Đối với một vài mẫu SSD thì chúng còn được tích hợp cả bộ nhớ đệm giúp tăng hiệu năng; mời các bạn cùng tìm hiểu nhé.

Có thể mấy bạn không biết nhưng trong cái SSD mấy bạn đang dùng nhiều khi có bộ nhớ đệm SLC đó. Nó giúp SSD chạy nhanh hơn và đồng thời có giá thành dễ chịu hơn. Nếu mấy bạn hứng thú thì cùng tìm hiểu thêm với mình nhé.


*Lưu ý nhẹ: Đối với mấy bạn chưa nắm vụ SLC, MLC, TLC, QLC… thì mình có để một bài giải thích dưới cuối bài đấy nhé. Còn bạn nào hiểu rồi thì chúng ta tiếp tục nha.


SSD lưu càng nhiều bit dữ liệu trong 1 ô nhớ thì giá càng mềm nhưng sẽ càng chậm. Ngược lại càng ít bit dữ liệu thì nó sẽ càng nhanh và càng đắt. Trong đó SLC (1bit/ô nhớ) là nhanh và đắt nhất. Nhưng khổ nỗi thế giới này người ta muốn SSD vừa nhanh vừa có giá tốt cơ. Thế nên các nhà khoa học mới nghĩ ra một cách, đó là lấy một phần trong SSD làm bộ nhớ đệm SLC.

SSD TLC, hoặc QLC chậm chạp sẽ cắt một phần dung lượng của nó để làm SLC cache. Ở phần dung lượng này, mỗi ô nhớ chỉ được ghi 1 bit dữ liệu thôi nên nó sẽ chạy nhanh như SSD SLC vậy. Nhờ vào bộ nhớ đệm SLC này mà các SSD với mức giá dễ chịu có thể đạt được tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn so với loại không có bộ nhớ đệm. Tuy rằng một khi hết dung lượng đệm SLC thì SSD sẽ chậm lại, nhưng chỉ cần bao nhiêu đó thôi cũng đã tạo nên sự khác biệt lớn.

Những dữ liệu thường dùng sẽ được SSD ưu tiên lưu trên bộ nhớ đệm SLC để khi cần thì nó có thể mang ra cho bạn sử dụng một cách nhanh nhất. Từ đó mà những chiếc SSD có bộ nhớ đệm SLC có mức giá tốt nhưng vẫn giúp bạn khởi động game và phần mềm cực nhanh.

SSD có bộ nhớ đệm SLC vẫn có nhược điểm của chúng. Đó là tốc độ ghi sẽ bị “hụt hơi” ngay sau khi hết dung lượng đệm. Vì thế nên trong một số mục đích đặc biệt cần tốc độ ghi ổn định, thì người ta vẫn ưu tiên dùng SSD không có bộ nhớ đệm SLC. Tuy nhiên nếu bạn là người bình thường, bạn muốn load game và khởi động phần mềm nhanh nhưng vẫn muốn giá mềm thì SSD có bộ nhớ đệm SLC vẫn nên được ưu tiên hàng đầu.

Chính vì sự hữu ích của bộ nhớ đệm SLC hiện nay được áp dụng rộng rãi trên hầu hết các SSD dành cho người dùng phổ thông. Điển hình là các dòng SSD tối ưu cho game thủ như Seagate FireCuda 510. Dòng này sử dụng chip nhớ 3D TLC để cho mức giá hợp lý nhưng nhờ bộ nhớ đệm SLC mà có thể đạt tốc độ đọc, ghi lần lượt là 3450 MB/s và 3200 MB/s. Đó là những con số gần đạt đến giới hạn của 4 làn PCIe 3.0 rồi, nó sẽ giúp bạn khởi động Windows, cài game, load game với tốc độ cực nhanh. Dòng FireCuda 520 sử dụng giao tiếp PCIe 4.0 thì tốc độ còn khủng hơn nữa, đạt 5000 MB/s cho tốc độ đọc và 4400 MB/s cho tốc độ ghi.

Công nghệ sẽ không ngừng phát triển và những giải pháp thông minh như thế sẽ luôn xuất hiện. Chúng làm cho những sản phẩm công nghệ trở nên nhanh hơn, giá cả mềm hơn và trên hết là mang đến lợi ích cho người dùng.


*Phần giải thích vụ SLC, MLC, TLC, QLC…

Mỗi một chiếc SSD sẽ chứa nhiều chip nhớ, trong các chip nhớ này chính là các bóng bán dẫn gọi là ô nhớ (cell) có nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu dưới dạng các mức điện áp. Nếu các ô nhớ này có khả năng lưu trữ được càng nhiều mức điện áp khác nhau thì nó sẽ càng lưu được nhiều dữ liệu trong 1 ô nhớ. Tùy vào khả năng lưu trữ dữ liệu trong 1 ô nhớ mà chip nhớ của SSD được chia làm nhiều cấp khác nhau, bao gồm:

  • SLC (Single-Level Cell): Có 2 mức điện áp, mỗi ô lưu được 1 bit 
  • MLC (Multi-Level Cell): Có 4 mức điện áp, mỗi ô lưu được 2 bit
  • TLC (Triple-Level Cell): Có 8 mức điện áp, mỗi ô lưu được 3 bit
  • QLC (Quad-Level Cell): Có 16 mức điện áp, mỗi ô lưu được 4 bit
  • PLC (Penta-Level Cell): Có 32 mức điện áp, mỗi ô lưu được 5 bit (đang trong quá trình phát triển)

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Tham khảo: ATP inc


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360