Bị nước lọt vào phím cơ luôn là một trong những nỗi ám ảnh của dân chơi gaming gear. Thứ nhất là nó rất dễ làm hỏng bàn phím, thứ 2 là nó khá khó xử lý và thứ 3 là gần như chẳng có hãng hay đại lý nào chịu bảo hành một loại sự cố do lỗi người dùng như thế này. Thế nên hôm nay chúng ta sẽ có một bài viết về hướng xử lý cho việc nước bị đổ vào bàn phím cơ. Hy vọng sẽ giúp ích được cho anh em.
Nước thì cũng có nước này nước kia, và sức ảnh hưởng của từng loại nước cũng sẽ khác nhau. Nhìn chung thì chúng ta sẽ có nước lọc và những thứ còn lại. OK, bậy giờ chúng ta hãy nói đến chuyện giải quyết nước lọc trước.
Nước lọc
Rút dây
Anh em cần nhớ thật kỹ cho mình cái này nhé. Việc đầu tiên khi chúng ta lỡ đổ nước vào là cắt nguồn điện ngay lập tức. Nghe thì có vẻ chỉ là chuyện hiển nhiên nhưng thật ra việc ghi nhớ điều này là rất cần thiết đấy. Mình biết sẽ có nhiều bác động chuyện quýnh quáng lên rồi cầm bàn phím lên úp xuống, cố đổ nước ra, rồi lại lấy giấy thấm các kiểu. Không nhé, chuyện đầu tiên anh em phải là là rút dây cho mình nha.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bàn phím cơ hỏng khi vô nước là nó bị chập mạch. Khi anh em mà lau bàn phím liền mà chưa ngắt điện thì các phím sẽ bị cấn và làm cho dòng điện trong mạch phím thay đổi lung tung, dễ gây ra chuyện chạm mạnh. Nó giống như cái việc những đồ điện tử khác bị vô nước thì anh em không được bật lên vậy đó. Nó đã có nước mà còn bật điện là toang luôn. Bàn phím cũng tương tự vậy.
Việc lật hay quăng quật bàn phím để ép nước chảy ra cũng vậy. Keycap đã có tác dụng như một cái mũ để ngăn cho nước không vào được switch rồi. Cái mà chúng ta cần lo lắng hơn là nước sẽ lọt qua được plate và rơi xuống bo mạch bên dưới. Nếu anh em mà lật úp bàn phím xuống thì sẽ chỉ tổ làm cho nước đọng lên cả bên trong keycap và sẽ chảy vào bên trong switch theo đường chân stem thôi khi chúng ta lật phím lại thôi.
Thế nên ngay lúc bị đổ nước vào thì anh em cứ rút điện ngay lập tức cho mình. Và nhớ là đừng làm gì cả cho đến khi rút điện xong. Mình khá là thích mấy cái bàn phím có dây rời vì chúng sẽ cho phép mình xử lý những tình huống như thế này nhanh chóng hơn. Đổ nước một phát là rút dây luôn. Nhưng mà anh em nên cẩn thận, nhớ không được động vào phím nhé.
Tháo hết keycap và thấm nước
Khoảng cách từ mặt keycap cho đến plate bàn phím khá lớn, khe hở của keycap cũng rất nhỏ. Nếu bạn cứ để nguyên keycap như vậy mà ấn giấy thấm nước vào thì bạn sẽ chẳng thấm được gì cả. Cho nên muốn thấm thì bạn bắt buộc phải tháo keycap ra chứ đừng có lười nhé. Và nhớ khi tháo thì tháo luôn cả cái bàn phím nhé, và lý do vì sao thì mình sẽ giải thích trong bước tiếp theo.
Tháo keycap ra rồi thì bạn lấy giấy thấm hoặc vải cotton vào để thấm nước. Nhớ không dùng các loại vải có tính thấm nước kém vì khi lau bạn có thể làm cho nước loang ra nhiều hơn.
Lật bàn phím lại, thấm nước một lần nữa
Bây giờ thì anh em trải 1 lớp giấy, vải thấm nước ra bàn cho mình rồi úp cái bàn phím không có keycap lên trên đó để nguyên tầm nửa tiếng cho nước nó chảy xuống nhé. Cái việc tháo keycap ra ngoài chuyện để thấm nước thì cũng để khi anh lật bàn phím lại để đổ nước ra, nước sẽ không đọng lại trong keycap và đi ngược vào switch.
Phơi khô
Sau khi đã thấm nước xong thì anh em cũng đừng vội mà gắn keycap vào dùng ngay. Nhiều khi lúc này nước đã thấm được đến bo mạch bên dưới và chúng ta chắc chắn vẫn chưa thể làm nó khô được chỉ với mấy bước lau chùi nãy giờ được. Sau khi lau chùi bên ngoài thì anh em cứ để cái bàn phím không keycap như vậy mà phơi khô dưới quạt gió nhé. Về vấn đề phơi trong bao lâu là đủ thì cũng khó nói do mỗi hãng mỗi khác và tùy thuộc vào nước bị đổ nhiều hay là ít. Nhưng riêng mình thì mình phơi hẳn 1 ngày cho nó chắc.
Xong!
Sau khi phơi xong thì anh em cứ gắn keycap lại mà dùng nhé. Nhưng cần nhớ là nước nó đã vào thì kiểu gì cũng có chút rủi ro nhất định. Mình cũng không dám chắc là có thể loại bỏ được hoàn toàn rủi ro cho anh em hay không nhưng ít ra nó sẽ hạn chế được rủi ro ở mức tối thiểu cho anh em, ít nhất là theo hiểu biết của mình. Nếu bàn phím không xài được hoặc lỗi lầm gì đó thì bạn có thể mang ra bảo hành. Cái việc lau nước hong khô vẫn có lợi trong trường hợp này, vì nếu bên bảo hành họ tháo phím anh em ra mà không thấy nước thì cũng dễ nói chuyện hơn.
Còn một điều nữa mình muốn nhắc là tuyệt đối không tháo ra nếu còn bảo hành nhé. Mặc dù hiếm có hãng hay đại lý nào chịu nhận phím cơ vô nước nhưng đó là hiếm thôi chứ không phải là tất cả. Còn hy vọng thì mình cứ làm thôi.
Nước ngọt, nước lèo…
Đối với mấy thứ này thì mình bó tay anh em ạ. Nước lọc chúng ta vẫn có thể xử lý bình thường vì khi bay hơi nó sẽ không để lại dư lượng. Đối với nước ngọt thì khi bay hơi đến một mức độ nào đó, nước sẽ không thể bay hơi được nữa do tính háo nước của đường. Nước mì, nước hủ tíu, nước phở… cũng vậy, nó không thể khô hoàn toàn được và có thể gây chập mạch làm “toang” cái bàn phím của bạn. Khi ăn uống nó văng vào một hai giọt lau đi xài tiếp thì còn được chứ mà đổ ụp ly nước ngọt hay tô mì vào thì kiểu gì cũng đừng có tự xử lý nhé.
Thế nên tốt nhất là khi anh em dính mấy thứ này thì cứ làm theo mấy bước của mình để cho nó sạch sẽ, sau đó thì đem đi bảo hành chứ đừng có dùng luôn như trường hợp bị đổ nước lọc. Còn nếu hết bảo hành thì anh em có thể tháo phím ra và “em yêu khoa học”. Lau chùi những chỗ bẩn bằng khăn giấy, tăm bông thấm nước, cồn… Nếu hên thì nó lên, còn xui thì coi như anh em có một đống switch để sơ cua cho con phím cơ tiếp theo hoặc tháo ra chơi cũng được.
Phòng tránh
Đừng có ăn uống khi chơi game anh em ạ, việc đó không chỉ giúp anh em bảo vệ sức khỏe của mình, đảm bảo hiệu suất chơi game mà còn giúp anh em hạn chế rủi ro đổ nước vào bàn phím. Cho dù có uống nước thì anh em cũng nên để ly nước tránh xa cái bàn phím của mình ra.
Còn nếu anh em quá hậu đậu đến nỗi đổ nước liên tục vào bàn phím của mình thì hãy cân nhắc đến một số mẫu bàn phím có tính năng kháng nước tốt, điển hình là con K68 của Corsair hoặc muốn tiết kiệm hơn nữa thì chơi phím cao su luôn nhé.