Bạn có từng thắc mắc vì sao một ứng dụng cực kỳ nổi tiếng như MSI Afterburner lại có một cái tên dài ngoằng, khó hiểu và một biểu tượng chiếc máy bay không mấy liên quan không? Nó là một câu chuyện tuy ngắn thôi nhưng đầy thú vị.
Có thể bạn chưa biết nhưng “afterburner” về gốc là một thuật ngữ của ngành hàng không, ai chơi game lái máy bay dạng mô phỏng nhiều thì sẽ biết, ý nghĩa của từ này nếu muốn hiểu cho trọn vẹn thì chắc chắn sẽ không thể nào nói hết trong một bài viết đâu, cho nên mình sẽ nói một cách ngắn gọn và bình dân thôi nhé. Nếu bạn muốn mình viết một bài chi tiết về động cơ bản lực hay afterburner gì đó thì hãy để lại cmt để mình biết nhé.
Động cơ phản lực (loại turbojet) hoạt động bằng cách hút thật nhiều không khí vào, nén lại, trộn với nhiên liệu rồi đốt để không khí nóng lên và giãn nở ra gấp vài lần, sau đó luồng không khí nóng này sẽ được xả ra phía sau với tốc độ cực cao để tạo ra lực đẩy. Không khí thì có rất nhiều Oxy và một lần đốt như vậy không thể đốt hết được lượng Oxy đó.
Nếu cố đốt thêm nhiên liệu thì buồng đốt, các lá cánh quạt máy nén, các lá turbine và nhiều bộ phận khác sẽ không chịu nổi, thế nên người ta sẽ đốt nhiên liệu lần thứ 2 để tận dụng nguồn Oxy còn sót lại, đồng thời tăng sức mạnh động cơ. Và cái việc đốt nhiên liệu lần 2 đó người ta gọi là “afterburner”.
Quay trở lại với MSI Afterburner, bạn có thấy biểu tượng chiếc máy bay chiến đấu trên logo của nó chứ? Giờ thì bạn có thể hiểu vì sao nó lại là một chiếc máy bay chiến đấu mà khôn phải bất kỳ biểu tượng nào khác. Đối với ngành hàng không, chế afterburner sẽ giúp cho máy bay có gia tốc lớn hơn, đạt tốc độ cao hơn, leo cao nhanh hơn, lượn vòng nhanh hơn,… Còn đối với PC thì MSI Afterburner là ứng dụng có thể giúp bạn ép xung GPU để nó đạt hiệu năng cao hơn, ngoài ra ứng dụng này cũng giúp hiện FPS cũng như các thông số phần cứng khi chơi game một cách đơn giản.
Ứng dụng MSI Afterburner lấy tên từ chế độ afterburner của động cơ phản lực, vì thế nên nó cũng lấy biểu tượng của chiếc máy bay chiến đấu để ban có thể dễ dàng liên tưởng, chỉ đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên sau này thì từ “afterburner” trong “MSI Afterburner” còn trở nên nổi tiếng hơn cả nghĩa gốc của nó, khiến cho nhiều bạn không biết đến nguồn gốc của biểu tượng máy bay chiến đấy trong logo của MSI Afterburner. Thế nên mình mới viết bài này, hy vọng đã đem đến được cho các bạn những thông tin thú vị.
Axium Fox