Bạn có để ý là những dàn máy vài trăm triệu, chạy nhiều card thường rất ít khi sử dụng nền tảng chipset phổ thông như Z370/390, X470/570 không? Thay vào đó thì người ta sử dụng nền tảng gọi là “HEDT”, nền tảng của những chiếc mainboard với chuẩn socket to đùng và những con CPU cực mạnh mà người bình thường chẳng bao giờ dùng hết. Nếu bạn thắc mắc tại sao lại như vậy thì hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé.

HEDT là gì?

Một dàn PC có Core i9 9900KS hay Ryzen 9 3950X đi kèm với một con RTX 2080 Ti chửa hẳn là đỉnh cao đâu, nó chỉ là đỉnh trong phân khúc người dùng phổ thông thôi, cao hơn nữa thì vẫn còn đấy. Và để đạt được đến cái “cảnh giới đấy” thì bạn nên bắt đầu từ việc tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “HEDT”.

HEDT là viết tắt của High-End Desktop. Đây là cụm từ để chỉ nền tảng PC cao cấp, tách biệt hoàn toàn với các nền tảng dành cho người dùng phổ thông. Những chiếc PC HEDT có chuẩn socket riêng, chipset riêng, chạy những con CPU mạnh nhất… Tất cả là để làm được những chuyện mà một dàn PC phổ thông không thể, trong đó có cả việc tối ưu cho chạy đa GPU. 2 nền tảng HEDT tiêu biểu nhất trong thời điểm hiện tại là X299 của Intel và Threadripper TRX40 của AMD.

Đa GPU và các công nghệ đa GPU

Bây giờ mà PC của mình đã có một con card thuộc hàng siêu khủng như RTX 2080, Titan RTX hay gì gì đó thì làm sao để mạnh hơn nhỉ? Câu trả lời là sắm thêm card mà gắn vào, càng nhiều card thì càng mạnh, đơn giản thế thôi. Và cái việc gắn nhiều card trong cùng một hệ thống người ta gọi chung là “đa GPU”, AMD và Nvidia đều có các công nghệ đa GPU của mình. Về cái này mình chỉ giải thích đơn giản cho anh em dễ phân biệt và gói gọn trong các dòng GPU chơi game thôi nhé.

Nvidia – SLI; NVLink

SLI là công nghệ giúp các GPU của Nvidia trong cùng một hệ thống hoạt động cùng với nhau. các GPU phải giống nhau hoàn toàn và được kết nối với nhau bằng “cầu SLI”. Cầu SLI này có nhiệm vụ giúp 2 GPU giao tiếp được để có thể phối hợp với nhau. SLI được giới thiệu từ năm 2004 và được sử dụng trên dòng Geforce đến thế hệ GPU Pascal.

SLI

NVLink cũng tương tự như SLI, cũng cần card giống nhau và cầu nối giữa 2 card, tuy nhiên nó tiên tiến và thông minh hơn. Cầu NVlink To hơn hẳn cầu SLI nên rất dễ phân biệt. Công nghệ NVlink được sử dụng trong dòng GPU Geforce từ thế hệ Turing.

NVLink

AMD – CrossFire

Đây là công nghệ đa GPU của AMD. Trong nhiều trường hợp nó không yêu cầu các GPU giống nhau, cũng không cần cầu nối giữa 2 card.

CrossFire

Giới hạn của các nền tảng chipset phổ thông

Có một điều mà bạn sẽ dễ dàng nhận thấy là các dàn PC tối ưu cho việc chạy đa GPU thường sẽ dùng nền tảng HEDT, vì sao vậy? Để giải trả lời cho câu hỏi này thì cách nhanh nhất là làm rõ việc vì sao người ta lại không dùng nền tảng phổ thông. Chúng ta sẽ lấy 2 nền tảng chipset cao cấp nhất dành cho người dùng phổ thông trong thời điểm hiện tại là Z390 của Intel và X570 của AMD để làm ví dụ.

Chipset khối z370 dagram
chipset amd gn

Để CPU và GPU có thể phối hợp với nhau thì chúng phải được kết nối với nhau bằng các làn PCIe. Như các bạn đều thấy thì CPU của cả 2 nền tảng trên có một điểm chung là sẽ dành riêng 16 làn PCIe của mình cho GPU. Điểm chung thứ 2 là chúng đều dùng 4 làm PCIe để liên kết với chipset. Liên kết giữa chipset và CPU này được Intel định danh là DMI (Direct Media Interface).

Đối với một dàn PC phổ thông, có 1 CPU và 1 GPU thì CPU và GPU sẽ liên kết với nhau bằng 16 làn PCIe riêng của CPU dành cho nó, tuy nhiên nếu bạn cắm đến con card thứ 2 thì mọi chuyện sẽ khác. CPU sẽ phải ngắt đôi 16 làn PCIe trực tiếp đến CPU đó ra để chia đều cho 2 con GPU, mỗi con 8 làn. Trong đa số trường hợp thì 8 làn PCIe vẫn là đủ. Tuy nhiên đối với các GPU cực mạnh như RTX 2080 Ti nó vẫn có thể sẽ bị nghẽn nhẹ trong một số trường hợp nhất định.

Để cho nó rõ ràng hơn thì chúng ta sẽ nhìn qua cấu hình cổng PCI Express của CPU hỗ trợ của các nền tảng chipset trên nhé

  • Z390: x16, 2×8, x8/x4/x4
  • X570: x16, x8/x8

Và đó chỉ là trong trường hợp lý tưởng thôi. Trên thực tế là có nhiều mẫu mainboard chỉ nối một khe PCIe với các làn PCIe của CPU thôi, số khe PCIe còn lại họ nối với chipset. Thế là con card thứ 2 của bạn tuy sẽ vẫn chạy nhưng nó không liên kết trực tiếp với CPU mà thông qua kết nối DMI, tương đương 4 làn PCIe và phụ thuộc vào băng thông của kết nối này. Rõ ràng là nền tảng phổ thông đúng là vẫn chạy đa GPU được nhưng nó không thực sự tối ưu, cho dù là bạn có đang chạy con CPU xịn nhất trên nền tảng phổ thông cũng vậy.

Hiện nay phần lớn các mẫu mainboard phổ thông đều chỉ hỗ trợ chạy CrossFire đến 3 card và SLI/NVLink đến 2 card mà thôi, nếu muốn nhiều hơn nữa thì bạn bắt buộc phải lên đến HEDT.

Sức mạnh của HEDT trong việc chạy đa GPU

Mình sẽ mang sơ đồ của 2 nền tảng chipset HEDT tiêu biểu hiện nay của Intel và AMD cho các bạn dễ xem nhé.

Trên TRX40, chúng ta có đến 48 làn PCIe 4.0 cho các khe PCIe được nối trực tiếp với CPU và thêm 2×4 làn nữa có thể tùy chọn. X299 cũ hơn nên theo lẽ thường cũng khiên tốn hơn nhưng bạn cũng vẫn có đến 44 làn PCIe 3.0. Những làn PCIe này mở ra một ngưỡng sức mạnh mới mà những dàn CPU bình thường vốn không thể chạm đến được.

Cấu hình cổng PCI Express của CPU hỗ trợ của các nền tảng chipset HEDT:

  • X299: x16, x16/x16, x16/x8/x8 
  • TRX40: x16, x16/x16, x16/x8/x16, x16/x8/x16/x8

Chỉ có nền tảng HEDT mới có thể giúp những hệ thống đa GPU hoạt động tốt nhất mà thôi. Vì HEDT vốn được sinh ra là để làm được những chuyện như thế.