Chúng ta vẫn thường hay nghe cách gọi về RAM như “RAM 8GB bus 1333”, “RAM DDR4 bus 2666”, “số bus của RAM”… Tuy nhiên, ít ai trong chúng ta biết được rằng cách dùng từ bus như vậy đã sai hoàn toàn.
Thực chất bus là gì ?
Bus là một thuật ngữ tin học, là viết tắt của từ “omnibus” trong tiếng Latin dùng để chỉ hệ thống giao tiếp và dẫn truyền dữ liệu giữa các thành phần trong một hệ thống máy tính. Mọi phần cứng và phần mềm của hệ thống cùng các chuẩn kết nối với các thiết bị bên ngoài đều phải được xây dựng dựa trên hệ thống này.
Một bus nối từ thành phần này đến thành phần kia của hệ thống là một cụm đường dẫn gồm các đường dẫn song song. Bus có thể là những đường dây dẫn front panel, có thể là những đường mạch trên mainboard hay cũng có thể là những vi mạch bán dẫn trên một đế silicon. Ví dụ một đường dây điện đơn lẻ có thể truyền được 1-bit dữ liệu trong 1 xung nhịp thì 8 đường dây song song như vậy sẽ truyền được 8-bit dữ liệu trong 1 xung nhịp, và 8-bit đó chính là chiều rộng của bus (bus width). Các thế hệ RAM từ DDR đến nay đều có bus width bằng 64-bit. Bus có thể tạm hiểu là kênh dẫn truyền dữ liệu.
Loại RAM mà chúng ta đang nói đến
RAM – Random Acess Memory (Bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên) là một dạng bộ nhớ cho phép nhập/ghi dữ liệu vào bất cứ vị trí nào trong bộ nhớ dựa trên địa chỉ ô nhớ. RAM cũng có rất nhiều loại nhưng loại RAM mà chúng ta nói đến hôm nay là RAM dạng module được sử dụng trên PC và Laptop, Có định dạng chính xác là Double Data Rate Synchronous Dynamic RAM – DDR SDRAM.
Qua mỗi thế hệ, DDR SDRAM đều có một tiêu chuẩn mới – nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Hiện nay RAM thế hệ DDR5 vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ sớm đưa vào sản xuất đại trà. Thế hệ DDR3 tuy không còn được sản xuất nữa nhưng cùng với DDR4, chúng vẫn rất thông dụng. DDR2 và DDR hiện đã khá lỗi thời và ngày càng khó khăn trong việc đáp ứng những tác vụ trong thời đại mới.
RAM (Chính xác là DDR SDRAM) truyền tín hiệu dưới dạng sóng kĩ thuật số (digital), dữ liệu được truyền đi qua mỗi đỉnh sóng và chân sóng, qua mỗi bước sóng sẽ có 2 lượt dữ liệu được truyền đi. Mỗi bước sóng như vậy chúng ta có thể gọi là 1 xung nhịp, và mỗi xung nhịp có 2 lượt truyền, cũng vì thế nên chúng ta mới gọi là “Double Data Rate – DDR”
Tùy vào thế hệ và tần số truyền dữ liệu mà chúng ta có thể chia RAM ra thành các chuẩn như DDR-200, DDR2-800, DDR3-1600, DDR4-3200,… Những cụm từ viết tắt trước dấu gạch nối như DDR, DDR3… chính là các thế hệ của DDR SDRAM, còn còn những con số ở đằng sau dấu gạch nối như 800, 1600, 3200 là để chỉ tần số truyền dữ liệu (data transfer rate) của chuẩn RAM đó, thường đo bằng MHz.
*Lưu ý: Những mức tần số dẫn truyền dữ liệu là số lẻ như 1333⅓ hay 2666⅔ sẽ được làm tròn thành 1333 và 1666 trên tên gọi của chuẩn RAM, ví dụ như DDR3-1333 và DDR4-2666.
Chốt lại vấn đề chúng ta đang nói đến giữa các khái niệm trên:
Ví dụ một thanh RAM cho máy tính có chuẩn DDR4-3200 thì DDR4 thì “DDR4” là chỉ thế hệ, “3200” chỉ tần số truyền dữ liệu (data transfer rate). Còn bus của một thanh RAM thì thì luôn là 64-bit (từ thế hệ DDR đến nay)
Vấn đề sai cách gọi
Không biết từ bao giờ mà ở Việt Nam, khái niệm về data transfer rate (tần số truyền dữ liệu), và bus đã bị nhầm lẫn với nhau. Chúng ta thường dùng từ bus để chỉ tần số dẫn truyền dữ liệu của một thanh RAM. Ví dụ một thanh RAM chuẩn DDR4-2400 có dung lượng 8GB thì người Việt chúng ta thường hay gọi là “thanh RAM 8GB bus 2400”, “RAM 8 GB bus 2 ngàn tư”… đại loại vậy.
Cách gọi này phổ biến đến nỗi từ những người dùng phổ thông cho đến thợ máy tính, hầu hết mọi người trong chúng ta đều dùng từ này và gần như chẳng có ai nhận ra nó là sai cả. Về khái niệm thì chúng ta không hiểu sai, chúng ta chỉ nhầm lẫn trong cách gọi mà thôi. Và sự nhầm lẫn này hiện nay đã phổ biến đến mức mà có một số người dù biết nó sai nhưng vẫn phải dùng nó để trao đổi với người khác về những vấn đề liên quan đến tần số dẫn truyền dữ liệu.
Điển hình là trên các clip hỏi đáp của GEARVN, tuy biết rằng nó là không chính xác nhưng chúng mình vẫn phải dùng từ “bus” với những khái niệm của “tần số dẫn truyền dữ liệu” để giải quyết những vấn đề liên quan đến RAM cho các bạn. Rất nhiều nhà bán hàng vẫn đang dùng từ “bus RAM” để mô tả những sản phẩm đang kinh doanh của mình. Thậm chí nếu bạn tìm kiếm trên Google câu hỏi “bus RAM là gì ?” thì bạn sẽ tìm thấy được rất nhiều bài viết nhầm lẫn giữa 2 khái niệm trên. Và tác giả của những bài viết này thì cũng không thực sự nắm rõ vấn đề, họ thường chỉ tìm kiến thức trong nhiều bài viết bị nhầm lẫn khái niệm khác từ các nguồn tiếng Việt mà thôi.
Nếu vẫn còn thấy sốc với những thông tin trên bài viết này thì bạn có thể tham khảo thêm một số trang báo công nghệ của nước ngoài, bạn sẽ nhận ra “bus” và “data transfer rate” là 2 khái niệm liên quan trực tiếp và quyết định giới hạn băng thông của các thiết bị, tuy nhiên, chúng lại là 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn.
*Lưu ý: “data transfer rate” là thuật ngữ tiếng Anh trong tin học, dùng để chỉ tần số truyền dữ liệu của RAM, cách gọi thông dụng của nó ở các nước sử dụng tiếng Anh là memory speed
Kết
Sau bài viết này, người viết hy vọng có thể chia sẻ được cho bạn đọc những thông tin thú vị. Mình không khuyến cáo các bạn dùng ngay cụm từ “data transfer rate” hay “tần số dẫn truyền dữ liệu” để thay thế cho từ “bus RAM” mà người Việt Nam chúng ta vẫn thường hay sử dụng, sẽ là rất khó để có thể thay đổi một cách gọi đã quá phổ biến như vậy. Thay vào đó, hãy chia sẻ những bài viết, những nội dung như thế này để bạn bè của chúng ta có thời gian tìm hiểu và thay đổi cách gọi cho chính xác hơn.
Tuy nhiên, để cho người Việt chúng ta, đặc biệt là những người dùng phổ thông có thể hiểu được bản chất của vấn đề thì vẫn sẽ còn một khoảng thời gian dài nữa, và hiện tại thì bạn vẫn nên dùng từ “bus RAM” với khái niệm như cũ vì độ phổ biến của nó. Chỉ cần sau khi đọc xong bài viết này và những nội dung tương tự, bạn có thể “giác ngộ” là đã tốt lắm rồi. Và nếu bạn đã đọc đến đây thì người viết cũng xin được cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết khá khó hiểu này, bạn thật sự là một người tuyệt vời.
GEARVN (Axium Fox)