Có thể anh em chưa biết, nhưng bo mạch chủ mà anh em đang xài có thể đang là sát thủ âm thầm giết chết vi xử lý Ryzen đó. Vừa rồi HWinfo có cập nhật một tính năng cho thấy một vài bo mạch chủ X570 đã bí mật báo cáo sai thông số cho CPU AMD, từ đó làm tăng hiệu năng của những con chip. “Chiến thuật” này khá là giống với việc ép xung, nhưng mà là ở thiết lập mặc định (stock). Do đó, con chip sẽ ngốn điện và tỏa nhiệt nhiều hơn, dẫn đến một viễn cảnh không xa là con chip của anh em sẽ “tạch” sớm hơn dự kiến mà người dùng không hề biết nguyên nhân do đâu.
Việc các hãng bo mạch chủ điều chỉnh mức điện áp trần (power limit) của CPU để tăng hiệu năng, giúp nó nhỉnh hơn các sản phẩm của đối thủ là một điều rất bình thường. Thực chất, gần như tất cả hãng bo mạch chủ đều làm vậy với chip Intel, nhưng sự khác biệt ở đây là Intel có cho phép họ làm như vậy một cách công khai, và thậm chí là khuyến khích các hãng làm như thế để giúp sản phẩm của họ trở nên khác biệt. Đồng thời, những thay đổi này không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của con chip trong thời hạn bảo hành. Trong khi đó, về phía AMD thì họ không hề chấp thuận cách làm này.
Nói một cách ngắn gọn thì một vài hãng đã cố tình điều chỉnh để bo mạch chủ báo cáo sai số liệu reference, khiến CPU Ryzen nghĩ rằng nó đang tiêu thụ điện năng ít hơn thực tế. Và lúc này, CPU sẽ cho phép bản thân nó tiêu thụ nhiều điện năng hơn để tăng xung nhịp, dù là đang ở thiết lập mặc định đi chăng nữa. Tuy nhiên, việc này sẽ làm CPU nóng hơn và có khả năng khiến vi xử lý bị “đoản thọ”, tương tự như việc ép xung. Cái khác so với ép xung là nó được làm một cách bí mật và trước giờ không có cách nào để người dùng cuối phát hiện được điều này.
Với công cụ “CPU Power Reporting Deviation” của HWinfo thì giờ đây, ta đã có thể biết được là bo mạch chủ mình đang xài có đang “nói dối” hay không. Đại diện HWinfo cho biết hiện tại đang có ít nhất 2 hãng lớn vẫn đang sử dụng chiêu này để giành lợi thế so với đối thủ, mặc dù AMD không hề ủng hộ chuyện này, thậm chí còn tạo áp lực lên những hãng nào bị phát hiện là đang dùng chiêu này. Anh em có thể tải HWinfo phiên bản mới nhất tại đây nhé.
Để kiểm tra, anh em chỉ cần cho CPU chạy full-load (100%) tất cả các nhân/luồng bằng phần mềm như Cinebench R20 chẳng hạn, và theo dõi giá trị CPU Power Reporting Deviation; nếu nó rơi vào khoảng 100% thì nghĩa là mọi thứ đang hoạt động chính xác. Còn nếu chẳng hạn như nó ghi 50% thì nghĩa là bo mạch chủ đang đánh lừa CPU, khiến nó nghĩ rằng nó chỉ đang xài ½ điện áp so với con số thực tế mà nó đang ngốn.
Nguồn: tom’s HARDWARE