Những chiếc card đồ họa RTX 40 series đã bắt đầu phổ biến tại thị trường Việt Nam với mẫu mã đa dạng và giá thành hợp lý. Tuy nhiên nếu như bạn muốn mua một chiếc card RTX 40 series thì khoan đã, vì không như các thế hệ trước, thế hệ mới ăn điện nhiều hơn hẳn và cũng có một số yêu cầu về bộ nguồn. Sau đây, mời bạn cùng GVN 360 tìm hiểu về cách chọn nguồn cho cấu hình có card RTX 40 series để đạt hiệu suất và độ tin cậy cao nhất nhé.
Ưu tiên dùng nguồn chuẩn ATX 3.0 bạn nhé, vì nó và card đồ họa RTX 40 series sinh ra là để dành cho nhau
Lý do lớn nhất khiến bạn cần đến một bộ nguồn theo chuẩn ATX 3.0 cho một chiếc card đồ họa RTX 40 series là vì tính chất ăn điện một cách rất “yang hồ” của chúng. Theo nghiên cứu của PCI-SIG thì nhiều mẫu card đồ họa hiện nay có thể “bùng nổ sức ăn điện” lên gấp 3 lần con số ghi trên giấy tờ. Ví dụ một chiếc card đồ họa RTX 4090 600W sẽ có những lúc nó ăn đến tận 1800W điện Thường thì những đợt bùng nổ như thế chỉ diễn ra trong thời gian tích tắc thôi nhưng bao nhiêu đó đã là quá đủ để đánh sập một bộ nguồn không được thiết kế để chống chịu.
Tiêu chuẩn nguồn ATX 3.0 được Intel tạo ra cốt là để giải quyết những rắc rối như thế này. Chúng có hệ thống tụ bổ sung và cổng cấp nguồn PCIe 5.0 12VHPWR 16-pin khiến những đợt bùng nổ sức mạnh như thế về trong tầm kiểm soát, giúp người dùng có thể an tâm tuyệt đối khi sử dụng card đồ họa thế hệ mới. Vì về căn bản là card mới và nguồn mới sinh ra là để dành cho nhau.
Theo ước tính của Intel thì một chiếc card đồ họa 300W sẽ phù hợp với một bộ nguồn ATX 3.0 750W, với 300W dành cho chiếc card đồ họa, 300W dành cho CPI và 150W dành cho những phần còn lại trong hệ thống PC. Tuy nhiên nếu bạn dùng một bộ nguồn chuẩn ATX 2.X cũ để chạy cùng một chiếc card 300W đó thì bạn sẽ cần một bộ nguồn 1100W để có được mức độ an toàn tương đương.
Lý do lớn thứ 2 mà bạn sẽ cần đến nguồn ATX 3.0 là nó được trang bị đầu cấp nguồn PCIe 5.0 12VHPWR mới, có khả năng chịu tải 600W điện chỉ bằng một sợi cáp duy nhất. Và chuẩn cấp nguồn này có thể được xem là tiêu chuẩn cho các mẫu card đồ họa RTX 40 series mạnh mẽ luôn rồi.
Ngoài ra thì chúng ta vẫn còn nhiều lý do mang tính kỹ thuật lẻ tẻ khác để khẳng định rằng card đồ họa RTX 40 series và nguồn ATX 3.0 sinh ra là để dành cho nhau. Chúng chính là những đại diện của tiêu chuẩn kỹ thuật mới và sẽ thay thế những tiêu chuẩn cũ trong tương lai. Tất nhiên là nguồn cũ vẫn có thể hỗ trợ RTX 40 series nhưng chắc chắn rằng chỉ có nguồn ATX 3.0 mới có thể giúp chúng phát huy hết khả năng của mình một cách an toàn nhất.
Thay vì tự tính, các công cụ online để tính công suất nguồn giúp bạn một cách chính xác
Để giúp game thủ có thể tính toán được công suất nguồn cần thiết trong quá trình build máy thì các hãng nguồn đã phát triển các công cụ tính công suất nguồn online, miễn phí và vô cùng tiện lợi. Thay vì tự tính thì bạn có thể “đơn giản hóa” cuộc sống của mình bằng cách sử dụng các công cụ này. Để lấy ví dụ cụ thể cho dễ hình dung thì GVN 360 đã chọn công cụ Power Supply Calculator của FSP vì nó trực quan, dễ dùng, và được cập nhật đầy đủ các linh kiện phổ biến trên thị trường hiện nay.
Sau đây là phần hướng dẫn sử dụng công cụ Power Supply Calculator của FSP
Trước hết, bạn sẽ cần liệt kê các món linh kiện chính có trong dàn PC mà bạn đang định ráp, bao gồm:
- CPU
- GPU (Card đồ họa)
- RAM
- Ổ cứng (HDD/SSD)
- Hệ thống tản nhiệt (Quạt case, tản nhiệt nước, vân vân)
Để sử dụng công cụ Power Supply Calculator, các bạn truy cập tại đây nhé. Sau khi vào trang web thì bạn sẽ thấy giao diện như hình bên trên. Tại mỗi mục, bạn cần chọn đúng với cấu hình mà bạn muốn build nhé. Chi tiết mỗi mục như sau:
- Brand: Chọn hãng Intel hoặc AMD
- Socket: Chọn loại socket ứng với CPU mà bạn sử dụng
- Model: Chọn mẫu CPU mà bạn sử dụng
- Overclocking: Chọn “None” nếu bạn không ép xung, “Lightly Overclocked” nếu ép xung nhẹ, “Heavily Overclocked” nếu ép xung nhiều
- Brand: Chọn hãng Nvidia hoặc AMD
- Count: Chọn số lượng GPU mà bạn sử dụng
- Model: Chọn mẫu GPU mà bạn sử dụng
- Overclocking: Chọn “None” nếu bạn không ép xung, “Lightly Overclocked” nếu ép xung nhẹ, “Heavily Overclocked” nếu ép xung nhiều
- Count: Chọn số lượng thanh RAM mà bạn sử dụng
- Module: Chọn môđun RAM mà bạn sử dụng (bao gồm dung lượng và thế hệ RAM)
- SATA: Chọn số lượng ổ cứng mà bạn sử dụng (HDD và/hoặc SSD)
- PATA: Các bạn có thể bỏ qua phần này
- Fans: Chọn số lượng quạt mà bạn sử dụng
- Water Cooling: Chọn hệ thống tản nhiệt nước mà bạn sử dụng (nếu có), bao gồm số lượng cụm bơm (pump) và quạt (fan)
Để lấy ví dụ thì GVN 360 bọn mình sẽ build một dàn máy với cấu hình toàn linh kiện đầu bảng, bao gồm CPU Intel Core i9-12900K và GPU Nvidia GeForce RTX 4090, không ép xung. RAM thì chúng ta gắn 2 thanh 16 GB DDR5 (tổng là 32 GB), 2 ổ cứng. Tản nhiệt thì có 1 bơm 3 quạt và hệ thống thông gió có tổng cộng 6 quạt. Với tất cả mớ linh kiện này, công cụ Power Supply Calculator của FSP đưa ra ước tính là chúng ta sẽ cần một bộ nguồn ít nhất 845W để nó có thể vận hành ổn định.
Tuy nhiên mấy bạn cần lưu ý rằng đó chỉ là mức tối thiểu để an toàn mà thôi. Trên thực tế thì chúng ta sẽ cần một bộ nguồn khỏe hơn tầm 100-200 W để an tâm hơn về mặt lâu dài. Về khoản, công cụ Power Supply Calculator đã làm khá tốt khi tự động đề xuất luôn bộ nguồn Hydro G PRO ATX3.0 (PCIe5.0) 1000W, có công suất định mức cao hơn con số ước tính phía trên tầm 155W.
Tóm bài viết lại thì chúng ta chỉ có 2 vấn đề chính cần lưu ý khi chọn nguồn cho cấu hình PC có card đồ họa RTX 40 series mà thôi. Đó là ưu tiên chọn nguồn ATX 3.0 và tính công suất nguồn dễ dàng bằng công cụ miễn phí của các hãng. Hy vọng bài viết đã mang đến được cho các bạn những thông tin hữu ích. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có một ngày tốt lành.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- FSP ra mắt các dòng nguồn theo chuẩn ATX 3.0 và PCIe 5.0 cho phần cứng thế hệ mới
- FSP công bố dòng nguồn ATX 3.0 sẵn sàng cân tốt phần cứng PC thế hệ mới
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!