó chỉ nằm duy nhất ở một vị trí (ở dưới, ở 2 bên hông, hoặc ở trên) trong suốt thời gian bạn mở máy cho tới khi tắt máy. Khi bật chế độ tự ẩn taskbar, thanh taskbar sẽ di chuyển trồi lên tụt xuống mỗi khi bạn mở to cửa sổ ứng dụng nào đó. Từ đó tạo sự chuyển động chứ không đứng yên một chỗ.

Trên đây là một số phương pháp đơn giản để các bạn có thể hạn chế hiện tượng “burn-in”. Các bạn không nhất thiết phải áp dụng toàn bộ mà có thể chỉ áp dụng một vài cái, miễn là nó phù hợp với bạn.

Ngoài ra, nếu các bạn muốn trải nghiệm thử công nghệ màn hình OLED của Samsung trên mẫu laptop ASUS ZenBook UX325EA, để biết thế nào là màu sắc tươi sáng và bắt mắt, cũng như là công nghệ chống “burn-in” xịn sò thì có thể ghé qua GearVN nhé. Showroom đang có trưng bày một số mẫu laptop ASUS OLED rất đáng để trải nghiệm thử tận tay, hoặc các bạn có thể tham khảo thêm các mẫu laptop ASUS ZenBook khác tại đây.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360