Thông thường khi nhắc đến mạng, người ta thường chỉ quan tâm tới tốc độ kết nối nhanh hay chậm, còn mức độ ổn định (một yếu tố quan trọng không kém) thì lại không được mấy ai chú ý đến. Nếu bạn có một tốc độ kết nối mạng nhanh, bạn có thể tải file, tài liệu, ứng dụng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, để chơi game, xem phim một cách mượt mà chỉ với tốc độ mạng nhanh là chưa đủ, bạn cần đảm bảo rằng kết nối của bạn phải ổn định. 

Để theo dõi mức độ ổn định của kết nối mạng, bạn sẽ cần phải kiểm tra Ping. Nếu bạn chưa biết thì Ping là khả năng phản hồi hoặc khoảng thời gian mà máy tính của bạn kết nối tới một server được tính ở đơn vị ms (mili giây) và nếu Ping càng thấp thì càng tốt. Nếu ping cao thì mạng sẽ chậm dù cho tốc độ kết nối có nanh đi chăng nữa.

Bước 1: Bấm vào Windows và gõ Command Prompt rồi Enter.

Bước 2: Tiếp theo, bạn copy và paste dòng sau đây vào Command Prompt rồi Enter.

ping -t 8.8.8.8

Dòng lệnh trên sẽ ping tới server DNS của Google. Nếu bạn muốn ping tới một server khác để kiểm tra thì bạn thay 8.8.8.8 bằng địa chỉ server mà muốn kết nối tới.

Nếu như bạn chưa biết thì DNS là hệ thống phân giải tên miền. Để dễ hiểu thì mỗi một trang web sẽ có một địa chỉ IP khác nhau, ví dụ như trang web A có địa chỉ là 123.23.150.22. Nếu một máy tính muốn truy cập trang web A này, nó sẽ phải tìm đến địa chỉ IP thì mới có thể truy cập được. 

Thay vì người dùng phải nhập hết một dãy số khó nhớ trên để truy cập trang web A, bạn chỉ cần nhập tên miền hoặc URL của trang web A đó vô thanh tìm kiếm rồi Enter. Việc còn lại là để DNS tự phân giải tên miền đó thành địa chỉ IP 123.23.150.22 để máy tính có thể tìm và truy cập được trang web.

Bước 3: Sau khi Enter, hệ thống sẽ ping liên tục mỗi giây đến server từ đó cho bạn biết được rằng hệ thống có thể nhận phản hồi từ server nhanh tới mức nào.

Nếu giữa chừng bạn thấy xuất hiện dòng Request timed out có nghĩa là không kết nối được tới máy chủ.  Nếu máy tính bị mất mạng thì bạn sẽ thấy xuất hiện dòng General failure.

Bước 4: Bạn để ý mục Time của mỗi lần Ping. Mục Time này sẽ cho bạn biết được tốc độ phản hồi của server được tính bằng đơn vị mili giây. Nếu bạn để ý thấy giữa mỗi lần Ping mà khoảng cách giữa các Time quá lớn có nghĩa là kết nối của bạn hoặc server đang gặp vấn đề, hoặc không ổn định.

Để nhận biết được nguyên nhân là do server hay do kết nối của bạn, hãy ping server DNS của Google. Server DNS của Google rất ít khi gặp sự cố. 

Bước 5: Sau một hồi kiểm tra, bạn bấm Ctrl + C để kết thúc quá trình theo dõi. 

Sau khi kết thúc, bạn sẽ thấy một bảng tổng kết ở phía dưới cùng. Tại đây, bạn có thể kiểm tra được Time trung bình là bao nhiêu và khoảng cách giữa Time max và Time min. Ngoài ra, bảng tổng kết còn cho bạn biết được bao nhiêu gói dữ liệu được chuyển đến server (Sent), bao nhiêu gói dữ liệu nhận về lại (Received) và bao nhiêu gói bị mất (Lost). Lý tưởng nhất là không có gói dữ liệu nào bị mất cả.

Tóm lại, sau kết quả mà bạn thu được từ Command Prompt, kết nối mạng của bạn sẽ ổn định khi:

  • Time không dao động quá nhiều sau mỗi lần Ping. 
  •  Các gói dữ liệu không bị mất.

Các bạn có thể thấy kết quả của mình qua các hình trên, mặc dù không mất gói dữ liệu nào, tuy nhiên có những lúc Time dao động từ 32, 38, 39, 41 thì nhảy vọt lên 284 mili giây nên kết nối của mình đôi lúc không ổn định.

Thông tin thêm: Ping và tốc độ kết nối

Nếu bạn đang thắc mắc liệu tốc độ mạng có ảnh hưởng tới Ping không thì câu trả lời là không. tốc độ kết nối mạng và Ping là 2 thứ khác nhau. Tốc độ download được biểu diễn qua khả năng truyền tải dữ liệu nhanh đến mức nào, còn Ping là thời gian phản hồi. Bạn có thể có tốc độ kết nối mạng nhanh nhất thế giới nhưng nếu Ping quá cao do server không ổn định thì tốc độ nhanh cũng không mang lại lợi ích gì nhiều.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Nguồn: AddictiveTips