Thừa hưởng những điểm mạnh từ Z2 SFF G8, HP đã mang đến phiên bản Z2 SFF G9 hoàn thiện hơn và mạnh mẽ hơn.

Máy trạm thuộc dòng Z của HP là những chiếc desktop workstation được thiết kế đặc biệt dành cho các chuyên gia kỹ thuật và các nhà sáng tạo. Nói một cách khác, đây là những chiếc máy có hiệu năng cao để đáp ứng nhu những cầu công việc khắt khe, và từ lâu dòng máy trạm HP Z đã được xem như là tiêu chuẩn trong ngành luôn rồi.

Song song với dòng HP Z cao cấp như Z4 G5, Z6 G5, hay Z8 G5 thì HP còn có dòng desktop workstation phổ thông với mức giá và hiệu năng “nhẹ đô” hơn. Dòng này có các mẫu khá là ấn tượng như Z2 Tower G9, Z2 Mini G9, và nhất là dịp này, GVN 360 bọn mình đã có cơ hội được trải nghiệm chiếc desktop workstation nhỏ gọn Z2 SFF G9.

Z2 SFF G9

Cơ bản thì đây là máy trạm SFF (small form factor) với sức mạnh “một 9 một 10” so với phiên bản Tower nhưng lại nằm trong một thân hình nhỏ gọn hơn rất nhiều, giúp tiết kiệm diện tích, thích hợp với những nơi có không gian làm việc bị hạn chế. Z2 SFF G9 được sinh ra là để thiết kế và dựng những mô hình 3D, kết xuất (render) và mô phỏng (simulate) những dự án không quá phức tạp, dò tia (ray tracing) theo thời gian thực, kết xuất và thiết kế hình ảnh trực quan cho thiết kế, phân tích dữ liệu, vân vân.

Trước giờ GVN 360 viết nhiều về desktop với laptop gaming rồi, nên giờ mời các bạn cùng với tụi mình khám phá xem HP Z2 SFF G9 có gì thú vị nhé.

HP Z2 SFF G9 sở hữu thiết kế tinh giản nhưng vẫn toát lên chất chuyên nghiệp

Z2 SFF G9

HP Z2 SFF G9 có kích thước 384 x 308 x 100 mm và được sơn màu đen, nhìn khá là gọn gàng và tinh giản. Tùy vào không gian làm việc mà bạn có thể đặt chiếc máy này đứng hoặc nằm đều được nhé. Hầu hết phần khung được làm từ kim loại, giúp tạo cảm giác chắc chắn, cứng cáp; thêm vào đó là 4 góc ở mặt trước được vát chéo và 2 cái logo óng ánh Z2 bên trái và HP bên phải, làm tăng vẻ cao cấp của chiếc máy.

Z2 SFF G9

Phiên bản Z2 SFF G9 trong bài này có các cổng audio, USB Type-A 10Gbps, và USB Type-C 20Gbps ở mặt trước. Ngoài ra, mình thấy mặt trước còn có chỗ để gắn thêm đầu đọc thẻ nhớ, ổ đĩa quang (Slim ODD), và khay ổ cứng 3,5-inch, nhưng tiếc rằng phiên bản trong hình lại không được trang bị những linh kiện này.

Z2 SFF G9

Mặt sau là 4 cổng xuất hình Mini DisplayPort 1.4 của card đồ họa NVIDIA RTX A2000 6GB GDDR6 ECC (tản lồng sóc), cổng audio, DisplayPort 1.4, USB Type-A, RJ-45 (Ethernet), và ngay sát bên trái cụm USB là chỗ để gắn môđun Flex I/O.

Nhằm phục vụ cho rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tính tùy biến của Z2 SFF G9 không chỉ nằm ở các linh kiện phần cứng bên trong, mà nó còn nằm ở cổng kết nối I/O nữa các bạn ạ. Song song với những cổng cố định như DisplayPort 1.4, audio in/out, RJ-45 (Ethernet), USB Type-A, thì tùy vào mục đích sử dụng mà bạn có thể thiết lập cụm môđun Flexible I/O một cách vô cùng linh hoạt, ví dụ như gắn thêm cổng DisplayPort 1.4, HDMI 2.0b (như trong hình trên), VGA, LAN 1GbE, USB Type-A, USB Type-C với chức năng xuất hình Alt-DP, vân vân. HP nói là họ có tới 13 option lận, tha hồ quẹo lựa luôn nhé.

Z2 SFF G9

Z2 SFF G9 còn được kiểm tra độ bền rất nghiêm ngặt. Bằng chứng là nó đã phải trải qua 360.000 giờ test với những bài đánh giá đạt chuẩn quân đội. Đó là phần cứng, còn về mặt phần mềm thì nó cũng được chứng nhận ISV, tương thích và chạy ổn định với các ứng dụng chuyên nghiệp hàng đầu trên thị trường hiện nay, giúp người dùng an tâm hơn khi sử dụng. Song song đó, HP còn có ứng dụng HP Wolf Security for Business để bảo vệ máy một cách toàn diện hơn (từ BIOS, hệ điều hành, cho đến phần mềm), hạn chế những rủi ro không mong muốn khi chạy deadline.

HP Z2 SFF G9 được trang bị tận răng với hàng tá phần cứng mạnh mẽ

Z2 SFF G9

Tuy Z2 SFF G9 nhìn nhỏ vậy thôi, chứ nó có khả năng tùy biến cực kỳ phong phú đó nha. Chiếc máy này được cải tiến từ thế hệ tiền nhiệm Z2 SFF G8, cho nên ngoài phần ngoại thất thì nội thất của Z2 SFF G9 cũng được HP nâng cấp luôn. Theo hãng công bố, chiếc máy này hỗ trợ gắn card màn hình full-size lên tới NVIDIA RTX A4000 16GB hoặc AMD Radeon PRO W6600 8GB, và gánh được cả chip Intel Core thế hệ 13 “Raptor Lake” dòng K (lên tới 24 nhân 32 luồng) đó nha. Hơn nữa, bạn còn có thể gắn thêm một chiếc card đồ họa thứ nhì nếu cần (lên tới Nvidia T1000 8GB).

Z2 SFF G9

Còn về RAM thì chiếc máy này cho phép bạn gắn tới 4 thanh UDIMM DDR5 với dung lượng lên đến 128GB và tốc độ lên đến 4800MHz. Ngoài ra, Z2 SFF G9 có thể chứa tới 3 SSD M.2 2280 với tổng dung lượng lên đến 36TB, đáp ứng nhu cầu lưu trữ các tập tin nặng mà vẫn đảm bảo tốc độ truy xuất cao. Tất nhiên, nếu bạn có nhu cầu gắn thêm HDD (lên đến 12TB 7200rpm) hoặc thiết lập các ổ cứng theo dạng RAID 0 hay RAID 1 thì chiếc desktop workstation này vẫn đáp ứng được luôn nhé.

Z2 SFF G9

Benchmark hiệu năng của HP Z2 SFF G9

Phiên bản Z2 SFF G9 của bọn mình được trang bị cấu hình như sau:

CPU-Z

GPU-Z

CrystalDiskInfo

CrystalDiskMark

OctaneBench

OctaneBench là ứng dụng benchmark GPU bằng cách dùng OctaneRender – renderer 3D hỗ trợ RTX (tương tự V-Ray). OctaneBench sẽ phụ thuộc vào hiệu năng của GPU là chủ yếu.

Cinebench R23

Cinebench R23 là công cụ dùng để đánh giá hiệu năng phần cứng, cụ thể là khả năng render 3D của CPU. Phần mềm này được thiết kế để khai thác tối đa hiệu năng của những con CPU đa luồng hiện nay, kể cả những con chip có kiến trúc lai như Core i7-12700 (8 P-core và 4 E-core) mà GVN 360 bọn mình được thử nghiệm. Kết quả đạt được là 16.578 điểm đa nhân và 1838 điểm đơn nhân.

Corona

PCMark10

HP Z2 SFF G9 là một chiếc desktop workstation sở hữu phần cứng và khả năng tùy biến đầy mạnh mẽ trong một thân hình gọn gàng

Nhìn thoáng qua, hẳn không ít bạn sẽ nghĩ HP Z2 SFF G9 chỉ là một chiếc máy bàn văn phòng thông thường, trông cũng không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, HP đã tìm cách tận dụng tối đa không gian bên trong Z2 SFF G9 để tạo ra một chiếc máy trạm nhỏ gọn mà vẫn đủ sức gánh các phần cứng xịn sò như CPU Intel Core dòng K, card đồ họa full-size, và có đủ cả 4 khe RAM (PC SFF thường chỉ có 2 khe RAM vì không gian bên trong bị hạn chế).

Z2 SFF G9

Cấu hình GPU tối đa Nvidia RTX A4000 có thể vẫn chưa đủ đô đối với một vài người dùng. Nhưng vốn dĩ Z2 SFF G9 cũng thuộc phân khúc phổ thông chứ không phải cao cấp, và đối tượng mà nó hướng tới là những người có nhu cầu thiết kế 3D đơn giản, chứ không phải là những ai chuyên cày những dự án render hay mô phỏng nặng ký, cho nên mình thấy cấu hình phần cứng như vậy là hợp lý đối với một chiếc desktop workstation SFF. Và cũng nhờ Z2 SFF G9 mà mình mới hiểu thêm được rằng một chiếc máy trạm chỉ mạnh không thôi là chưa đủ, mà nó còn cần phải đạt được sự tối ưu giữa thiết kế và tính tùy biến nữa.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360