Súng gì có thể thiếu chứ AK-47 và đám anh em nhà Kalashnikov của nó chắc chắn không bao giờ vắng mặt trong mấy tựa game bắn súng bối cảnh hiện đại.
Hi anh em, nói chuyện công nghệ mấy bữa nay mình cũng thấy khá là ngán rồi. Thế nên hôm nay mình quyết định viết cái gì đó khác một chút. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ thì mình quyết định lấy chủ đề là lịch sử của cây AK-47 – cây súng thần thánh đi đâu cũng có, kể cả ngoài đời lẫn trong game. Nếu anh em có nhã hứng thì mình cùng chém gió tí nhé.
Đôi nét về AK-47
*Cái này thì chắc anh em cũng biết nhiều rồi nhưng mình cũng xin nhắc lại cho bài nó đủ ý.
Đôi nét về AK-47:
- Nhắc đến AK-47 là nhắc đến tên của khẩu súng trường tấn công thành công nhất mọi thời đại, có sức ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử thế giới và bộ mặt của chiến tranh hiện đại.
- Tờ nhật báo Liberation của Pháp đã bình chọn AK-47 là phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, tiếp theo sau đó mới đến bom nguyên tử và chuyến bay vào không gian.
- AK-47 và các biến thể của nó được sản xuất nhiều hơn tất cả các loại súng trường khác cộng lại.
- Cứ 5 khẩu súng cầm tay trên thế giới thì sẽ lại có một khẩu AK. Bao nhiêu đó là đủ để anh em biết nó phổ biến khủng khiếp như thế nào.
- AK-47 giống như một biểu tượng cho các lực lượng chống đối sức mạnh phương Tây. Thế nên anh em mới thấy cái bọn cà chớn ất ơ vai ác trong phim Âu-Mỹ toàn cầm AK47 là vậy đấy.
Ngoài ra thì khẩu AK-47 và những biến thể của nó từ lâu cũng đã gắn liền với hình ảnh người lính giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, trở thành một thứ vũ khí mang tính biểu tượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mà thôi nói lòng vòng như vậy cũng đủ rồi, quay lại chủ đề chính nào. Hôm nay chúng ta sẽ kể chuyện “sự tích cây AK-47”.
Sự thai nghén của một huyền thoại
Trong bài này anh em mình không bàn chuyện lịch sử hay đi sâu về vấn đề kỹ thuật mà chỉ chém gió với nhau thôi nên mình nghĩ rằng viết theo kiểu kể một câu chuyện sẽ hay hơn là liệt kê các sự kiện lịch sử. Vậy, chúng ta bắt đầu nhé. Nhưng mà trước khi nói về khẩu AK-47 huyền thoại, chúng ta hãy nói về cha đẻ của nó trước, đó là trung tướng tiến sĩ Kalashnikov.
Ngày xửa ngày xưa, vào năm một ngàn chín trăm hồi đó, có một anh lính xe tăng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết tên là Ka-lát’s-ni-kốp (Mikhail Timofeyevich Kalashnikov – Михаи́л Тимофе́евич Кала́шников). Anh sinh ra trong một gia đình nông dân đông con (tận 19 đứa, đông vờ lờ). Từ nhỏ anh đã được tiếp xúc nhiều với khẩu súng trường dùng để đi săn của cha mình, đó là một trong những điều kiện tiên quyết giúp anh trở thành một kỹ sư huyền thoại về sau. Kalashnikov lớn lên với thiên phú về kỹ thuật và lý tưởng cống hiến hết mình cho đất mẹ vĩ đại, anh lên đường nhập ngũ vào năm 1938. Sau đó, anh nhanh chóng thể hiện được tài năng của mình khi chế tạo thành công máy đếm thời gian cho động cơ xe tăng, nó là một thiết bị giúp người chỉ huy xe tăng có thể biết chính xác động cơ đó đã chạy trong bao lâu và sẽ chạy được thêm bao lâu nữa.
Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc chống bọn Đức và đám chư hầu xâm lược từ phương Tây. Anh Kalashnikov của chúng ta đã từ thợ cơ khí leo lên được đến vị trí chỉ huy xe tăng T 34 của Hồng Quân. Thế nhưng vào một ngày đẹp trời chết tiệt vào tháng 10 năm 41, anh đã bị thương khá nặng trong trận Bryansk. Và “bùm”, ảnh nằm viện hết 6 tháng luôn. Tuy nhiên khoảng thời gian nằm viện của Kalashnikov không hề vô ích. Trong vài tháng cuối cùng ở bệnh viện, ảnh đã nghe được rất lời than phiền của anh em đồng chí về mấy khẩu súng ngáo ngơ mà họ phải dùng để bem nhau với bọn Đức.
Điều đó khiến anh nhìn ra được sự hạn chế của vũ khí tiêu chuẩn của bộ binh Liên Xô. Thế là người kỹ sư trẻ Kalashnikov đã ra một quyết định thay đổi cả thế giới về sau, đó là chế tạo ra một mẫu súng trường mới cho quân đội Liên Xô.
Không đơn thuần là một mẫu súng, AK-47 chính là là tinh hoa!
Quá trình thiết kế của khẩu AK-47 không phải được vẽ ra cái rẹt là xong. Ban đầu Kalashnikov đã muốn thiết kế ra một khẩu súng thực dụng, đơn giản và tin cậy. Thế nhưng khẩu tiểu liên đầu tiên của ảnh đã không thành công như kỳ vọng và chưa nhận được sự chấp thuận của quân đội Liên Xô. Tuy nhiên cũng từ dạo ấy mà Kalashnikov được “bề trên” để ý và cho ảnh vào thẳng trung tâm phát triển công nghệ súng trường của tổng cục pháo binh Hồng Quân Liên Xô.
Đến năm 1944, đại ca Kalashnikov cho ra lò một khẩu carbine sử dụng cỡ đạn 7.62 × 39mm mới, thiết kế của chịu chút ảnh hưởng từ khẩu M1 Garand của Mỹ. Khẩu súng đó sau này đã trở thành nguyên mẫu của mẫu súng trường bán tự động SKS là cơ sở cho thiết kế AK-47 về sau.
Năm 1946, Kalashnikov đã mang một mẫu thiết kế đến cuộc thi thiết kế súng trường tấn công do quân đội tổ chức. Mẫu thiết kế này chịu sự ảnh hưởng khá lớn từ khẩu StG-44 của Đức, mà nhất là cơ chế trích khí nén (mà trước đó đã được mang lên khẩu SKS. Kalashnikov đã giành giải nhất và những cố gắng trong nhiều năm qua cuối cùng cũng được đề đáp. Nhưng mà chưa, câu chuyện chưa dừng lại ở đó.
Đại ca Kalashnikov đã phải liên tục cải tiến thiết kế của mình để nó ngày một ngon lành cành đào hơn. Phải đến tận năm 1947 khi ảnh cho ra lò thiết kế AK-47 (viết tắt của: Avtomat Kalashnikova mẫu 1947) hoàn chỉnh thì câu chuyện của AK-47 mới thực sự bắt đầu. Từ đó, chúng ta có thể thấy AK-47 là một thiết kế tiếp thu những tinh hoa từ các mẫu súng khác đã trải qua vô số lần chỉnh sửa để ngày một trở nên ưu việt hơn.
*Từ sau dòng này mình sẽ dùng từ “ông” để gọi Kalashnikov luôn, vì lúc này ổng thành danh rồi, gọi vậy nó mới xứng tầm.
Thành danh ở chiến tranh Việt Nam
Chiến tranh Việt Nam chính là cơ hội vàng cho Mỹ và Liên Xô đem vũ khí ra thử. Và đương nhiên mấy cây AK của Liên xô và đám M16 của Mỹ sẽ có đất diễn rồi. Và trong cuộc chiến này thì AK-47 đã thể hiện tốt hơn M16 rất nhiều. Sẽ không quá đáng nếu nói AK-47 như một thứ vũ khí thần thánh được sinh ra là để dành cho bộ đội Việt Nam vậy, nó cực kỳ phù hợp với điều kiện tác chiến ở Việt Nam. Để mình điểm qua một số thứ cho anh em dễ hình dung nhé.
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Rừng thì rậm, địa hình phức tạp và lúc nào cũng nóng ẩm. Khẩu AK có độ tin cậy rất cao, người ta có thể cho nó vào cát, ngâm nước, dầm mưa dãi nắng rồi khi cần thiết vẫn có thể lôi ra bắn nhau bình thường. Cái này thì mấy ông mê súng chắc biết hết rồi. Người ta còn làm mấy bài test vùi trong cát, trong bùn, trong tuyết nữa cơ. Trong khi đó mấy khẩu M16 đỏng đảnh Mỹ thì chuyên gia dính lỗi kẹt đạn làm lính Mỹ không ít lần phải ôm hận.
Do sử dụng cỡ đạn lớn nên sức xuyên phá của AK-47 rất kinh dị. Mấy chuyện như đục tường, xuyên vài ba người, bắn đứt cả cánh tay, cẳng chân đối với AK-47 không phải là việc khó. Thậm chí mũ cối cũng chẳng ăn thua lắm với mấy viên đạn 7.62 li to đùng.
AK-47 cũng được thiết kế với các bộ phận to bự, dễ thao tác. Anh em nào học quốc phòng thì chắc là biết rồi, so mới mấy khẩu súng khác thì AK ráp cực dễ luôn. Nó rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam thời kháng chiến, khi mà không nhiều người được đào tạo bài bản. Bảo thì AK-47 là chuyện mà ai cũng có thể làm được.
AK-47 có hộp tiếp đạn 30 viên thay vì chỉ 20 viên như M16 khiến cho nó giữ lợi thế rất lớn so với đối thủ. Đến mãi sau này thì M-16 mới có hộp tiếp đạn 30 viên, nhưng mà đợi được đến đó thì lính Mỹ cũng chịu quá nhiều thiệt thòi với đủ các thể loại AK rồi.
AK47 và đám con cháu của nó
Mấy ông nghĩ vậy là xong rồi hả? Chưa đâu, còn nữa.
Năm 1949, AK-47 đã trở thành vũ khí tiêu chuẩn của quân đội Liên xô. Tuy nhiên thiết kế năm 1947 chưa thực sự làm cho Kalashnikov thỏa mãn, ổng còn muốn nó phải ngon hơn nữa. Năm 1959, một phiên bản hiện đại hơn được công bố, đó là khẩu AKM.
Thân súng AKM được chế tạo bằng thép cán chứ không chơi gia công cả cục thép nguyên khối như trước nữa. Việc này làm cho nó trở nên dễ sản xuất hơn, giá thành rẻ hơn và khối lượng cũng nhẹ hơn (giảm từ gần 3 ký rưỡi xuống còn gần 2 ký). Phần khuyết đầu nòng của AKM cũng giúp lửa nòng súng tạt lên trên, tạo phản lực ghìm đầu nòng xuống để giảm giật. Mẫu này sau đó dần thay thế AK-47 ban đầu.
Đến năm 1974 thì AK-74 ra đời. Mẫu này sử dụng cỡ đạn 5.45 x 39mm, nhỏ hơn nhưng có sơ tốc đầu nòng lớn hơn cỡ đạn 7.62 × 39mm. Loại đạn mới có sức xuyên phá không bằng nhưng khả năng sát thương thì lại tốt hơn đạn cũ nhiều, do nó ít khi xuyên qua mục tiêu mà thường dính lại và phá nát mô khi đi vào mục tiêu. Đạn mới nhỏ hơn cũng cho phép người lính mang nhiều đạn hơn để chiến đấu. Thế là mẫu AK này lại thay thế cho AKM.
Sau này thì còn có AK-101, AK-103, AK-12, AK-15… tùm lum tá lả. Chúng được tinh chỉnh để ngày một hoàn thiện hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
Súng AK – Thứ vũ khí không thể bị thay thế
Đã hơn 70 năm kể từ khi AK-47 ra đời, hậu duệ của nó vẫn luôn làm tốt vai trò của nó trong quân đội Nga cũng như nhiều nước trên thế giới. Nó chứng minh được một điều là ngay từ đầu, Kalashnikov đã đi đúng hướng và tạo ra một khẩu súng thành công chưa từng có trong lịch sử. Đến tận ngày nay, AK vẫn được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới, đơn giản là vì nó dùng vẫn rất ngon. Mà cái gì ngon thì cứ để đấy mà xài, việc gì phải thay mới đúng không anh em?
AK-47 trong video game
Anh em thử tìm xem có thấy game bắn súng nào lấy bối cảnh hiện đại mà không có AK không? Chắc chắn là không rồi. Bây giờ mà bất kỳ con game bắn súng nào không có AK-47 hay ít nhất là một phiên bản AK nào đó cũng sẽ đều bị chửi cho sấp mặt. Thậm chí để lôi một cây AK vào game thì mấy ông nhà phát triển cũng chẳng cần phải lo về vấn đề bản quyền. Chỉ có một số tựa game cá biệt mới dùng tên thay thế mà thôi. Ví dụ như Goldeneye thì dùng tên “KF-7 Soviet, Counter-Strike cũ thì dùng tên “CV-47”.
Tiếng tăm của AK-47 và đám con cháu AK của nó ngoài đời ghê gớm cỡ nào thì trong game cũng vậy đó. Thế nên cũng không lạ gì khi game bắn súng nào cũng có mấy cây AK góp mặt. Súng nào thì có thể thiếu chứ AK thì chắc chắn là không rồi. Nếu một tựa game bắn súng nào đó không có cây AK thì chắc chắn là nó lấy bối cảnh tương lai hoặc trước năm 1947, chắc chắn luôn,
Các nguồn tham khảo chính: