Nếu ổ cứng trong máy của bạn đã được “đưa vào hoạt động” khá lâu, hoặc là bạn nghi ngờ rằng nó đang có vấn đề và chưa biết phải kiểm tra như thế nào, thì bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn cách “bắt bệnh” cho cả HDD lẫn SSD.
Nghe qua thì có vẻ phức tạp, nhưng thực ra thì chỉ cần bỏ chút thời gian chạy một vài công cụ và phần mềm đơn giản là đã có thể xác định khá chính xác rồi. Hơn nữa, việc “chẩn đoán” này sẽ giúp bạn phát hiện ra lỗi (nếu có) để kịp thời backup lại dữ liệu và thay ổ cứng mới.
Dấu hiệu “lâm sàng”
Combo thường thấy trong các máy tính gaming hiện tại là SSD dùng để boot Windows và cài thêm một vài phần mềm, còn HDD thì dùng để cài game, nhất là những game bom tấn như Call of Duty: Modern Warfare yêu cầu đến 128GB dung lượng ổ cứng, hay Red Dead Redemption 2 sắp ra mắt trên PC cũng “đòi” đến tận 150GB.
Vì thế, một trong những dấu hiệu dễ nhận biết HDD “bị bệnh” nhất là khi cài game hoặc cập nhật game, bạn thấy thanh cài đặt (progress bar) “tiến triển” chậm hơn so với bình thường, hoặc có khi “giậm chân tại chỗ” cả tiếng đồng hồ mới chịu nhích thêm một chút.
Tệ hơn là trường hợp trong lúc cài game, HDD bị “đóng băng” luôn, không lấy file ra cũng không chép file vào được, nói chung là “nội bất xuất ngoại bất nhập”.
Vẫn có khả năng là do yếu tố khách quan nên ổ cứng của bạn mới chạy ì ạch như vậy, nhưng cũng không loại trừ việc bản thân ổ cứng đã “mắc bệnh” nên nó mới khiến cuộc sống của bạn khổ sở đến như vậy.
Để kiểm tra xem ổ cứng có đang sống khỏe hay không, các bạn có thể thử khám bằng những phương pháp sau đây. Và yên tâm là những phương pháp này áp dụng được cho cả SSD lẫn HDD luôn nhé.
Dùng công cụ có sẵn trong Windows
Tuy các công cụ này chưa hẳn đã cho bạn một cái nhìn tổng quát về chiếc ổ cứng đang xài, nhưng đây là bước đầu tiên để xem xem có điều gì bất ổn hay không.
Các bạn mở This PC > Click chuột phải vào ổ cứng mà bạn muốn quét > Chọn Properties.
Chọn mục Tools > Nhấn nút Check trong mục Error checking.
Đây là cách đơn giản nhất để ra lệnh cho Windows kiểm tra xem ổ cứng có bị lỗi gì không. Tuy nhiên, cách này vẫn chưa được “toàn diện” cho lắm. Để quét ổ cứng kỹ hơn, các bạn có thể làm theo các bước sau.
Bước 1. Nhấn phím Win. Gõ “Command Prompt”. Ấn chuột phải vào icon hiện ra, chọn “Run as administrator”.
Bước 2. Gõ dòng lệnh “chkdsk c:”, với c: là ổ cứng bạn muốn quét. Ngoài ra, bạn còn có thể thêm /f vào cuối câu lệnh để Windows tự sửa lỗi (nếu có) sau khi quét xong, hoặc /r để Windows quét mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong ổ cứng.
Dùng phần mềm CrystalDiskInfo
Đây là một phần mềm khá nổi tiếng, dùng để xem thông số ổ cứng và sẵn nó cũng kiểm tra luôn “sức khỏe” ổ cứng của bạn. Sau khi tải về tại đây, bạn hãy mở nó lên. Phía bên trái, trong phần khung Health Status, nếu nó báo màu xanh lam hoặc xanh lục (Good) là “Ôkê, I’m fine! Xin đừng bận tâm”; nếu nó báo màu vàng (Caution) thì ổ cứng đang có nguy cơ bị hỏng, nên thay càng sớm càng tốt; còn nếu nó báo đỏ lè (Bad) thì bạn cần thay ngay ổ mới trước khi mọi chuyện không thể cứu vãn.
Dùng phần mềm CrystalDiskMark
Một cách khác để khám bệnh là benchmark ổ cứng rồi so sánh nó với tốc độ mà nhà sản xuất đã công bố. Các bạn có thể tải về phần mềm này tại đây.
Sau khi chạy benchmark xong, các bạn đối chiếu thông số dòng đầu tiên với thông số mà hãng đã quảng bá. Nếu bạn thấy tốc độ thấp hơn con số được công bố, hoặc thấp hơn mức 100MB/s đối với HDD, thì có nghĩa là ổ cứng của bạn đang gặp vấn đề.
Sau khi đã kiểm tra, và nhận thấy rằng ổ cứng của bạn có dấu hiệu sắp sửa “đi bán muối” thì hãy đem nó đi bảo hành nếu còn trong thời hạn. Hoặc một phương án khác là mua ổ mới để thay thế cho ổ cũ. Các bạn có thể tham khảo các mẫu SSD và HDD mới nhất trên thị trường tại đây và tại đây.
Nguồn: Lifehacker