Trên đe dưới búa, Cascade Lake-X có lẽ là nền tảng gặp nhiều khó khăn nhất từ trước đến nay của Intel.

Vừa qua thì mình có thời gian trải nghiệm bộ combo Core i9-10900X kết hợp với bo mạch chủ MSI Creator X299, đây là nền tảng HEDT (máy tính hiệu năng cao) mới nhất của Intel. Hiệu năng công bằng mà nói là khá ổn, thậm chí với mức giá chỉ bằng phân nửa thế hệ trước thì về phương diện nào đó cũng có thể xem là kèo thơm. Quả thực thì Cascade Lake-X rất hấp dẫn nếu như bạn chỉ xét nội bộ CPU Intel, nhưng nền tảng này lại lâm vào thế khó khi bị mắc kẹt giữa 2 nền tảng cực kỳ ấn tượng của AMD là Ryzen thế hệ 3 và Threadripper thế hệ 3. Vậy đâu là lối thoát dành cho Intel Cascade Lake-X, trong hằng hà sa số người dùng trên thế giới thì liệu bộ combo này sinh ra dành cho ai?

Nâng cấp đáng kể nhất của Cascade Lake-X là ở hiệu năng khi chạy các ứng dụng AI, nhưng điều này không dành cho tất cả mọi người

Đầu tiên có một sự thật khá phũ là ngay cả mình và có lẽ đa số các bạn đọc bài viết này đều sẽ không thể tận dụng được tính năng quan trọng nhất của của Intel Cascade Lake-X nói chung và cụ thể là Core i9-10900X: tăng tốc hiệu năng khi xử lý các tác vụ liên quan đến AI. Đây có thể nói là sự khác biệt lớn nhất giữa Cascade Lake-X và thế hệ trước Skylake-X, tiếc là không phải ai cũng có thể tận dụng được. Tầm quan trọng của AI thì chắc không cần phải giới thiệu nhiều bạn nhỉ, nó đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống từ những phần mềm mà bạn dùng hằng ngày trên smartphone cho đến cao siêu hơn là các hệ thống xe tự hành, nhà máy tự động hoá,… Thậm chí công nghệ AI hấp dẫn đến mức mà cách đây không lâu hãng VIA cũng bất ngờ “sống dậy” nhảy vào cuộc đua CPU với bộ xử lý tích hợp nhân AI chuyên dụng. 

Quay về với những con người bình thường thường không có nhu cầu phát triển AI mà chỉ quan tâm đến việc sử dụng dụng nó, Cascade Lake-X mất đi con át chủ bài nên lâm vào tình thế hơi khó khăn. Trước hết xét riêng về nội bộ của Intel, Core i9-10900X là bản nâng cấp của Core i9-9900X vẫn giữ nguyên 10 nhân 20 luồng nhưng xung nhịp tăng nhẹ từ 3.5 Ghz (boost 4.5 GHz) lên 3.7 GHz (Boost 4.7 GHz) và hỗ trợ dung lượng bộ nhớ tối đa từ 128 GB lên 256 GB. Số lượng làn PCIe cũng tăng từ 44 lên 48 làn, giúp bạn thoải mái hơn trong việc mở rộng thêm các thiết bị ngoại vi và lưu trữ tốc độ cao. Những điều quan trọng nhất là giá giảm gần một nửa, với Core i9-10900X chỉ 590 USD so với 989 USD của Core i9-9900K. Nội bộ với nhau thì rõ là kèo thơm đấy, nhưng mọi chuyện phức tạp hơn khi đội đỏ vào cuộc.

Với mức giá 590 USD, Core i9-9900K sẽ phải đối đầu “gián tiếp” với AMD Ryzen thế hệ 3 và lẫn hơn là Threadripper thế hệ 3. Sở dĩ gián tiếp là vì thực tế nền tảng HEDT hướng đến các bạn làm công việc sáng tạo nên lấy Ryzen thế hệ 3 mà đọ thì hơi sai trái, về hiệu năng thuần thì Ryzen 9 3900X rõ là kèo thơm hơn nhưng nền tảng hỗ trợ sáng tạo không tối ưu bằng. Trong khi đó Threadripper thế hệ 3 có giá khởi điểm đến 1400 USD với Ryzen RT 3960X 24 nhân 48 luồng, cao hơn nhiều so với Cascade Lake-X nên đội đỏ áp đảo là chuyện bình thường. Trên thực tế thì Intel khéo léo né cả kèo trên lẫn kèo dưới, ngặt nỗi nằm ở giữa thì lại khiến cho người dùng càng nên bối rối liệu đây có phải là sản phẩm dành cho mình hay không.

Benchmark hiệu năng

Trước khi đi sâu hơn thì chúng ta sẽ thử xem liệu combo Core i9-10900X và MSI Creator đem đến mức hiệu năng như thế nào nhé. Dàn máy thử nghiệm của mình sử dụng có cấu hình như sau:

  • CPU: Intel Core i9-10900X
  • Bo mạch chủ: MSI Creator X299
  • Tản nhiệt: Corsair Hydro H100i Pro 
  • Card màn hình: Nvidia RTX 2060 
  • RAM: 2 x 8 GB Kingmax Zeus DDR4-3200
  • SSD: 1 TB Corsair MP500
  • PSU: FSP Hydro G 850 W
  • Hệ điều hành: Windows 10 1909

3Dmark

3Dmark là công nghệ chuyên đánh giá về hiệu năng dựng 3D của card (chủ yếu là để chơi game) nên không có gì bất ngờ khi điểm tổng bị hạn chế nhiều bởi RTX 2060, nhưng Core i9-10900X vẫn đạt được điểm số 8262 khá tốt ở mục CPU.

PCMark 10

6045 điểm trong bài test PCMark 10 cho thấy Core i9-10900X vẫn đáp ứng được tốt yêu cầu của những bạn chuyên sáng tạo nội dung, dựng video và đồ họa. 

Cinebench

Cinebench là phần mềm đánh giá khả năng dựng hình (render) của CPU, nếu bạn dùng máy để làm đồ hoạ 3D hay dựng phim thì có thể dựa vào đây là để thước đo. 5588 điểm đa nhân và 467 điểm đơn nhân nhìn chung là ổn nhưng cũng không gây bất ngờ. 

Corona

Corona được thiết kế để hỗ trợ cho các phần mềm chuyên nghiệp như 3ds Max hay Maya nhằm mô phỏng quang học thông qua công nghệ ray tracing. Core i9-10900X hoàn tất bài test trong vòng 1 phút 29 giây (89 giây).

Blender


Blender là phần mềm đồ hoạ 3D phổ biến dùng để tạo mô hình 3D cũng như mô phỏng các hiệu ứng chuyển động. Bài thử của ứng dụng này sử dụng mô hình xe BMW27 và phòng học để thử thách khả năng dựng hình của CPU, và Core i9-10900X cần 11 phút 8 giây để vượt qua tất cả.

Nếu xét về mặt hiệu năng thuần, Core i9-10900X có thể nói là khá thất vọng ngay cả khi so với “cửa dưới” Ryzen 9 3900X và chỉ ăn được gà nhà Core i9-9900K. Bù lại Core i9-9900K nhờ tối ưu xung nhịp từng nhân nên đến thời điểm hiện tại nó vẫn là CPU tốt nhất dành cho gaming, hoạ may chỉ thua phiên bản giới hạn Core i9-9900KS mà thôi. Trong khi đó Core i9-10900X trên giấy tờ không có gì quá ấn tượng nhưng thực tế thì nó có lợi thể rất mạnh nhờ sự ổn định của nền tảng X299.

Core i9-10900X sử dụng nền tảng chipset X299 vốn nổi tiếng nhờ sự ổn định, nhiều lựa chọn bo mạch chủ từ trung đến cao cấp

Trên thực tế thì ngoài việc nâng cấp hiệu năng xử lý cho các ứng dụng AI, Cascade Lake-X giống như một bản Refresh của Skylake-X với hiệu năng thuần không thay đổi và mức giá giảm hơn phân nửa. Kiến trúc Skylake-X thì có lẽ không phải giới thiệu nữa rồi, với độ ổn định đã được công nhận theo thời gian cùng rất nhiều lựa chọn về phụ kiện cũng như bo mạch chủ đến từ các đối tác. 

Sự thật là mình cũng không kỳ vọng gì nhiều vào hiệu năng của Core i9-10900X và kết quả benchmark cũng đã phản ánh được tất cả, nhưng thực tế thì chipset X299 vẫn là một nền tảng mạnh về tính ổn định cũng như khả năng tùy biến cao dựa vào kinh phí của người dùng. Điển hình như bo mạch chủ MSI Creator X299 hứa hẹn sẽ đem đến cho người dùng nhiều tính năng thú vị cũng như sự ổn định khi thực hiện các dự án mà mình mong muốn.

Có thể thấy được là các bo mạch chủ X299 thế hệ mới hướng đến người sáng tạo nội dung thay vì đối tượng game thủ, vì vậy tổng thế thiết kế khá “đầm” dù rằng MSI vẫn tích hợp vài cái đèn cho có màu. 

Đổi lại hệ thống pha nguồn thiết kế cực ngon, MSI Creator X299 sử dụng 12 pha 90A kỹ thuật số để cấp nguồn cho CPU thông qua đến 3 cổng 8 pin (phần lớn bo mạch chủ hiện nay chỉ có 2 cổng). Điều này giúp đảm bảo sự ổn định về nguồn điện cấp cho CPU, đồng thời hỗ trợ ép xung tối đa trong trường hợp bạn cần mức hiệu năng cao nhất có thể. 

Như truyền thống thì MSI cũng tích một số profile ép xung sẵn, bạn có thể kích hoạt bằng núm vật lý ngay trên bo mạch hoặc điều chỉnh trong BIOS. Những profile này dĩ nhiên sẽ không tối ưu như bạn tự điều chỉnh nhưng nếu dân không chuyên thì đây vẫn là một sự lựa chọn không tồi để cải thiện hiệu năng (không đảm bảo 100% CPU nào cũng xài được đâu bạn nhé).

4 khe PCIe 16x được gia cố bọc thép hỗ trợ SLI và Crossfire 4 card cùng 3 khe M.2 cho phép mở rộng lưu trữ được tích hợp ngay trên bo mạch chủ.

Đã vậy MSI còn kèm theo card mở rộng M.2 Expander AERO, bổ sung thêm 4 khe M.2 nữa cho SSD. Nói chung thì nếu tiền không phải là vấn đề, khả năng mở rộng của lưu trữ của MSI Creator X299 chắc chắn sẽ làm ngay cả những người dùng khó tính nhất cũng phải hài lòng. Một lưu ý là  M.2 Expander AERO tương thích với chuẩn PCIe 4.0 mới nhất, tuy nhiên do nền tảng X299 chỉ hỗ trợ PCIe 3.0 nên bạn chưa thể khai thác hết được khả năng của nó (nói thế chứ tốc độ cũng khá là chóng mặt rồi, không phải dạng vừa đâu).

Về kết nối thì MSI Creator X299 vẫn sở hữu đầy đủ các món ăn chơi như Dual LAN (Intel Gigabit + Aquantia 10 Gigabit), Intel Wifi 6. Điều thú vị là do chipset X299 có phần hơi “lỗi nhịp” về USB khi chỉ hỗ trợ 4 USB 3.2 Gen 1 và 6 USB 2.0 nên MSI đã quyết định tích hợp thêm không chỉ 1 mà đến 3 chipset từ ASMedia. Cụ thể toàn bộ 7 USB 3.2 gen 1 Type A (màu đỏ) phía sau bo mạch đều được quản lý bởi chup ASMedia ASM1074, còn cổng USB-C là chuẩn 3.2 gen 2×2 mới nhất hiện nay với tốc độ lên đến 20 Gbps được quản lý bởi chip ASMedia ASM3242. Ngoài ra còn 1 cổng nội bộ USB-C 3.2 gen 2 trên bo để nối dài được quản lý bởi chip ASMedia ASM3142. 

Thật lòng mà nói thì Core i9-10900X có thể không gây ấn tượng về hiệu năng nhưng rõ ràng là các đối tác của Intel như MSI đã làm rất tốt về phương diện nền tảng. Trừ việc không hỗ trợ PCIe 4.0 do giới hạn của chipset, MSI Creator X299 là một bo mạch chủ cực ngon được trang bị tận răng để phục vụ cho người làm nội dung. Bạn có thể thấy rằng phần lớn các khuyết điểm của chipset X299 cũ kỹ đều được hãng khắc phụ bằng cách này hay cách khác, thậm chỉ bổ sung thêm chip điều khiển để bổ sung những cổng kết nối xịn nhất như USB 3.2 gen 2×2. 

Core i9-10900X dành cho các bạn muốn có một dàn máy ổn định dành cho việc sáng tạo nội dung mà chi phí không quá cao

Vâng, bài này thiệt tình là đã quá dài, trình bày vậy là đủ thôi chúng ta đi đến phần kết vậy. Về mặt hiệu năng thì quả thật là Core i9-10900X không gây ấn tượng gì nhiều nếu như bạn không tận dụng được nó trong các tác vụ liên quan đến AI, nhưng điểm sáng là nó được sự hậu thuẫn rất tốt của các hãng thứ 3, đặc biệt là về phương diện bo mạch chủ. Thế hệ bo mạch chủ X299 đời mới như MSI Creator X299 đem đến cho chúng ta rất nhiều tính năng mới bên cạnh sự ổn định vốn đã trở thành thương hiệu của Intel, độ hoàn thiện cũng như tương thích thì không cần phải bàn cãi nhiều. 

Bên cạnh đó mức giá để đầu tư cho cả dàn máy ít nhiều cũng có phần lợi thế cho Intel Cascade Lake-X nhờ sử dụng socket 2066 cũ nên vẫn tương thích với bất kỳ bo mạch chủ nào sử dụng chipset X299 nào trên thị trường. Chúng ta có những dòng khá bình dân như MSI X299 Pro giá chỉ từ 6,5 triệu đồng cho đến những dòng đỉnh như MSI Creator X299 mà mình dùng trong bài viết này giá dự kiến vào tầm 16 triệu là có đầy đủ món ăn chơi. Trong khi đó Ryzen thế hệ 3 thì giá bo mạch chủ cũng không hề mềm và bị hạn chế ở bộ nhớ Dual Channel (X299 và là Quad Channel) và chỉ có 16 làn PCIe cho card đồ hoạ.

Về tổng thể thì Intel Cascade Lake-X vẫn là một nền tảng tốt phục vụ cho công việc sáng tạo, phù hợp với các bạn thích sự ổn định của HEDT nhưng chưa đủ chi phí để lên Threadripper thế hệ 3. Dù vậy bất chấp sự hỗ trợ hết mình của các hãng sản xuất bo mạch chủ, Intel có lẽ nên để kiến trúc Skylake và tiến trình 14 nm yên nghỉ trước khi bị người tiêu dùng ngoảnh mặt.