Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu vì sao SSD dung lượng càng lớn chạy càng nhanh nhé

Tương tự đa số các mặt hàng trên thị trường, bạn trả nhiều tiền hơn để mua SSD dung lượng lớn hơn. Tuy nhiên, điều này chưa hoàn toàn là đúng các bạn ạ. Lý do là vì nếu các bạn để ý sẽ thấy cùng 1 mẫu SSD, hiệu năng của ổ có dung lượng cao thường sẽ nhỉnh hơn so với ổ có dung lượng thấp. Đây không phải là chiêu trò của hãng SSD để dụ người dùng mua phiên bản dung lượng lớn đâu các bạn ạ. Lý do thì cũng đơn giản thôi, mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu ngay bên dưới nhé.

SSD dung lượng lớn có hiệu năng cao hơn dung lượng nhỏ là do bản chất của nó như vậy

Đối với HDD truyền thống, dữ liệu được lưu trên các phiến đĩa, bên cạnh đó là một cái đầu kim liên tục di chuyển để trích xuất các dữ liệu trên phiến đĩa đó. Vì cơ chế hoạt động này, HDD truyền thống chỉ có thể đọc/ghi dữ liệu ở 1 vị trí trên phiến đĩa tại 1 thời điểm mà thôi (tùy vào cái đầu kim đang nằm ở đâu).

Ngược lại, SSD lưu dữ liệu trên các môđun NAND flash nên nó không có linh kiện nào cần phải “cục cựa” cả (vì thế nên nó mới được gọi là ổ cứng thể rắn). Do đó, bộ điều khiển (controller) trên bo mạch SSD có thể truy cập song song nhiều môđun NAND flash cùng 1 lúc. Thế nên càng nhiều môđun NAND flash thì tốc độ truy xuất dữ liệu càng nhanh. Và để tăng dung lượng SSD, cách dễ nhất là gắn thêm môđun NAND flash cho chiếc SSD đó. Kết quả là SSD dung lượng càng lớn thì tốc độ càng nhanh, đơn giản là vậy thôi các bạn ạ.

Vậy tại sao SSD dung lượng thấp lại không gắn nhiều môđun cho nó nhanh?

Đến đây, nhiều bạn sẽ thắc mắc vậy tại sao đối với SSD dung lượng thấp, thay vì gắn ít môđun NAND flash dung lượng lớn, tại sao các hãng họ lại không gắn nhiều môđun NAND flash dung lượng nhỏ để cải thiện hiệu năng SSD? Đó là vấn đề của việc tối ưu chi phí các bạn ạ.

Trong khâu sản xuất SSD, nó có một “sweet spot” (tạm dịch: điểm ngọt) về tương quan giữa dung lượng của 1 môđun NAND flash với chi phí để sản xuất ra nó. Silicon thì không đắt, nhưng chi phí vận hành nhà máy sản xuất môđun NAND flash và tiền lương cho nhân viên tại nhà máy đó thì lại không hề rẻ. Nếu dung lượng quá thấp, cơ bản thì nhà máy và nhân viên vẫn phải làm nhiêu đó việc để tạo ra môđun có giá thành rẻ hơn, nhưng giá trị mà nó mang lại thì không cao bằng môđun dung lượng lớn hơn.

Lấy ví dụ thực tế thì tại thời điểm bài viết, 1 ly Starbucks Caramel Macchiato có giá là 80.000 VNĐ cho ly Tall dung tích 12 oz, tức 1 oz có giá tầm 6.700 VNĐ. Trong khi đó, ly Venti dung tích 20 oz có giá 90.000 VNĐ, tức 1 oz chỉ 4.500 VNĐ mà thôi. Cơ bản là vì ly lớn hay nhỏ gì thì bạn nhân viên pha chế cũng phải làm y hệt các công đoạn đó, chỉ khác một chút là thêm lượng nguyên liệu mà thôi. Do đó ly Venti sẽ có giá trị cao hơn, hay dân công nghệ mình gọi quen là nó có “p/p” cao hơn ấy.

SSD dung lượng thấp không có nghĩa là rùa bò, nhưng SSD dung lượng cao sẽ có ưu thế chạy nhanh hơn

Nói như vậy không có nghĩa là SSD nhỏ thì chạy chậm rì đâu các bạn ạ. Hiệu năng của SSD còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ, chẳng hạn như chất lượng bộ điều khiển, công nghệ tạo ra môđun NAND flash, vân vân. Mấu chốt ở đây là SSD dung lượng nào cũng sẽ có hiệu năng tương xứng với nó, nhưng nếu bạn có thể bỏ thêm một chút tiền để lấy phiên bản dung lượng lớn hơn thì sẽ có thêm tốc độ cao nữa. Ngoài ra, SSD lớn thường sẽ có tuổi thọ cao hơn do các môđun NAND flash bên trong sẽ không bị truy xuất nhiều như là môđun của SSD nhỏ (vì có ít môđun hơn).

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: How To Geek; Lifehacker; Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360