Hiện nay, không ít anh em khi build PC vẫn còn đang khá lúng túng về mảng âm thanh, đặc biệt là vấn đề về soundcard. Những thắc mắc đa phần sẽ là về chức năng của nó, khác biệt như thế nào so với lúc không dùng, và liệu có đáng để đầu tư hay không. Nếu có những thắc mắc như vậy thì mời anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Chức năng của soundcard
Vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh trên PC nhiều nhất là nhiễu điện anh em ạ. Khi mainboard hoạt động thì có rất nhiều xung điện phát ra từ CPU, GPU, RAM, các cổng kết nối và tất nhiên là cả ánh đèn LED RGB sáng chói nữa. Xung điện từ các linh kiện này sẽ ảnh hưởng đến tín hiệu âm thanh mà mainboard truyền sang tai nghe, loa và có thể tạo ra tiếng rít, rè làm anh em cảm thấy khó chịu.
Thông thường, nếu anh em không để ý thì sẽ không nghe thấy tiếng nhiễu điện. Nhưng nếu anh em cắm tai nghe vào máy, bật âm lượng lớn lên (không mở bất kỳ video hay file nhạc nào) và cho máy copy một file dung lượng lớn thì có thể sẽ nghe thấy tiếng nhiễu. Hoặc nếu anh em có thính giác tốt thì sẽ nghe được tiếng nhiễu mỗi khi chơi game, đặc biệt là khi ngồi đợi màn hình loading.
Nhiều hãng sản xuất mainboard đã cố gắng cách ly, che chắn khu vực âm thanh để hạn chế tình trạng nhiễu điện nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Chính vì vậy mà sound card ra đời để lọc những xung điện gây nhiễu anh em ạ. Bên cạnh việc lọc nhiễu và làm tiếng rít biến mất thì soundcard còn rất có ích khi anh em chơi game. Khi có soundcard thì âm thanh trong game sẽ được xử lý tốt hơn và anh em sẽ nghe được những thứ chi tiết hơn, trước giờ khó nghe thấy. Thậm chí, nếu chơi game FPS và có một em soundcard xịn thì có thể nghe hướng tiếng bước chân chính xác hơn so với lúc không dùng.
Các giải pháp giúp âm thanh hay hơn
Khi gặp một vấn đề nào đó về âm thanh thì có lẽ anh em sẽ mua tai nghe mới xịn sò hơn và thường thì các bạn sẽ có trải nghiệm tốt hơn. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù tai nghe xịn nhưng nếu tình trạng nhiễu quá nặng thì có khi anh em nghe tiếng rít còn to rõ hơn lúc trước.
Còn nếu dùng soundcard thì gần như chắc chắn là sẽ lọc nhiễu tốt hơn lúc không dùng. Nói chung thì đây là một kiểu cách ly xung điện cao cấp hơn, thay vì dùng bộ phận tích hợp trong mainboard thì chúng ta gắn thêm một linh kiện rời vào khe PCIe để nó cách xa những linh kiện gây nhiễu ra, giúp xử lý âm thanh tốt hơn. Nhưng về cơ bản thì nó vẫn nằm rất gần mainboard nên chuyện khử nhiễu 100% gần như là bất khả thi anh em nhé.
Ngoài ra, anh em có thể dùng bộ DAC (digital-to-audio converter) rời giúp chuyển đổi tín hiệu âm thanh từ dạng digital sang analog để phát ra tai nghe và loa. Thường thì bộ DAC sẽ nằm ở bên ngoài, nằm xa mainboard và những linh kiện khác trong PC nên sẽ hạn chế được tình trạng bị nhiễu.
Vậy có nên dùng soundcard hay không?
Dùng soundcard sẽ giúp nâng tầm trải nghiệm âm thanh của anh em lên rất nhiều. Tuy nhiên, không giống như việc nâng cấp card đồ họa để tăng fps khi chơi game, âm thanh là một thứ mang tính trải nghiệm cá nhân nhiều hơn. Khi nói đến âm thanh thì anh em sẽ có nhiều thuật ngữ như dải âm rộng, bass sâu, trong trẻo, ấm áp, … và nhiều thứ khác. Tất cả những tiêu chuẩn này đều mang tính chủ quan và phụ thuộc vào loại âm thanh anh em thường nghe.
Tóm lại, nếu anh em chỉ muốn PC phát ra âm thanh tốt nhất, hay nhất thì vẫn nên dùng DAC hoặc soundcard. Và nếu anh em là “dân chơi hệ loa” thì nên dùng các loại soundcard chuyên dụng để tận dụng hết sức mạnh của phần cứng. Còn nếu anh em không gặp tình trạng âm thanh bị nhiễu thì có thể đầu tư một chiếc tai nghe chất lượng để nâng cao trải nghiệm. Tất nhiên, nếu dư dả thì anh em có thể mạnh dạn đầu tư luôn cả DAC hoặc soundcard nghe cho sướng, khỏi phải lăn tăn.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tìm hiểu về các lỗi đồ họa phổ biến và cách để khắc phục
- Tìm hiểu về file nén và những lợi ích mà nó mang lại
- Tìm hiểu cách DDR hoạt động – “Ma thuật” của một thanh RAM
- Tìm hiểu các thành phần bên trong nhân CPU
- Giải mã S.M.A.R.T. – Công nghệ giúp ổ cứng trở nên “thông minh” hơn
- Bạn có thể để tối đa bao nhiêu icon trên desktop của Windows?
Nguồn: How To Geek
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!