Cái vụ 8-bit, 10-bit, FRC nói ra thì nó lằng nhằng lắm, khi mua màn hình anh em cần nắm rõ điểm này để tránh bị nhà sản xuất “qua mặt” nhé!

Đôi khi màn hình gaming được ghi thông số độ sâu màu rất khủng, lên đến 10-bit màu và có khả năng hiển thị lên đến 1.07 tỉ màu khác nhau. Tuy nhiên, khi mua được một chiếc màn hình như thế thì bạn cũng đừng vội mừng, nhiều khi nó là 8-bit + FRC đấy, không phải 10-bit thật đâu.

*Mình sẽ dùng ngôn ngữ bình dân một chút cho các bạn dễ hiểu nhé.

OK, không nói lòng vòng, hôm nay mình sẽ chỉ cho anh em sự khác biệt giữa các độ sâu màu khác nhau và nó có ý nghĩa gì đối với màn hình nhé, bắt đầu nào.

Độ sâu màu là gì?

Mỗi một pixel trên màn hình đều được cấu tạo từ 3 điểm màu gồm Đỏ – Xanh Lá – Xanh Dương. Tất cả những màu sắc mà bạn có thể nhìn thấy trên màn hình đều là do những điểm màu này phối hợp với nhau mà tạo thành, vì thế nên việc màn hình có thể tạo ra bao nhiêu màu sẽ phụ thuộc vào việc những điểm ảnh này có bao nhiêu sắc độ sáng tối khác nhau.

Đối với màn hình 8-bit, các điểm này sẽ có thể tạo ra 256 sắc độ sáng tối khác nhau, đối với màn hình 10-bit thì là 1024 sắc độ, 12-bit là 4096. Màn hình nào càng “nhiều bit” thì càng thể hiện được nhiều màu khác nhau. Cái “số bit” mà mình đang nói nãy giờ chính là độ sâu màu đấy, độ sâu màu càng lớn thì màn hình càng hiển thị được nhiều màu, nhiều sắc độ của màu.

Độ sâu màu có tác dụng gì với người dùng phổ thông?

Đối với dân thiết kế đồ họa thì màn hình có độ sâu màu lớn sẽ cho khả năng mô phỏng màu sắc sát với thực tế hơn, mang đến nhiều lợi thế cho họ. Tuy nhiên với người dùng phổ thông chỉ mua màn hình về giải trí, chơi game, xem phim, đọc manga các kiểu như mình thì độ sâu màu có tác dụng lớn nhất là nằm ở chỗ độ mượt khi chuyển từ sắc độ này đến sắc độ kia. Các bạn có thể nhìn mấy tấm hình dưới đấy cho dễ hình dung nhé.

Kết quả hình ảnh cho 8 bit vs 10 bit
Kết quả hình ảnh cho 8 bit vs 10 bit

*Những bức ảnh trên đây chỉ là ảnh minh họa cho dễ hiểu thôi nhé, màn hình 8-bit thật không “lởm chởm” đến vậy đâu.

Bạn thấy đấy, màn hình 10-bit cho sự chuyển đổi sắc độ chất lượng hơn rất nhiều so với màn hình 8-bit. Bây giờ thì thì biết độ sâu màu có tác dụng gì rồi nhé, đi chém gió với bạn bè được rồi đấy.

Về độ sâu màu của màn hình thì có 3 chuẩn thường gặp nhất

8-bit: Đây là độ sâu màu thường thấy nhất, thường thì những chiếc màn hình tầm trung trở xuống đều sẽ có độ sâu màu này. Nếu chỉ xem phim, chơi game bình thường thôi thì 8-bit đã là đủ để cho bạn trải nghiệm khá ổn rồi, lúc này thì bạn nên quan tâm đến những thứ khác như độ bao phủ màu, độ tương phản, tần số quét…

10-bit: Thường thì chỉ những chiếc màn hình và chuyên dụng hoặc cực kỳ cao cấp mới có có độ sâu màu đến mức này thôi. Màn hình 10-bit thật thường chỉ có trên những mẫu màn hình vài chục củ trở lên và bảng vẽ điện tử cao cấp mà thôi.

8-bit + FRC: Đây là thứ mà mình nói đến trên tựa bài, những ai chưa biết sẽ rất dễ bị các nhà sản xuất “lừa tình”. Có một số màn hình ghi thông số có thể hiển thị được đến 1.07 tỉ màu (tương đương màn hình 10-bit) nhưng độ sâu màu thì là 8-bit + FRC. Về cơ bản thì những chiếc màn hình này không có 10-bit thật, nó chỉ có 8-bit mà thôi nhưng công nghệ FRC sẽ “làm nhòe” sự chênh lệch sắc độ giữa các màu đi, làm cho khoảng chuyển màu trở nên mượt mắt hơn. Những chiếc màn hình 8-bit + FRC thường có giá cao hơn 8-bit và rẻ hơn 10-bit, nó không đỉnh được như 10-bit thật nhưng rõ ràng là vẫn ngon hơn 8-bit. Nếu bạn chỉ mua màn hình để giải trí thì hãy nhìn đến chúng nhé, không tệ chút nào đâu.


OK, hết bài


Vậy là mình đã dụ được các bạn đọc đến hết bài để biết được cái thứ gọi là “độ sâu màu” về cơ bản là cái gì, có tác dụng gì cũng như công nghệ FRC là gì. Hy vọng đã mang đến được cho các bạn những thông tin hữu ích và thú vị.