Một dàn PC không được trang bị hệ thống tản nhiệt thích hợp cũng giống như việc bạn phải ngồi trong một căn phòng kín mà không có quạt máy hay điều hòa giữa trưa Hè nóng nực vậy.
Có một thực trạng dễ nhận thấy hiện nay, đó là khi build PC, chúng ta thường đầu tư rất nhiều vào các linh kiện phần cứng PC nhưng lại rất hiếm khi quan tâm đến hệ thống tản nhiệt – Thứ đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định tuổi thọ của cả dàn PC. Rất nhiều người chỉ dụng tản nhiệt stock được bán kèm với CPU và chỉ chịu đầu tư một bộ tản nhiệt khi CPU của họ không có tản nhiệt đi kèm, chưa kể đến việc không thèm lắp quạt tản nhiệt để hỗ trợ lưu thông khí.
Vậy, hệ thống tản nhiệt quan trọng như thế nào? Một hệ thống tản nhiệt tốt phải đáp ứng được những yêu cầu ra sao? Để trả lời những câu hỏi đó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 2 thành phần cơ bản của hệ thống tản nhiệt là bộ tản nhiệt CPU và hệ thống quạt tản nhiệt.
Tản nhiệt CPU
Nhiệm vụ của tản nhiệt CPU
Khi hoạt động, CPU luôn sinh ra nhiệt lượng. Nếu lượng nhiệt này không được giải phóng, CPU sẽ nhanh chóng đạt đến mức nhiệt độ giới hạn và tự động tắt toàn hệ thống để đảm bảo an toàn cho bản thân nó cũng như những linh kiện xung quanh. Nếu bạn để tình trạng này diễn ra liên tục, nhẹ thì sẽ gây suy giảm độ bền linh kiện và sự khó chịu cho người dùng, nặng thì hỏng hóc, cháy nổ, gây nguy hiểm cho cả PC lẫn người sử dụng. Bộ tản nhiệt CPU đóng vai trò là một thiết bị hỗ trợ khuếch tán lượng nhiệt trong CPU ra ngoài không khí, giữ cho CPU luôn có mức nhiệt độ trong tầm kiểm soát, đảm bảo cho toàn hệ thống có thể vận hành trơn tru.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, giữ được mức nhiệt độ thấp hơn mức cho phép chỉ là “điều kiện cần” của một bộ tản nhiệt. Vẫn còn một “điều kiện đủ” nữa, đây chính là điều làm nên sự khác biệt của tản nhiệt giá rẻ và tản nhiệt đắt tiền, là lý do khiến chúng ta nên đầu tư một bộ tản nhiệt “ngon”.
Chúng ta đều biết một vật dẫn điện càng nóng thì sẽ có điện trở càng lớn, dẫn điện càng kém, nguyên nhân là do các phân tử trong vật đó dao động nhanh hơn và gia tăng khoảng cách, cản trở sự lưu chuyển của các electron. CPU cũng vậy, khi đế bán dẫn nóng lên, nó sẽ dẫn điện kém hơn, từ đó mà xung nhịp CPU sẽ bị “tuột” gây suy giảm hiệu năng với những “triệu chứng” dễ nhận thấy như giật, lag, drop FPS, đứng máy… Một bộ tản nhiệt “ngon” là phải đủ mạnh để có thể khuếch tán nhiệt lượng sinh ra trong quá trình hoạt động của CPU ra môi trường, giữ CPU luôn trong ngưỡng nhiệt độ lý tưởng và đảm bảo CPU có thể hoạt động ít nhất là sát mức xung nhịp tối đa mà nhà sản xuất công bố – Và đây chính là “điều kiện đủ” mà chúng ta nói tới.
Mức nhiệt độ lý tưởng
Tùy theo CPU đang sử dụng mà bạn có thể tìm cho mình một bộ tản nhiệt CPU thích hợp đáp ứng được “điều kiện đủ“. Không phải chỉ có những bộ tản nhiệt “xịn” có mức giá đến vài triệu đồng mới là tốt, nếu CPU của bạn không tỏa quá nhiều nhiệt như Pentium G5400, Core i3 8100… Thì một bộ tản nhiệt tầm trên dưới 500 nghìn đồng đã là đủ dùng rồi.
Về mức nhiệt độ lý tưởng thì tùy vào bản chất của từng CPU mà chúng có những giới hạn nhiệt độ khác nhau, tuy nhiên chúng ta vẫn có một form đánh giá chung như sau (với điều kiện CPU full load trong thời gian dài):
- Dưới 55 độ C: Rất mát.
- Từ 55 đến 65 độ C: Khá mát.
- Từ 65 đến 75 độ C: Chấp nhận được.
- Từ 75 đến 85 độ C: Nóng.
- Trên 85 độ C: Nên tìm giải pháp tản nhiệt khác.
*Lưu ý: Mặc dù CPU là linh kiện cực kỳ “trâu bò” nhưng bạn vẫn nên giữ CPU ở mức nhiệt độ dưới mức 75 độ C để đảm bảo độ bền linh kiện về lâu dài.
Một bộ tản nhiệt có thể xem là phù hợp với CPU khi nó có thể giữ được mức nhiệt độ của CPU cao hơn khoảng trên dưới 40 độ C so với nhiệt độ không khí đầu vào. Ví dụ nhiệt độ môi trường khoảng 25 độ C với điều kiện hoàn toàn thoáng khí thì nhiệt độ tối đa của CPU ổn định ở mức dưới 65 độ là ổn. Nếu bạn là dân ép xung hoặc đơn giản là muốn CPU của bạn phải mát hơn nữa thì bạn có thể hướng đến những biện pháp tản nhiệt tốt hơn.
Quạt tản nhiệt (Fan)
Quạt tản nhiệt được gắn trên case không phải chỉ là để cho đẹp. Nếu chúng không mang lại tác dụng thực tế thì chúng ta đã không phải mất tiền đầu tư rồi. Có thể bạn chưa biết nhưng đối với những dàn PC sử dụng tản nhiệt khí thì dàn quạt tản nhiệt đóng vai trò rất quan trong đấy.
Hỗ trợ trao đổi khí
Một chiếc case chỉ được trang bị tản nhiệt PC là chưa đủ. Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi một chiếc case đang hoạt động bị đóng kín mà không có sự hỗ trợ của quạt tản nhiệt?
Nhiệt lượng sẽ liên tục được khuếch tán ra môi trường xung quanh thông qua bộ tản nhiệt của CPU, VGA và PSU và sẽ chỉ lưu chuyển quanh quẩn trong case. Lúc này thì dàn PC của bạn sẽ tương tự như một cái lò nướng, nhiệt lượng không ngừng được “bơm” vào không khí, trong khi đó thì sự trao đổi khí là cực kỳ hạn chế và hoàn toàn bị động. Sự trao đổi nhiệt với môi trường chủ yếu chỉ diễn ra thông qua thành của case mà thôi. Không khí trong case sẽ trở nên rất nóng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ bền linh kiện.
Giả sử như bộ tản nhiệt của bạn có thể giữ mức nhiệt độ của CPU ở mức cao hơn nhiệt độ dòng khí đầu vào 40 độ, với mức nhiệt độ không khí đầu vào là khoảng 30 độ thì CPU của bạn sẽ có mức nhiệt độ là 30 + 40 = 70 độ C, đây là một mức có thể tạm chấp nhận được. Vậy nếu dàn case bị đóng kín mà không có sự trao đổi khí thì sao?
Nếu nhiệt độ dòng khí trong case của bạn là khoảng 45 độ C và bộ tản nhiệt hút trực tiếp nguồn khí này thì nhiệt độ CPU của bạn sẽ nằm ở khoảng 45 + 40 = 85 độ C, đây là ngưỡng nhiệt độ đáng báo động. Trong trường hợp này thì vài chiếc quạt tản nhiệt được sắp xếp thông minh sẽ đem lại hiệu quả cực kỳ rõ ràng.
Một chiếc case được trang bị quạt tản nhiệt sẽ mang đến cho bạn một giải pháp tản nhiệt hoàn hảo. Trong khi các bộ tản nhiệt của CPU và VGA cùng các linh kiện khác phát tán nhiệt lượng ra không khí trong case thì hệ thống quạt sẽ không ngừng làm mới lượng không khí đó, chủ động tạo ra áp suất để nạp khí mới vào trong và tống khí cũ ra ngoài, giúp cho PC của bạn luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất.
Ý nghĩa của hệ thống tản nhiệt
Nếu đã đọc đến đây thì có lẽ bạn cũng đã nắm được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của hệ thống tản nhiệt đối với PC rồi. Một hệ thống tản nhiệt tốt phải có sự phối hợp, tương hỗ giữa tản nhiệt CPU và dàn fan để mang nhiệt lượng từ CPU và các linh kiện khác ra ngoài môi trường, đồng thời không ngừng thay mới nguồn khí trong case, giúp PC luôn hoạt động ổn định và bền bỉ.
Một dàn PC không được trang bị hệ thống tản nhiệt thích hợp cũng giống như việc bạn phải ngồi trong một căn phòng kín mà không có quạt máy hay điều hòa giữa trưa Hè nóng nực vậy, không phải không thể sống được nhưng chắc chắn sẽ cực kỳ khó chịu.
GEARVN (Axium Fox)
*Quảng cáo nhẹ: Nếu bạn đang có ý định thay thế, nâng cấp hay đầu tư hệ thống tản nhiệt mới cho dàn PC của mình thì bạn có thể tham khảo những đường link sau đây nhé!