“Ê bồ, học build PC có khó không, có lâu không?” Câu này mình nghe cũng khá nhiều rồi. Và mình nghĩ nó cũng là thắc mắc chung của rất nhiều anh em mới “vào ngành”. Mình nói trước luôn là mình viết bài này không phải để hướng dẫn anh em học build PC như thế nào (vì nhiều cái để nói lắm, có muốn cũng không viết trong 1 bài được) mà là để chia sẻ với anh em một chút trải nghiệm cá nhân mà mình có được.

Mình sẽ dùng chính câu chuyện của mình và cảm nghĩ của mình để tâm sự với anh em, hy vọng có thể giúp anh em mới bắt đầu có thể hình dung một cách rõ ràng và chân thực về quá trình học build PC.

Lúc đầu mình cứ nghĩ mình tự build được anh em ạ…

Học build PC chủ yếu là tự học anh em ạ, trừ khi anh em có thầy hoặc tiền bối hướng dẫn anh em từng chút một để khỏi đi đường vòng thôi. Mình thì hối xưa cũng chẳng ai hướng dẫn trực tiếp cho mình cả, cứ thu nhặt kiến thức trên mạng rồi từ từ nó vào đầu thôi. Mình bắt đầu tìm hiểu về PC từ khoảng năm lớp 10, lúc đó mình có dự định tự kiếm tiền để tự build máy nên là lâu lâu có hứng thì lên mạng đọc mấy bài viết trên tay linh kiện này, đập hộp linh kiện kia, card gì chơi được game gì. Sau đó rồi đến tìm hiểu xem CPU là gì, RAM dùng để làm gì… kiểu kiểu vậy.

Mình cứ tìm hiểu tàn tàn như vậy đó, cho đến một ngày kia (khoảng hơn 1 năm sau đó) mình nhận ra rằng mình biết trong dàn PC phải có những linh kiện nào và mỗi liên hệ giữa chúng. Hên là lúc đó mình cũng có sẵn một ít tiền dành dụm nữa nên mình quyết định lên mạng xem linh kiện, viết ra sẵn một cấu hình rồi nói mẹ chở đi mua luôn. Lúc đó mình tự tin lắm, mình có một ông bác chơi PC từ thời Pentium IV mà mình không thèm hỏi ý kiến ổng luôn.

G3250 – Con CPU đầu tiên mình tự mua

Mình lên thẳng shop, đưa tờ giấy cho chị tư vấn viên xinh nhất shop rồi nở một nụ cười tự tin: “Chị lên đơn dàn này cho em”. Thế nhưng mà sau khi coi một lèo thị chị ấy đáp lại bằng một nụ cười gượng gạo làm mình có dự cảm không lành. Sau đó chị ấy bảo: “CPU không cùng chuẩn socket với mainboard nha em, với lại chị nghĩ nếu em chơi game thì nên chọn HDD 7200 RPM thay vì 5400 RPM, em qua bàn bên kia chị em mình bàn thêm một chút nhé!”

Đại khái là cấu hình của mình chỉ bị chị tư vấn viên đổi 2 linh kiện thôi. Nhưng mà bao nhiêu đó là đủ để mình nhận ra một điều là kiến thức mình còn hổng nhiều lắm. Vẫn có những bài viết dành cho người dùng phổ thông thôi nhưng mình đọc vào chữ hiểu chữ không chứ đừng nói là kiến thức thực thế khi build PC. Nếu về sau, muốn build một dàn PC cao cấp hơn thì chắc chắn mình sẽ phải “học hành” cho đàng hoàng. Hôm đó mà mình ra thẳng quầy chứ không nhờ chị nhân viên tư vấn thì kiểu gì cũng banh xác rồi.

Lúc này, mình rút ra bài học đầu tiên trong quá trình học build PC là: Kiến thức về PC cực kỳ bao la, đừng bao giờ quá tự tin vào lượng kiến thức ít ỏi của mình, nhất là lúc mới bắt đầu. Có người đủ chuyên môn ngay cạnh mình thì đừng ngại hỏi, cái gì không biết hoặc không chắc thì phải la lên.

Mình biết lên cấu hình rồi, nhưng không biết ráp máy…

Lần đầu lên cấu hình cho bộ PC, mình không tự ráp được mà phải bưng nguyên cái mớ đó cho ông chú sửa máy tính quen thân gần nhà cho ổng ráp rồi cài Win luôn. Lần thứ 2, sau đó hơn 3 năm thì cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Mình đã tự lên được một cấu hình tầm trung có hiệu năng trên giá thành cực kỳ ngon lành nhưng mà để ráp máy và cài win thì mình vẫn phải mang ra cho ông chú thôi. Vệ sinh máy cũng vậy, mình không dám làm ở nhà.

Mình không phải là sợ tốn mấy khoản tiền nho nhỏ đó mà là mình thấy việc cầm máy tới lui rồi chờ lấy nó hơi bị chán, kiểu máy người yêu mình mà mình không được “làm” từ A đến Z ấy. Mặc dù biết đem ra tiệm, ra shop vẫn an toàn và tiện hơn vì người ta có chuyên môn hơn nhưng mình vẫn muốn tự làm. Thế nên sau này mình bắt đầu tập tành tháo đồ ra lau chùi mỗi khi bị bám bụi. bắt đầu từ thanh RAM rồi đến cái card, ổ cứng… sau đó đến tháo tản nhiệt để tra keo CPU… Bây giờ thì mình có thể tự tin tháo banh xác cả bộ PC mỗi lần tổng vệ sinh cũng như ráp một bộ máy hoàn toàn mới rồi anh em ạ. Cảm giác thích lắm.

Có lẽ cái này chỉ đúng với mình và một số anh em thích tự tay vọc phá đồ thôi nhưng mình nghĩ vẫn nên chia sẻ cho nó đầy đủ: Đồ của mình thì mình tự vọc nó mới sướng. Tốt nhất là anh em nên tự học một chút kỹ năng thao tác với linh kiện. Đừng ngại, cẩn thận một chút là được

Càng tìm hiểu nhiều, mình mới biết “trời cao đất dày”

Quay lại với dàn máy đầu tiên của mình… Cấu hình của nó có một con card GT 730 bản 2GB GDDR3. Lúc đó mình cứ nghĩ 2GB là to nên bỏ qua bản 1GB. Vài tháng sau mình mới biết được là bản 1GB dùng chuẩn VRAM GDDR5 nên nó mạnh hơn rất nhiều trong khi giá tiền không đổi. Tức lắm anh em ạ. Nhưng mà chịu thôi chứ biết sao giờ, học hành không đến nơi đến chốn là lỗi của mình mà.

Thế là mình có động lực để tìm hiểu nhiều hơn về công nghệ cho lần build PC tiếp theo. Mình cũng không cần đọc quá nhiều tài liệu sách vở đâu. Chỉ là lâu lâu lên đọc mấy tin tức về công nghệ rồi thấy cái gì liên quan đến hiệu năng PC thì tìm hiểu thêm thôi. Sự tự tin của mình cứ lớn dần lên, và chỉ cho đến khi chắc chắn về kiến thức thì mình mới build dàn PC tiếp theo. Và lần đó mình đã không phải hối hận vì cái gì nữa cả. Lúc đó mình cứ nghĩ mình đã trở thành master rồi.

Tuy nhiên sau này mới phát hiện ra rằng có rất rất rất nhiều thứ mà mình chưa biết nữa. Ví dụ như silicone lottery, XMP, ép xung, hệ sinh thái RGB, VRM, kiến trúc nhân CPU… Và đến khi đi làm trong ngành công nghệ, được tiếp xúc với những nguồn kiến thức mới, những người giỏi hơn thì mình mới biết được mình còn thiếu sót như thế nào. Bây giờ mình vẫn đang học thêm từng ngày thôi, vì công nghệ là luôn tiến bộ và không bao giờ hết cái để học cả. Bây giờ mà mình build máy thì có khi mình phải suy nghĩ tính toán chi li để cho chắc chắn rồi mới quyết định xuống tiền chứ không phải cứ viết cấu hình ra rồi đi mua cái rụp như trước nữa.

Tóm lại thì sau nhiều lần build PC cho mình và cho cả người quen thì mình và cho cả người quen thì mình mới thấm thía 1 điều tưởng chừng như rất đơn giản: Kiến thức là vô hạn, càng tìm hiểu về PC sẽ càng thấy nó hay và nhiều thứ để khám phá. Chỉ có không ngừng khắc phục cái sai, cái dở thì mình mới tốt lên được. Công nghệ vẫn đang phát triển từng ngày và con đường học hỏi không bao giờ có điểm dừng. Hài lòng với một đích đến trên con đường đó tức là mình đang bị thụt lùi đấy!


Trên đây là những điều mà mình học được trong quá trình tập tành build PC, mong rằng có thể giúp anh em mới nhập môn có thể hiểu hơn về quá trình tập tành build PC. Đương nhiên là tùy người thì trải nghiệm sẽ khác nhau, thế nên mình mới nhấn mạnh đây chỉ là câu chuyện của mình mà thôi. Nếu anh em muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân lại cho mình thì đừng ngại nhé, mình sẽ theo dõi phần cmt để hóng những câu chuyện hay ho từ anh em.

Nếu bây giờ mà ai hỏi mình “Học build PC có khó không? Có lâu không?” thì mình xin trả lời là: Build được PC không phải là khó, cũng không mất quá nhiều thời gian để học. Chỉ cần anh em đủ đam mê thì kiểu gì cũng làm được cả. Nhưng nếu anh em muốn build PC đến cấp độ cao thủ thì sẽ cần rất nhiều cố gắng và thời gian đấy. Vì Build PC không chỉ là một kỹ năng thông thường mà là kết quả của quá trình theo đuổi đam mê.